Trong Hội nghị giao lưu, tọa đàm, biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội vừa qua, Thượng úy Y Wang Niê - Đội trưởng vũ trang, Phó bí thư Chi đoàn Thanh niên, chi ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng quân nhân của Đồn biên phòng Sê-rê-pôc (đồn 743) đến từ mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với một bề dày thành tích đã khiến nhiều người cảm phục: Cùng đồng đội giúp dân trồng lúa nước, bỏ được thói quen sống du canh du cư; giúp dân tránh được cơn lũ lịch sử 2007; trồng mới 3.000 mét vuông vườn cây ăn trái, 1 ha điều; vận động bà con không sử dụng và chế tạo vũ khí, thu gom được 60 khẩu súng và hơn 1.000 viên đạn các loại; lập Tủ sách Bác Hồ tại đồn...
Chào Y Wang Niê! Rất vui được làm quen với anh! Anh có thể kể vài nét về mình?
Mình sinh năm 1977, là người con của dân tộc Ê-đê. Học hết trung học phổ thông, mình tình nguyện vào bộ đội biên phòng để được làm nghĩa vụ bảo vệ quê hương, đất nước. Hai năm sau, cấp trên cử mình về Thủ đô Hà Nội, theo học tại Học viện Biên phòng. Đây là niềm vui, là mơ ước của mình từ lâu... Từ sau giải phóng, Đảng và Nhà nước đã có chính sách khuyến khích con em đồng bào các dân tộc tới trường; việc trẻ em các dân tộc miền núi được học hành không còn là chuyện lạ nhưng để theo tới đại học thì ít lắm. Mình mong Đảng và Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa để những người được học tới đại học ở quê mình ngày một nhiều hơn. Năm 2004, tốt nghiệp Học viện Biên Phòng, mình trở lại đơn vị tiếp tục công tác.
Y Wang Niê có thể kể về Đồn Biên phòng nơi anh đóng quân?
Đồn biên phòng Sê-rê-pôc nằm trong vườn Quốc gia Yoor Đôn, là đồn trọng điểm ở Đắc Lắc, nơi có con sông mà đồn mang tên chảy qua. Từ đồn đến bưu điện xã 50 km, điểm dân sống gần đồn nhất cũng 27 km. Đồn quản lý 12,2 km đường biên giới giáp nước bạn Căm-pu-chia, bảo vệ 2 cột mốc số 44 và 45.
Từ khi về nhận công tác tại đồn, mình không chỉ coi trọng huấn luyện cho chiến sĩ nắm vững, kỹ chiến thuật quân sự mà còn đặc biệt chăm lo quản lý, giáo dục chiến sĩ về tư tưởng, chính trị. ở một địa bàn vùng biên như Sê-rê-pôc, nếu không vững vàng, kiên định thì rất khó hoàn thành được nhiệm vụ. Còn công việc thì cũng không có gì là khó khăn, vất vả bởi mình là người lính mà. Dù ở đây chỉ có núi, rừng, nhiều lúc cũng buồn, nhớ nhà lắm nhưng bọn mình đặt nhiệm vụ lên trên hết nên cũng hết buồn ngay (cười).
Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh cùng với anh em chiến sĩ trong đơn vị đã học và làm theo Bác như thế nào?
Trước kia, cơ sở vật chất của đồn thiếu thốn. Thực hiện Cuộc vận động, lãnh đạo đồn đã cùng với anh em chiến sĩ hạ quyết tâm xây dựng đơn vị trở thành một môi trường công tác, học tập tốt hơn bằng chính đôi bàn tay và khối óc của người lính biên phòng. Mình đứng ra vận động đoàn viên thanh niên lập vườn cây ăn trái 3.000 mét vuông của đơn vị, trồng mới 1ha điều. Năm nay, điều đã đến ngày cho quả.
Đồn chưa có sân bê tông, mình bàn với lãnh đạo và được sự đồng ý, tạo điều kiện của lãnh đạo, mình cùng anh em trong chi đoàn thanh niên tự khai thác đá từ trên núi và cát từ sông Sê-rê-pôc để xây dựng đường đi, làm được sân bê tông nội bộ khang trang, sạch sẽ. Cán bộ chiến sĩ đã có cả sân tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe. Làm theo Bác, lãnh đạo và chỉ huy đồn Sê-rê-pôc luôn giáo dục cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tư tưởng “vì nhân dân phục vụ”. Đồng bào dân tộc thường quen sống du canh, du cư, phá rừng làm rẫy, đờisống gặp nhiều khó khăn. Cán bộ chiến sĩ đã giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Trong đợt lũ lịch sử năm 2007, anh em chiến sĩ của đồn đi cứu hộ, di dời được 50 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bọn mình còn giúp đồng bào đào kênh, xuống từng nhà vận động bà con làm ruộng nước để định canh định cư, ổn định sản xuất, giúp người dân buôn Drăk Pôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đẩy lùi được cái đói, cái nghèo. Trước năm 1990, ở Sê-rê-pôc tình hình buôn lậu trâu bò, hàng điện tử qua biên giới Căm-pu-chia đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Người dân ngang nhiên buôn bán trâu bò trái phép đưa sang bên kia biên giới khiến có lúc trong bản không còn trâu bò, sản xuất bị đình trệ. Trong khi đó hàng điện tử tràn ngập thị trường với giá rẻ làm cho hàng của ta không lưu thông, gây tác động không nhỏ tới kinh tế của vùng. Nhưng nhờ có chính sách biên giới phù hợp của lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc, cùng với việc cán bộ, chiến sĩ đồn bám sát địa bàn, gắn bó với dân, kiên trì vận động, thuyết phục, tình hình buôn bán hàng hóa trái phép qua biên giới đã hạn chế nhiều.
Kỷ niệm nào sâu sắc nhất đối với anh khi học và làm theo Bác?
Mình nhớ nhất là lần cùng đồng đội đi tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa bàn (cách đồn 40 km) thực hiện việc giao nộp vũ khí tự chế cho bộ đội. Lúc đầu, dân nhất định không nộp. Là người Ê-đê, mình hiểu người đàn ông cần vũ khí tự tạo khi vào rừng, lên rẫy như thế nào nên mình ra sức giải thích, thuyết phục bà con hiểu chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý vũ khí, bằng chính tiếng của bà con. Và bà con đã nghe ra, làm theo bộ đội. Nhiều người không chỉ giao nộp vũ khí của mình mà còn vận động nhiều đối tượng khác không sử dụng và tự tạo vũ khí nữa.
Công tác ở một địa bàn có nhiều dân tộc, ngay ở đồn, các chiến sĩ cũng từ 4 dân tộc anh em trong nước tụ lại, vì thế, câu nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” của Bác luôn được mình và đơn vị ghi nhớ và vận dụng trong mọi tình huống, từ những điều nhỏ nhất... Mình hiểu muốn đoàn kết được quân dân, đoàn kết được chiến sĩ thì cán bộ phải gương mẫu. “Nói ít làm nhiều”. “Nói đi đôi với làm”. Chính nhờ tạo được mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào dân tộc với bộ đội biên phòng mà nhân dân đã sát cánh cùng đơn vị mình giữ gìn an ninh trật tự biên giới.
Đảm đương nhiều cương vị như vậy, anh phải làm thế nào để hoàn thành trọng trách và mọi công việc được giao? Anh đã giúp đỡ được bao nhiêu đoàn viên ưu tú vào Đảng?
Ở Đồn, đảng viên chiếm trên 50% quân số. Mình đã giúp đỡ, bồi dưỡng được 5 đoàn viên ưu tú vào Đảng. Từ thực tiễn hoạt động của đội vũ trang, mỗi lần họp chi bộ, mình tham mưu với cấp ủy những chủ trương và cách làm hay để phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, đưa phong trào của Đồn và địa phương đi lên. Mỗi ý kiến tham mưu đều được chuẩn bị trước nên khi đưa ra chi bộ, đảng viên đều đồng tình, tin tưởng và làm theo. Có được điều này là bởi mình nói mình phải làm và làm trước. Mình cũng tự sắp xếp thời gian biểu và lên kế hoạch cụ thể cho mỗi công việc. Việc nào quan trọng mình dành thời gian giải quyết trước, không để công việc chất đống, dễ sót việc hoặc giải quyết mất nhiều thời gian.
Trong Hội nghị giao lưu các điển hình tiên tiến học và làm theo Bác, Y Wang Niê chia sẻ kinh nghiệm gì?
Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, lãnh đạo, chỉ huy đồn đã xác định trước hết phải làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong đồn hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung của Cuộc vận động. Cùng với đưa nội dung của Cuộc vận động vào quán triệt trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, hoạt động của đơn vị, chi đoàn thanh niên, mình còn vận động đoàn viên trong đơn vị thành lập tủ sách nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Nhờ đó, những câu chuyện giản dị về Bác đã đến được với các chiến sĩ trong đơn vị.
Thứ hai là, chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách một quần chúng chiến sĩ, bản thân đảng viên đó vừa phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ, tạo điều kiện để chiến sĩ học tập, làm theo gương Bác, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba là, hằng tháng, hằng quý, 6 tháng đầu năm, cuối năm, chi bộ, đơn vị họp, sơ kết, tổng kết, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, tìm rõ nguyên nhân và đưa ra kế hoạch phấn đấu của năm sau với những chỉ tiêu cụ thể để đưa cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vào hành động, đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.
Với kinh nghiệm và cách làm như thế, đồn biên phòng Sê-rê-pôc luôn đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; trong đó mình được Tỉnh ủy Đắc Lắc, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Cục Chính trị Biên phòng và Tổng cục Chính trị tuyên dương.
Bám đồn, bám bản, bám dân thường xuyên như thế, với gia đình nhỏ của mình, anh chia sẻ như thế nào?
Mình may mắn có được một hậu phương tuyệt vời. Từ đồn về nhà mình 150km. Tháng mình về qua nhà một lần, cá biệt có khi vài tháng. Mình có một cháu trai năm nay học lớp hai. Tất cả mọi việc lớn nhỏ ở nhà đều vợ lo toan. Nhờ thế, mình mới vững tâm làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng.
Về Hà Nội dự Hội nghị này, anh có cảm xúc gì?
Được dự Hội nghị lần này là một vinh dự lớn. Trước hết là vinh dự cho đơn vị, cho tỉnh, cho bà con các dân tộc Đắc Lắc và cho gia đình... Mình vui lắm, được gặp gỡ, giao lưu với các bạn bè khắp cả nước học và làm theo Bác, mình thấy những gì mình làm so với các bạn chưa đáng là bao... Mình còn phải cố gắng nhiều!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện hôm nay. Chúc anh cùng đồng đội luôn có một sức khỏe tốt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chúc gia đình anh hạnh phúc, có thật nhiều niềm vui.
Lan Phương