Năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, Lê Hữu Trạc cũng như bao thanh niên khác trong làng Xuân Dục đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mấy năm sau ngày nhập ngũ, Lê Hữu Trạc vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 8-1968, trung uý Lê Hữu Trạc - Tham mưu trưởng tiểu đoàn đang cùng đồng đội đi nghiên cứu địa hình ở miền tây Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì bị máy bay địch ném bom. Anh bị thương nặng và đôi mắt vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Từ Đông Hà (Quảng Trị), anh được chuyển ra Ninh Bình, rồi tiếp tục chuyển đến trại điều dưỡng thương binh Hà Tây (cũ). Tại đây, anh đã gặp và nên duyên với cô gái Kim Thị Mão, thư ký đội sản xuất, uỷ viên BCH Chi hội phụ nữ xã Hát Môn (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Từ ngày ấy đến nay, ông bà chung sống rất êm ấm, hạnh phúc với ba người con. Các con của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện tốt, nay có công việc làm ổn định và đã xây dựng gia đình. Bà Mão là người vợ chịu thương, chịu khó, chăm sóc chồng cũng như nuôi dạy các con chu đáo. Bà đã từng vinh dự được bầu chọn là người phụ nữ điển hình toàn tỉnh Quảng Bình về nuôi dưỡng thương binh tốt.
Về phần mình, ông Trạc luôn nêu cao ý thức học tập, rèn luyện để thực hiện theo lời Bác dạy. Ông quyết vượt lên chính mình, tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng là cán bộ trong BCH Hội cựu chiến binh xã Xuân Ninh. Năm 2000, khi Hội người mù tỉnh Quảng Bình thành lập, ông Trạc được bầu vào BCH lâm thời tỉnh hội. Tại Đại hội người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, ông Lê Hữu Trạc được Đại hội bầu làm Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình. Ông luôn gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, động viên hội viên đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông đã trực tiếp tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ quan chức năng các cấp để tạo điều kiện giúp đỡ cho cán bộ hội viên hội người mù được học chữ nổi, học văn hoá, học nghề. Ông cũng xin hỗ trợ cho hội viên hội người mù vay vốn với lãi suất thấp để có vốn đầu tư học nghề, tạo việc làm và đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích chính đáng cho người mù, góp phần ổn định và cải thiện đời sống. Những việc làm thiết thực của ông đã giúp cho người mù trong tỉnh xoá đi mặc cảm tật nguyền, phấn đấu vươn lên giữa cuộc sống đời thường.
Hiện tại, ông Trạc đã 73 tuổi đời, 51 năm tuổi Đảng nhưng vẫn tâm huyết với xóm thôn. Ông sống giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, là trung tâm đoàn kết, thẳng thắn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, luôn nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình của người đảng viên. Những ý kiến đóng góp của ông tại các cuộc họp dân, hay họp chi bộ, đảng bộ ở cơ sở đều rất thiết thực, bổ ích, giúp cho các cán bộ đảng viên có hướng lãnh đạo, chỉ đạo sát với các phong trào thi đua ở địa phương.
Với những đóng góp và thành tích đạt được, thương binh Lê Hữu Trạc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều bằng khen và giấy khen.
Bùi Xuân Tỵ
Xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình