Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu
Năm 1945, khi còn trai trẻ, người thanh niên nhiệt huyết cách mạng Nguyễn Đình Chúc đã rời quê hương thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) tham gia cách mạng. Bảy năm (1945-1952) ông tham gia phong trào thanh niên cứu quốc, thông tin tuyên truyền cho cách mạng. Đầu năm 1952, ông chuyển sang nghề dạy học. Mười năm (1952-1961), thầy Chúc tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý giáo dục tại trường phổ thông trung học Hải Ninh (Móng Cái - Quảng Ninh), rồi phụ trách Phòng Phổ thông (Ty Giáo dục Quảng Ninh). Sau đó, thầy được cử đi học khoa Hoá (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Tốt nghiệp, thầy về giảng dạy tại quê hương Bắc Ninh, Trường cấp 3 Từ Sơn.
Năm 1965, quê thầy, huyện Tiên Du là vùng quê văn hiến, hiếu học nhưng chưa có trường cấp 3, học sinh trong huyện phải lên tận Trường cấp 3 Hàn Thuyên (Bắc Ninh) và Trường cấp 3 Từ Sơn để học. Thương cảnh học trò phải đi đường xa vất vả, thầy tình nguyện về quê xây dựng Trường cấp 3 Tiên Du, tham gia tuyển chọn những thầy, cô giỏi, tâm huyết cùng thầy xây dựng Nhà trường. 20 năm (1965-1985) ở cương vị Hiệu trưởng, thầy đã cùng tập thể Ban Giám hiệu và giáo viên xây dựng Trường cấp 3 Tiên Du từ nhà tranh tre nứa lá trở thành trường lớp cao tầng, khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Đội ngũ giáo viên của Trường thường xuyên được thầy Hiệu trưởng động viên, khích lệ, không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Học sinh của Trường được tạo điều kiện chăm lo học tập. Nhà trường là điển hình tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục Bắc Ninh. Thầy Nguyễn Đình Chúc nhiều năm được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được cử đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến xuất sắc do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức để báo cáo kinh nghiệm “dạy tốt, học tốt, quản lý giáo dục tốt”.
Năm 1985, thầy được nghỉ chế độ hưu, về quê. Tuy thế nhưng thầy không nghỉ làm việc, tiếp tục cống hiến cho phong trào mặt trận và người cao tuổi xã. Ở cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cảnh Hưng, thầy đã đóng góp xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá. Hiện nay, Hội Người cao tuổi đã vận động nhân dân xoá bỏ những hủ tục lạc hậu ở nông thôn, huy động sức người sức của tu bổ, tôn tạo đền chùa, đình và các di tích lịch sử văn hoá của quê hương.
Năm 1997, chứng kiến cảnh một số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không thi đỗ vào các trường trung học phổ thông phải ở nhà lao động quá sớm, có những em đã không tránh khỏi cám dỗ, sa vào các tệ nạn xã hội, thầy Chức thực sự đau lòng... Thầy mong muốn có một tổ chức để tập hợp các em, giúp các em tránh xa lối sống không lành mạnh, vừa học chữ, vừa học nghề để có một tương lai ổn định. Nghĩ là làm, thầy đã mạnh dạn đề xuất với Sở Giáo dục - Đào tạo Bắc Ninh, Huyện uỷ, UBND huyện Tiên Du thành lập Trường Trung học phổ thông Dân lập Tiên Du. Được các cấp có thẩm quyền cho phép, thầy đã cùng các thầy, cô giáo chung một tâm nguyện với mình xây dựng trường, mở lớp, mời giáo viên đương chức tại các trường phổ thông tham gia giảng dạy và tuyển chọn đội ngũ giáo viên cho Nhà trường. Không thể kể hết những khó khăn của ngày đầu thành lập trường... Tiếp nhận cơ sở vật chất của bệnh viện huyện cũ tan hoang, kinh phí thiếu, thầy huy động vốn của các thầy, cô giáo, vay vốn của nhân dân tu bổ 6 lớp học, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy và học. Nhìn vào những cố gắng nỗ lực của thầy, nhiều phụ huynh học sinh đã cùng chung tay, góp sức xây dựng trường. Học trò dần tìm đến với Nhà trường. Ngay từ năm học đầu tiên 1997-1998, Nhà trường đã huy động được 312 học sinh vào lớp 10. Có trường, có lớp, dù bước đầu còn nhiều khó khăn, với lòng yêu nghề tha thiết, tình thương yêu học sinh, thầy động viên đội ngũ giáo viên chăm lo dạy dỗ các em tận tình, chu đáo. Là trường dân lập, với đối tượng học sinh tương đối đặc thù, thầy cùng Ban giám hiệu Nhà trường chủ trương kết hợp nhuần nhuyễn giữa dạy chữ, dạy người với dạy nghề. Từng bước, từng bước, các thầy, cô cùng cố gắng vực học sinh yếu kém lên trung bình, trung bình lên khá, giỏi. Năm học 1999-2000, năm đầu tiên Nhà trường tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Trái đầu mùa đã ra quả ngọt, 91% học sinh tốt nghiệp, chiếm tới 60% đạt khá giỏi, 30% học sinh đỗ cao đẳng, đại học.
12 năm (1997-2009) xây dựng và phát triển, từ chỗ phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thầy và Ban giám hiệu Nhà trường đã có công lớn xây dựng Trường Trung học phổ thông dân lập Tiên Du ngày càng to đẹp, khang trang. Nay Trường đã có 22 lớp học kiên cố, cao tầng, đủ để 1.000-1.200 học sinh vào học, văn phòng, hội trường, phòng truyền thống khang trang, khuôn viên nhà trường được quy hoạch gọn ghẽ, xanh - sạch - đẹp. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Chúc coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên yêu nghề, nhiệt tình trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, có chuyên môn giỏi, có tinh thần đoàn kết cao. Đối với các em học sinh, ngay từ khi tuyển chọn vào Trường đã được phân loại để có hướng bồi dưỡng, giao chỉ tiêu cụ thể cho giáo viên bộ môn, tăng cường dự giờ, thăm lớp, quản lý việc học của học sinh ở trường cũng như ở nhà thông qua sổ liên lạc gia đình, nhà trường và Hội cha mẹ học sinh. Dưới sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Chúc, cùng với lòng yêu nghề tha thiết của đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục ở Trường Trung học phổ thông Dân lập Tiên Du được nâng lên toàn diện trên tất cả các mặt đức, tài, thể, mỹ. Năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 97%, tỉ lệ học sinh đỗ cao đẳng, đại học đạt 32%.
Là nhà giáo quản lý giỏi, yêu nghề, tận tuỵ với nghề, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Chúc còn là người cha mẫu mực với con cái, người ông mẫu mực với các cháu. 6 người con của thầy đều đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đều là đảng viên, có 5 người theo nghề dạy học. 80 tuổi đời, 50 tuổi đảng, nhà giáo Nguyễn Đình Chúc thực sự là tấm gương tận tuỵ với nghề trồng người trên quê hương Tiên Du anh hùng.
Sơn Trà (Đài Tiên Du - Bắc Ninh)
Chuyện kể về một thầy giáo làm dân vận khéo
“Tôi là người địa phương, bí thư chi bộ nhưng có việc, tôi không vận động được bà con làm. Vậy mà thầy giáo Học lại vận động được. Không những bà con nghe mà còn hăng hái làm theo lời thầy giáo” – Bí thư Chi bộ xóm Diều Bồ, xã Tân Minh (Đà Bắc, Hoà Bình) Hà Văn Chủng nói như thế về thầy giáo Nguyễn Thế Học, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường tiểu học Tân Minh B.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, đồng chí Chủng chỉ chúng tôi xem những công trình mà thầy Học đã vận động nhân dân làm được: Bức tường đá xây kiên cố có chiều dài 35m, cao 4m, dày 0,40m, riêng phần móng và chân tường rộng 1m. Vật liệu gồm 56 m3 đá, 80m3 cát, 23 m3 sỏi, 15 tấn xi măng, tổng số là 1.000 ngày công, trị giá công trình trên 40 triệu đồng. Anh Chủng cho biết: Tất cả vật liệu, tiền công xây dựng, ngày công lao động đều do nhân dân các xóm: Diều Bồ, Diều Nọi, Trầm Trong, Trầm Ngoài có con em học tại Trường Tiểu Tân Minh B đóng góp. Khi chưa xây bức tường, mùa mưa đất bị sạt lở gây nguy hiểm đến sự an toàn của 3 phòng học.
Bước vào sân trường, chúng tôi nhìn thấy hàng cây xanh cao quá tầm tay với, vườn hoa được chia thành từng ô hình chữ nhật, những bông hoa đồng tiền, hồng nhung, hồng bạch lung linh dưới nắng ấm áp. Khoảng sân rộng hơn 2.500m2 được quy hoạch đẹp mắt. Bí thư Chủng “khoe”: “Nửa đất sân trường này, hồi đầu năm học là đất ruộng của gia đình ông Xa Văn Tời và ao cá của gia đình ông Xa Văn Du. Không biết thầy Học nói thế nào mà hai hộ trên đã tình nguyện hiến ruộng, ao cho trường làm sân” - Rồi anh gật gù, tâm đắc: “Thầy Học dân vận giỏi thật!”.
Hết tiết học thứ 2, chúng tôi mới gặp được thầy giáo Nguyễn Thế Học. Niềm nở, nhanh nhẹn, khiêm tốn, yêu nghề, ít nói về mình, thày chỉ muốn kế về trường, về lớp, về các em học sinh đang vui đùa trong giờ giải lao. Chúng tôi hỏi về thầy, về con đường đưa thầy đến với Trường Minh Tân B, về cách làm dân vận để trường lớp được khang trang, học trò được yên tâm lên lớp,... Tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm năm 1996, anh giáo sinh trẻ Nguyễn Thế Học tình nguyện lên dạy ở Trường tiểu học Mường Tuổng. Năm học 2000 – 2001, thầy Học được chuyển về Trường tiểu học Đoàn Kết. Về trường, thầy Học lại được Ban giám hiệu phân công về chi trường ở bản Thầm Luông nơi 100% là đồng bào dân tộc Dao. Chi trường có 4 giáo viên, 5 lớp với 90 học sinh. Lớp học là nhà gỗ, vách nứa, lợp lá cọ. Giáo viên không có nhà ở phải ở nhờ nhà dân. Về chưa được một tháng, thầy Học đã đến thăm tất cả 60 hộ trong bản, hiểu hết phong tục tập quán, đời sống kinh tế của bà con. “Phải vận động nhân dân làm nhà ở cho giáo viên” - Thầy đem nguyện vọng của mình bàn với giáo viên trong chi trường rồi đến nhà trưởng bản thưa chuyện, bàn cách vận động bà con giúp đỡ. Trưởng bản đồng ý. Ngay sau đó, trưởng bản mời cán bộ các đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, nông dân của bản cùng thầy, cô giáo bàn cụ thể cách làm. Hai hôm sau, bản Thầm Luông họp bàn về việc làm nhà cho thầy, cô giáo. Đứng giữa nhà, thầy Học nói: “Tôi vào UBND xã xin gỗ, bà con giúp công lên rừng lấy cây, đào đất san nền nhà, lấy nứa làm vách, lấy lá cọ lợp mái. Thầy, cô giáo cũng như bà con phải có cái nhà ở mới yên cái bụng để dạy cái chữ cho các em. Thầy, cô giáo về đây thì coi bà con, coi cái bản Thầm Luông này như gia đình, xóm làng của mình...”. Nghe thầy Học nói xong, bà con vỗ tay tán thành.
Chỉ sau cuộc họp bản mười ngày, gỗ, nứa, lá cọ đã chất đầy trước sân lớp học của bản. Thầy Học cùng giáo viên trong chi trường trích 2 triệu đồng tiền lương trả tiền công thợ làm khung nhà. Từ đó, bản Thầm Luông có thêm nóc nhà mới 4 gian - hộ giáo viên giữa bản.
Năm học 2002 – 2003, thầy Học chuyển về Trường tiểu học Đồng Ruộng với cương vị Hiệu phó. Trường đang trong diện yếu kém vì tình trạng học sinh bỏ học nhiều do kinh tế khó khăn. Thầy Học lại trổ tài dân vận của mình. Ngoài giờ lên lớp, thầy cùng một số giáo viên vượt núi, băng rừng đến từng gia đình có con em bỏ học để vận động. Lời của thầy Học làm cho bà con hiểu một điều sâu sắc là, đời ông bà, đời cha mẹ, đời của mình nghèo đói là do không có nhiều con chữ. Không có chữ nên không học được những cái hay cái tốt trên sách báo. Không biết chăm con trâu, con bò khi nó ốm, không biết nuôi con lợn chóng lớn, nuôi con gà, con vịt thành đàn, không biết trồng cây ngô nhiều bắp, cây lúa nhiều bông... Nghe lời thầy Học, con em trong xã lại đến trường đông đủ, chăm chỉ học hành. Trường tiểu học Đồng Ruộng trở thành trường tiên tiến của ngành giáo dục-đào tạo huyện Đà Bắc.
Năm học 2004 – 2005, thầy Nguyễn Thế Học chuyển về Trường tiểu học Tân Minh B với cương vị Hiệu trưởng. Đây là trường mới tách từ Trường tiểu học Tân Minh. Trường có 16 lớp, ngoài 6 lớp tại trung tâm trường còn 10 lớp ở các xóm. Có xóm xa trung tâm trường 3 – 4 cây số đường núi. Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, vững chắc nhưng do địa hình miền núi nên khuôn viên hẹp, độ dốc cao. Xung quanh trường là ruộng, ao cá của bà con. Thầy Học nhiều lần xin mở rộng sân trường để các em học sinh có chỗ vui chơi văn nghệ, thể thao. Nhưng đất là của hộ gia đình, họ đã được cấp bìa đỏ. Đặc biệt là ruộng cấy lúa đối với đồng bào vùng cao rất quý. Nhưng không thể vì thế mà học trò phải chịu thiệt thòi. Ngày nghỉ, giờ nghỉ thầy đến thăm hỏi gia đình trong xóm, tìm hiểu điều kiện kinh tế nhân dân. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, vào các dịp lễ tết, ngày mùa thầy huy động giáo viên, học sinh đến giúp đỡ, thăm hỏi. Các em học sinh nghèo được nhà trường giúp đỡ sách vở, bút viết. Nhiều em còn được thầy cô mua tặng quần áo ấm, dày dép. Ngày mưa nước lũ các em không về được nhà, các thầy cô nấu cơm cho các em ăn, nhường giường cho các em ngủ hai ba ngày liền. Trong xóm khi có người chết, Nhà trường tổ chức phúng viếng, cử giáo viên, học sinh đến giúp đỡ phục vụ cơm nước... Thấu hiểu tình nghĩa của thầy cô, học sinh, chi bộ, chính quyền các xóm đã họp dân bàn chuyện xây dựng cơ sở vật chất cho con em học tập. Tất cả các cuộc họp dân dù xóm xa, dù mưa, giá rét Hiệu trưởng Nguyễn Thế Học và Ban giám hiệu đều có mặt để nghe dân nói và cùng bàn với dân. Không phân bổ đầu người, không giao chỉ tiêu cho từng xóm mà phong trào được phát động trên cơ sở tự nguỵện, của ít tình nhiều trên tinh thần xã hội hoá giáo dục.
Bí thư Hà Văn Chủng kể lại: Lúc đầu không nghĩ rằng kết quả lại đạt được cao như vậy. Đầu tiên là Chi hội Cựu chiến binh xóm Diều Bồ tặng cho Trường ao cá diện tích 500 m2. Tiếp đến là ông Xa Văn Du, thương binh 2/4, đại diện gia đình tặng diện tích ao cá 150 m2 cho Trường. Gia đình ông Xa Văn Tời cắt 100 m2 ruộng cho Trường mở rộng đường... Phong trào hiến đất làm trường cho các cháu sôi nổi khắp các xóm. Có đất, bà con lại chung tay chung sức đào núi lấy đất lấp ao, lấp ruộng làm thành sân trường vuông vắn, sạch đẹp. Gương mặt của Trường tiểu học Tân Minh B trở nên sáng ngời giữa núi rừng Diều Bồ, Diều Nọi.
Và giờ đây, mỗi con chữ nơi đây có vị mặn của mồ hôi, có cái tình, cái nghĩa với sự nghiệp trồng người của đồng bào Tày, Mường, Dao xóm Diều Nọi, Diều Bồ, Trầm Ngoài, Trầm Trong. Và còn có cả công sức lớn lao của một người con đất Minh Tân này, thầy giáo - Hiệu trưởng Nguyễn Thế Học, một đảng viên dân vận giỏi.
Kiều An (Đài PTTH Hoà Bình)
Những hạt gạo thảo thơm
Một tấn gạo, nếu quy đổi thành tiền theo giá hiện nay sẽ là hơn 10 triệu đồng. Con số này không lớn đối với các doanh nghiệp hay bất kỳ gia đình giàu có nào. Thế nhưng đối với những gia đình nghèo, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường phải bỏ học lên nương mỗi mùa giáp hạt thì con số đó thật vô cùng ý nghĩa. Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường tiểu học Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã chắt chiu, tiết kiệm từ khoản thu nhập của gia đình mình để hàng năm hỗ trợ gạo cho các em học sinh trong trường.
Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người thì cũng từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Duyên giảng dạy tại trường vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. 10 năm giảng dạy tại các trường tiểu học của xã Chiềng Khoang, xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, gần 10 năm gắn bó với học trò Trường tiểu học xã Muổi Nọi nên cô thấu hiểu hơn ai hết cảnh nghèo khó, vất vả của học sinh vùng cao.
“Cái bụng còn chưa no thì nói chi tới việc học chữ!”. Chính nhận thức chưa đầy đủ như vậy, nhiều phụ huynh ở vùng cao không đồng ý cho các em đến lớp, giữ ở nhà làm nương. Chứng kiến những khó khăn của học sinh vùng cao, cô giáo Duyên vô cùng thương các em. Nhà ở rải rác khắp các bản xa không tập trung gần trường, có em phải đi bộ 4 - 5 cây, qua suối, đèo để đến lớp. Có em đến trường nhưng cái bụng đói. Mùa giáp hạt nhiều em không thể đến lớp. Cô Duyên luôn đau đáu "mình phải làm gì đó để giúp các em".
“Bám trụ ở vùng cao để gieo chữ đối với một giáo viên người xuôi như mình thật sự khó khăn. Nhưng so với học sinh vùng cao, khó khăn đó chẳng thấm vào đâu. Nhưng đồng lương giáo viên của mình có hạn, không thể giúp các em nhiều về vật chất, chỉ biết dồn hết tình yêu thương, sự thông cảm, sẻ chia với các em qua những bài giảng” - Cô Duyên tâm sự.
Cho đến năm 2004, khi gia đình chị mở cửa hàng kinh doanh gạo tại Sơn La, chị đã bàn bạc với chồng trích một phần thu nhập của gia đình để giúp đỡ các em. Đã 4 năm qua, cứ đều đặn đến tháng 4 hàng năm – tháng thường xuyên xảy ra đói giáp hạt, vợ chồng chị lại đưa xe chở 1 tấn gạo lên Trường tiểu học Muổi Nọi để giúp đỡ các em học sinh trong trường. “Khi mình làm việc này cũng nhiều người không hiểu đúng, thậm chí chê là “hâm”, nhưng thật may mắn là chồng mình luôn ủng hộ. Số gạo của vợ chồng mình tuy không nhiều cũng góp phần động viên các em tiếp tục đến trường”.
Hằng năm, số gạo của gia đình cô giáo Duyên được chia ra thành hơn 200 trăm suất quà, tương ứng với số học sinh nghèo của Trường. Mỗi em nhận được 4kg. Món quà tuy không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa trong những ngày giáp hạt. Tình cảm ấy đã lay động suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh học sinh. Nhiều gia đình đã không nỡ bắt các em ở nhà lao động, quan tâm hơn, nhắc nhở các em đến trường nhiều hơn... Em Lò Thị Nhung - học sinh lớp 1, Trường tiểu học Muổi Nọi sau khi được nhận gạo của cô Duyên, hào hứng nói: Chúng em được nhận gạo của cô Duyên tặng, chúng em rất vui và cảm ơn cô giáo. Chúng em hứa sẽ đi học chăm chỉ, đều đặn, không bỏ học nữa.
Nếu như những năm trước tỷ lệ học sinh Trường tiểu học Muổi Nọi bỏ học lên tới hàng chục trường hợp, thì từ năm 2005 đến nay tỷ lệ này ngày càng giảm dần. Năm học 2008 - 2009, cả Trường chỉ còn 1 học sinh bỏ học. Đây là con số đầy ý nghĩa, ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của tập thể thầy và trò nhà trường, trong đó có những đóng góp không nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Duyên.
Ngại nói về việc làm của mình, cô giáo Duyên tâm sự: Các em học sinh ở Muổi Nọi vẫn còn khó khăn lắm. Tôi rất mong sẽ có nhiều nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay, hỗ trợ các em nhiều hơn nữa để các em vơi bớt những khó khăn, được vui chơi học tập như bao trẻ khác...
Những hạt gạo nhỏ bé của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Duyên thực sự là những hạt gạo trắng trong của tấm lòng thơm thảo. Tin rằng, niềm mong muốn của cô giáo Duyên sẽ thành hiện thực, để ở mọi miền của Tổ quốc, từ nơi hải đảo xa xôi, đến vùng núi cao, dù đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các em học sinh không phải bỏ học....
Thúy Hà - Nguyễn Thuý