An Giang đẩy lùi suy thoái trong Đảng
Đổi mới lề lối làm việc, xây dựng đạo đức công vụ, tác phong phục vụ nhân dân trong CB, ĐV, CC, VC.
Trải qua chặng đường 10 năm, từ Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ, chính quyền, người dân An Giang nói riêng. Thực tiễn cho thấy “tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác” đã trở nên gần gũi với mỗi người. Sự thẩm thấu tự nhiên, tự giác đã làm thay đổi nhận thức và hành động của nhiều tổ chức, cá nhân, từng ngày, từng năm và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần đưa nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào cuộc sống.

Kỳ 1: Từ nhận thức đến hành động

Trong quá trình mở cửa, đổi mới, với điều kiện kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực cơ bản, cũng có nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân. Nghiêm trọng nhất là trong Đảng xuất hiện tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, trở thành nguy cơ đối với chế độ ta nếu không được khắc phục kịp thời. Nhận thức sâu sắc các nguy cơ trên, nhằm đẩy lùi suy thoái trong Đảng, thời gian qua, An Giang đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và xem đây là “cẩm nang”, là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, để dân tin Đảng.

“Nói đi đôi với làm”

Theo đồng chí Lê Hồng Khâm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều này khẳng định Đảng ta xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, An Giang đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Kế hoạch thực hiện trong cả nhiệm kỳ và năm 2017 để các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện. Quán triệt tư tưởng “nói đi đôi với làm”, “nhận thức đạo đức, hành vi đạo đức” phải đi đôi, phải thể hiện tính Đảng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặt ra yêu cầu về nhận thức. Nhận thức phải đúng và đầy đủ sẽ làm nền tảng cho hành động đúng và tự giác. Nếu nhận thức không đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì không thể có sự tự giác làm theo.

 Trên cơ sở đó, từng địa phương, đơn vị đã lựa chọn nội dung công việc trọng tâm thực hiện, đồng thời tạo ra các phong trào thi đua trong việc học tập và làm theo Bác trong Đảng bộ, như: Đổi mới phong cách, tác phong gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, nói đi đôi với làm; xây dựng tinh thần đoàn kết…

Một số địa phương quy định mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ý thức trách nhiệm trong học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; những người thường xuyên tiếp xúc với dân phải luôn gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, quan tâm cách ứng xử và giao tiếp với dân, tập trung chăm lo đời sống Nhân dân…

Đặc biệt, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả, như: Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của Nhân dân; tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại của công dân (huyện Châu Phú đã giải quyết 145/145 trường hợp); kiềm chế tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa phương... Từ đó, đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết những vấn đề liên quan đến chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

“Trên trước, dưới sau”

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt, để phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy xác định nội dung đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 là sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo. Trong đó, chú trọng chọn việc trọng tâm, nổi cộm, bức xúc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là giải quyết khiếu kiện của người dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CB, ĐV, CC, VC).

Đồng thời, các cấp ủy cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Theo đó, trong lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện vai trò gương mẫu, có trách nhiệm, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức tốt. Gương mẫu ở đây là gương mẫu trong lời nói và cả trong việc làm, nhận thức và hành động, chuẩn mực đạo đức, kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh nhằm tác động đến từng cá nhân trong tập thể.

Song song đó, tiếp tục thực hiện Quy định số 101 ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là CB lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 55 ngày 19-12-2016 của Ban Bí thư về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CB, ĐV”, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 05, đa số các đồng chí đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác “học trước, làm theo trước”, thực hiện phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau” để nêu gương cho cấp dưới và CB, ĐV trong học tập và làm theo Bác.

Từ đó, CB, ĐV, CC, VC đều tự giác tu dưỡng, rèn luyện trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu nâng cao năng lực, hiệu quả công tác chuyên môn. Đồng thời, đề ra kế hoạch làm theo Bác bằng những việc cụ thể, thiết thực; khắc phục hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, tránh hình thức, các Chi, Đảng bộ đã lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại ĐV, tổ chức Đảng hàng năm. Nhờ đó, đa số CB, CC, VC đã đúc rút được một số kinh nghiệm, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác. Nhất là CB lãnh đạo chủ chốt đã nêu cao tính gương mẫu, đi đầu để cấp dưới học tập, noi theo trên hầu hết các mặt, các lĩnh vực, như: Ý thức chấp hành Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân được tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật; lấy phục vụ Nhân dân làm mục tiêu quan trọng nhất; có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh; có tác phong cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; khắc phục, ngăn ngừa bệnh thành tích, hình thức, phô trương; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

MINH ANH

Kỳ 2: Giải quyết vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm

Xác định việc giải quyết các vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm có ý nghĩa rất lớn đối với việc ổn định chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Theo đó, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh An Giang đã tăng cường tổ chức đối thoại giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân các phường, xã để lắng nghe, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cùng Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc

Châu Đốc là thành phố du lịch tâm linh, với 6 di tích nổi tiếng (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu…) thu hút trên 4 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, dù có hạn chế nhưng tình trạng ăn xin đeo bám, tăng phí dịch vụ, chèo kéo khách vẫn còn, nhất là khu vực Miếu Bà chúa Xứ núi Sam đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch tỉnh nói chung và Châu Đốc nói riêng. Xác định đây là vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm của địa phương. Trong năm 2017, Châu Đốc đã “mạnh tay”, tập trung giải quyết các vấn đề gây bức xúc tại địa phương.

Theo đó, đã tập trung xử lý triệt để các hành vi, đối tượng chèo kéo gây phiền hà cho du khách, mua bán có tính chất lừa đảo, trấn lột, hành vi bói toán, mê tín dị đoan, mua bán chim phóng sanh, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông… trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực phường Núi Sam. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch; lập lại trật tự đô thị; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; khắc phục, chấn chỉnh việc kinh doanh, niêm yết bán không đúng giá…

“Việc làm này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Châu Đốc từ những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất nhằm xây dựng hình ảnh một Châu Đốc xanh, sạch, đẹp, văn minh trong mắt người dân và để “níu chân” du khách. Song song đó, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư… Nhờ đó, trong năm 2015 và 2016, TP. Châu Đốc được UBND tỉnh xếp hạng nhất về chỉ số cải cách hành chính. Hiện địa phương có 4 dự án được triển khai, với số vốn trên 430 tỷ đồng (bằng cả giai đoạn 2010-2015)”- Đồng chí Lưu Vĩnh Nguyên, Bí thư Thành ủy Châu Đốc chia sẻ.

Song song đó, địa phương xác định rõ các nội dung, lộ trình cần làm ngay để triển thực hiện trong 2 năm (2016, 2017) và những năm tiếp theo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện tại chi bộ, cơ quan, đơn vị đảm bảo yêu cầu nội dung đề ra. Từng cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, việc thực hiện chuyên đề năm 2017, Châu Đốc chọn sự nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu làm nội dung đột phá trong việc “học tập” và “làm theo” Bác tiếp tục có nhiều chuyển biến, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân, đối với công việc được nâng lên.

Tăng cường đối thoại, lắng nghe dân

Để góp phần ổn định tư tưởng của người dân, tạo sự đồng thuận và chung sức với Đảng và chính quyền thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Long Xuyên và chính quyền thành phố chủ trương tổ chức 19 buổi đối thoại trực tiếp với Nhân dân và tiếp công dân định kỳ để lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

“Qua các buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân, với vai trò người đứng đầu, tôi đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, về cán bộ. Đồng thời, vận động, thuyết phục, ổn định tư tưởng và chăm lo các chính sách cho các hộ tiểu thương trong các vụ đi dời, tuyên truyền vận động sự ủng hộ của Nhân dân trong việc xây dựng hệ thống cống thoát nước và xử lý nước thải; xử lý có hiệu quả các vụ sai phạm  ở các khu dân cư tự phát… Kết quả, thành phố đã xử lý dứt điểm 118/149 vụ, đạt tỷ lệ 79,2%, không còn tình trạng khiếu nại kéo dài”- Đồng chí Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên cho biết.

Đạt được kết quả trên do Đảng bộ TP. Long Xuyên đã tập trung chỉ đạo đưa việc học tập và là theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, 100% các cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và hướng dẫn cụ thể cho toàn thể CB, CC, VC đơn vị mình. Với phương châm: “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá”, từng cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và 100% cán bộ, công chức đăng ký nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bám sát chức năng, nhiệm vụ được phân công. Từ đó, chất lượng, hiệu quả công việc đã từng bước nâng lên; mối quan hệ với Nhân dân chuyển biến tốt hơn; các đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm xuống đáng kể, lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương được cải thiện rõ nét.

“Thông qua việc “học tập” và “làm theo” Bác, đã mang lại nhiều kết quả trực tiếp, cụ thể, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với toàn thể CB, CC, VC. Đồng thời, tạo sự chuyển biến nhận thức giúp mỗi cá nhân mạnh dạn “tự soi, tự sửa” để ngày một hoàn thiện bản thân trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Quan trọng nhất là việc học tập các nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã kịp thời uốn nắn các biểu hiện sai trái, giải quyết những vấn đề bức xúc về tư tưởng, đạo đức của CB, ĐV và những vấn đề nổi cộm tại địa phương. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý những vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của CB, ĐV, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương”- đồng chí Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên cho biết.

MINH ANH

Kỳ 3: Kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”  

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 21 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017. Trong đó, trọng tâm là chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện chuyên đề năm 2017 gắn với nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị… Qua đó, đưa việc “học tập” và “làm theo” Bác ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu và mang lại những kết quả thiết thực, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi suy thoái, nâng cao tính tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong công việc, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân tốt hơn.

“5 xây, 5 chống”

Khẩn trương, nghiêm túc, gần gũi, nhiệt tình là cảm nhận chung của người dân khi đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận “Một cửa” của huyện Châu Thành. Anh Trần Văn Nhỏ (ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) nhận xét: “Trước đây, tôi rất ngại đi làm giấy tờ, thủ tục vì sợ chờ đợi, sợ bị đi tới đi lui. Nhưng khi đến đây làm TTHC tôi có “cái nhìn” khác hẳn vì thái độ, tác phong làm việc của các cán bộ (CB) ở đây rất lịch sự, tận tình, nhã nhặn, có việc gì chưa rõ là CB giải thích, hướng dẫn cặn kẽ. Việc giải quyết các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, công sức đi lại”.

“Đó là kết quả, sự chuyển biến rõ nét sau thời gian “học tập” và “làm theo” Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đổi mới phong cách thái độ tiếp công dân, không gây phiền hà cho dân của CB của bộ phận “Một cửa” nói riêng và CB, đảng viên (ĐV), công chức (CC), viên chức (VC) huyện Châu Thành nói chung”- đồng chí Phan Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành phấn khởi cho biết. Theo đó, nhằm xây dựng tác phong, ngôn phong, thể hiện văn hóa trong giao tiếp, tận tình và trách nhiệm phục vụ Nhân dân, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu dân, Huyện ủy Châu Thành đã phát động rộng rãi trong toàn Đảng bộ huyện thực hiện phương châm “5 xây, 5 chống”.

Sau khi phát động, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn các chi, đảng bộ cụ thể hóa thành những chỉ tiêu thực hiện gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình để làm cơ sở đánh giá hàng năm, chứ không phải phát động chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu” trên giấy. Cụ thể “5 xây, 5 chống” là: Xây tác phong quần chúng; xây tinh thần trách nhiệm; xây ý thức cần kiệm; xây tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương; xây nếp sống văn hóa; chống quan liêu, cửa quyền; chống lười biếng, vô cảm; chống tham ô, lãng phí, xa hoa; chống chia rẻ, bè phái, vô tổ chức kỷ luật và chống tệ nạn xã hội.

“Để đấu tranh, chống tệ nạn quan liêu, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ CB, ĐV, CC, VC, nhất là các cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với Nhân dân, năm 2017, Châu Thành lấy chủ đề: “Trách nhiệm, kỷ cương, hiệu quả”. Trọng tâm là nâng cao phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh cải cách TTHC. Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng; đổi mới lề lối làm việc, xây dựng đạo đức công vụ, tác phong phục vụ Nhân dân; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện phong cách “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”- đồng chí Phan Văn Cường chia sẻ.

Đối với bộ phận “Một cửa”, huyện đã phát động thực hiện và treo khẩu hiệu “Vui lòng dân đến, vừa lòng dân đi” tại nơi làm việc, xem đây là chuẩn mực đạo đức, là cách để nội bộ nhắc nhở nhau và để dân giám sát CB, CC. Đồng thời, UBND huyện cũng có công văn quy định CB, CC, VC thực hiện phương châm “6 biết” (biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết trả đúng kết quả, biết xin lỗi) khi tiếp xúc với công dân. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của huyện từ hạng tư năm 2015 đã nâng lên hạng nhì năm 2016.

“Ba không, ba phải” 

Sau khi học tập, quán triệt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy Tịnh Biên nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chính vì vậy, Đảng bộ huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “ba không, ba phải” nhằm làm cho mỗi CB, ĐV, CC, VC tự trau dồi, không để vi phạm “ba không” và nghiêm túc thực hiện “ba phải”.

Theo đó, “ba không, ba phải” là: Không “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”; không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không “nói nhiều, làm ít” và phải “nêu gương”, phải “trung thực”, phải “nói ít, làm nhiều”. Việc thực hiện “ba không, ba phải” nhằm xây dựng đội ngũ đủ năng lực, phẩm chất, xây dựng tác phong công tác và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, giúp các CB, ĐV, CC, VC và người đứng đầu cấp ủy tự mình “soi rọi” bản thân qua 27 nhận diện suy thoái  để phòng, chống, tự giữ mình và tự mình phải có sức đề kháng để không vi phạm “ba không”.

“Có thể nói, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên và giúp mỗi CB, ĐV, CC, VC nâng dần ý thức và chuyển thành hành động thiết thực, mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị. Tác phong trong công việc ngày càng chuyên nghiệp; giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp, người dân tốt hơn; chất lượng công việc đảm bảo yêu cầu; thể hiện tốt vai trò nêu gương trong công tác cũng như trong cuộc sống. Từ đó, đã hạn chế đến mức thấp nhất đảng viên vi phạm. Trong năm, chỉ có 2 đảng viên là cấp ủy dưới cơ sơ không trung thực phải bị xử lý kỷ luật”-  đồng chí Trình Lam Sinh cho biết.

Điều quan trọng, mỗi CB, ĐV, CC, VC, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thể hiện trách nhiệm nêu gương trên cả 3 phương diện: đối với mình, đối với người, với tổ chức và đối với công việc. “Có như vậy, cấp dưới mới noi theo cấp trên, quần chúng noi theo đảng viên. Mặt khác, khi thực hiện mô hình “ba không, ba phải”, làm cho CB, ĐV thể hiện tốt đức tính trung thực, thành thật với bản thân, không nói dối, không che giấu khuyết điểm để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, dân chủ trong Đảng. Đó cũng là giải pháp của địa phương nhằm đẩy lùi suy thoái, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương.”- Đồng chí Trình Lam Sinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tịnh Biên chia sẻ.

MINH ANH

Kỳ cuối: Thường xuyên “học” và “làm theo” Bác để đẩy lùi suy thoái

“Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt giá trị lý luận và thực tiễn. Đồng thời, mang tính thời sự cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm củng cố, khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng”- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Phát huy hiệu quả, khắc phục hạn chế

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, An Giang đã xuất hiệu nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện các phong trào: Thi đua yêu nước, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, mức độ chuyển biến về trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác, trách nhiệm đối với công việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên ngày càng rõ nét.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận việc triển khai, thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: vẫn còn có cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chưa quyết tâm, quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; chưa có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực để việc học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên.

Một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc học tập, sinh hoạt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các chi bộ, cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa thường xuyên; việc lựa chọn, giải quyết vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm và xác định nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo Bác gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn chậm.

Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng của về vai trò, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong  việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, nên chưa nghiêm túc trong học tập và làm theo. Vẫn còn tình trạng thụ động, ít phát biểu trong sinh hoạt chi bộ, tinh thần đấu tranh xây dựng nội bộ chưa cao, dẫn đến kết quả làm theo chưa rõ nét.

Nâng cao đạo đức cách mạng, để dân tin Đảng

Đồng chí Lê Hồng Khâm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: “Đảng chủ trương lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng trong sạch để Đảng vững mạnh, để dân tin Đảng. Đây là vấn đề cốt lõi, rất hệ trọng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần và tự giác thực hiện. Để gắn bó với nhân dân, Đảng phải gần dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng: Tuyệt đối trung thành với cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, trước hết là ngay bản thân mình, trong đơn vị, địa phương mình”.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn là hoạt động văn hóa trong Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, tâm huyết, liên tục, làm thực chất, không hình thức. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên”- đồng chí Lê Hồng Khâm nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, để góp phần đẩy lùi suy thoái trong Đảng, thời gian tới, An Giang tiếp tục phát huy những kinh nghiệm đã có, duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả và khắc phục những hạn chế , bất cập trong việc thực hiện Chỉ thị 05 trước nay. Đồng thời, nội dung, hình thức học tập và làm theo Bác phải thiết thực, liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Song song đó, hàng tháng, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị lựa chọn nội dung trong các chuyên đề phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để sinh hoạt. Đồng thời, xem đây là công việc quan trọng, nền nếp, thường xuyên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung các chuyên đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rộng rãi trong nhân dân. Chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình, mô hình, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt của các địa phương, cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác, chung tay xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ở địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức gắn với nhiệm vụ chính trị, bám sát các mối quan hệ với mình, với người, với việc và 4 chuẩn mực đạo đức cơ bản của người cách mạng. Đồng thời, quan tâm lựa chọn vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và xác định nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tiếp tục xác định việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận, làm kim chỉ nam cho hành động, là hoạt động văn hóa của Đảng. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc thường xuyên của mỗi tổ chức và từng cá nhân. Chi bộ là nơi học tập, sinh hoạt thường xuyên nội dung các chuyên đề, lấy kết quả thực hiện kế hoạch làm theo Bác của cá nhân làm nội dung tự phê bình và phê bình, góp phần thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Mặt khác, tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương và xây dựng Đảng bộ An Giang ngày càng trong sạch, vững mạnh.

MINH ANH 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất