Tác phẩm " Hành trình của Nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống nhanh nhất” của nhóm tác giả Đức Long – Hữu Sự – Thanh Nga, Báo Quân đội Nhân dân đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III - năm 2018.
Bài 1: Một nghị quyết của ý Đảng, lòng dân
Cách đây tròn 10 năm, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nghị quyết này như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ. Vậy hành trình để ra đời Nghị quyết số 26-NQ/TW như thế nào và bài học gì trong việc xây dựng nghị quyết hôm nay? Đó là nội dung chủ yếu của loạt bài viết này.
Trong cuộc hành trình đi tìm quá trình phát sinh, phát triển và tương lai của Nghị quyết số 26-NQ/TW, chúng tôi gặp ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thường trực Tổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), là một trong những thành viên tham gia soạn thảo và theo sát hành trình của đề án này.
Khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn được kể về quá trình triển khai thực hiện Đề án Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông Hùng nhiệt tình chia sẻ: “Nước ta, có tới 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nông dân luôn là những người đóng góp, cống hiến nhiều nhất sức người, của cải, vật chất. Ngày ấy, mỗi người nông dân một ngày dành cho mình có mấy lạng thóc, còn thì dành hết cho tiền tuyến. Bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng... phần lớn xuất thân từ nông dân. Hàng triệu con em của nông dân đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”.
Ngày trước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, lúc lâm chung đã dặn vua Trần rằng “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Đảng ta rất hiểu rõ tư tưởng ấy. Nhưng vì chiến tranh liên miên, toàn dân cứ phải gồng mình lên gánh vác, nên chưa có lúc nào khoan sức được cho dân.
Đảng và Nhà nước ta rất chăm lo cho cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân, nhưng do chiến tranh khiến cho nền nông nghiệp của nước ta lạc hậu, manh mún. Thu nhập của người nông dân thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hạ tầng nông thôn thiếu thốn. Trước tình hình đó, một câu hỏi đặt ra là, phải làm thế nào để nâng cao đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Đồi chè sạch của nông dân xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thế Hà
Nhấp ngụm trà, ông Hùng chia sẻ, Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Nghị quyết số 26-NQ/TW không phải là sản phẩm của riêng ai, mà nó là công sức, trí tuệ và tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Đó chính là ý Đảng, lòng dân.
Ông Hùng kể: Xin bắt đầu từ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa X. Khoảng tháng 8-2007, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương ban hành Văn bản số 117-CV/T.Ư “về việc phân công các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chuẩn bị các đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa X”, do đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, ký. Theo đó, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7, khóa X dự kiến sẽ họp vào tháng 6-2008, bàn về 3 nội dung, trong đó, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nội dung quan trọng. Cũng trong văn bản trên, Bộ Chính trị phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư chủ trì, phụ trách từng đề án và đề nghị các đồng chí phụ trách chuẩn bị, đề xuất nhân sự cho các đề án. Đối với Đề án Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 8-10-2007, BCH Trung ương ban hành Quyết định số 90-QĐ/T.Ư, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn” do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, làm trưởng ban, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), làm phó trưởng ban thường trực. Ngoài ra, còn có 21 đồng chí là bộ trưởng và trưởng các ban, ngành của Đảng, Quốc hội và đoàn thể, làm ủy viên. Cùng với đó là hai quyết định khác. Thứ nhất, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ biên tập xây dựng Đề án “Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn”, do đồng chí Cao Đức Phát làm tổ trưởng; đồng chí Hồ Xuân Hùng làm tổ phó.
Bộ máy vừa hoàn thành, người nào việc nấy bắt tay vào làm việc ngay. Công việc là xây dựng Dự thảo Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Bản dự thảo sau khi hoàn thành, được trình Chính phủ để xin ý kiến. Tiếp theo, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Vấn đề Nông nghiệp-nông dân-nông thôn" thuộc Ban Cán sự đảng Chính phủ trình đề cương đề án lên Bộ Chính trị.
Sau đó, tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng khóa X đã thông qua vào ngày 5-8-2008. Đó chính là Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp-nông dân-nông thôn”. Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng NTM là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề tiếp theo là đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo bước chuyển căn bản cho cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn.
Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình MTQG, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Trong 3 chương trình MTQG, chương trình xây dựng NTM là chương trình cốt lõi để đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống. Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, phải trả lời hàng loạt câu hỏi, như: Việc xây dựng NTM khi nào bắt đầu, bao giờ hoàn thành, diện mạo của NTM sau khi hoàn thành sẽ như thế nào? Đời sống của người nông dân, đối tượng thụ hưởng thành quả của NTM, sẽ thay đổi như thế nào? Tiêu chí nào để phân biệt một địa phương đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với một địa phương chưa hoàn thành? Chương trình sẽ bao gồm một khối lượng công việc khổng lồ, những việc đó sẽ do ai làm, làm như thế nào, tiền ở đâu, bao nhiêu tiền...?
Trả lời được những câu hỏi đó không phải dễ, bởi vì thực sự là một cuộc cách mạng ở nông thôn. Để xây dựng được đề án cho chương trình này giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo đề án.
Để rút kinh nghiệm cho chương trình MTQG này, Ban Bí thư quyết định chọn một số xã, đại diện cho các vùng nông thôn cả nước tiến hành xây dựng thử. Một Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm được Trung ương thành lập tại Quyết định số 250-QĐ/TW ngày 30-12-2008 do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký, với 16 thành viên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Ban chỉ đạo do đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, làm trưởng ban; đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm phó trưởng ban và 11 thành viên. Lúc đầu, có 10 xã được chọn, gồm: Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh); Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam); Tân Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước); Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang); Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), nhưng sau bổ sung thêm xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Đây chính là những “cánh chim đầu đàn” trong Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Sau thời gian làm thí điểm, Đề án về Chương trình MTQG xây dựng NTM cơ bản hoàn thành, xây dựng được Bộ tiêu chí NTM gồm 19 tiêu chí, bao quát tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của nông thôn, có tính đến đặc điểm của vùng miền. Đây chính là bộ tiêu chí được dùng làm chuẩn mực để đánh giá một địa phương đạt hay chưa đạt chuẩn NTM. Chương trình xây dựng NTM được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn 2, từ năm 2016 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các tiêu chí được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp sau mỗi giai đoạn. Để xây dựng được bộ tiêu chí này, Ban soạn thảo không chỉ khảo sát, nghiên cứu ở nước ta mà còn tham khảo kinh nghiệm của rất nhiều nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của Hàn Quốc, cử đoàn đi nước ngoài học tập, mời cả chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm... Ngày 22-4-2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thẩm định về Đề án Chương trình MTQG xây dựng NTM. Ngày 18-5-2010, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất mức vốn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM đến hết năm 2020. Theo đó, tổng mức vốn cần có là 1.400.985 tỷ đồng, tương đương 70 tỷ USD theo tỷ giá lúc đó.
Ông Hồ Xuân Hùng kể tiếp: “Số tiền 1.400.985 tỷ đồng đó được cấu thành từ 4 nguồn, gồm: Huy động trực tiếp từ cộng đồng dân cư, chiếm khoảng 10%; vốn tín dụng, chủ yếu cho vay phát triển sản xuất và cải thiện nơi ăn ở, chiếm khoảng 30%; vốn doanh nghiệp và hợp tác xã, chiếm khoảng 20%; còn lại là vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách của Trung ương và địa phương".
Ông Hồ Xuân Hùng nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Hiện nay, tuy đã về hưu, ông vẫn được Chính phủ mời làm cố vấn cho Chương trình MTQG xây dựng NTM và là Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam.
Đến nay, hơn 34% số xã cả nước đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. 16% chỉ còn thiếu một vài tiêu chí là cán đích. Ở những xã đã thực hiện chương trình NTM, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng cao.
Bài 2: “Kiến trúc sư” và bài học về sức sống của nghị quyết Đảng
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay đã đi được một chặng đường khá dài. Chương trình giúp các tỉnh, thành phố trong cả nước định hình được “đường đi nước bước” trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời tạo niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng.
Khi nhắc đến chương trình MTQG xây dựng NTM, chúng ta không thể không nhắc đến những người đầu tiên đặt nền móng và những bài học quý từ việc xây dựng nghị quyết Đảng.
Có thể nói “Kiến trúc sư trưởng” chương trình MTQG xây dựng NTM (chương trình NTM) là tập thể Bộ Chính trị, nhưng một trong những “kiến trúc sư” đầu tiên phải kể đến là đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch nước. Vốn là người rất nặng lòng, rất tâm huyết với nông nghiệp-nông dân-nông thôn, không lúc nào ông không trăn trở về những vấn đề nông nghiệp và nông dân, nông thôn, dù ở bất cứ cương vị công tác nào.
Năm 2008, ở cương vị Thường trực Ban Bí thư, ông được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM (Ban chỉ đạo). Có thể nói kể từ khi nhận nhiệm vụ đó, ba từ “nông thôn mới” không lúc nào rời khỏi tâm trí ông. Việc đầu tiên ông chỉ đạo ban là phải trả lời được câu hỏi: Mục tiêu của việc xây dựng thí điểm mô hình NTM là gì? Trên cơ sở tổng kết chương trình thí điểm, xác định rõ nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới để nhân rộng sau này. Từ hoạt động và thực tiễn ở cơ sở, Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM đã xác định được 5 quan điểm, gồm: Một là, dựa vào nội lực cộng đồng là chính, Nhà nước và chính quyền các cấp chỉ hỗ trợ, giúp đỡ; hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các nội dung cụ thể của chương trình trên địa bàn do người dân dân chủ bàn bạc, quyết định; ba là, kế thừa, phối hợp, phát huy kết quả của các chương trình, dự án trên địa bàn, tạo sự thống nhất và sức mạnh chung; bốn là, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; năm là, trong khi triển khai thí điểm xây dựng mô hình NTM, được phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Đường nông thôn mới liên xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Nga
Như vậy, có thể nói, xây dựng NTM là việc của các cộng đồng dân cư, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ. Cần làm cái gì, cần xây dựng cái gì là do người dân bàn bạc dân chủ và quyết định. Chính điều này tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền. Tránh được việc xây dựng mô hình NTM một cách phô trương, hình thức. Và, điều quan trọng nhất là xây dựng mô hình NTM không phải việc phá cái cũ đi làm cái mới, mà trên cơ sở kế thừa những gì tốt đẹp vốn có hàng ngàn năm ở nông thôn, như tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết cộng đồng, lá lành đùm lá rách... Và 5 quan điểm này là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình xây dựng NTM từ đó đến nay. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chương trình NTM thường nhắc nhở các thành viên của ban rằng: Chương trình NTM chính là sự “đền ơn đáp nghĩa” đối với nông dân.
11 Ủy viên Bộ Chính trị, mỗi người được phân công theo dõi, chỉ đạo xây dựng thí điểm NTM ở một xã được chọn. Điều đó đủ thấy Trung ương coi việc thí điểm xây dựng NTM là rất quan trọng. Đồng chí Trương Tấn Sang từng nói: Xây dựng NTM không chỉ là những việc to tát, cần đến sức người, sức của của cả cộng đồng, mà còn từ những việc rất nhỏ. Sửa một ngôi nhà, thậm chí trồng một khóm hoa... cũng là góp phần xây dựng NTM.
Đồng chí nói vậy và làm vậy. Trong những lần về làm việc ở các xã đang thí điểm xây dựng NTM, ngoài việc chỉ đạo những việc lớn, ông không bỏ qua cả những việc nhỏ nhất. Nghe báo cáo về việc xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) còn rất nhiều người nghiện ma túy, đồng chí Trương Tấn Sang lập tức chỉ đạo xây dựng ở Thanh Chăn một trung tâm cai nghiện. Một lần khác, một nông dân ở Thanh Chăn đề đạt xin một con đường mới phục vụ việc đi lại của người dân. Nghe vậy, đồng chí thấy yêu cầu đó là đúng và chính đáng, nên lập tức bàn với đồng chí Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lúc đó (hiện là Bộ trưởng Bộ Tài chính) và một số bộ trưởng kết hợp làm ngay con đường từ TP Điện Biên về Thanh Chăn. Kết quả, con đường gần chục cây số đã hoàn thành rất nhanh. Có đường, kinh tế địa phương phát triển nhanh. Tiếp theo, đồng chí chỉ đạo các ngành hỗ trợ Thanh Chăn phát triển chăn nuôi, làm hầm biogas để lấy ga đun và phát điện, rồi sau đó là nước sạch và giao thông nội đồng...
Hiện tại, Thanh Chăn trở thành xã điển hình về NTM. Số người nghiện ma túy hầu như không còn, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi và cây trồng phát triển. Đời sống của người dân được cải thiện.
Vị “kiến trúc sư” thứ hai của chương trình NTM là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Thời kỳ đó, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, được giao chỉ đạo việc soạn thảo đề án về NTM. Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Tổ phó tổ Biên tập đề án NTM, nhớ lại: “Lần ấy, anh Cao Đức Phát, Trưởng ban soạn thảo đề án chỉ đạo tôi. Tôi mang dự thảo đề án xây dựng NTM đến trình anh Nguyễn Sinh Hùng, trước khi trình Chính phủ và Ban Bí thư. Xem xong, anh bảo: Tập trung cao độ nguồn lực xây dựng hạ tầng NTM hiện đại thì rất tốt. Vì có hạ tầng tốt thì mới phát triển được kinh tế. Nhưng xây dựng NTM là phải đồng thời phát triển các khâu, như: Kinh tế, văn hóa, xã hội... Nguồn lực có hạn, nếu ta tập trung tất cả vào phát triển hạ tầng thì không còn nguồn lực để phát triển các lĩnh vực khác. Vậy cần lùi một bước, nên đặt vấn đề là từng bước xây dựng hạ tầng hiện đại. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nhưng đời sống nông dân chưa được cải thiện. Lần này làm NTM, phải là bước đột phá làm cho nông dân giàu lên. Chúng ta đều từ bờ tre gốc rạ mà ra, làm gì được cho người nông dân thì phải hết sức mà làm".
Chương trình NTM, không phải thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu. Không những thế, sóng gió có lúc còn nổi lên dữ dội. Không chỉ một số bộ, ngành chưa muốn có NTM, mà ngay cả một số tỉnh cũng vậy. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã có bức thư đầy tâm huyết gửi lãnh đạo các bộ, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bức thư có đoạn: “Với tinh thần vì nông dân, nông nghiệp, nông thôn, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung nghị quyết, cụ thể hóa các chương trình, đề án của Chính phủ thành nhiệm vụ cụ thể của địa phương mình. Coi đây là một nội dung quan trọng và nhiệm vụ chủ yếu trong báo cáo chính trị và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những năm sau 2020 để được thảo luận trong đại hội đảng các cấp. Từ đó, thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên của nhân dân.
“Kiến trúc sư” thứ ba phải kể tới là đồng chí Cao Đức Phát, lúc đó là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; người được giao nhiệm vụ Trưởng ban soạn thảo Đề án Nghị quyết 26 cùng với thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan. Phải nhìn vào khối lượng đồ sộ của những công việc để ra được Nghị quyết 26 mới thấy hết vai trò cũng như sự lăn lộn, vất vả của người “Tổ trưởng Biên tập này”. Đồng chí Cao Đức Phát nhớ lại: “Đó là những ngày tháng mà chúng tôi phải căng hết mình ra để làm việc. Nào là nghiên cứu, đề xuất, nào tranh luận, ra cả nước ngoài để “tầm sư học đạo”, rồi hội họp, hội thảo liên miên, nhiều lúc tưởng như hụt hơi... Nhưng vui, say mê”.
Sau 3 năm thí điểm, năm 2011, Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thí điểm xây dựng mô hình NTM ở 11 xã thí điểm đã rút ra được những bài học và kinh nghiệm vô cùng quý giá, đủ điều kiện để nhân rộng mô hình xây dựng NTM trên cả nước. Chương trình xây dựng NTM, như con tàu đã khởi động, lăn trên đường ray và thẳng tiến đến kết quả như ngày nay.
Sau 10 năm Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống, rất nhiều địa phương được đổi mới, có bước chuyển mạnh trên các lĩnh vực. Một trong những địa phương có bước tiến nổi bật đó là tỉnh Hà Tĩnh. Những năm đầu tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh (1991) thứ duy nhất mà Hà Tĩnh có được là con người. Trong tâm thế “tay không bắt giặc”, việc đưa Hà Tĩnh vươn lên sánh ngang với các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ là điều không tưởng và cũng ít vị lãnh đạo nào dám “bạo miệng” nói đến.Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đang ở mức “dưới trung bình”, thu nhập bình quân người/tháng chỉ đạt 400.000 đồng (bằng 63,5% thu nhập bình quân cả nước; khu vực nông thôn chỉ bằng 57% khu vực thành thị); tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26,76%, trong đó một số huyện có số hộ nghèo rất cao, như: Hương Khê: 55,68%; Vũ Quang: 43,7%; Kỳ Anh: 36,74%…
Sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, Hà Tĩnh hiện thực hóa nghị quyết của Trung ương bằng các chủ trương, nghị quyết, quyết định mang đặc thù riêng của địa phương tạo sức bật cho toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM; đời sống vật chất, tinh thần người nông dân được cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008 (vượt mục tiêu nghị quyết đề ra đến 2020 là 20 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Có thể thấy, sau một thập kỷ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, một “luồng gió mới” được thổi vào những địa phương nghèo khó, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Với những chính sách kích cầu hết sức thiết thực, giúp cho hàng nghìn mô hình kinh tế tập thể đã lên ngôi mạnh mẽ tạo sức bật cho người dân vươn lên làm giàu hiệu quả. Sức sống của Nghị quyết 26-NQ/TW đang và sẽ là bài học hữu ích cho việc xây dựng các nghị quyết của Đảng.