Tết Canh Tý năm 1960, mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia trồng cây tại công viên hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất), từ bấy đến nay và mãi mãi về sau, Người đã cho chúng ta thêm một mùa xuân mới giàu ý nghĩa nhân văn.
"Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" chính là việc "loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa để làm sôi động cuộc sống của tạo hóa, của con người". Bác Hồ chỉ rõ "Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân". "Như vậy trồng cây không tốn kém mà lợi ích rất nhiều".
Phong trào Tết trồng cây đã lan nhanh từ đô thị đến nông thôn, người người thi đua "ta trồng cây cho ta và cho cả miền Nam nữa" như lời Bác dạy. Và phong trào ấy đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.
Lợi ích là vậy, hiệu quả là thế, ai ai cũng biết thế nhưng trên thực tế có không ít vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng đã có lúc chúng ta chạy theo phong trào, trồng thật nhiều cây mà không nghĩ đến chăm sóc, để rồi năm tháng trôi qua, màu xanh vẫn chỉ xanh mơ ước? Rõ ràng đã có lúc cốt lấy việc phủ xanh làm trọng mà chúng ta quên mất công năng của từng loại cây, nên nỗi xà cừ nông rễ tràn khắp phố kéo theo vô vàn hệ lụy mỗi độ bão về. Rồi hoa sữa phủ rất nhiều con đường gắt nắng để rồi thứ hoa lãng mạn mỗi độ cuối thu đầu đông trở thành nỗi ám ảnh, nhiều nhà mặt phố phải đóng cửa im ỉm để tránh mùi hoa, kết quả là phải nhổ bớt đi thay cây khác. Thực tế hết thảy đều có thể cảm nhận, màu xanh ngày càng hiếm trên các khu đô thị mới. Không khí nóng bức hầm hập không chỉ bao trùm phố thị, những vùng nông thôn xưa mướt mát tre làng giờ cũng trở nên ngột ngạt bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh.
Đáng nói hơn, như một nghịch lý, mỗi dịp Tết đến Xuân về ở mỗi thôn, xã... đâu đâu cũng phát động phong trào trồng cây, nhưng diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Cho đến hôm nay, chúng ta chỉ còn khoảng 10,9 triệu hécta rừng. Như vậy tỷ lệ diện tích rừng bình quân của Việt Nam mới đạt 0,14 ha/người, (bình quân chung của thế giới là 0,97 ha/người), chức năng phòng hộ và cung cấp sản vật của rừng Việt Nam đang giảm sút rõ rệt. Chúng ta hiểu rõ hơn ai hết tác hại của việc mất rừng. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa X đã ra nghị quyết về việc trồng mới 5 triệu hécta rừng trong thời gian từ năm 1998 đến 2010, đưa tỷ lệ che phủ lên trên 40% diện tích cả nước, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển ngành chế biến lâm sản, góp phần xóa đói giảm nghèo... Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được huy động cho dự án này, thế nhưng đến nay, kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy cả chất lượng và tiến độ đều đạt kết quả rất thấp.
Và gần đây nhất, dịp Xuân Canh Dần, chúng ta đã phải chứng kiến một vụ cháy rừng thảm khốc nhất trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai kể từ 39 năm trở lại đây. Mặc dù hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ quân đội đã phối hợp với các lực lượng chức năng quần quật chiến đấu với giặc lửa trong dịp Tết Nguyên đán này, nhưng 1.700ha rừng đã bị thiêu trụi. Cũng trong thời điểm này, tại thành phố Đà Lạt đã xảy ra hai đám cháy thiêu đốt 5,2ha rừng... Rừng Việt Nam đang chảy máu. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt nhất của biến đổi khí hậu và thực tế bão tố, lốc xoáy đã gây ra vô vàn đau thương và thiệt hại trên mảnh đất hình chữ S này suốt những năm qua.
Cho đến lúc này có thể khẳng định, lời dạy của Bác Hồ về lợi ích trồng cây và ý nghĩa của Tết trồng cây còn vẹn nguyên ý nghĩa. Càng thấm thía lời dạy của Người, chúng ta càng ý thức rằng trước những thách thức mới của thiên nhiên, việc trồng cây, gây rừng phải trở thành một chiến lược của đất nước. Việc bảo vệ cây, bảo vệ rừng phải trở thành ý thức thường trực trong mỗi người dân. Trước mắt chúng ta phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu trồng 5 triệu hécta rừng. Và đã đến lúc cần tính toán một cách khoa học để từng loại cây, từng loại rừng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; để rừng Việt Nam không chỉ là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" mà còn thật sự là công cụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Có như vậy, Tết trồng cây mới thật sự có ý nghĩa đối với mỗi người dân nước Việt.
(Nguồn: Hà Nội mới)