Đảng bộ Đại học Thủy Lợi học và làm theo Bác
Đoàn công tác của Thành uỷ Hà Nội lắng nghe tình hình thực hiện Cuộc vận động của Đại học Thuỷ Lợi

Chỉ đạo sát và kết quả khích lệ

Hơn 50 năm xây dựng và phát triển của trường Đại học Thuỷ lợi, Đảng bộ Đại học Thuỷ Lợi luôn kiên trì  phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước: “Học đi đôi với hành, giảng dạy gắn liền với thực tiễn sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà trường qua từng thời kỳ.

Đại học Thuỷ lợi có đặc trưng của một trường đại học kỹ thuật gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với  xã hội, giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Từ thực tiễn điều chỉnh, đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo của Nhà trường. Phương châm ấy càng được khẳng định qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng uỷ và Ban Giám hiệu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động và tổ chức lễ phát động trong toàn trường. Hằng năm, Ban chỉ đạo xây dựng và thông qua kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên kết hợp với hội sinh viên, hội cựu chiến binh tổ chức sinh hoạt đến cán bộ, sinh viên không phải là đảng viên, sinh viên khóa mới. Nội dung Cuộc vận động được quán triệt tới các lớp bồi dưỡng đảng viên mới và lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú… thông qua cuộc thi kể chuyện, các buổi nói chuyện về Bác, gắn Cuộc vận động với việc học tập triển khai Nghị quyết Trung ương 5, 6, 7 (khoá X), kết hợp với các hoạt động nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, các phong trào chung của trường…

Ban chỉ đạo cũng chú trọng cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đối tượng là nhà giáo, cán bộ, công chức và sinh viên. Để xây dựng được các chuẩn mực đạo đức, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu chỉ đạo các cấp uỷ, đoàn thể lấy ý kiến rộng rãi trước khi thực hiện. Đây là điểm mới, thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động, được Thành ủy Hà Nội biểu dương và khen ngợi…

Hơn 4 năm triển khai Cuộc vận động đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng, có tác động tích cực trong sinh viên qua kết quả học tập và rèn luyện ngày càng tốt hơn, số trường hợp vi phạm kỷ luật giảm… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng có nhiều sáng kiến, cải tiến và đổi mới quy trình công tác mang lại hiệu quả cao.

Kinh nghiệm thiết thực

Theo PGS, TS. Phạm Ngọc Quý, Bí thư Đảng uỷ, Phó hiệu trưởng Đại học Thuỷ Lợi đã khái quát:

Thống nhất nhận thức không chỉ ở Đảng ủy, Ban Tuyên giáo của Đại học Thuỷ Lợi mà cần quán triệt tới từng cán bộ quản lý, đảng viên, giảng viên trong trường. Việc thống nhất nhận thức trong học viên chính là nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức, tâm huyết với công việc… Tạo được sự thống nhất trong nhận thức là một trong những tiền đề để thực hiện các giải pháp khác.

Nắm bắt thực tế và đầu tư thích đáng để công tác lãnh đạo đúng, trúng và hiệu quả. Muốn nắm bắt tình hình thực tế thì cần có mạng lưới cộng tác, tổ chức các diễn đàn, phát huy dân chủ, cấp trên đi thực tế, nghe cấp dưới báo cáo; cấp dưới phản ánh trung thực tình hình… Từ đó có đầu tư về nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) đủ để hoạt động được và hoạt động có hiệu quả. Quan trọng hơn là người lãnh đạo, quản lý, cán bộ phụ trách cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ.

Đa dạng các hoạt động trực tiếp của công tác chính trị, tư tưởng với hình thức phong phú, sinh động như kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, sân khấu hóa hình tượng Bác Hồ, thi viết tấm gương người tốt, việc tốt… Tăng cường giao lưu với các thế hệ cán bộ, giảng viên lão thành, với cựu sinh viên thành đạt… Đối với các hoạt động gián tiếp cần nâng cao giá trị tinh thần trong mọi hoạt động của nhà trường.

Tăng cường cung cấp thông tin qua các buổi nói chuyện thời sự, phổ biến pháp luật, học tập nghị quyết, giải đáp thắc mắc trên diễn đàn website, đối thoại với sinh viên, nghe giảng viên, cán bộ phản ánh và trao đổi lại, hướng dẫn các câu lạc bộ hoạt động.

Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng sẽ kịp thời giúp Đảng ủy nắm bắt tình hình, có biện pháp tích cực để tuyên truyền những thông tin chuẩn đến hội viên, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu trường, tâm huyết với sự nghiệp. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu  tạo điều kiện để các tổ chức quần chúng hoạt động, lắng nghe, định kỳ làm việc với lãnh đạo các đoàn thể để kịp thời xử lý khó khăn, có định hướng lãnh đạo đúng. Bên cạnh đó, xây dựng được đội ngũ nòng cốt thực hiện, đó là giảng viên dạy chính trị, ban tuyên giáo, phòng công tác chính trị, công tác sinh viên và những người thầy trực tiếp đứng lớp… Họ là những người hun đúc nên những ngọn lửa nhiệt huyết, tin yêu trong lòng thế hệ trẻ. Ngoài ra cần xây dựng đội ngũ tích cực trong sinh viên, những cán bộ đoàn, hội, công đoàn, hội cựu chiến binh… cùng làm công tác chính trị, tư tưởng.

Coi trọng thi đua khen thưởng, kỷ luật và thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, quy trình. Có những góp ý, biểu dương và phê bình ở hội nghị, trên báo, trên trang web, trong các cuộc thi một cách kịp thời.

Tạo dựng niềm tự hào về trường, về ngành, từ đó tạo sức lan tỏa trong lòng mỗi cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường và tới xã hội. Muốn vậy người lãnh đạo, người thầy, người quản lý của Đại học Thuỷ Lợi phải bằng việc làm cụ thể, thiết thực và có tâm, đức với nghề… sẽ hình thành tình yêu trường, tình yêu với quê hương, đất nước.

Những nỗ lực, kết quả và kinh nghiệm thiết thực của Đảng bộ trường Đại học Thuỷ Lợi trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được ghi nhận và biểu dương tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức cuối năm 2010.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất