Bà Mười đón tiếp chúng tôi như những người thân trong nhà. Đã gần bước sang tuổi 60, nhưng gương mặt bà vẫn toát lên vẻ trẻ trung, tươi tắn, khỏe mạnh với nụ cười rạng rỡ.
Trong câu chuyện thân tình bên chén trà nóng, bà kể: Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong ở chiến trường Tây Nguyên và Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam). Tại đây bà đã gặp người thanh niên quả cảm Hồ Văn Điều và hai người nên nghĩa vợ chồng. Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, dưới mưa bom, bão đạn, ông bà đã sát cánh bên nhau, cùng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh với niềm tin hạnh phúc trọn vẹn ở ngày mai. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà theo chồng lên huyện Phước Sơn công tác và sinh sống.
Lúc bấy giờ, hậu quả của chiến tranh để lại muôn vàn khó khăn, nhưng với bản chất của người phụ nữ gan dạ từng vào sinh, ra tử, bà không một chút nản lòng. Tận dụng lợi thế sẵn có từ những vùng gò, đồi, bà đã tích cực tăng gia sản xuất. Ban đầu là những luống khoai, rẫy sắn, nuôi vài con heo, dần dần bà khai hoang, lấp hố bom mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Ở những khu đất bằng phẳng, bà dẫn nước từ khe, suối đưa vào ao thả cá. Những mảnh đất gò, đồi có địa hình dốc, bà trồng sắn, bắp và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như quế, keo tai tượng… Diện tích vườn quanh nhà bà trồng các loại cây ăn quả như bưởi, vải thiều, hồ tiêu, thanh long… Diện tích trồng lúa với gần 1ha được bố trí ở những nơi đất trũng sẵn nước.
Biết tận dụng tối đa lợi thế đất gò, đồi, sản xuất của gia đình bà Mười không ngừng phát triển. Mảnh đất khô cằn sỏi đá ấy đã không phụ công người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó. Đến nay, gia đình bà đã có gần 10ha rừng keo lá tràm, 10ha quế phát triển xanh tốt đang chuẩn bị cho thu hoạch. Đàn gia súc từ chỗ chỉ có vài ba con, nay đã phát triển lên gần 50 con trâu, bò, lợn và 100m2 diện tích ao, hồ nuôi các loại cá. Bình quân thu nhập hằng năm của gia đình bà đạt trên dưới 100 triệu đồng. Đồng thời giải quyết việc làm cho gần 10 lao động trong thị trấn với mức lương ổn định khoảng 1 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Mười còn giúp đỡ nhiều hộ trong vùng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Bà đã hướng dẫn nhiều hộ đào ao ở những nơi bảo đảm nguồn nước, thả các loại cá có giá trị kinh tế cao, hộ nào thiếu vốn thì bà cho vay không tính lãi.
Bà tâm sự: “Mình làm kinh tế được như rứa là đã mừng lắm rồi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước mình nhiều lắm ! Mình thấy bà con trong huyện còn nghèo, do còn thiếu hiểu biết, thiếu vốn sản xuất, vì thế ai chưa biết thì mình hướng dẫn, ai thiếu vốn thì mình cho vay”. Hiện bà đang cho 6-7 hộ vay vốn, mỗi hộ 5-10 triệu đồng. Người dân nơi đây vẫn thường gọi bà là “bà đỡ” của phụ nữ nghèo.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, bà Mười luôn nhắc đến ông Hồ Văn Điều, người chồng đã luôn sát cánh bên bà, cùng bà vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình no ấm và nuôi dạy con cái khôn lớn trưởng thành. Cả bốn người con đều được ông bà chăm lo ăn học, có việc làm ổn định. Trong đó hai người con tốt nghiệp đại học đang công tác tại quê nhà.
Đến thăm, tận mắt ngắm những mảnh vườn tiêu, quế, cây ăn trái, các rẫy sắn, khoai, đậu… của gia đình bà Mười, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, khâm phục ý chí, nghị lực của người nữ đảng viên ấy. Tấm gương vượt khó, quyết chí làm giàu của bà Hồ Thị Mười là một điển hình cho ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân của người phụ nữ Bhnong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi miền núi Phước Sơn.
Cao Anh
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III