“Trong sâu thẳm lòng tôi, tôi luôn phấn đấu trở thành người có trách nhiệm công dân cao nhất, có tình yêu nghề nghiệp. Mình được Đảng, Nhà nước cử đi học, thì không có lí do gì để không học hành tử tế, và có trách nhiệm với đất nước. Còn khoẻ ngày nào, tôi còn cống hiến, sáng tạo ngày đó...".
Đó là tâm sự của người đảng viên 40 năm tuổi đảng, GS, TSKH. Trần Vĩnh Diệu - một người thầy mẫu mực, nhà nghiên cứu có nhiều cống hiến quan trọng cho ngành hóa hữu cơ Việt Nam.
Sinh ra ở một làng quê nghèo xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cha mất sớm, chỉ còn một mình mẹ tần tảo nuôi 5 người con. Cuộc sống vất vả nên ngay từ nhỏ cậu bé Trần Vĩnh Diệu đã cần cù, chịu khó làm việc đỡ đần cho mẹ. Từ việc cày cấy thuê, đến phụ cắt tóc, nấu kẹo lạc, đạp máy khâu, viết khẩu hiệu thuê… việc gì làm được Diệu cũng làm để cùng mẹ nuôi sống gia đình.
Cuộc sống chồng chất khó khăn ấy không làm cho Diệu từ bỏ ước mơ học tập. Trái lại, càng khó khăn, Diệu càng cố gắng học. Bởi khi đó Trần Vĩnh Diệu hiểu được rằng, chỉ có con đường học tập mới giúp gia đình thoát được cái nghèo, cái khó. Chính ước mơ và nghị lực ấy, qua năm tháng, đã tôi luyện nên một con người tài năng sau này.
Trải qua một chặng đường học tập dài, hơn 20 năm đi về giữa Việt Nam và Nga cho đến khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, từ năm 1982, Trần Vĩnh Diệu tập trung toàn bộ trí lực cho việc giảng dạy. Ông dạy hầu hết các môn học của chuyên ngành hóa hữu cơ mà ông theo đuổi, đặc biệt là môn hóa lý polyme. Tính đến nay GS. Trần Vĩnh Diệu đã tham gia đào tạo trên 900 kỹ sư và 15 tiến sỹ. Trong giảng dạy, ông luôn truyền cho học trò của mình ngọn lửa nhiệt tình, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Ngay cả khi ở gần ngưỡng tuổi 75, năng lượng sáng tạo, khả năng truyền thụ kiến thức cho các lớp học trò của người thầy Trần Vĩnh Diệu vẫn luôn đầy ắp.
Luôn tâm niệm lĩnh vực hoá hữu cơ rất cần được ứng dụng trong thực tiễn, bởi nếu không được ứng dụng, lý thuyết sẽ chỉ là lý thuyết khô cứng và trừu tượng, GS. Trần Vĩnh Diệu đã không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để đưa những lý thuyết đó ứng dụng vào cuộc sống. Trong số hàng trăm công trình khoa học do ông và các đồng nghiệp, cộng sự nghiên cứu, có những công trình trở thành “kỷ niệm đẹp”, dấu ấn khó quên trong cuộc đời khoa học của ông.
Đó là công trình ông cùng làm với người vợ quá cố của mình, PGS, TS. Lê Thị Phái: “Nghiên cứu công thức keo kết cấu từ nhựa êpoxy và công nghệ dán các loại đá quý phục vụ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với công nghệ hiện nay việc tìm ra một loại keo để kết dính những mảnh đá nhỏ như bàn tay thành tấm đá lớn có lẽ không khó. Nhưng vào những năm 1974-1975, trình độ khoa học công nghệ của ta còn nghèo nàn lạc hậu, thì việc sáng tạo ra loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính cao, đủ sức chống chọi với thiên nhiên là việc không hề đơn giản. Với tình cảm tha thiết dành cho Bác Hồ, với ý chí quyết tâm của người đảng viên, với lòng yêu nghề, vợ chồng GS. Trần Vĩnh Diệu cùng những cộng sự của mình đã nghiên cứu thành công. Bốn tháng ròng rã nghiên cứu, đi tìm đá đỏ phù hợp, cắt thành từng mảnh nhỏ và đã dán hơn 4.000 mảnh đá nhỏ thành 96 tấm đá lớn… Kết quả là hình ảnh lá cờ búa liềm và quốc kỳ bằng đá với diện tích 30m2 đã hiện ra trên Lăng Bác vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975. Đến nay, có lẽ đó là hình ảnh đẹp nhất ông khắc ghi trong lòng.
Một công trình khác Giáo sư dành nhiều tâm huyết đó là công trình chế tạo sơn êpoxy chịu được ăn mòn của thực phẩm để bảo vệ các xitec đường sắt chuyên chở nước mắm từ Nam ra Bắc. Trước đây, khi chở nước mắm người ta thường dùng can nhựa nên dễ bị vỡ trong quá trình vận chuyển, dẫn đến hao hụt, tốn kém và làm hỏng phương tiện. Công trình nghiên cứu của GS. Diệu được đưa vào ứng dụng thành công đã giúp cho việc vận chuyển được thực hiện dễ dàng, hiệu quả cao. Ở thời điểm kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, nghiên cứu của GS. Diệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau này, công nghệ chế tạo sơn êpoxy được chuyển giao cho Nhà máy cơ khí Nội thương, đồng thời còn được sử dụng để bảo vệ các bồn chứa của Công ty rượu vang Thăng Long. Đây cũng là công trình mà Giáo sư cùng làm với người vợ - người bạn, người đồng nghiệp suốt cuộc đời của ông.
Tên tuổi GS. Trần Vĩnh Diệu còn gắn liền với nhiều công trình lớn khác. Đó là 17 vòm compozit che máy bay quân sự ở sân bay Nội Bài, đem lại hiệu quả kinh tế lớn trong việc bảo quản máy bay và đảm bảo sức khoẻ cho phi công lúc trực chiến; công trình ứng dụng vật liệu compozit làm dải phân cách, hành lang an toàn trên đường Thanh Niên, Nghi Tàm…; công trình gối cầu cao su cốt bản thép phục vụ cho những cây cầu bê tông cốt thép; công trình “Nghiên cứu và triển khai vật liệu polyme gia cường bằng sợi thực vật để tạo ra thế hệ vật liệu mới thân thiện với môi trường”… Đặc biệt, ở tuổi 74 ông vẫn đang trực tiếp bắt tay vào nghiên cứu chế tạo compozit có độ bền cao hơn compozit thông thường nhưng giá thành chấp nhận được, để ứng dụng vào làm chong chóng cho điện gió…
Có thể nói, suốt mấy chục năm qua, dường như chưa lúc nào GS. Trần Vĩnh Diệu nghỉ ngơi. Trong ông luôn sôi sục nhiệt huyết, niềm đam mê vô tận với nghiên cứu khoa học. Với tất cả niềm say mê và nhiệt huyết ông luôn tâm niệm: còn sức khoẻ sẽ còn cống hiến và sáng tạo.
Với những đóng góp cho nền khoa học nước nhà, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý: Anh hùng Lao động (2000), Huân chương Lao động hạng Nhất (2000), Nhà giáo nhân dân (2006), Công dân Thủ đô ưu tú (2011)…
Thùy Dương