Nghỉ hưu đã lâu nhưng ông luôn bận rộn với vai trò là Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn. Ông tâm sự, trách nhiệm của ông giờ đây là liên kết những người đã từng cùng chiến đấu trên con đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại vào hoạt động Hội Truyền thống. Và giống như ngày xưa, những người lính Trường Sơn sẽ luôn bên nhau, cùng đồng cam cộng khổ vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, cùng chung ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những người lính Trường Sơn, những nam, nữ thanh niên xung phong trên các tuyến đường, binh trạm, giờ đây đã có mái nhà chung, hỗ trợ lẫn nhau, động viên nhau giữ vững truyền thống hào hùng của con đường mang tện Bác Hồ kính yêu. Khi được đề nghị kể về những giây phút đáng nhớ nhất trong thời gian chiến đấu trên đường Trường Sơn, ông nói: “Khi chiến đấu, có lẽ không có cái giây phút đáng nhớ nào của riêng, trên đường Trường Sơn mọi người cùng giống nhau về cảm xúc. Đó là khi thông đường, thông trọng điểm, khi tất cả đứng làm cọc tiêu cho xe vượt ngầm trong đêm, là khi những đau thương mất mát không thể tránh khỏi…”. Nhưng khoảnh khắc riêng tư mà ông nhớ nhất, khi đó là giữa tháng 4-1975, trên con đường cuồn cuộn người, xe và súng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã tìm gặp lại được mẹ nơi quê nhà Quảng Ngãi. Ngôi nhà xưa đã không còn, đứng giữa khu vườn bị chiến tranh tàn phá chỉ còn có ngôi lều tranh lợp tạm, ông đã gọi lên thật to: “Mẹ ơi, con đã về đây với mẹ”. Đi ra từ căn lều tranh, mẹ khóc vì con mình còn sống và trở về. Mẹ đã ôm lấy ông như hồi còn nhỏ, bà đã mong đợi ông về trong nước mắt và trong sự khủng bố hăm dọa của kẻ thù, không phải 2 năm như lời ông hứa trước khi đi lên tàu ra Bắc tập kết…, mà là tròn 20 năm.
Trở về trên những cung đường trọng điểm
Thiếu tướng Võ Sở kể, ông có 20 năm chỉ để đi một đoạn đường về với mẹ. 10 năm đầu (1955-1965) sau khi tập kết ra Bắc ông được điều về công tác tại Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Đó là khoảng thời gian quý báu để ông được học tập, rèn luyện và đảm đương công việc của người cán bộ tổ chức chuyên theo dõi và tổng hợp tình hình cấp ủy các cấp trên các hướng chiến trường. Trong 10 năm ấy, những tin tức về chiến trường miền Nam luôn đốt cháy tâm trí của ông mỗi khi đêm về. Đó là những bản tin về thiệt hại của tổ chức, sinh mạng của đồng chí, đồng bào trong các đợt trả thù tàn khốc của bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm sau Hiệp đinh Giơ-ne-vơ; là khi đi tháp tùng đoàn công tác của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến bờ sông Bến Hải và cảm nhận nỗi đau của sự chia cắt. Trong 10 năm, ông đã viết bao lá đơn xin cấp trên cho về miền Nam chiến đấu và lần đầu tiên cấp trên đồng ý điều ông trở lại chiến trường Quân khu 5 thì điều không may ập đến - ông không qua được kỳ khám sức khỏe đi B bởi sức vóc nhỏ và bị yếu nhịp tim. Để được đi chiến trường, không còn cách nào khác, ông tập trung vào rèn luyện thể chất với cường độ cao, ý nghĩ duy nhất tập trung cho ước nguyện được trở về Nam chiến đấu.
Giữa năm 1965, ước nguyện vào Nam của ông được đáp ứng, nhưng không phải là vào sâu trong chiến trường để chiến đấu, ông nhận được quyết định đi B với chức danh Trưởng phòng Tổ chức Đoàn 559. Đó là quyết định chưa hẳn đúng với ý nguyện cá nhân, bởi Đoàn 559 khi đó chủ yếu tập trung lực lượng và nhiệm vụ ở Quảng Bình và khu vực phía Tây với các cung vận tải kết hợp ngắn, dù chưa thỏa nguyện đi chiến đấu nhưng ông coi đó là điều kiện để có cơ hội được đi tiếp vào chiến trường.
Khi kể về 10 năm trên đường Trường Sơn, ông không kể về mình mà chỉ luôn nhấn mạnh tới cường độ, mức độ khốc liệt của chiến tranh cả về thời gian và hiện thực; về những cuộc đấu trí, đấu lực của bộ đội Trường Sơn với một kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh và vô cùng xảo quyệt; đó là từng phút, từng giờ bám nắm quy luật hoạt động của địch để nghi binh, chọn thời cơ đưa hàng vượt trọng điểm an toàn. Ông kể, từ năm 1965, sau khi phát hiện ra con đường vận tải của ta trên Trường Sơn, Mỹ và ngụy đã tập trung không quân, bộ binh liên tục đánh phá và ngăn chặn. Cường độ ném bom của không quân Mỹ dày đặc đến mức tưởng như xóa nhòa thời gian và hiện thực trên các cung đường, các binh trạm, các trọng điểm giao thông, kho trạm. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong trên toàn tuyến căng mình trên các cung đường, dứt tiếng bom là lao ra để san lấp, thông đường cho xe đi, hàng cho chiến trường không được phép chậm trễ. Các trọng điểm Lùm Bùm, Tà Lê, La Hạp, ATP, đèo Phu La Nhích, các binh trạm 30, 31…, ngày cũng như đêm trở thành túi bom của địch. Ngày nào cũng có hy sinh, xe và hàng bị cháy, những cung đường bị bom phong tỏa cần phải thông, những chuyến hàng cho chiến dịch cần phải đến đích.
Đường Trường Sơn những năm 1965-1975 đã trở thành một mặt trận lớn, sử dụng vận tải cơ giới trên toàn tuyến thay cho gùi thồ như những năm đầu mới mở tuyến. Đó còn là một mặt trận với những trận đánh hiệp đồng quân binh chủng giăng lưới đánh địch trên không, trên mặt đất, bảo vệ an toàn các cung đường vận tải trên đất bạn Lào, mở rộng hàng trăm nhánh và cung đường đưa hàng vào sâu đến tận Tây Nguyên. Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ hàng trăm máy bay địch, cùng với các mặt trận tiêu diệt hàng ngàn sinh lực địch.
Ông nhấn mạnh, cái đáng ghi nhận và không được quên trong 10 năm ở Trường Sơn, với ông không thể nào khác là ý chí con người. Tất cả, từ cán bộ tới chiến sĩ chỉ có một ý chí, một quyết tâm “Đánh thắng giặc Mỹ”, “Mở đường thắng lợi”. Vào Trường Sơn và trải qua các cung bậc chức danh từ Trưởng phòng tổ chức rồi làm Chính ủy binh trạm, Chính ủy sư đoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559 và sau này làm Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn điều duy nhất để lại cho ông đó là phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị; cán bộ phải bám thực tiễn, linh hoạt và sáng tạo trong nhiệm vụ, tập trung xây dựng ý chí chiến đấu của cả tập thể đơn vị. Chỉ có như thế mới vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù và đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh.
"20 năm!" - ông nhắc lại thời gian khi kết thúc câu chuyện kể về chiến tranh và mỉm cười nhớ lại lời hứa của ông với mẹ trước khi lên tàu ra Bắc tập kết. 20 năm thật quá dài, quá nhiều gian khổ, nhưng thật sự hạnh phúc khi được gặp lại mẹ trong những ngày tháng 4 lịch sử cách đây tròn 40 năm.
Cảm xúc vị tướng về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh
Những năm sau chiến tranh, khi đã mang hàm tướng và giữ cương vị Bí thư Đảng ủy Binh đoàn, ông vẫn cùng đồng đội của mình giữ vững truyền thống và hào khí Trường Sơn. Đó là đường sắt Bắc - Nam, nâng cấp các đường 7, 8, 9 sau chiến tranh, mở tuyến đường 279 trên biên giới phía Bắc; tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình, Yaly, Thác Mơ… Và theo dấu con đường xưa để xây dựng con đường mới - đường Hồ Chí Minh chạy từ Bắc vào Nam, con đường giao thông huyết mạch và là động lực phát triển phần phía Tây của đất nước. Ông kể, mỗi khi có dịp thăm lại chiến trường xưa, ông và các đồng đội của mình luôn tự hào khi đi trên con đường mới hiện đại, nhìn thấy cuộc sống hồi sinh, phát triển mạnh mẽ tâm hồn luôn ngập tràn hạnh phúc. Năm tháng dù có qua đi, nhưng con đường mang tên Bác Hồ kính yêu và những người lính đã làm nên con đường trong chiến tranh sẽ mãi còn với lịch sử và gắn liền với sự phát triển hưng thịnh của đất nước.
Hằng năm, ông vẫn đi trên con đường này và trong vai trò Chủ tịch Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tìm gặp những người đồng đội đã cùng ông chiến đấu trên Trường Sơn, không chỉ để ôn chuyện cũ, hơn 2 nghìn căn nhà tình nghĩa giúp đồng đội đã được xây dựng. Những cột mốc, những tượng đài, khu lưu niệm tại các cung đường, các trọng điểm thời chiến tranh trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã và đang được xây dựng. Chiến tranh đã qua 40 năm, nhưng ông và đồng đội đang làm tất cả những gì để các thế hệ sau này luôn nhớ tới và trân trọng giá trị của đường Hồ Chí Minh, con đường được khởi tạo bằng mồ hôi, xương máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trần Thiết
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn Trường Sơn)