Về phường Thạnh Lộc, quận 12-Tp. Hồ Chí Minh lần này, chúng tôi được gặp thầy giáo Nguyễn Thanh Hải đã trên 65 tuổi vẫn đang dang rộng vòng tay với bao trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ, tật nguyền tại quận.
Là một nhà giáo, đảng viên nghỉ hưu nhưng thầy Nguyễn Thanh Hải vẫn không ngần ngại nhà xa, vất vả, luôn dang tay ra với những học sinh câm, điếc, tật nguyền của Trung tâm Học tập cộng đồng mới được thành lập tại quận. Thầy cho biết: "Nghỉ hưu, đáng ra tôi có thể an nhàn sống với mức lương hưu của một nhà giáo. Song tìm đến các mái trường xã hội tại quận, nhìn các em có hoàn cảnh tật nguyền, học hành khó nhọc, ăn uống bữa có bữa không, tôi không cầm được nước mắt. Thế là tôi bàn với vợ con tiếp tục nghề dạy học - dạy cho con em bị tật nguyền, kém may mắn trong cuộc đời.
Khi thầy về phụ trách Trung tâm, anh em làm ở đây không có lương, kinh phí ban đầu rất hạn hẹp. Thế là qua sự vận động của thầy, từ sự hảo tâm của nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tại quận, thành phố, trung tâm thường xuyên được ủng hộ hàng chục kg gạo, đường, thức ăn cho các em ăn, tiền để mua cặp, sách, tập vở, quần áo. Nhiều doanh nghiệp đã trợ giúp thường xuyên mỗi năm hàng chục chiếc xe đạp cho các em khi đi đâu xa.
Các em vào đây, đa số là con em mồ côi, tật nguyền bẩm sinh, hay bị gia đình bỏ rơi. Thế là thầy Hải cùng với các thầy cô tình nguyện đã làm một chức năng vừa là người thầy, vừa là cha, là mẹ, lo lắng chăm sóc ăn uống, trị bệnh… cho các em. Từ chỗ Trung tâm hầu như thiếu thốn mọi thứ, nay với sự tận tụy của thầy Nguyễn Thanh Hải và các thầy cô tình nguyện, 5 năm qua, các lớp học của Trung tâm đã là nơi nương tựa cho gần 100 em tật nguyền, mồ côi có cái ăn, được học tập, vui chơi. Thầy rất mừng khi có 3 em mồ côi cha mẹ, vào đây được thầy Hải và trung tâm nuôi ăn học đã từ mái trường Trung tâm này mà thi đỗ và tiếp tục học đại học.
Gặp thầy Hải tại quận 12, thầy nói cùng chúng tôi trong niềm vui mà mắt thầy vẫn đẫm lệ: “Cứ nhìn chúng nó tung tăng, cầm được cuốn sách đọc, học được cái chữ làm người, là tôi an tâm lắm. Chứ khi chúng chưa vào đây, quần áo mặc chẳng có, cơm cháo ăn xin dọc đường…thì lấy gì mà học”… Người đảng viên, người thầy giáo Nguyễn Thanh Hải đã sống cùng các em tật nguyền, mồ côi, cơ nhỡ và đã làm theo lời Bác dạy như vậy đấy.
Bài và ảnh: Phạm Bá Nhiễu
Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh