Vụ Trịnh Xuân Thanh và lợi ích nhóm

Bài 1: Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus: Làm tổn thương uy tín của Đảng


Những băn khoăn, nghi ngờ của người dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, với đảng viên (dù chỉ một cá nhân) đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng.


Ngày 9-6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo với Ban Bí thư.


Hành động kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ hành động ấy, người dân tin tưởng rằng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, loại bỏ những “ông vua con”, những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước; làm cho dân tin Đảng và Đảng ngày càng gần dân.


Câu chuyện người đứng đầu tỉnh Hậu Giang cho là “bình thường không đáng bị phê phán ầm ĩ” đã và đang làm xôn xao dư luận; làm cho người đứng đầu Đảng phải chỉ đạo “cần làm ngay”. Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ và có kết luận hai nội dung, là quy trình bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang-ông Trịnh Xuân Thanh qua các chức vụ và việc đi xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh.


Dư luận băn khoăn, nghi ngờ khi thấy các chức vụ ông Trịnh Xuân Thanh từng đảm nhiệm, nơi ông từng kinh qua để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp, thậm chí làm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, đã từng bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm các sai phạm. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì ông cứ “thẳng đường mà tiến”, từ một cán bộ làm doanh nghiệp, đến chức vụ cao hơn và được tiến cử luân chuyển về cơ sở. Đó quả là một sự khó hiểu trong công tác cán bộ.


Dư luận băn khoăn, nghi ngờ khi chiếc xe sang, trị giá hơn gấp nhiều lần tiêu chuẩn một cán bộ cỡ Phó Chủ tịch tỉnh được phép đi, lại có những hai biển số, tư nhân và công vụ. Vì ngân sách của Hậu Giang không dư dả; vì dân của Hậu Giang còn nghèo, nên ông Thanh không nỡ lấy xe công để đi ư? Có lẽ, bất cứ người dân nào cũng thấy, đây chỉ là ngụy biện. Bởi nếu vậy thì tại sao phải thay biển số xe màu trắng – dành cho tư nhân bằng biển số màu xanh – dành cho xe công vụ?


Một việc làm tưởng như “bình thường” nhưng nó lại vi phạm quy định. Ở khía cạnh kỷ cương luật pháp, nó còn là một sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt, đối với một cán bộ cấp cao. Bởi, nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền là “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Vì thế, việc biến biển xe trắng thành xanh này cũng là điều bất bình thường trong công tác quản lý cán bộ.


Rõ ràng là, những băn khoăn, nghi ngờ của người dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, với đảng viên (dù chỉ một cá nhân) đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng. Như thế thì làm sao củng cố, lấy lại được niềm tin của người dân?


Cách đây chưa lâu, ngày 27-5, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời “gan ruột” khi nhắc lại bài học lịch sử “Lấy dân làm gốc”.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, sống ích kỷ; một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Chính lối sống ấy, tác phong ấy làm giảm sút sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đảng viên, khiến người dân bất bình và làm xói mòn lòng tin của dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Để lấy lại lòng tin của dân, Tổng Bí thư cho rằng, cần có biện pháp thật kiên quyết, giáo dục, rèn luyện, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước.


Bởi thế, chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư trước vấn đề, sự việc liên quan đến công tác cán bộ, quản lý đảng viên, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân và những đảng viên chân chính, là việc làm cụ thể biến quyết tâm chính trị thành hành động.


Hành động ấy là thông điệp cho thấy sự kiên quyết, nghiêm minh trước pháp luật, không có vùng cấm, không có tiền lệ cho bất cứ ai dựa vào thế lực, quyền hành của người khác để “vinh thân”, để dựng lên những “ông vua con” gây bức xúc trong nhân dân.


Hành động ấy cũng là một thông điệp cho thấy các tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải rèn luyện, sửa mình; Người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành phải thực sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức chính trị, giải quyết, xử lý triệt để những vi phạm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, trả lời công khai trước dư luận, không tìm cách né tránh, bao che.


Có như vậy, Đảng mới có được nguồn nhân lực kế cận tốt; mới xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, đáng là “công bộc” của dân. Như vậy, lòng dân sẽ hướng về Đảng, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng; vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của Đảng. Như vậy, mối quan hệ giữa Dân với Đảng mới ngày càng gắn bó, và lúc ấy, Đảng mới thực sự gần dân./.

Đàm Hoa/VOV

 

Bài 2: Làm rõ ai đã đề bạt, luân chuyển Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus?


Theo ông Lê Quang Thưởng, cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên, ai đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh?


Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới tới vụ việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo với Ban Bí thư.


Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương ủng hộ hành động kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng. Từ hành động ấy, ông tin tưởng rằng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ cần được chấn chỉnh để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm sạch bộ máy Nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Nhiều câu hỏi về công tác cán bộ


PV: Câu chuyện chiếc xe Lexus của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo 10 cơ quan ban ngành làm rõ. Ông bình luận gì về chuyện này?


Ông Lê Quang Thưởng: Tôi rất hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề này. Bản thân chuyện “biển trắng-biển xanh” không phải là vấn đề lớn, nhưng thông qua chuyện này đặt ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề công tác cán bộ.


Trước hết cần hiểu đúng về luân chuyển cán bộ. Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh cũng như mấy chục người trong một năm được lựa chọn để luân chuyển như một phong trào, làm cho người ta hiểu rằng hễ đi luân chuyển là được đề bạt, hễ đi luân chuyển là được “trên” cất nhắc, đánh giá tốt để đưa mình đi, để có tương lai tươi sáng hơn.


Kinh nghiệm về công tác cán bộ của tôi trong bao nhiêu năm qua, thì luân chuyển cần hiểu là một trong những biện pháp của công tác cán bộ. Đã có thời kỳ người ta xem luân chuyển cán bộ là một khâu đột phá quan trọng. Điều đó hoàn toàn không đúng. Luân chuyển chỉ là một khâu của công tác cán bộ.


Công tác cán bộ gồm những khâu: đánh giá cán bộ, lựa chọn những người tốt để đưa vào quy hoạch, để đào tạo bồi dưỡng họ, cất nhấc họ lên những vị trí phù hợp với yêu cầu công tác và khả năng của cán bộ; khen thưởng nếu cán bộ có thành tích; xử lý cán bộ nếu có khuyết điểm. Như đồng chí Đỗ Mười khi lên làm Tổng Bí thư cũng phải qua rất nhiều cương vị từ Bí thư tỉnh, Phó Thủ tướng, rồi lên làm Tổng Bí thư…


Như vậy, việc luân chuyển có từ lâu, nhưng không phải như bây giờ người ta quan niệm: luân chuyển cán bộ là để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Điều đó chỉ là một khía cạnh. Luân chuyển là yêu cầu của công tác cán bộ, yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng chứ không phải luân chuyển cán bộ vì mục đích rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, những người luân chuyển học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn.

"Con ruồi chui qua lỗ kim"


PV: Từ lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ trên 3.200 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh về Bộ Công thương, rồi được luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh và mới đây nhất là trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Có ý kiến cho rằng, trường hợp của ông Thanh với hậu quả và trách nhiệm nặng nề như thế mà đi lên như “diều gặp gió” cho thấy quy trình lựa chọn và sử dụng cán bộ có những bất thường từ đầu đến cuối. Theo ông, vấn đề đặt ra ở đây là gì?


Ông Lê Quang Thưởng: Bản thân Trịnh Xuân Thanh là người có vấn đề và cần phải xem xét.


Về việc này, có hai khía cạnh. Thứ nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý cán bộ, cụ thể là Ban cán sự Đảng, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, những cơ quan này phải có trách nhiệm về vấn đề này. Vì sao một người làm ăn thua lỗ như vậy mà không được kiểm điểm, làm rõ? Tập đoàn Dầu khí làm gì mà không kiểm tra, xem xét xử lý khi người đứng đầu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm ăn thua lỗ.


Một người như ông Thanh sau khi làm ăn thua lỗ như vậy lại về Bộ Công thương làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng, không nhẽ Bộ Công thương không hiểu rõ về Trịnh Xuân Thanh?


Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo Công an Hậu Giang thay biển số xanh vào xe của ông Thanh. Theo lý giải của Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an Hậu Giang cho rằng đây là biển số "tồn kho", chưa được cấp cho xe nào. Nếu như vậy thì đây là việc vi phạm pháp luật???


Thứ hai là hiện tượng nhóm lợi ích trong công tác cán bộ và hiện tượng tham nhũng trong công tác nhân sự.


Người ta vẫn nói “con ruồi chui qua lỗ kim” tưởng chừng không thể xảy ra nhưng nó vẫn đang xảy ra vì có lý do của nó. Lý do thứ nhất là trách nhiệm quản lý cán bộ kém. Thứ hai, người ta vẫn nói chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu, thậm chí những ngành quan trọng khi lên chức cũng mất cả tỷ bạc. Vì vậy, tôi nghi ngờ có chạy chọt trong việc này và cần phải lên án.


Cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, những ai đã ký và ký vì sao? Phải làm rốt ráo việc này.


Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với doanh nghiệp, về vấn đề an toàn thực phẩm, đồng chí đã nói phải quy trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh, huyện, xã về những vấn đề đã xảy ra. Phải vận dụng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này. Phải quy trách nhiệm đối với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, không thể không có ai chịu trách nhiệm cả.

PV: Theo ông, việc xử lý tiếp theo của vụ việc này như thế nào, đặc biệt khi ông Trịnh Xuân Thanh vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV?


Ông Lê Quang Thưởng: Việc này phải theo luật pháp. Như hai đại biểu Quốc hội khóa trước đã bị Quốc hội miễn nhiệm thì phải có quy trình, có người nêu vấn đề, Thường vụ Quốc hội kiểm tra việc này và Quốc hội phải nêu ý kiến và các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời.


Ví dụ Tỉnh ủy Hậu Giang, HĐND Hậu Giang đưa ông Trịnh Xuân Thanh vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội thì có biết chuyện này không? Nếu không biết thì quan liêu; biết mà vẫn đưa vào thì cần xem có gì mờ ám trong chuyện này hay không.

PV: Phải xử lý đến nơi đến chốn, thưa ông?


Ông Lê Quang Thưởng: Phải rốt ráo trong việc này. Và nhân việc này phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ, chấn chỉnh lại việc luân chuyển cán bộ, dứt khoát không làm theo phong trào mà phải làm vì công việc, vì đất nước. Còn việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ là hệ quả của việc luân chuyển. Qua luân chuyển để cán bộ hiểu biết thêm ngoài công việc chuyên ngành.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)

 

Bài 3: Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus: Chưa được công nhận là Đại biểu Quốc hội?


Theo ông Lê Văn Cuông, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang chưa được xác nhận tư cách đại biểu thì chưa công nhận là Đại biểu Quốc hội được.


Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII - người nổi tiếng với những ý kiến thẳng thắn trên nghị trường, bày tỏ quan điểm khi trả lời VOV.VN liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang đi xe Lexus trị giá hàng tỷ đồng được gắn biển số xanh.

Tổng Bí thư yêu cầu thì chắn chắn sẽ làm rõ


PV: Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?


Ông Lê Văn Cuông: Vừa qua Tổng Bí thư có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội, trong đó nêu rất rõ vấn đề cán bộ. Dư luận đánh giá rất cao.


Việc Tổng Bí thư cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí phản ánh liên quan đến một lãnh đạo tỉnh cho thấy lời nói đi đôi với việc làm. Sự chỉ đạo kịp thời đó như “phát súng lệnh” cho toàn Đảng, toàn dân tập trung hành động, chứ lâu nay ta nói và đề cập nhiều rồi nhưng hành động chưa mạnh nên ảnh hưởng lòng tin của dân. Tổng Bí thư yêu cầu việc này “cần làm ngay” thì rất được lòng dân. Tôi rất đồng tình và hoan nghênh.


Tổng Bí thư chỉ đạo thì các cơ quan chức năng chắc chắn vào cuộc quyết liệt và làm rõ một cách khách quan, công tâm để nêu được hết các khía cạnh về vị lãnh đạo địa phương mà dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn.


Biển xanh, biển trắng cũng là vấn đề mang tính kỹ thuật thôi, còn thực ra vấn đề là về tư cách, quá trình công tác, việc đề bạt cất nhắc cán bộ. Lãnh đạo công ty gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, trách nhiệm cá nhân chưa làm rõ mà đề bạt lên cao hơn rất nhanh, luân chuyển và vào Quốc hội là không bình thường.

PV: Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng cho thấy công tác cán bộ sẽ được “siết” hơn, thưa ông?


Ông Lê Văn Cuông: Công tác cán bộ là khâu vẫn còn vấn đề đáng quan tâm về chất lượng đội ngũ cán bộ, quy trình bổ nhiệm, luân chuyển. Cán bộ là khâu then chốt nhưng Đảng cũng chỉ rõ là còn bộ phận tiêu cực. Qua thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư sẽ thấy được nhiều điều.


Vụ việc cụ thể ngoài liên quan cá nhân thì cũng có cơ sở cho thấy những sơ hở, khiếm khuyết, tạo kinh nghiệm thực tiễn để từ đó có giải pháp chấn chỉnh, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để công tác cán bộ đáp ứng sự nghiệp cách mạng, đáp ứng thực tế và yêu cầu của nhân dân.

Chưa đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội


PV: Tại cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử với số phiếu cao. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình giới thiệu, hiệp thương để giới thiệu người ứng cử?


Ông Lê Văn Cuông: Ta nói hiệp thương là cơ sở để xem xét, giới thiệu chuẩn xác nhưng thực tế cho thấy vẫn có người không đủ tiêu chuẩn “lọt lưới”. Có đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, bị truy tố một phần do sự lựa chọn chưa chuẩn xác, chưa kỹ càng.


Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh cũng thế thôi, số phiếu cao nhưng lại rất tai tiếng, buộc hơn 10 cơ quan của Trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Tổng Bí thư phải vào cuộc làm rõ.

PV: đạt phiếu trúng cử song những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu sẽ phải được đưa ra đối chiếu để quyết định ông Thanh có trở thành đại biểu Quốc hội hay không, thưa ông?


Ông Lê Văn Cuông: Luật quy định rồi, sau khi công bố đại biểu trúng cử, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng Bầu cử quốc gia phải vào cuộc và trong thời gian một tháng phải làm rõ vấn đề, trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới phải báo cáo kết quả kiểm tra tư cách để quyết định người đó có trở thành đại biểu Quốc hội hay không.


Số phiếu là kết quả bầu cử chứ anh chưa phải là đại biểu Quốc hội vì cần có ý kiến cuối cùng về xác định tư cách đại biểu. Việc này chắc chắn được thực hiện vì sắp khai mạc kỳ họp thứ nhất (dự kiến 20/7) và liên quan đến chỉ đạo của Tổng Bí thư về kiểm tra, xác minh thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh nên các cơ quan phải khẩn trương vào cuộc. Chưa có kết quả xác định tư cách đại biểu thì làm sao công nhận là đại biểu Quốc hội được.

PV: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho dân, phải tạo được uy tín với cử tri. Ông suy nghĩ như thế nào qua những thông tin liên quan tới vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?


Ông Lê Văn Cuông: Tôi có nhận thức là uy tín Đại biểu Quốc hội rất quan trọng, có thể nói cử tri nhìn người mà họ tin tưởng ủy quyền là người gương mẫu. Nhưng vấn đề tài sản xe cộ của ông Thanh liên quan đến phẩm chất trung thực quy định trong tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội.

Chưa nói đến vấn đề khác mà ngay câu chuyện đeo biển số xanh cho xe cá nhân đã là không tuân thủ quy định pháp luật mà theo lợi ích cá nhân, là chưa đảm bảo tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội rồi. Người dân bình thường còn không chấp nhận được nữa là gắn với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Bài 4: Ai chịu trách nhiệm khi giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử ĐBQH?

“Việc giới thiệu ông Thanh ứng cử ĐBQH có trách nhiệm rất lớn của MTTQ. Vì chỉ có Mặt trận mới có quyền hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp”.


Trong những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới tới vụ việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ.


Quan tâm tới vụ việc này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nếu ông Thanh có ý đồ tốt là được điều chuyển về một tỉnh Hậu Giang mà tình hình kinh tế khó khăn, vì mới tách ra khỏi Cần Thơ, chưa có xe cho mình nên ông Thanh dùng xe tư của mình vào việc công thì đáng hoan nghênh.


Tuy nhiên, cái dở của ông Thanh là dùng xe của mình nhưng lại gắn biển xanh để biến xe tư mang mác xe công. Dư luận không đồng tình vì nếu quả thực anh có ý đồ tốt, anh làm việc đó làm gì, cứ để xe biển trắng của mình để phục vụ việc công thì có làm sao.

Có lẽ đây là một “ông Vua con” mà Tổng Bí thư đã đề cập 


Ông Túc cho rằng, vấn đề không chỉ nằm trong chuyện xe tư nhân mang biển công, mà đằng sau biển công đó người ta muốn moi ra các chuyện khác, là chuyện một doanh nhân làm ăn thua lỗ đến hơn 3.000 tỷ đồng nhưng không bị kiểm điểm, không bị kỷ luật nhưng cuối cùng lại được điều về Bộ Công Thương làm Vụ trưởng. Từ chức vụ đó, ông Thanh lại được điều về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi được giới thiệu vào Quốc hội.


Ở đây dư luận cảm thấy có điều gì đó như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói cách đây hơn 1 tuần ở Hội nghị Tổng kết công tác Dân vận, rằng “bắt đầu có những ông Vua con”. Phải chăng đây cũng là một trong những trường hợp mà Tổng Bí thư đã đề cập  và Tổng Bí thư cũng đã có chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm phải làm rõ và báo cáo Ban Bí thư.

PV: Từ việc cụ thể của ông Trịnh Xuân Thanh, ông có cho rằng công tác cán bộ của chúng ta hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề?


Ông Nguyễn Túc: Tôi cũng cho rằng cốt lõi của chuyện đổi biển xanh cho xe tư chính là ở chỗ: Công tác cán bộ của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề, trong điều kiện hiện nay sao lại có những cán bộ như vậy? Cán bộ đảng viên suy nghĩ như thế nào về công tác cán bộ của chúng ta trong khi đã có Nghị quyết 4 của Trung ương khóa XI về vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.


Từ việc cụ thể của ông Trịnh Xuân Thanh và một vài trường hợp khác trong thời gian vừa qua có thể suy ra rằng công tác cán bộ của chúng ta vừa qua còn có những vấn đề không đúng quy trình mà Ban Chấp hành Trung ương cũng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra. Những trường hợp này làm cho người dân nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, cái gì có cũng có thể mua được bằng tiền. Đó cũng chính là tâm tư của các cán bộ về hưu, nhất là những đồng chí lão thành cách mạng băn khoăn trong bối cảnh hiện nay.

PV: Tổng Bí thư đã có chỉ đạo xử lý nghiêm việc này. Thưa ông, liệu có phải đã đến lúc Đảng ta thấy rằng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về công tác cán bộ?


Ông Nguyễn Túc: Đúng thế vì vấn đề lớn nhất trong tình hình hiện nay và được thể hiện trong báo cáo của ĐH Đảng XII là nâng cao năng lực và sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Mà nâng cao năng lực, sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề lớn nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, làm sao như Bác Hồ nói là chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Chỉ khi có đội ngĩ cán bộ như vậy, chúng ta mới có thể làm cho dân tin. Khi đã được dân tin thì dân sẽ làm theo những gì Đảng đã đề ra.

Giới thiệu ông Thanh làm ĐBQH có trách nhiệm rất lớn của Mặt trận


PV: Thưa ông, vừa qua thì ông Trịnh Xuân Thanh là một trong những người có số phiếu cao nhất ở tỉnh khi được bầu làm ĐBQH. Nhiều ý kiến cho rằng, trong sự việc này, trong công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, Mặt trận Tổ quốc chưa làm tròn trách nhiệm?


Ông Nguyễn Túc: Tôi cũng thấy rằng trong việc giới thiệu ông Thanh ứng cử ĐBQH có trách nhiệm rất lớn của Mặt trận. Vì chỉ có Mặt trận mới có quyền đề nghị, hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Ông Trịnh Xuân Thanh là do MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang đưa ra để giới thiệu chứ không phải nằm trong danh sách 197 người ở Trung ương.


Vào ngày 27-28/6 tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  họp sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề hiệp thương giới thiệu. Vấn đề cụ thể của ông Thanh tôi cũng sẽ nêu ra trong Hội nghị để thấy rằng bên cạnh việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung vào việc giới thiệu, hiệp thương người của các cơ quan Trung ương thì cũng phải chỉ đạo một cách sát sao, rút kinh nghiệm ở các tỉnh, chứ không để phó mặc cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh. MTTQ Việt Nam cũng phải thấy được trách nhiệm của mình, chứ không thể chỉ có trách nhiệm của các cơ quan khác.

PV: Là thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, theo ông MTTQ cần có kiến nghị, đề xuất gì trong việc xử lý tiếp theo vụ việc này?


Ông Nguyễn Túc: Theo đúng Luật Tổ chức của Quốc hội và HĐND các cấp, MTTQ có trách nhiệm sau khi các cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức, tùy theo mức độ mà Đoàn Chủ tịch sẽ có những ý kiến dứt khoát theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao thực hiện nghiêm những quy định trong Luật Tổ chức của Quốc hội và HĐND các cấp.

PV: Còn ý kiến của cá nhân ông?


Ông Nguyễn Túc: Với tư cách cá nhân, quả thực đúng như những điều báo chí nêu, tôi cho rằng ông Thanh không đủ 5 tiêu chuẩn của ĐBQH. Và vì không đủ 5 tiêu chuẩn này, thì không có lý do gì ở trong Quốc hội cả.

PV: Sau câu chuyện bổ nhiệm ông Thanh, dư luận cũng rất lo ngại về tình trạng “con ông cháu cha” hiện nay. Ông có chung suy nghĩ này?


Ông Nguyễn Túc: Rõ ràng xã hội đang tồn tại chuyện đó, mà không phải chuyện này trong hôm nay chúng ta mới nói, mà nhiều đồng chí có trách nhiệm trong cơ quan của Đảng, Nhà  nước đã nghỉ hưu hoặc đương chức đã nhắc nhở rất nhiều, một số cán bộ có chức có quyền đã dung túng hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình đã lo cho vợ, con và người thân những việc trái với pháp luật. Người ta biết rất nhiều, không phải trường hợp này mà một số trường hợp khác mà báo chí đã nêu nhưng quan trọng nhất là những người đó có thực sự có năng lực, phẩm chất đạo đức không. Nếu con ông cháu cha nhưng có đủ năng lực phẩm chất thì rất hoan nghênh. Chỉ sợ không đủ năng lực phẩm chất mà đi bằng con đường ngang, đường tắt thì ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Tôi ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư và đây là một dịp để chúng ta làm trong sạch hơn đội ngũ cán bộ Đảng viên theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

PV: Xin cảm ơn ông.


Minh Hòa/VOV.VN (thực hiện)

Bài 5: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh làm tới cùng sẽ lộ mặt “nhóm lợi ích”


Làm tới cùng những chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ lộ mặt “nhóm lợi ích” đã “bảo kê” cho ông Trịnh Xuân Thanh.


Hơn 1 tháng sau khi yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, ngày 18/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngày 11/7. Tổng Bí thư đã nêu ra 4 nội dung cụ thể, chi tiết với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam…yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm.


Dư luận nhân dân cả nước đồng lòng và hoan nghênh chỉ đạo quyết liệt, triệt để của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy vậy, để Tổng Bí thư phải ra tiếp một chỉ thị nữa cho thấy, thời gian qua, việc xem xét, xử lý vụ việc này có vẻ chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh dù còn cần thời gian để làm sáng tỏ nhưng bước đầu có thể nhìn ra có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, của tệ chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu…Đây là những bức xúc mà chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đầu tiên công khai vấn đề này và yêu cầu phải đấu tranh, chấn chỉnh. Nhiều văn kiện của Đảng gần đây cũng nhắc đến cụm từ này.


“Lợi ích nhóm” là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân. Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương từng chỉ ra: “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Các “nhóm lợi ích” kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong Nhà nước và trong Đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.


Vì sao để thua lỗ tới trên 3.200 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn ung dung leo qua bao chức vụ rồi ngồi lên ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang? Một mình ông Thanh chắc chắn có tài thánh cũng không làm nổi. Phải có cả một đường dây “tiền hô, hậu ủng”, nâng đỡ, bao bọc cho ông ta. “Nhóm lợi ích” rõ ràng là ở đây chứ cần phải tìm đâu (!).


Dư luận đặt câu hỏi, liệu từ chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng ta có thể làm tới cùng, buộc những người có “lợi ích” trong vụ này phải lộ mặt hay không?


Đương nhiên, đánh vào “nhóm lợi ích” không dễ dàng bởi quan hệ ràng buộc lợi ích tinh vi, liên quan tới những người có quyền lực, đương chức và bởi đây là mối quan hệ con người. Hoàn toàn có thể lường trước việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ gặp phải các lực cản rất tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, báo chí và dư luận nhân dân cả nước sẽ đứng sau những chỉ đạo này.


Nếu các cơ quan chức năng quyết tâm, công tâm, khách quan, trong sáng thì không thế lực hắc ám nào có thể cản trở được. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cứ dựa vào đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân chân chính, việc dù khó mấy cũng đạt đến thắng lợi./.

Công Hân/VOV.VN          

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất