Người đảng viên kiên trung
Vợ chồng người đảng viên kiên trung Tràn Quang Vạn

Câu chuyện của người tù Phú Quốc

Sinh năm 1943 tại xóm Đức Phú, xã Phúc Thuận, tháng 4-1966, anh Trần Quang Vạn tình nguyện đi bộ đội khi mới được kết nạp Đảng. Cuối năm đó, anh hành quân trong đội hình Trung đoàn lính bộ binh 320, Bộ Tư lệnh vào chiến đấu tại chiến trường Kon Tum, Bình Long, Phước Long. Tháng 3-1970, trong một trận chống càn tại Ấp 1 xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ (Long An), đại đội anh đương đầu với một tiểu đoàn Mỹ. Trận chiến không cân sức, anh bị 5 viên đạn, gãy chân ngất đi. Tỉnh lại anh thấy mình đã nằm trong bệnh viện của Mỹ.

Sau 3 tháng điều trị, chúng đưa anh về Cục tình báo CIA Sài Gòn tra khảo, anh một mực khai tên là Nguyễn Văn Minh ở Hải Hưng, là giáo viên đơn vị hành chính. 2 tháng khảo cung bằng nhiều ngón đòn tâm lý chiến nhưng không moi thêm được thông tin gì, chúng chuyển anh về Cục Phỏng vấn của chính quyền Nguỵ ở Biên Hoà để tra tấn, đó là vào tháng 7-1970…

Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ trong bức Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày của Thủ tướng Chính phủ ký tặng ông, trong đó viết: Ông Trần Quang Vạn đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và mường tượng những ngày đối mặt với kẻ thù của ông. Ở Cục Phỏng vấn, chúng cho ông "tham khảo" các ngón đòn: đi máy bay (treo người lên đánh), tàu ngầm (dìm người trong nước), xát ớt bột vào mặt… Không moi được thông tin cần thiết, chúng nhổ nghiến 2 chiếc răng hàm của ông rồi vứt ông về phòng giam, không cho thuốc thang gì. Chế độ ăn uống kham khổ khiến những chiếc răng khác của ông sau đó lần lượt rụng hết, lợi mòn vẹt, giờ muốn gá hàm răng giả cũng đành chịu - ông cười móm mém cho biết như thế.

- Tôi xác định rơi vào tay giặc là sẽ chết, nên không sợ chết. Hơn nữa, tôi là đảng viên, tôi có trách nhiệm trung thành với Tổ quốc- ông Vạn nhỏ nhẹ tâm sự.

Tháng 4-1971, chúng đưa ông về trại giam Biên Hoà. Tại đây, ông cùng các đảng viên trong chi bộ tổ chức học văn hoá, đấu tranh đòi được cấp quần áo, cải thiện bữa ăn. Ở Biên Hoà 1 năm thì chúng đưa ông và nhiều anh em tù khác ra đảo Phú Quốc. Ông tiếp tục cùng anh em trong đảng tổ chức hàng chục cuộc tuyệt thực, đấu tranh trực diện với kẻ thù, tổ chức đào hào bí mật vượt ngục. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in giây phút cận kề cái chết, những người tù tuyệt thực nằm thoi thóp vì đã nhịn ăn đến ngày thứ 7, nhưng thà chết chứ không khoan nhượng. Ông nói rất giản dị: Tôi đã đọc tác phẩm Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận từ khi còn đi học nên hình dung được hoàn cảnh khi bị sa vào tay địch, từ đó xác định: chỉ đấu tranh mới có thể sống. Mà ở đâu có đấu tranh thì ở đó có Đảng lãnh đạo, người cộng sản được thử thách bằng gian khổ sẽ trở nên cứng rắn. Cứng cỏi là vậy nhưng ông đã khóc khi nói về nhiều đồng đội của mình không trở về. Vừa mới đây thôi, ở gần khu ông bị địch giam ngày ấy người ta đã tìm được nấm mộ chôn hàng nghìn người.

 

Kiên quyết đấu tranh với cái xấu

Trở về địa phương năm 1975 với tỷ lệ thương tật 61%, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán của xã. 10 năm làm Chủ nhiệm, ông đã vực HTX từ chỗ yếu kém đến chỗ kinh doanh có lãi. Hết giai đoạn bao cấp, ông được giao làm đội trưởng sản xuất nông nghiệp. Với tinh thần tiên phong của người lính, người đảng viên, ông là người đi đầu thực hiện khoán ruộng cho bà con canh tác, trong khi ở địa phương nhiều người còn ngại ngùng, sợ hãi. Năm 1994, ông được Đảng uỷ giao nhiệm vụ, các đảng viên tin cậy bầu ông làm Bí thư Chi bộ Phúc Đông gồm 7 xóm. Nay chia tách thành Phúc Đông II gồm 2 xóm (Bãi Hu và Đức Phú) có 30 đảng viên. 15 năm làm bí thư, ông đã giúp đỡ, kết nạp 42 đảng viên, lãnh đạo Chi bộ nhiều năm liên tục là chi bộ dẫn đầu xã Phúc Thuận. Năm 2008, 100% đảng viên của chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 50% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ được Đảng uỷ xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nói về việc học và làm theo Bác, Bí thư Trần Quang Vạn rất hào hứng: ở các buổi học tập chuyên đề của chi bộ, 100% đảng viên có mặt đầy đủ, ghi chép, tiếp thu nghiêm túc. Nhưng quan trọng hơn, những mong muốn của Bác đã được các đảng viên vận dụng vào thực tế sinh động. Ví như việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chi bộ đã đưa vào nghị quyết để chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xóm, duy trì thực hiện và giờ đây đã trở thành nền nếp. Nhà nào có tin buồn, báo cho trưởng xóm đánh kẻng, thanh niên lập tức có mặt giúp gia đình dựng rạp, đào huyệt, xong việc ai về nhà nấy, không ăn uống tại nhà tang chủ. Bởi thế, trước đây, có đám ma làm 50-70 mâm cỗ, nay chỉ soạn vài mâm cúng. Đám cưới cũng vậy, chỉ được tổ chức trong một buổi sáng, mỗi mâm không được uống quá nửa lít rượu và tuyệt nhiên không mời thuốc lá. Ông Nguyễn Duy Đông, 80 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng vừa lo cưới cho cháu nội cho chúng tôi biết: Chỉ phí khoảng 12 triệu đồng thôi cô ạ, gia đình làm rất gọn nhẹ, cỗ bàn cũng đơn giản, người mừng chỉ 2- 3 chục nghìn, cũng là phù hợp với cuộc sống của dân quê chúng tôi, các cháu không phải "gánh" nợ.

Với sự lãnh đạo của người đứng đầu là ông Trần Quang Vạn, các đảng viên đã phát huy rất tốt vai trò nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể của xóm. Đơn cử như việc lãnh đạo Chi hội Người cao tuổi của miền Phúc Đông II, với cách làm nghĩa tình, đầm ấm, đến nay chi hội có 104 hội viên, chiếm gần 100% người cao tuổi của Miền. Ông Nguyễn Biên Thuỳ, hơn 70 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, Chi hội trưởng Người cao tuổi cho biết: Đối với người cao tuổi, sự quan tâm về tinh thần còn quan trọng hơn cả cho ăn ngon, mặc đẹp. Thế nên, Chi hội đã có quy định, bất kể hội viên nào ốm đều được thăm hỏi, không kể người đó ốm bao nhiêu lần trong năm. Để có chút quà chúc thọ, thăm hỏi, phúng viếng, ngoài hội phí đóng góp mỗi tháng 1 nghìn đồng/ người, Chi hội phát động Quỹ con cháu chăm sóc người cao tuổi, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của con cháu đối với ông, bà, cha mẹ mình. Đến nay Quỹ đã có khoảng 20 triệu đồng, vừa gửi tiết kiệm vừa chi tiêu thường xuyên cho các cụ. Cách làm sáng tạo, rõ ràng, minh bạch là động lực thu hút người cao tuổi, khiến các cụ thêm niềm vui, hào hứng tham gia, các cuộc họp có đến trên 80% hội viên có mặt. Chi hội người cao tuổi Phúc Đông II là Chi hội mạnh của Huyện, đã được báo cáo thành tích cấp tỉnh.

Nhận xét về Bí thư chi bộ Phúc Đông II Trần Quang Vạn, đồng chí Hoàng Minh Nhuận, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Thuận đã dành những lời tốt đẹp: Đó là một đảng viên kiên trung với Đảng, dũng cảm trong chiến đấu, thẳng thắn đấu tranh vì tập thể khi trở về địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, xóm Đức Phú là đơn vị đi đầu của xã trong nhiều lĩnh vực: Chuyển đổi lúa một vụ sang trồng chè cành, bê tông hoá 100% đường nội xóm, đời sống của nhân dân khá lên nhiều so với trước đây.

Những điều tôi thấy, tôi nghe ở Phúc Thuận khiến tôi lâng lâng niềm vui. Vì ở sau luỹ tre bình yên kia có biết bao con người bình dị mà mạnh mẽ, họ đang là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.

                                                                                              

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất