Dù sống một ngày cũng phải là một ngày có ý nghĩa

Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1979 tại khu 3, xã Thanh Vinh, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là công nhân viên quốc phòng, nhà nghèo nên từ nhỏ Sơn đã cố gắng học thật tốt để sau này báo hiếu bố mẹ. Tuổi thơ Sơn đã trải qua cùng những tháng ngày khó khăn của đất nước trước thềm đổi mới, nhưng cũng chính những tháng ngày “ăn ngô đến béo vàng cả chân” đó đã tiếp cho Sơn nhựa sống, nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống và khát vọng vươn lên!

Nhưng khi Sơn bắt đầu bước vào kỳ hai của năm lớp 10 (đầu năm 1995) tự nhiên Sơn thấy mệt rã người, chân tay mỗi ngày thêm mọng ra, bấm chỗ nào lõm chỗ đó và mí mắt dường như cũng cứ sụp xuống. Cả gia đình đau đớn, rụng rời khi bác sĩ kết luận Sơn bị viêm cầu thận rất nặng, phải tiêm kháng sinh liều cao. Tiêm nhiều kháng sinh đến nỗi hai cánh tay Sơn chai cứng, không còn đâm nổi kim tiêm vào nữa. Vừa điều trị, mẹ Sơn vừa đèo con đi học để Sơn hoàn thành chương trình lớp 10. Sang năm lớp 11, gia đình phải xin nhà trường cho Sơn nghỉ một năm để trị bệnh ở Hà Nội. Điều trị tạm ổn bằng tây y, gia đình lại chuyển sang chữa bệnh cho Sơn bằng đông y. Hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay dù trong Nam hay ngoài Bắc, bố mẹ Sơn cũng lặn lội mua về cho con. Biết rằng, căn bệnh này rất khó chữa khỏi, hơn nữa cần nhất là sự tĩnh tâm, nên ai cũng khuyên bố mẹ Sơn cho con nghỉ học. Vì sự sống của con, bố mẹ Sơn cũng khuyên con nghỉ học chữa bệnh, song Sơn nhất quyết xin bố mẹ cho học tiếp. Thế là 2 năm trời đằng đẵng, ngày nào mẹ cũng đưa đón Sơn trên chiếc xe đạp cà tàng đến lớp và từ lớp về bất kể nắng mưa. Khi đó, cơ thể Sơn phù nề, da xanh tái và yếu tới mức không thể tự đạp xe đến trường được. Dẫu vậy, cậu học sinh bệnh tật, nặng chỉ trên dưới 40kg ấy đã không phụ công bố mẹ khi mang về tấm bằng khen học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn.

Không dừng lại ở đó, nung nấu ước mơ được trở thành sinh viên, hết lớp 12, dù nhiều người khuyên can nhưng Sơn vẫn quyết tâm đi thi đại học. Sức yếu, bệnh nặng và những ngày hè nắng đến bỏng rát lại sống trong căn phòng trọ nghèo nàn đã rút đi của Sơn nhiều sinh lực. Năm ấy, Sơn thiếu một điểm nên chưa thỏa nguyện được ước mơ…

Sơn vẫn không nản chí, một năm ở nhà vừa ôn thi, vừa chữa bệnh, kỳ thi đại học năm 1999 Sơn đã thi đỗ vào hai trường: Đại học Sư phạm (ĐHSP) I Hà Nội và ĐHSP Thái Nguyên, anh quyết định theo học ở ĐHSP I Hà Nội. Ngày nhập trường, hành trang của Sơn không chỉ là quần, áo, sách vở mà còn có cả những bao thuốc. Không muốn bị bạn bè nhìn mình với ánh mắt thương hại, Sơn giấu tất cả thầy cô, bạn bè về bệnh tình của mình. Ngoài giờ lên lớp, anh âm thầm sắc thuốc uống, tự mình vượt qua những cơn đau đớn để trụ lại trường. Những sinh viên Khoa Lịch sử K49 trường ĐHSP I Hà Nội ngày ấy không thể quên hình ảnh một lớp phó đời sống hiền lành, giản dị, nhưng rất có khiếu kể chuyện, gây hài… Lớp phó ấy chính là Sơn, rất quan tâm chăm lo đến đời sống của các bạn sinh viên, nhất là sinh viên học xa nhà.

Thương bố mẹ vất vả, không chỉ lo thuốc thang chữa bệnh cho Sơn, còn phải dành dụm tiền nuôi cậu em ăn học, nên năm học thứ hai Sơn đã đi làm thêm kiếm tiền. Qua bạn bè mách bảo, rồi các Trung tâm gia sư giới thiệu, Sơn nhận dạy tiếng Việt cho sinh viên Hàn Quốc. Anh mang tất cả tình yêu đất nước, quê hương và tâm huyết để truyền dạy cho những sinh viên nước bạn về cái hay, cái đẹp và sự phong phú của tiếng Việt, khiến họ cảm thấy yêu mến đất nước và con người Việt Nam hơn. Tiếng lành đồn xa, lớp học của Sơn mỗi ngày một đông, Sơn và lớp học của anh trở nên nổi tiếng trong giới sinh viên Hàn Quốc sang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Tốt nghiệp ĐHSP I Hà Nội, Sơn tiếp tục thi vào học Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh thi vào trường này với ý nguyện muốn thể hiện tình yêu của mình với Đảng và Bác. Trong lúc bệnh tình mỗi ngày một nặng, anh vẫn vừa đi làm vừa đi học, vẫn cố gắng hết mình để đạt được thành tích cao trong học tập. Và Sơn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Sau hơn hai năm học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Sơn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích sinh viên nghiên cứu khoa học và Bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị. Hai bằng đại học chính quy, trong đó có một bằng loại giỏi, lại là đảng viên trẻ, một tương lai rực rỡ đang mở ra trước mắt Nguyễn Ngọc Sơn... Nhưng sau những tháng năm dồn hết tâm lực cho học tập, giờ đây bệnh tình trong người Sơn bắt đầu phát tác và khiến anh gục ngã. Bác sĩ thông báo anh bị suy thận giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính từng tháng, từng ngày… “Đất dưới chân tôi như chao đảo. Tôi khuỵu xuống, không cất nổi một lời. Tôi đã không thể nghĩ gì vào phút ấy ngoài điều ước một ngày dài hàng trăm, hàng ngàn giờ, để tôi được sống thêm một ngày…”.

Cả tuần sau khi nghe tin mình có thể sắp xa lìa cuộc sống, Sơn chìm đắm trong tiêu cực, tuyệt vọng. Song khi bắt gặp ánh mắt đau đớn của mẹ, anh sực nhận ra rằng mình không có quyền làm đau mẹ hơn nữa. “Khi ấy, dòng chữ về mẹ chợt ào đến trong đầu tôi”:

Xin đừng khóc nữa mẹ ơi!

Ngày mai con sẽ về nơi ông bà.

Ngày mai con chẳng ở nhà

Hàng trầu để héo, cau già rụng rơi...

Mẹ ơi! Con muốn mẹ cười

Từ nay mẹ mãi thương người khổ đau

Con người ai cũng như nhau

Biệt ly-là chuyện trước sau thôi mà

Và Sơn bắt đầu viết, viết say sưa và gấp gáp những dòng nhật ký, suy ngẫm về cuộc đời, về niềm tin, niềm hi vọng và những ước mong của mình về tương lai. Rồi tình yêu thương của bố mẹ, của tập thể y bác sỹ, của những người bạn sinh viên một thời đã giúp Sơn nhận ra chưa phải đã mất tất cả, chỉ cần còn ý chí và nghị lực nhất định Sơn sẽ sống những ngày còn lại thật ý nghĩa. Vừa động viên cha mẹ, Sơn đi dạy chính trị ở trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng (Thị xã Phú Thọ), vừa viết văn, làm thơ để có thêm tiền đi chạy thận theo chu kỳ (một tuần ba buổi ở bệnh viện tỉnh, tự đi một mình bằng xe máy vượt qua quãng đường 70 cây số mỗi buổi). Sơn còn dành thời gian hướng dẫn cho các em thiếu nhi của xã, của Thị xã kể chuyện về Đảng, về Bác Hồ kính yêu một cách tự nguyện và say mê… Càng tìm hiểu về Bác, anh càng thấm thía tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, vượt lên chính mình của Bác trong những giờ phút hiểm nghèo ở nhà giam của Tưởng Giới Thạch.

Học ở Bác, Sơn càng quyết tâm hơn. Anh viết nhiều hơn, say mê và tâm huyết hơn. Và rồi, đầu tháng 1-2008 cuốn nhật ký của Sơn “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành… Cuốn sách đã được bạn đọc cả nước đón đọc nhiệt thành và tái bản nhiều lần, số phát hành lên đến hàng vạn bản. Cuốn sách trở thành điểm tựa, niềm tin cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có số phận không may mắn. Để tri ân với cuộc đời, Sơn đã dành toàn bộ số nhuận bút và một phần tiền bán sách (quy bằng sách) với giá trị khoảng 80 triệu đồng để tặng lại các em học sinh nghèo hiếu học, hoàn cảnh khó khăn, thư viện các trường, các chiến sỹ nơi biên giới và hải đảo của Tổ quốc, những mảnh đời bất hạnh… Sơn cũng dành tặng một phần tiền cho những người bệnh, những em bé mồ côi và kêu gọi được một số nhà hảo tâm, một số báo chí giúp đỡ cho họ.

Năm 2008, Nguyễn Ngọc Sơn được trao tặng giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20”. Năm 2009, anh nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Trung ương Hội LHTNVN, được Tỉnh Đoàn Phú Thọ khen về thành tích xuất sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là đại biểu thanh niên tiên tiến của tỉnh Phú Thọ năm 2009.

Chia tay chúng tôi, Sơn bảo anh đang xuất bản một cuốn sách mới và hứa sẽ gửi tặng. ánh mắt và nụ cười lạc quan, vẫn tin tưởng vào tương lai ấy đã để lại trong tôi một nỗi niềm suy tư không dứt. Dẫu biết là “biệt ly-là chuyện trước sau thôi mà”, sao tôi vẫn ước có một phép mầu, để người đảng viên trẻ ấy được sống, tiếp tục viết và được cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời.

Phương Linh

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất