Tàn mà không phế

Qua thị trấn Khoái Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vài chục mét, rẽ vào đầu xã An Vĩ hỏi trang trại của cựu chiến binh Đàm Quang Nhần, chị bán hàng đon đả và nhiệt tình cho ngay thằng con dẫn tôi đến tận nơi. Cổng vườn khép hờ, cậu bé ra vẻ thông thạo, cởi dây buộc, dắt tôi qua cây cầu gỗ nhỏ và gọi toáng lên: “Ông Nhần ơi! Ông Nhần...”. Tôi hỏi cậu bé “Cháu có họ với ông Nhần à?”. “Không ạ, nhưng bọn cháu trưa nào chẳng ra đây chơi, ở đây mát lắm”. Trời tháng 5, nóng như đổ lửa, nhưng từ khi bước chân vào trang trại này, tôi cảm thấy dễ chịu hẳn. Không mênh mông, hoành tráng như một số trang trại khác, nhưng ở đây, hiện rõ sự quy củ, hợp lý của mô hình V.A.C. Nhìn từ tán cây xuống mặt nước, trong cái màu xanh lục già mát mắt kia, có thể nói, chỗ nào cũng có thứ để “hái ra tiền”. Ấy thế mà xung quanh, tuyệt nhiên không có một thứ rào giậu nào, cổng giả chỉ lèo tèo que tre buộc sơ sài... Tôi thầm nghĩ, chắc ông chủ phải “gấu” lắm đây… Trái với suy nghĩ của tôi, từ trong vườn bưởi đặc sản đi ra một ông lão dáng điệu hiền từ, nhỏ thó...

Ghi nhớ lời thề của người lính

Câu chuyện đầu tiên của tôi và người cựu chiến binh, thương binh Đàm Quang Nhần bắt đầu từ việc ông thu phục lũ trẻ. Ông kể, hồi nhỏ ông cũng khá nghịch ngợm, nên rất hiểu tâm tính của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma” này. Lúc ông mới lập trang trại ở khu đất cạnh làng, bọn trẻ cũng ra hái trộm của ông khi thì quả bưởi, khi thì chùm nhãn, có lúc chỉ đơn giản là trèo cây, bẻ cành... Có lần, bắt gặp mấy đứa đang trong vườn, ông bảo một đứa về gọi thêm cả đám trẻ cùng xóm ra và tự tay hái mấy trái bưởi chiêu đãi chúng. Vừa ăn, ông vừa nhẹ nhàng khuyên bảo. Thế là, từ ấy, lũ trẻ không phá phách vườn ông nữa. Hàng năm, mỗi khi thu hoạch loại quả nào, ông đều dành riêng một ít để gọi đám trẻ đến chia vui. Ông bảo, thuyết phục bọn trẻ, phải bắt đầu từ sự chân thực, cũng như làm dân vận ấy, không thể nói những điều sáo rỗng.

Trong sinh hoạt cựu chiến binh, trong sinh hoạt đảng, ông đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, bảo vệ lẽ phải. Trong kỳ đại hội đảng bộ xã An Vĩ vừa qua, tuy trong diện được miễn sinh hoạt đảng, ông vẫn được bầu là đại biểu chính thức. Ông đã cùng các đại biểu bảo vệ chính kiến của mình, góp phần làm nên thành công của đại hội. Ông cho rằng, mình là cựu chiến binh, lời thề của người lính luôn phải ghi nhớ. rung với Đảng, hiếu với dân là phải có nhiệm vụ đóng góp ý kiến, sức lực cho việc thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, góp phần phát triển kinh tế của quê hương.

Khó khăn nào cũng vượt qua

Nói chuyện một lúc, bỗng thấy trán ông Nhần giật giật. Ông nói: “Chắc là tối nay hoặc mai gì đó là giở giời đấy”. Ông giải thích: “Cái đầu tôi bây giờ là cái máy dự báo thời tiết, cấm có sai bao giờ”...

Nhập ngũ năm 1966, sau khi huấn luyện ở Hòa Bình, ông được điều ngay vào chiến trường miền Nam. Năm 1967, tại chiến trường Tây Ninh, ông đã vinh dự được gia nhập Đảng. Trở thành đảng viên, người lính Đàm Quang Nhần càng chiến đấu hăng hái, anh dũng. Trong trận Mậu Thân, ông chiến đấu tại Sài Gòn, bị ba viên đạn AR15 găm vào hộp sọ. Sau khi điều trị, ông phải trở ra Bắc với thương tích khá nặng, ông nằng nặc xin về quê. Mảnh đất quê ông từ xa xưa đã là niềm mơ ước của bao người dân lao động. Phủ Khoái - tên gọi Khoái Châu, trong tâm thức của người xưa luôn đi kèm với niềm tự hào của người Hưng Yên: “Muốn sống lâu về Khoái Châu mà ở”. Về quê, ông thấy khỏe ra. Ba viên đạn, chỉ gắp ra được một, còn hai vẫn “kiên quyết đòi ở lại” trong đầu ông, để thỉnh thoảng lại thành một thứ vòng kim cô xiết vào óc và thành thứ máy dự báo thời tiết bất đắc dĩ của ông mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng ông không chịu khuất phục. Ông vẫn vác cuốc ra đồng phụ với vợ con.

Năm 2006, khi có chủ trương đổi ruộng dồn thửa, ông đổi được 7 sào đất của mình về một khu. Lúc ấy, nhiều nơi đã hình thành kinh tế trang trại. Đọc báo, nghe đài về các mô hình này, ông thích lắm, quyết chí làm trang trại. Có người gàn: “ông là thương binh nặng, có tiền nhà nước nuôi dưỡng, có cả chế độ cho người phục vụ, trang trại làm gì cho mệt thân...”. Đúng là về kinh tế, ông chẳng cần gì. Vợ hiền đảm đang, con đều đã phương trưởng. Người con cả ở nhà phụng dưỡng bố, anh thứ hai phục vụ trong quân đội, anh thứ ba có một cửa hàng kinh doanh tại thành phố Hưng Yên. Nhưng, với bản tính hay lam hay làm, cộng với ý chí quyết chiến quyết thắng của người lính từng vào sinh ra tử, ông không chịu lùi. Đề nghị Hội Cựu chiến binh xã giúp tín chấp ngân hàng cho vay số vốn ban đầu 30 triệu đồng, ông liền thuê đào ao, mua giống cam Canh, bưởi Diễn về trồng. Qua một vụ, bưởi còn lác đác đậu một vài chục quả, chứ cam tuyệt nhiên chẳng bói quả nào, có gốc còn bị sâu, héo, buộc ông dứt ruột chặt 500 gốc cam. Coi như thua một trận. Cũng may, cuối năm ấy, tát ao thu được tấn rưỡi cá, tương đương với 30 triệu đồng, trả được vốn vay ngân hàng.

Thừa thắng xốc tới, nhân tiện các gia đình bên cạnh có nhu cầu chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất, ông Nhần lại vay tiền, tăng diện tích trang trại lên đến 1 héc-ta. Trên diện tích đất trồng cam, ông thay bằng nhãn. Dưới tán cây lưu niên, ông trồng các loại cây ngắn ngày. Nào ớt, nào cây thuốc nam, nào rau thơm, đu đủ... Qua thêm một năm, khu vườn bưởi đã bắt đầu “thuần phục”. Năm 2009, ông thu gần một trăm triệu đồng tiền bán bưởi. Thấy trang trại của ông an ninh tốt, xã giao luôn khu di tích Lăng Tể tướng liền đấy cho ông trông coi. Trong khu lăng mộ có nhiều mồ mả, đất không được bằng phẳng, chẳng ai muốn trồng trọt gì nên từ lâu cỏ mọc um tùm. Khi về tay người đảng viên thương binh Đàm Quang Nhần trông coi, khu Lăng được qua một cuộc cách mạng: Cỏ được làm sạch, thay vào đó là hàng nghìn gốc cây lá láng xanh mượt. “Trông tưởng chỉ để cho đẹp thế thôi chú ạ, chứ mỗi cây, một năm cũng có bốn, năm chục nghìn tiền hoa đấy”. Nhìn ông cười tươi bên những khóm láng, tôi chợt nghĩ: Với tay người cựu chiến binh “lão nông tri điền” này, quả là tấc đất, tấc vàng.

Chuyện ao chuôm của ông Nhần cũng khá kỳ khôi. Năm đầu, ông Nhần chỉ thả cá, nhưng một thời gian, nghe mọi người mách, ông thả tiếp ba ba. Do ít vốn, ông chỉ mua được có chục con ba ba gai giống. Năm sau, tát ao, ba ba đã khá to, ông không bán mà mang đổi toàn bộ lấy ba ba giống. Tiền bán rau ông dành toàn bộ để mua tép về băm “chiêu đãi” ba ba. Giờ thì trong ao nhà ông đã có 300 con ba ba gai. Mỗi con cũng được sáu, bảy lạng. Cứ tính giá trên thị trường bây giờ là 250.000đ một con ba ba giống chỉ to bằng móng chân cái thì mới thấy giá trị số ba ba kia. Bên cạnh ba ba, ông Nhần vẫn thả cá, nhưng đều là cá to để ba ba không “tiện mồm xơi tái” được. Sợ nước ao quá đặc, ông mua hai chục con vịt đẻ về cho quần thảo suốt ngày trên mặt nước, vừa đảo được ô-xy vào nước, vừa có trứng vịt ăn...

“Kẻ thù” nào cũng đánh thắng

Qua mấy năm một nắng hai sương đánh vật với đất, Đàm Quang Nhần đã bắt khu trang trại của mình “vào nền nếp” mùa nào thức ấy. Nói về mình, ông chỉ giản dị: “Tôi tuy là thương binh nặng, nhưng không thích ngồi rồi chơi không, lúc nào cũng chỉ muốn làm việc. Không làm, tôi sẽ ốm mất”. Rõ ràng, ông không chỉ chiến thắng trên mặt trận kinh tế, mà đã chiến thắng chính mình để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông tâm sự: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, dù là thương binh chúng tôi vẫn muốn làm việc có lợi cho dân cho nước. Nhưng thú thật, đâu phải bây giờ có Cuộc vận động, chúng tôi mới học và làm theo Bác!

Người đảng viên thương binh Đàm Quang Nhần sau khi làm tròn nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm, nay lại đánh thắng giặc “nghèo”. Thành quả của ngày hôm nay có được, theo ông, bên cạnh sự phấn đấu của bản thân còn có sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em, đồng đội, nhất là của người vợ hiền tảo tần, đảm đang rất mực yêu quý chồng con.

                                                        *

Tiễn khách ra về, ông Nhần dắt tôi tham quan Khu lăng mộ của vị tể tướng triều Nguyễn giờ đã trở thành di tích cấp tỉnh và được nhân dân hương khói thờ phụng. Trước sự thâm nghiêm của Lăng, tôi thầm nghĩ, theo truyền thống, ai có công với dân, với nước, dù ở chức phận nào, địa vị nào, như ngài Tể tướng hay người đảng viên thương binh nhỏ thó bên cạnh tôi, đều sẽ được nhân dân ghi nhớ... Bất chợt, trên mướt mát màu xanh của những cây lá láng, tôi bắt gặp một nụ hoa đỏ tía nhô lên… Phải chăng, ngài đồng ý với tôi, thưa quan Thái tể!.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất