|
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.
|
Từ một người yêu nước chân chính, Bác sớm tìm gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và nhờ vậy sớm thấm nhuần tư tưởng Lê-nin về vị trí, vai trò, chức năng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Người luôn lấy báo chí là vũ khí tiến công kẻ thù và là một phương tiện hoạt động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng.
Là tác giả của hàng nghìn bài viết, nhà báo Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến đối tượng phục vụ. Người chỉ rõ: Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ. Bác luôn đặt vấn đề “viết cho ai”, “viết để làm gì” để định hướng nội dung, phương thức sáng tạo các tác phẩm báo chí và xây dựng những tờ báo cách mạng. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta, và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, Bác căn dặn.
Bác nhắc nhở các nhà báo phải luôn luôn trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo: Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn. Bác còn nhấn mạnh: Không nên chỉ nói cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại..., phê bình phải phê bình một cách “thật thà, chân thành, đúng đắn”. Bác yêu cầu lấy phê bình và tự phê bình để rèn luyện và tiến bộ, điều quan trọng là lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng: Các nhà báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi, Bác dặn. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Một tờ báo chỉ nói những điều vô thưởng, vô phạt, những điều ngoài lề cuộc sống, những điều chẳng những không cổ vũ được mà còn làm bải hoải tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng thì tuyệt nhiên không phải là tờ báo cách mạng. Người huấn thị: Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: Một là, nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Hai là, mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ba là, tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Bốn là, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Năm là, nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Sáu là, hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Người yêu cầu: Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc.
Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đào tạo thế hệ làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam. Người đặt nhà báo ngang với nhà cách mạng chuyên nghiệp. Bởi vì, nhà báo có các phẩm chất của nhà cách mạng và nhà cách mạng chuyên nghiệp đã hòa làm một với nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Do vậy, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự cầu thị, khiêm nhường. Người yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn dũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình, nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc. Người khẳng định: Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo. Viết cho đối tượng nào thì dùng cách nói của chính đối tượng ấy, lời ngắn ý dài mà ai đọc cũng hiểu. Người cầm bút phải có trách nhiệm cao trước mỗi bài báo của mình, không vội vàng nghe thông tin một phía đã áp đặt, suy đoán chủ quan. Như thế là thiên lệch, thậm chí sai sự thật. Muốn có bài viết hay, người cầm bút không những phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp tốt mà còn phải lăn lộn “nơi đầu sóng, ngọn gió”. Khi đó bài viết mới mang hơi thở của cuộc sống, mới cuốn hút được người đọc, người xem.
Bác Hồ căn dặn người làm báo phải bảo đảm nguyên tắc trung thực. Khi nêu gương người tốt, việc tốt phải viết giản dị và đúng sự thật, không nói sai sự thật, không được bịa ra, không chỉ phản ánh một chiều, chỉ tuyên truyền cái tốt mà giấu diếm cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn, chớ không nên để địch lợi dụng để đả kích, tuyên truyền. Tính đa dạng của báo chí là sự phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, sâu sắc, nhiều mặt, không hời hợt, phiến diện. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-1962), Người phê bình các báo: Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau... Trong lần đến thăm Báo Nhân Dân (ngày 18-1-1957), Người căn dặn: Anh chị em phóng viên phải viết đúng, viết hay. Nếu viết sai hay in sai phải đính chính.
Trong mọi trường hợp không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Đó là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Chính cuộc đời hoạt động báo chí của Bác là một bằng chứng sinh động cho quan điểm vì dân, phục vụ nhân dân, kính trọng nhân dân. Quần chúng nhân dân - đó là đối tượng phục vụ. Bởi vậy, Người luôn luôn nhắc nhở các nhà báo phải biết “nghe”, biết “hỏi”, biết các “thao tác” để có được những tác phẩm báo chí thực sự bổ ích và thiết thực cho nhân dân, cho cách mạng. Người nhắc nhở: Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân. Sự thành công trong nghề viết báo của Bác gắn liền với những kinh nghiệm được đúc kết từ trong cuộc sống gắn bó hoà nhập với nhân dân. Dân là thầy dạy, người kiểm tra, đánh giá, biểu dương. Dòng chảy báo chí Hồ Chí Minh là dòng chảy từ chính cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại của Người. Người làm báo, viết báo để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Trong cuộc đấu tranh đó, có cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái sai để xây dựng cái đúng, cái tiến bộ, biểu dương cái tốt, việc tốt.
Bác là tấm gương mẫu mực về phong cách làm báo. Những lời dạy của Bác đối với người làm báo thật phong phú, bổ ích, không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau. Học tập cách làm báo của Bác, cũng như học tập tư tưởng đạo đức phong cách của Người để nâng cao nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp là trách nhiệm của mỗi người làm báo, xứng đáng là chiến sỹ cách mạng trên mặt trận văn hóa. Cuộc vận động học tập, làm theo tư tương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là dịp để mỗi người cầm bút nghiên cứu thấm nhuần sâu sắc những quan điểm và đạo đức làm báo của Bác Hồ, không ngừng học hỏi để vươn lên.
Trần Công Huyền