"Đã là người lính Cụ Hồ thì mãi mãi là người lính, thời chiến hay thời bình cũng không có gì thay đổi, lúc nào cũng sẵn sàng “chiến đấu” dù khó khăn, gian khổ đến đâu, miễn là còn sức khỏe…"
Dọc theo con đường hồ Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội), tôi tìm đến trụ sở Hội Cựu chiến binh thành phố gặp Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân. Tòa nhà trụ sở Hội khá bề thế, nằm cùng một khu với Trường Hải quan Việt Nam. Dù đã hẹn trước nhưng tâm thế sắp được trò chuyện với một vị tướng khiến tôi một người viết trẻ chưa nhiều trải nghiệm có phần hồi hộp …
Sinh ra trong gia đình có cha là cán bộ hoạt động cách mạng từ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, sau đó là Chủ tịch lâm thời của xã, dường như chất lính đã ngấm vào ông từ những ngày thơ bé. Năm 1952, đang học ở trường Nguyễn Huệ, chàng thanh niên Trịnh Thanh Vân - khi ấy vừa tròn 18 tuổi, đã tự nguyện “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu. Anh tham gia Đội Thanh niên xung phong chống Pháp ở An toàn khu Việt Bắc, vào đội thứ 36 do đồng chí Tạ Quang Chiến làm đội trưởng. Công việc chủ yếu của đội là làm nhà, làm đường, các công trình, kho tàng… phục vụ chiến đấu. Cuối năm 1953 chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, anh được gọi điều động bổ sung vào lực lượng quân sự phục vụ chiến đấu và ở trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô khi chiến dịch kết thúc.
Trở về Thủ đô, hơn chục năm làm các công tác khác nhau, đến năm 1967, Trịnh Thanh Vân tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông chiến đấu trong Lữ đoàn Pháo binh 45 - Lữ đoàn pháo cơ giới đầu tiên của quân đội, trên mặt trận B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị). Suốt 8 năm liền, ông cùng đồng đội đã tham gia cả 5 chiến dịch lớn: Chiến dịch Hè - Thu (1967) ở Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Chiến dịch Mậu Thân (1968) ở đường 9 - Khe Sanh, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971); Chiến dịch năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong các chiến dịch, đơn vị ông luôn là một trong những đội quân chủ lực, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc đời Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân là những năm tháng hoạt động không ngừng nghỉ. Sau giải phóng, năm 1979 sư đoàn ông được điều động về Quân khu Thủ đô. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, suốt 17 năm công tác, giữ nhiều chức vụ khác nhau, cuối cùng làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô, ông luôn là cán bộ gương mẫu, tích cực đi đầu trong mọi việc. Ở vị trí nào ông cũng quan tâm vận động, tuyên truyền, giáo dục chiến sỹ và nhân dân thực hiện tốt chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, động viên nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế trong giai đoạn đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, tạo cho bà con cuộc sống bình yên.
Khi 60 tuổi, nghỉ hưu, nhiều người đã chọn cho mình cuộc sống an nhàn, nghỉ ngơi, nhưng bước chân của anh bộ đội Cụ Hồ Trịnh Thanh Vân vẫn không dừng nghỉ. Rời Quân khu Thủ đô năm 1993, ông lại tiếp tục nhận công tác ở Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội.
Hiểu được tầm quan trọng của việc giữ vững an ninh chính trị Thủ đô - trái tim của cả nước, trên cương vị Phó Chủ tịch rồi 9 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội, Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân đã phát huy sức mạnh tập thể, động viên cựu chiến binh Thành phố tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng và bảo vệ nhân dân, Đảng, chính quyền vững mạnh. Nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô đã có sự hỗ trợ giải quyết của Hội: vụ việc ở Giáo sứ Thái Hà, ở các xã An Phú, Mỹ Đức (Hà Tây cũ), hay các vụ mất trật tự công cộng trên địa bàn… Trong bất cứ trường hợp nào, hội viên của Hội Cựu chiến binh Thành phố cũng có mặt, vừa đấu tranh trực tiếp với lực lượng xấu, vừa gần gũi, vào tận nhà dân để giải thích, tuyên truyền, vận động nhân dân không bị kích động, yên tâm lao động sản xuất.
Ngoài thất thập, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, vẫn liên tục đi về với những chuyến công tác xuống các quận, huyện để nắm bắt tình hình. Ông bảo, đã là người lính Cụ Hồ thì mãi mãi là người lính, thời chiến hay thời bình cũng không có gì thay đổi, lúc nào cũng sẵn sàng “chiến đấu” dù khó khăn, gian khổ đến đâu, miễn là còn sức khỏe…
Với những cống hiến không mệt mỏi ấy, Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất, ông được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011”.
Một giọng nói đậm chất xứ Thanh, gương mặt cương nghị, dễ mến, vóc dáng mảnh khảnh trong trang phục anh bộ đội Cụ Hồ, những tình tiết trong câu chuyện dài về một cuộc đời sống, chiến đấu không mệt mỏi… đã khắc họa nên một chân dung người lính giữa đời thường - Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân. Con người ấy sống giản dị nhưng luôn sáng lên chất lính kiên cường và tâm nguyện cả đời cống hiến.
Thùy Dương