55 năm ấy biết bao nhiêu tình

Đồng chí Nguyễn Hồng Cơ trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng.

Phóng viên: Thưa đồng chí Nguyễn Hồng Cơ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí, xin đồng chí chia sẻ một vài cảm xúc về chặng đường xây dựng và cống hiến của Tạp chí Xây dựng Đảng?


Đồng chí Nguyễn Hồng Cơ: Nhìn lại chặng đường đã qua, cảm xúc đầu tiên trong tôi là: “55 năm ấy biết bao nhiêu tình”. “Tình” ở đây trước tiên là lòng biết ơn các bậc đàn anh đi trước đã có công khai phá, đã dày công nghiên cứu, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Xây dựng Đảng từ khi xuất bản số đầu tiên vào tháng 8-1965, nhờ đó mà những thế hệ đi sau như chúng tôi được kế thừa, phát huy. Trong số các bậc đàn anh ấy, phải kể đến công lao của Tổng Biên tập đầu tiên là anh Đặng Hồng Tinh, người đã sớm ý thức được vị trí, vai trò quan trọng của Tạp chí Xây dựng Đảng - công cụ tuyên truyền và hướng dẫn công việc tổ chức, cán bộ của Trung ương, đồng thời dành nhiều tâm huyết để duy trì và phát triển công cụ ấy.

Đó còn là quá trình gian khổ để xây dựng một tập thể đoàn kết, nhất trí, luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, để mỗi người vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Quá trình ấy không hề dễ dàng, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức trách nhiệm rất cao trước Tổ quốc, trước Đảng và Nhân dân. Thật may, bên cạnh tôi lúc đó là một tập thể mà mỗi thành viên là vốn quý, qua công việc, qua bài viết, tôi luôn nhìn vào những điểm mạnh của mỗi người để học hỏi. Tôi học một Lê Thanh Minh sôi nổi, một Phan Thanh Hy nhẹ nhàng, sâu sắc, chững chạc; học tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đáp của anh Nguyễn Văn Bình; sự thẳng thắn, trung thực, chắc chắn của anh Nguyễn Đức Duân. Tôi cũng học anh Nguyễn Tâm với tư duy sâu lắng qua những bài anh viết về tư tưởng của Bác Hồ liên quan đến tổ chức, cán bộ. Anh Nguyễn Trọng xông xáo, hay nói thẳng, có những bài viết nổi tiếng về chống tiêu cực. Anh Trần Thế Hưng say mê khoa học, giỏi ngoại ngữ và còn nhiều anh chị em khác nữa…

Đồng chí Đỗ Xuân Định, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng.


Phóng viên: Thưa đồng chí Đỗ Xuân Định, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí, nghề báo là một nghề cao quý nhưng cũng không ít nhọc nhằn, gian khó, nhất là liên quan đến lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng. Theo đồng chí, những khó khăn ấy là gì? Đồng chí đã vượt qua như thế nào?

Đồng chí Đỗ Xuân Định: Trước khi nói về nghề báo, xin kể lại một chút về cơ duyên đưa tôi gắn bó với Tạp chí Xây dựng Đảng. Năm 1975, khi tôi là một trong ba sinh viên vừa tốt nghiệp đại học được Ban Tổ chức Trung ương tiếp nhận và đưa thẳng về cơ sở. Đầu tiên, tôi đi thực tế ở Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long, sau đó là Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, rồi về Quận ủy Đống Đa, làm Bí thư Đảng ủy phường… Gần hết nhiệm kỳ, tôi lại về Vụ Tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương. Có lẽ, vì đã qua thực tiễn công tác đảng, trực tiếp làm cán bộ cơ sở, lại từng nghiên cứu về lĩnh vực lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn nghệ, nên anh Nguyễn Hồng Cơ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí (sau này là Tổng Biên tập) đã tin quý, “rủ” tôi về Tạp chí… Thế là tôi trở thành người của Tạp chí Xây dựng Đảng từ năm 1994 cho đến 2013 và tiếp tục cộng tác cho đến hôm nay.

Nghề nào cũng có cái cao quý và thuận lợi, khó khăn riêng. Nghề báo còn nhiều niềm vui nữa… Mình hiểu nghề, biết việc, biết người nhiều bao nhiêu thì khó khăn ít bấy nhiêu và niềm vui cũng tăng lên chừng ấy. Viết về tổ chức xây dựng Đảng thì phải hiểu công việc tổ chức xây dựng Đảng, phải nắm chắc các nguyên tắc tổ chức hiện hành và cốt lõi của nó là tổ chức và cán bộ. Làm công tác tổ chức và cán bộ là một nghề, mà sản phẩm của nghề liên quan trực tiếp đến con người, một nghề mà những người làm khi lo cho hiện tại cũng là lo cho cả tương lai, một nghề luôn luôn cần kết hợp hài hòa giữa tình cảm và trách nhiệm. Có lẽ cái khó là làm sao để hiểu và nắm chắc được điều đó ngay trong chính công việc của mình.

Tôi may mắn được đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn (khoa Ngữ văn), lại sớm được rèn luyện trong thực tiễn công tác tổ chức xây dựng Đảng. Suốt những năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi được sống và làm việc cùng đội ngũ đông đảo các đồng chí cán bộ, chuyên viên, công chức có bề dày kinh nghiệm, từng công tác ở nhiều cấp, nhiều ngành, từng trải trong cuộc sống; được tiếp cận những người đồng chí có tâm, có đức và hiểu mọi “ngõ ngách” trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trên cả nước. Làm báo, tôi có những đồng nghiệp, cộng sự, cộng tác viên yêu nghề, trách nhiệm, sống với nhau có tình, có nghĩa. Tôi luôn trân trọng, học hỏi từng đồng chí, phối hợp, phát huy năng lực, sở trường của từng đồng nghiệp, cộng sự, cộng tác viên. Nếu có gì là khó khăn thì chúng tôi cùng gỡ. Cùng gỡ thì sẽ có cách gỡ và có sức gỡ. Nhờ thế mà chúng tôi luôn vượt qua được khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ. 

Đồng chí Nguyễn Thúy Hoàn phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2010-2012.

Phóng viên: Thưa đồng chí Nguyễn Thúy Hoàn, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí, hiện nay Tạp chí Xây dựng Đảng nói riêng, báo chí nói chung có nhiều cơ hội để phát triển, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đồng chí, Tạp chí cần đổi mới như thế nào để phát triển bền vững, đóng góp vào sự nghiệp chung?

Đồng chí Nguyễn Thúy Hoàn: Nói về đổi mới trong thời đại kỹ thuật số, có thể kể đến mọi mặt của Tạp chí, từ tổ chức bộ máy, cán bộ, cách thức hoạt động, trang thiết bị… Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đổi mới nhận thức, tư duy của cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trong đó, quan trọng nhất, khó nhất là đổi mới tư duy về công tác tổ chức xây dựng Đảng, phản ánh công tác này trên tạp chí in và tạp chí điện tử. Công tác tổ chức xây dựng Đảng không phải chỉ đơn thuần là công tác nghiệp vụ mà còn là một phần quan trọng của cuộc sống sinh động hằng ngày, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Người dân rất quan tâm đến nhân sự đại hội đảng, nhất là phẩm chất đạo đức, uy tín, trình độ, năng lực của người cán bộ được bầu. Bởi chính người cán bộ ấy sẽ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài ra, tư duy về tính chiến đấu là phải phanh phui các vụ tiêu cực là chưa đủ. Độ tin cậy, tính chính xác, phát hiện, tổng kết, phân tích, bình luận, lý giải thấu tình, đạt lý một sự việc, hiện tượng, một nhân vật đem đến cho người đọc một nhận thức, đánh giá, được độc giả chấp nhận cũng là có tính chiến đấu bởi nó góp phần làm giàu thêm tri thức tích cực mà độc giả thu lượm được khi đọc Tạp chí.

Làm báo thời 4.0, điện tử, kỹ thuật số, trang thiết bị hiện đại là quan trọng. Nhưng tư duy của người sử dụng nó quan trọng hơn. Nếu các trang thiết bị thời 4.0 nhưng tư duy 3.0, thậm chí 2.0 thì hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu, càng không thể nói đến phát triển bền vững. Chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, vậy cụ thể ở Tòa soạn là những nội dung nào? Có phải chỉ ở máy móc, thiết bị? Tư duy về chấp hành nghiêm kỷ luật lao động có cần phải đổi mới không? Có nhất thiết phải hằng ngày đến Tòa soạn đúng giờ và cả ngày làm việc tại Tòa soạn không khi rất nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà, không chỉ trong thời gian giãn cách xã hội thời đại dịch COVID-19? Nói đại dịch COVID-19 là cú hích đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế. Nó có là cú hích cho Tòa soạn không? Ở những công đoạn nào? Hoạt động nào?

Tư duy như bộ óc con người. Đầu óc thay đổi theo hướng nào tay chân chuyển động theo hướng đó. Tư duy như những đợt sóng tràn bờ. Luôn năng động, biến đổi, lướt qua mọi rào cản, vươn đến đích là đáp ứng yêu cầu độc giả, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. 

Phóng viên: Nhiều năm gắn bó với nghề báo, với công tác tổ chức xây dựng Đảng, hẳn mỗi đồng chí đều có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Đồng chí Nguyễn Hồng Cơ: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là hành trình đi dọc đất nước, từ Bắc vào Nam năm 1983 để nghiên cứu, viết bài về Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh với đồng chí Tổ trưởng Tổ biên tập Lê Thanh Minh. Ngày ấy, phương tiện giao thông còn hết sức khó khăn, để vào đến Thành phố mang tên Bác, chúng tôi phải di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, lúc đi tàu hỏa, khi bắt xe khách, thậm chí có lúc phải ngồi nhờ trên thùng xe tải chở than, hai anh em lấm lem hết cả. Chuyến đi này, tôi nhận nhiệm vụ viết về công tác lãnh đạo của Quận uỷ Gò Vấp đối với công tác an ninh nhân dân. Trong hơn mười ngày, một mình tôi đạp xe rong ruổi, lúc nghe báo cáo của Công an quận, lúc tiếp xúc với các chiến sỹ công an ngoài đường, khi trao đổi ý kiến với tổ trưởng tổ dân phố, rồi lại xin ý kiến thẩm định của Lãnh đạo Công an Thành phố. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành bài viết: “Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc”  (sau này đoạt giải của Hội Nhà báo Việt Nam).

Một chuyến đi khác cũng rất đáng nhớ là năm 2010. Thời điểm đó, tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn cộng tác cùng Tạp chí, đi tham gia nghiên cứu thực tế 3 tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên) cùng đồng chí Phó Tổng Biên tập Ngô Minh Tuấn (nay là Tổng Biên tập) và phóng viên Phạm Thị Thu Huyền (nay là Phó Tổng Biên tập). Trong chuyến đi này, tôi đã được đến thăm nhà tù Sơn La, đến huyện Mường Tè, huyện xa nhất của tỉnh Lai Châu, lên thăm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ tượng đài có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ TP. Điện Biên và cánh đồng Mường Thanh. Mỗi vùng đất đi qua đã để lại trong tôi một niềm tự hào và xúc động khôn tả về vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước, về lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc, về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đồng chí Đỗ Xuân Định: Với tôi, một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi làm nghề là lần tôi nhận được thư bạn đọc đề nghị trả lời sớm về trường hợp xử lý cho nghỉ công tác khi chưa hết nhiệm kỳ đối với một bí thư đảng ủy - chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) phường, có năng lực và phẩm chất đạo đức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đảng bộ và nhân dân tín nhiệm. Nội dung bạn đọc hỏi là: Trong cùng một quyết định, BTV quận ủy quyết định cho một đồng chí như nói ở trên nghỉ điều hành công tác, thực chất là thôi cả chức bí thư đảng ủy và chủ tịch HĐND thì có đúng thẩm quyền, đúng pháp luật không?

Tôi đem nội dung bạn đọc trao đổi với Vụ Tổ chức - Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương), rồi ký văn bản trả lời, gửi ngay cho bạn đọc, không chờ đăng trên mục “Trả lời bạn đọc” của tạp chí Xây dựng Đảng in vì phải gần một tháng nữa mới đến kỳ. Nhận được nội dung trả lời của Tạp chí, các đồng chí đảng viên ở đây (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có căn cứ để kịp thời làm việc lại với BTV Quận ủy Cầu Giấy. Kết quả, BTV Quận ủy Cầu Giấy đã ra quyết định mới thay cho quyết định trước. Đồng chí Phạm Thanh Bình (người được nêu trong thư) tiếp tục công tác thêm một thời gian nữa trên cương vị Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô.

Ít lâu sau, đồng chí Phạm Thanh Bình xuất hiện trên Truyền hình Việt Nam trong chương trình gặp gỡ những điển hình tiên tiến chống tiêu cực. Sau này, khi các đồng chí trong BTV Đảng ủy phường Nghĩa Đô đến thăm, cảm ơn Tòa soạn, tôi mới biết thư hỏi của Đảng ủy phường cũng được gửi đến một tạp chí khác nhưng không có hồi âm. Câu chuyện giữa chúng tôi lại gợi ra một đề tài để viết. Thế là hai phóng viên trẻ Trần Thị Thu Thủy và Lê Thị Thu Thủy đã được cử đi tìm hiểu, viết một bài khá “già dặn” về vụ việc này. Bài báo mang tên “Bài học từ một quyết định không chuẩn xác” với bút danh Song Thủy, đăng trên số 6-2009 tạp chí Xây dựng Đảng in và ngày 1-6-2009 trên tạp chí Xây dựng Đảng điện tử.

Phóng viên: Là thế hệ đi trước có nhiều kinh nghiệm, các đồng chí có thông điệp gì muốn gửi gắm đến các đồng nghiệp trẻ đang công tác ở Tạp chí?

Đồng chí Nguyễn Hồng Cơ: Nhớ về các bậc đàn anh đi trước, tôi càng mừng khi nghĩ đến những người làm báo ở Tạp chí Xây dựng Đảng hôm nay, một đội ngũ mà dường như mỗi ngày lại càng thêm trẻ. Trẻ thì có sức khỏe, có nhiều ước mơ, hoài bão, được đào tạo cơ bản, có nhiều kiến thức, nhiều điều kiện thuận lợi để tác nghiệp trong môi trường báo chí hiện đại. Tôi chỉ mong các đồng chí luôn ghi nhớ lời Cụ Hồ từng căn dặn, đó là phải thật thà đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng vun đắp, xây dựng đơn vị vững mạnh, giữ vững và nhân lên được thương hiệu của Tạp chí Xây dựng Đảng như 55 năm qua.

Đồng chí Đỗ Xuân Định: Những năm được làm việc trước đây, những khi được tiếp xúc trong sinh hoạt nghề nghiệp với các đồng nghiệp trẻ hiện nay, tôi rất vui mừng và tự hào về sự trưởng thành của các đồng nghiệp trẻ. Các đồng chí đang có được những điều kiện làm việc mà trước đây chúng tôi hằng mơ ước. Mong và tin các đồng nghiệp trẻ hãy nắm lấy cơ hội, đi sâu vào thực tiễn, không ngừng học hỏi, không ngừng tích lũy vốn sống, vốn nghề. Cơ quan Tạp chí sẽ phát triển bền vững, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp tổ chức xây dựng Đảng khi là một khối đoàn kết thống nhất, thương yêu, có sức mạnh trí tuệ tập thể, ai cũng làm việc hết mình, năng lực nào cũng được khai thác, biệt tài nào cũng được nâng đỡ, phát huy!

Đồng chí Nguyễn Thúy Hoàn: Hiện nay, thông tin cho Tạp chí phong phú từ nhiều nguồn: các đảng bộ trên khắp đất nước, các cơ quan Trung ương, in-tơ-nét, các cộng tác viên trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Tạp chí là một đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương - trung tâm thông tin chính xác, tin cậy về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Mỗi chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn… của Trung ương về xây dựng Đảng, Tạp chí có thông tin từ khi dự thảo được thông qua, thực hiện và sơ, tổng kết. Nhiệm kỳ này, Tạp chí lại được Lãnh đạo Ban tin tưởng giao thêm nhiều việc mới và khó, nhất là trong vai trò Cơ quan thường trực Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng). Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Tạp chí, nhất là các phóng viên, biên tập viên trẻ tuổi.

Cần phải xác định rằng, kỹ thuật số, công nghệ thông tin giúp làm báo thuận lợi hơn, nhanh hơn nhưng không thể thay thế hoàn toàn được những chuyến đi cần thiết. Tin, bài theo đúng tôn chỉ, mục đích, chính xác, trung thực nhưng lại phải sinh động, mang hơi thở cuộc sống vốn là cây đời mãi mãi xanh tươi, đòi hỏi mỗi phóng viên, biên tập viên không chỉ cố gắng vận dụng hết tri thức của mình về công tác tổ chức xây dựng Đảng mà phải đắm mình trong đời sống, thường xuyên cập nhật kiến thức, học hỏi, vươn lên, chọn lọc thông tin sống động cho bài viết đủ sắc màu như cuộc sống vốn có. Những chi tiết sinh động của mỗi tổ chức đảng chỉ có được trong bài viết khi đến tận nơi và tìm hiểu tại chỗ.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí. Kính chúc các đồng chí và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui, tin yêu và tiếp tục cộng tác với Tạp chí như bao lâu nay!

Phản hồi (1)

Phạm Thanh Bình 18/08/2020

Năm 2008 Đảng bộ và nhân dân phường Nghĩa Đô đang tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn phường thì tôi có quyết định của Ban Thường vụ Quận ủy Cầu Giấy cho "được nghỉ điều hành Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô" vì "hết tuổi lao động". Nhận thấy đây là một quyết định không bình thường, một đảng viên của Đảng bộ đã làm văn bản gửi Tạp chí Xây dựng Đảng để hỏi việc ra quyết định như vậy có đúng không? Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Đỗ Xuân Định lúc đó đã cử hai phóng viên Trần Thu Thủy và Lê Thu Thủy nghiên cứu trả lời kịp thời bằng văn bản là: Quyết định như thế là không đúng các quy định về công tác tổ chức Đảng và đã vi phạm Luật Tổ chức HĐND-UBND. Đây chính là tài liệu quan trọng để định hướng cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng để bảo vệ Đảng, pháp luật của Đảng bộ, nhân dân phường Nghĩa Đô đi đúng hướng; và lại được các báo Thanh tra Chính phủ, Cựu chiến binh Việt Nam, Người cao tuổi, Đài Truyền hình Trung ương VTV1 vào cuộc tích cực giúp đỡ phường nên cuộc đấu tranh từng bước giành thắng lợi. Về phía Ban Thường vụ Cầu Giấy lúc đó tuy thấy sai nhưng không chịu sửa sai ngay. Mà phải đến khi có ý kiến của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, UVBCT, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam qua tiếp xúc cử tri, đã yêu cầu Thành ủy Hà Nội cử 2 tổ công tác về kiểm tra chỉ đạo sửa sai. Với sự đấu tranh kiên quyết, bền bỉ của cả hệ thống chính trị phường, nổi bật là Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Tổ lão thành cách mạng, thì Ban Thường vụ Quận ủy từ chỗ chỉ sửa sai cục bộ, 505 ngày sau đã phải ra quyết định sửa sai khôi phục lại chức cuối cùng là Bí thư Đảng ủy cho tôi. Về các tiêu cực, tham nhũng đất đai, UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy đã cử 2 đoàn thanh tra về phường, sau đó kết luận các tiêu cực, tham nhũng về quản lý, sử dụng đất đai của tổ chức, cá nhân trên địa bàn là có cơ sở. Sau kết luận thanh tra, phường Nghĩa Đô đã thu hồi hàng ngàn m2 có giá trị hàng trăm tỉ đồng, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Tạp chí Xây dựng Đảng ra số đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Tạp chí Xây dựng Đảng, chúc cán bộ, phóng viên của Tạp chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho; cảm ơn đồng chí nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Đỗ Xuân Định, cảm ơn hai đồng chí Trần Thu Thủy, Lê Thu Thủy. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, gia đình an khang, hạnh phúc. Phạm Thanh Bình

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất