Có một anh Bộ đội cụ Hồ là cán bộ của Đồn Biên phòng 629, được tăng cường về xã Hồng Thái thuộc huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) giúp đồng bào xoá đói, giám nghèo, xây dựng đời sống mới ở cơ sở. Dân bản gọi anh với cái tên trìu mến "A Cay", người con của bản làng.
Anh là một trong những điển hình dân vận khéo được mời giao lưu trong buổi Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (ảnh: thứ 2, trái sang). Với giọng rắn rỏi của người lính biên phòng, anh chia sẻ với mọi người những kỷ niệm sâu sắc của mình.
Năm 1989, anh nhập ngũ và được phân công về công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường cán bộ về cơ sở giúp các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Năm 1999 Thiếu tá Nguyễn Hoàng Cao được đơn vị lựa chọn tăng cường về xã Hồng Thái. Vốn xuất thân từ một làng quê nghèo của tỉnh Hà Nam, anh thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả và điều kiện sinh sống của bà con dân bản. Anh luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi; với tâm niệm làm sao cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo và ngày càng có cuộc sống sung túc hơn. Anh tranh thủ ý kiến của nhiều người, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chỉ huy đơn vị; trực tiếp tham gia cùng địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và đội ngũ cán bộ thôn, bản; hướng dẫn cho đồng bào từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia phòng chống dịch bệnh, phát triển văn hóa, xã hội.
Anh thường xuyên bám địa bàn, bám dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân; thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Anh và đồng đội trong tổ công tác của Đồn Biên phòng 629 vừa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, vận động bà con định canh, định cư, tích cực đẩy mạnh tăng gia lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi. Trong quá trình lao động, anh vừa làm, vừa vận dụng kinh nghiệm của bản thân; nghiên cứu các tài liệu, sách, báo liên quan để hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật; chú trọng năng suất cây trồng, vật nuôi; phòng chống sâu, bệnh; thông qua các mô hình làm điểm để vận động nhân rộng ra các vùng dân cư. Bà con tin tưởng, tín nhiệm bầu anh vào các chức danh: thành viên ban kinh tế của xã, giám sát viên các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm thuộc Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, anh trực tiếp tham gia giám sát, kiểm tra 24 dự án vừa và nhỏ với kinh phí 16,8 tỉ đồng và không để xảy ra thất thoát, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Chất lượng các công trình được đảm bảo, khi bàn giao đưa vào sử dụng, các công trình có tác động tích cực đến sản xuất và đời sống của đồng bào.
Năm 2009, với cương vị là Phó bí thư Đảng uỷ xã, anh đã cùng tập thể cấp ủy quan tâm giải quyết những vấn đề thiết yếu, đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trật tự ở các thôn, bản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh dành nhiều thời gian đi đến từng thôn, bản, đến tận từng người dân để hướng dẫn cho nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Tuy tham gia nhiều công tác tại cơ sở, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững nguyên tắc về phối hợp hoạt động trên địa bàn, thường xuyên trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ với các cơ quan liên quan. Anh tham mưu cho đơn vị tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho dân quân tự vệ và công an xã; tổ chức các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên và bảo đảm an ninh trật tự thôn, bản; phối hợp cùng với mặt trận và các đoàn thể ở địa phương vận động, đấu tranh chống di dịch cư trái phép qua biên giới.
Hưởng ứng phong trào giúp dân xây dựng và phát triển kinh tế; anh đã đưa ra sáng kiến xây dựng điểm về mô hình kinh tế hộ gia đình ở thôn, bản. Với nguồn vốn 5 triệu đồng/hộ, Anh bàn và phối hợp với cán bộ, chiến sỹ thuộc đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng 629, trực tiếp vượt rừng, lội suối đi mua cây, con giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao A Lưới; đầu tư cho 5 hộ gia đình để chuyển đổi kinh tế. Những con giống như: bò, dê, vịt, cá chép, cá chim trắng, rô phi đơn tính; các loại cây giống như: hồng, cam, chanh, xoài... phù hợp và thích nghi với điều kiện khí hậu vùng miền núi. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện điểm; đến nay, tất cả 5 hộ gia đình từ nghèo khó đã có tiền mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt như: tivi, đài, bàn ghế, giường, tủ... Thông qua cách làm cụ thể và "mắt thấy, tai nghe" đã thuyết phục được bà con dân bản. Đến nay, nhiều bà con dân bản đã tự nguyện và mong muốn có sự hướng dẫn của cán bộ về sản xuất, kinh doanh để vươn lên xoá đói, giảm nghèo. Mô hình kinh tế hộ đang được tiếp tục nhân diện trên địa bàn các thôn, bản vùng cao A Lưới.
Trong công tác phòng chống thiên tai bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn, anh chủ động tham mưu về các chủ trương, biện pháp đối phó với tiểu vùng khí hậu ở A Lưới. Những lúc lũ, bão xảy ra, anh cùng các đồng chí trong cấp uỷ, chính quyền không quản ngại gian lao, cách trở, có mặt kịp thời tại những nơi xung yếu, cứu giúp đồng bào thoát khỏi hiểm nguy của lũ quét. Trong cơn bão số 9 năm 2009, đang lúc cứu dân thoát khỏi cảnh nhà sập, sạt lở núi; không ngờ, anh bị bão hất tung làm bị thương, máu chảy nhiều, anh đã tự băng bó, rồi tiếp tục cùng đồng đội di dời các gia đình trong vùng sạt lở núi, đến nơi an toàn; sau đó, mới chịu để đồng đội đưa anh đi cấp cứu. Hình ảnh người lính cụ Hồ hết lòng vì dân càng đẹp hơn trong mắt dân bản.
Xã Hồng Thái, một xã vùng sâu, vùng xa; nơi trước đây là xã đói nghèo và khó khăn vào loại nhất, nhì của tỉnh Thừa Thiên Huế đang thay da đổi thịt. Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã từ 42% (năm 2005) giảm xuống dưới 20%, xuất hiện nhiều hộ khá, giàu hơn trước. Trong nhừng thành quả đạt được như hôm nay, có sự đóng góp tích cực của nhiều người; trong đó, đồng bào các dân tộc xã Hồng Thái, luôn nhắc đến hình ảnh anh "Bộ đội cụ Hồ" với cái tên trìu mến "A Cay" Nguyễn Hoàng Cao.
Thu Huyền