Mười
chín tuổi bắt đầu bước vào nghiệp báo. Đến nay, Nhà báo Nguyễn Tử Nên đã tròn
50 năm theo nghề. Dù chưa một ngày khoác áo lính, nhưng đồng chí luôn có cơ hội
sống giữa những mặt trận nóng bỏng, phản ánh cuộc sống và chiến đấu của chiến
sĩ, nhân dân ta và nhân dân Lào anh em. Đến thời bình, đồng chí lại thường
xuyên đi công tác với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên những tuyến đầu đối nội và
đối ngoại. Đồng chí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ta, Đảng và Nhà nước Cộng
hoà DCND Lào trao tặng những Huân chương cao quý. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí
Cách mạng Việt Nam, 21-6-2010, nhà báo Nguyễn
Tử Nên đã dành cho phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng một cuộc trò chuyện
thân tình…
“Luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió”,
Đồng chí có thể chia sẻ gì về điều đó?
Hồi
còn là học sinh phổ thông, tôi tham gia viết bài cho báo Tiền Phong. Tháng
2-1961, tốt nghiệp khóa đầu của Sở Báo chí Trung ương, tôi bắt đầu con đường
làm báo chuyên nghiệp trong vai trò là phóng viên báo Vùng Mỏ. Cậu thanh niên
quê Ninh Bình là tôi khi ấy còn đầy bỡ ngỡ trước một vùng đất sôi động, khí thế
lao động khẩn trương của anh chị em công nhân. Cuộc sống với bao điều mới mẻ
kích thích niềm đam mê viết và hăng say khám phá trong tôi. Tôi đến từng mỏ
than, sống cuộc sống của anh em thợ, hít thở bầu không khí của than để có những
bài viết sinh động, chân thật nhất. Với nguyện vọng được học hết đại học, tôi
chuyển về Nhà xuất bản Lao động, nhưng chỉ sau hai năm (1962, 1963) công tác ở
đây, tôi xin trở lại làm báo, về Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Từ đó, dẫu có
rất nhiều cơ hội tốt để đổi nghề, nhưng tôi không rời xa nghiệp báo.
Tháng
8-1964, nổ ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, giặc Mỹ đánh phá vùng Đông Bắc, tôi nhận
nhiệm vụ trở lại “nằm vùng” ở Quảng Ninh. Năm 1966, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh
phá hoại ra miền Bắc và Hà Nội là tâm điểm, tôi được điều về Thủ đô, bám trận
địa, góp phần cùng Phân xã thông tin nhanh nhất về cuộc chiến đấu của nhân dân
Thủ đô anh hùng. Năm 1967, TTXVN cử đoàn cán bộ, phóng viên sang Lào, vừa làm
phóng viên mặt trận, vừa giúp đào tạo cán bộ cho TTX Lào, tôi tình nguyện khoác
ba lô lên đường. Tôi được sống và làm việc trên mảnh đất nóng bỏng nhất của
chiến trường Lào những năm 1968-1972 là Cánh đồng Chum (tỉnh Xiêng Khoảng). Năm
1974, tôi về nước và công tác ở Ban Biên tập Tin trong nước của TTXVN, nhưng
sau đó lại được điều về Phân xã Quảng Ninh để củng cố Phân xã này. Không lâu
sau lại xảy ra “sự kiện” biên giới phía bắc, tôi đã cùng anh em Phân xã đêm,
ngày bám mặt trận…
Những
năm của thập kỷ 80, 90 tôi vinh dự được cử làm phóng viên chuyên trách thông
tin về hoạt động của Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, tiếp
đó là Thủ tướng và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Võ Văn Kiệt. Cùng thời
gian đó, và theo các chuyến đi nghiên cứu về nông nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn
Đồng tại Hải Hậu (Nam Định), chuyến đi nghiên cứu về sản xuất than và đời sống
công nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Quảng Ninh và cả chuyến đi thăm cơ sở sản
xuất công nghiệp và tiếp xúc với công nhân lần đầu tiên với tư cách là người
đứng đầu Đảng ta của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hòa Bình. Nhưng vinh dự
luôn song hành cùng thách thức, đòi hỏi người làm báo phải cực kỳ nhạy cảm, bản
lĩnh, phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị mới có
thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hẳn là Đồng chí có nhiều kỷ niệm?
Mỗi
chiến trường, mỗi mảnh đất tôi qua đều gắn bó máu thịt với mình. Những ngày làm
báo ở Quảng Ninh, Hà Nội kháng chiến, tôi được sống cả hai cuộc đời - chiến sĩ
và nhà báo. Ngày đó, phương tiện kỹ thuật làm báo không được thuận lợi như bây
giờ. Để tường thuật bộ đội và dân quân bắn máy bay Mỹ và bắt sống phi công Mỹ
trên vịnh Bái Tử Long, chúng tôi phải ròng rã đạp xe cả ngày đường ra trận địa,
rồi trở lại Hồng Gai ngay trong đêm để chuyển tin về TTXVN. Khi Hà Nội bị ném
bom, tôi bám sát địa bàn chiến đấu, thông tin nhanh nhất đến đồng bào và chiến
sĩ cả nước. Khi thì trận địa pháo Tân Mai, lúc ở trận địa Cao Xà Lá, Trâu Quỳ…
có khi 3-4 ngày liền ăn cơm với chiến sĩ. Còn nhớ, năm 1966, máy bay Mỹ ném bom
Nghĩa trang Văn Điển, để tố cáo Mỹ bắn phá khu vực phi quân sự, phóng viên
chúng tôi phải xắn quần, lội vào nghĩa trang nhầy nhụa bùn đất và cả thịt xương
những người đã chết ở bãi Nghĩa Dũng được chôn ở đây chưa lâu, lật từng tấm bia
mộ đã bị bom cày xới để có được thông tin cụ thể chứng minh tội ác của giặc.
Nhờ đó, mà có thông tin chính xác, lật ngược hẳn thông tin một chiều trước đó
của Mỹ.
Tôi
có niềm hạnh phúc lớn là có mặt cùng Phân xã đưa tin trong dịp Tết Giáp Thìn
(1964), Bác Hồ về thăm, biểu dương thành tích sản xuất và sẵn sàng chiến đấu
của quân và dân Quảng Ninh. Tại buổi mít tinh chào mừng Bác về thăm, Bác đã kêu
gọi công nhân mỏ thi đua với các điển hình tiên tiến và tôi xúc động nghẹn ngào
khi Bác dẫn chứng những điển hình mà trước đó tôi đã viết bài về họ. Cuối 1965,
tôi vinh dự được kết nạp đảng và trở thành một trong những đảng viên trẻ nhất
của TTXVN thời bấy giờ.
Ở
chiến trường Xiêng Khoảng, dù cuộc sống, chiến đấu vô cùng gian khó, khắc
nghiệt, nhiều khi cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng tôi lại thật sự hạnh phúc
khi được sống trong sự đùm bọc, nghĩa tình của đồng nghiệp và nhân dân nước bạn
Lào anh em. Ngày ấy, tổ công tác của TTXVN tại Cánh đồng Chum chỉ còn có mình
tôi (2 đồng chí gồm phóng viên ảnh và cán bộ kỹ thuật buồng tối vì sức khỏe đã
về nước), vào một buổi chiều mưa phùn gió bấc (mùa đông năm 1969), tôi và các
bạn Lào từ điểm sơ tán tới điểm tập kết để chuẩn bị đưa tin về quân giải phóng
phản công thu hồi lại Cánh Đồng Chum. Khi vừa bỏ ba lô xuống và giở giấy bút ra
viết tin về quân giải phóng pháo kích vào sân bay dã chiến của địch thì cơn sốt
rét ập đến. Các đồng chí chọn cho tôi chỗ nằm tốt nhất trong hang đá. Gần 4 giờ
sáng, dứt cơn sốt, tôi thấy một bạn đồng nghiệp và cô y tá vẫn ngồi bên cạnh,
vẻ mặt lo lắng. Tôi cố gượng ngồi dậy cầm bút viết. Nhưng vừa cầm bút thì hai
mắt tôi như có hàng vạn đốm lửa nhỏ bay qua bay lại, tay run không làm chủ được
cây bút. Sau 2 giờ đánh vật với từng con chữ, bản tin hoàn thành, kịp thời được
chuyển về Tổng xã ở Sầm Nưa. Bị cơn sốt đầu tiên sau hơn 2 năm ở chiến trường
hành hạ đến mức đi không vững, nhưng niềm vui được hòa mình trong không khí của
chiến dịch phản công giành lại Cánh Đồng Chum, tôi như khỏe lại. Lúc này, tôi
mới nhớ ra hôm nay đã là 30 Tết Việt Nam. Tôi nói với một đồng nghiệp
Lào: “Chỉ còn 6 giờ nữa là Việt Nam
đón giao thừa. Giờ này Hà Nội chắc vui lắm!”. Đồng chí Tổ trưởng tổ phóng viên
bạn reo lên và nói với mọi người: “Chúng ta kiếm cái gì để cùng anh Nên đêm nay
đón giao thừa!”. Thế rồi, các bạn vào bản mua và xin các loại thực phẩm: đường,
gạo nếp và một củ mỡ. Cô y tá nấu cháo trong chiếc nồi quân dụng nhỏ. Thế là
tôi và bạn cùng quây quần đón giao thừa Việt Nam bằng một nồi cháo tại một khu
rừng giữa lúc tiếng bom Mỹ từ đường số 7 vẫn dội về… Đưa bát cháo lên miệng, tự
nhiên nước mắt tôi trào ra, chảy tràn xuống hai gò má gồ lên vì sốt rét. Trong
ánh đèn dầu, tôi cố không để bạn nhìn thấy tôi khóc. Tôi nhớ tới tất cả người
thân cùng hương vị Tết đầm ấm mà người xa xứ nào cũng mang theo trong lòng mỗi
khi Tết đến, xuân về. Các bạn Lào chúc Tết tôi trong không khí đầm ấm của tình
cảm hữu nghị đặc biệt Việt-Lào…
Sau này, được đi công tác thường xuyên
với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chắc Đồng chí học được nhiều điều?
Đúng
vậy. Ngày đầu nhận nhiệm vụ làm phóng viên chuyên trách đi cùng đồng chí Võ Văn
Kiệt, tôi được Tổng giám đốc TTXVN gặp và “doạ”: “Anh Sáu Dân là người rất
nghiêm khắc, cậu đi với anh Sáu và cố gắng bám trụ được thì rất tốt!”. Tôi vừa
mừng, vừa lo vì qua kinh nghiệm gần chục năm đi với đồng chí Đỗ Mười, tôi hiểu,
để làm tốt việc đưa tin, người phóng viên phải cố gắng nhiều lắm. Thời gian đó,
Nhà nước ta đang từng bước thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan
hệ quốc tế, anh Sáu có rất nhiều buổi tiếp khách nước ngoài. Theo thông lệ, hầu
hết các tin về hoạt động đối ngoại đều do Vụ thông tin báo chí Bộ Ngoại giao
cung cấp cho TTXVN để phát tới các báo. Có lần, đọc tin trên các báo, thấy sơ
sài, anh Sáu không hài lòng và đề nghị tôi ngồi dự các buổi tiếp xúc đối ngoại
và trực tiếp viết. Anh yêu cầu: “Tin phải có nội dung, thông qua tin phải nói
rõ được chính sách đối ngoại và quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc tế nổi
bật. Việc đưa tin dài hay ngắn là căn cứ vào tính chất của từng buổi tiếp và
quan hệ của nước ta với bạn, chứ không phải do việc có tư liệu ít hay nhiều!”.
Quyết định của anh Sáu mở ra tiền lệ cho phóng viên làm tin ngoại giao của
TTXVN được tiếp cận thông tin nhanh hơn, tạo điều kiện để nâng chất lượng, bảo
đảm thời gian thông tin.
Anh
Sáu rất quan tâm tạo điều kiện cho phóng viên làm việc và nghiêm khắc chỉ ra
những điều phóng viên chưa làm được, chỉ rất cụ thể những nội dung cần nói kỹ,
thậm chí cả nghệ thuật thể hiện nội dung. Tôi có thêm nhiều bài học nghiệp vụ
sâu sắc từ người đứng đầu Chính phủ. Những chuyến đi thăm và làm việc ở nước
ngoài, mặc dù rất bận, nhưng anh Sáu vẫn trực tiếp hoặc thông qua trợ lý chỉ
đạo phóng viên về nội dung đưa tin…
Có
mặt ở những nơi diễn ra sự kiện, tôi thấm thía nhận ra rằng, đây chính là may
mắn và hạnh phúc của người làm báo. Mình phải thông tin đầy đủ, trung thực.
Nhưng chỉ đưa tin thôi chưa đủ, mà còn phải có những bài viết sâu để nói được
đầy đủ hơn tình cảm sâu đậm và sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của chính phủ và
nhân dân các nước đã dành cho nhân dân ta. Vì lẽ đó, tôi cố gắng viết thêm một
số bài cung cấp cho các báo nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng về hoạt động
đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Từng là Phó bí thư Chi bộ Ban Biên tập
Tin trong nước, Phó bí thư Đảng uỷ TTXVN, Đồng chí đã chia sẻ và giúp đỡ đồng
chí, đồng nghiệp như thế nào?
Làm
báo cũng là làm chính trị, nhất là những phóng viên thời sự-chính trị càng phải
am hiểu chính trị. Phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng vừa là con đường,
vừa là điều kiện để thực hiện tốt nghiệp vụ của mình. Cấp uỷ, tổ chức đảng
trong cơ quan báo chí, hơn bất cứ nơi nào, phải thực sự quan tâm chăm lo đến
quyền lợi chính trị chính đáng này của người làm báo. Còn nhớ, có lần một cán
bộ trẻ, có năng lực và tâm huyết đã được đưa vào diện đối tượng đảng, nhưng khi
thẩm tra lý lịch và báo cáo với chi bộ thì bị gác lại do lịch sử chính trị đồng
chí này không rõ ràng. Tôi xin nhận nhiệm vụ đi thẩm tra lại để làm rõ vấn đề,
dù không ít người bàn tán, nghi hoặc. Khi đó, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, nếu
cán bộ đó không đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đảng sẽ mất đi một người đồng chí
có tài, tâm huyết với Đảng… Sau quá trình điều tra, tôi thấy vướng mắc là do
sai sót trong công tác tư liệu của địa phương nơi bố đẻ cán bộ đó sinh sống.
Nhưng để “minh oan” cho cán bộ của mình thì không dễ dàng. Tôi phải gặp trực
tiếp Trưởng ty Công an tỉnh trình bày và xin xác nhận mới đủ căn cứ hợp pháp.
Sau này, đồng chí đó đã có bước phát triển vượt bậc trong nghề và đã trở thành
người đứng đầu một cơ quan báo chí. Tôi hạnh phúc vì tự thấy mình đã có góp sức
nho nhỏ.
Trong
chi bộ, tôi và chi uỷ luôn trăn trở suy nghĩ, tìm ra những hình thức sinh hoạt
chi bộ phù hợp với đặc thù làm nghề, làm tin thời sự chính trị. Chương trình,
kế hoạch sinh hoạt chi bộ luôn được chi uỷ bàn thảo kỹ lưỡng, chuẩn bị chặt
chẽ. Mỗi tổ đảng, mỗi đảng viên được phân công cụ thể từng việc cần làm cả
trước và sau kỳ sinh hoạt. Chi bộ tôi cũng dành những buổi sinh hoạt chuyên đề
về phát huy vai trò đảng viên trong thông tin thời sự chính trị. Chi bộ Ban
Biên tập Tin trong nước là một trong những chi bộ của TTXVN làm tốt công tác
phát triển đảng viên trong lực lượng phóng viên, biên tập viên trẻ.
Đồng chí chia sẻ điều gì với những người
làm báo trẻ hôm nay?
Các
nhà báo trẻ của chúng ta bây giờ rất giỏi và có nhiều thuận lợi hơn thời chúng
tôi mới bước vào nghề rất nhiều. Các bạn trẻ đều được đào tạo cơ bản. Vốn ngoại
ngữ và phương tiện kỹ thuật giúp các bạn trẻ nhanh chóng tiếp cận với thế giới,
thu thập thông tin thường xuyên, kịp thời. Nhưng, điều kiện cần có nữa là phải
có nhãn quan chính trị sắc sảo của người làm báo; tình yêu và lòng say mê nghề
nghiệp, sẵn sàng đến nơi đầu sóng ngọn gió, làm người chiến sĩ tiên phong. Hiện
có một số nhà báo trẻ chưa ý thức đúng về trách nhiệm nghề nghiệp của mình,
chưa chịu học tập nâng cao trình độ nhận thức và rèn luyện bản lĩnh chính trị.
Đâu đó vẫn còn hiện tượng làm báo sa-lông, phòng lạnh, ít chịu có mặt nơi thực
địa. Điều đó thực sự nguy hiểm. Nếu hời hợt, nhà báo có thể có tội với thông
tin, với hàng triệu triệu độc giả đã trông chờ và tin tưởng vào họ.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng Đồng chí vẫn viết
và năm 2007 đã đoạt giải Báo chí Quốc gia chùm 5 bài về Bác Hồ?
(Cười)
Như tôi đã chia sẻ, báo chí không phải chỉ là nghề, mà còn là nghiệp. Người
theo nghiệp báo không có tuổi hưu. Chừng nào còn sống là còn cảm nhận cuộc
sống, còn viết về những cảm nhận ấy. Tuổi cao, sức yếu không cho phép tôi xông
pha như thời trai trẻ, nhưng tôi có vốn sống, có suy ngẫm và quan trọng là còn…
tâm huyết và tình yêu. Tình yêu đó luôn giúp tôi!
Xin
trân trọng cảm ơn Đồng chí. Chúc Đồng chí nhiều sức khoẻ, giàu có niềm vui!
Lê Thủy (thực hiện)