Một số vấn đề lý luận về xây dựng tổ chức đảng của C.Mác
Các Mác (5-5-1818 - 14-3-1883)

Thứ nhất, về sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức.

Bằng những lập luận khoa học về chế độ cộng sản chủ nghĩa - chế độ mà “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Để có thể tiến tới thực hiện mục đích cộng sản chủ nghĩa, giai cấp vô sản cần phải có một chính đảng độc lập, triệt để cách mạng, có lý luận đúng đắn dẫn đường. Ngay trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã xác định rõ: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành chính quyền”(2). Tại Hội nghị ở Luân Đôn của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (năm 1871), C.Mác phát biểu: “Chính trị cần làm là chính trị công nhân? Chính trị công nhân, chính đảng công nhân không được theo đuôi chính đảng tư sản này hoặc kia mà phải thành một đảng độc lập có mục đích của mình, chính sách của mình”(3). Tư tưởng này còn được nhắc lại trong tác phẩm Cái gọi là những sự phân liệt trong quốc tế: “Chỉ khi đã tổ chức thành một đảng chính trị riêng biệt, đối lập với tất cả các đảng phái cũ do các giai cấp hữu sản lập nên, thì giai cấp công nhân mới có thể hoạt động với tư cách là một giai cấp, chống lại quyền lực liên hiệp ấy của các giai cấp hữu sản; việc tổ chức của giai cấp công nhân như vậy thành một chính đảng là cần thiết để bảo đảm thắng lợi của cách mạng xã hội và mục đích cuối cùng của nó - xóa bỏ giai cấp”(4).

Như vậy, mỗi tổ chức ra đời, tồn tại đều có sứ mệnh lịch sử và gắn chặt với sứ mệnh lịch sử của nó. Các đảng chính trị trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải quan tâm đến việc xác định và công khai mục tiêu chính trị của mình vì đó là ngọn cờ để tập hợp lực lượng, tạo sự ủng hộ của dân chúng cho việc thực hiện mục tiêu đó.


Thứ hai, về hệ thống của tổ chức.

Để thực hiện sứ mệnh, mục tiêu của mình, Đảng cần đến một hệ thống tổ chức rộng khắp, chặt chẽ, đủ sức mạnh để tập hợp, dẫn dắt phong trào cách mạng. Vì thế, ngay từ khi mới thành lập Đảng, C.Mác đã đưa vào Điều 5 của Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản: “Về cơ cấu, Liên đoàn gồm chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, BCH Trung ương và đại hội”(5). Theo đó, hệ thống tổ chức của Đảng được thiết lập từ Trung ương đến địa phương với thứ bậc và thẩm quyền rõ ràng:

1- Chi bộ (tổ chức cơ sở nền tảng của Liên đoàn): Được lập ở các địa phương, các thành phố, khu vực có đông công nhân. Chi bộ gồm ít nhất là ba và nhiều nhất là 20 hội viên của Liên đoàn. Mỗi chi bộ bầu chủ tịch và phó chủ tịch. Việc kết nạp hội viên mới của Liên đoàn do chủ tịch chi bộ và hội viên giới thiệu của Liên đoàn tiến hành, với điều kiện là đã có sự đồng ý trước của chi bộ. Vì trong điều kiện hoạt động bí mật, để tránh sự truy lùng của kẻ địch nên có quy định các chi bộ của các địa phương khác nhau không được biết về nhau và không có liên hệ gì với nhau.

2. Khu bộ: Có thể được thành lập ở một nước hoặc một tỉnh, một địa phương lớn, gồm ít nhất là hai và nhiều nhất là 10 chi bộ. Các khu bộ của một nước hoặc một tỉnh phải phục tùng một tổng khu bộ. Lãnh đạo khu bộ là BCH khu bộ: “BCH khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với tất cả các chi bộ thuộc khu bộ”(6). Đó là một tập thể lãnh đạo gồm các chủ tịch và phó chủ tịch của các chi bộ trực thuộc. BCH khu bộ liên lạc với các chi bộ của mình và với tổng khu bộ.

3. Tổng khu bộ: Được thành lập ở một nước hoặc một tỉnh của một nước. “Tổng khu bộ là cơ quan chấp hành quyền lực đối với tất cả các khu bộ của một tỉnh”(7). BCH tổng khu bộ giữ liên lạc với các khu bộ ấy và với BCH Trung ương. Khu bộ mới thành lập thì gia nhập vào tổng khu bộ gần nhất.

4. BCH Trung ương: Theo Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, “BCH Trung ương là cơ quan chấp hành quyền lực của toàn Liên đoàn và với tư cách đó, phải báo cáo công tác với đại hội”(8). BCH Trung ương gồm ít nhất năm ủy viên và do BCH khu bộ của địa phương đã được đại hội xác định là nơi đóng trụ sở của BCH Trung ương, bầu ra. BCH Trung ương giữ liên lạc với các tổng khu bộ. Cứ ba tháng một lần, BCH Trung ương lập bản báo cáo về tình hình của toàn Liên đoàn.

5- Đại hội Đảng: Có quyền ban hành các quy định cho toàn Đảng. Các khu bộ của một nước hoặc một tỉnh phải phục tùng một tổng khu bộ. “Đại hội có quyền lập pháp đối với toàn Liên đoàn. Tất cả những đề nghị về sửa đổi điều lệ được chuyển qua các tổng khu bộ lên BCH Trung ương và cuối cùng được đưa ra đại hội”(9).

Đại hội Liên đoàn những người cộng sản họp hằng năm vào tháng Tám. Trong những trường hợp khẩn cấp, BCH Trung ương triệu tập đại hội bất thường. Mỗi khu bộ đều được cử đại biểu tham dự đại hội với tỉ lệ 30 người được cử một đại biểu. Khu bộ có thể bầu làm đại biểu của mình những hội viên của Liên đoàn không thuộc địa phương mình.

Những quy định chặt chẽ về hệ thống tổ chức của Đảng bảo đảm cho Đảng tồn tại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Lịch sử đã minh chứng, khi nào tổ chức được duy trì ổn định thì Đảng có sức mạnh, trái lại khi tổ chức lỏng lẻo, bị các thế lực thù địch phá vỡ thì tổ chức suy yếu, phong trào cách mạng đi xuống. Vì thế, sau này khi nói về cuộc Cách mạng Pháp năm 1848, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng: “Đảng Công nhân phải hành động sao cho thật có tổ chức, thật thống nhất, thật độc lập, nếu như nó không muốn, như năm 1848, lại bị giai cấp tư sản lợi dụng và phải bám đuôi nó mà lê đi”(10).


Thứ ba, về nguyên tắc tổ chức.

Nguyên tắc tổ chức là điều kiện bảo đảm để tổ chức hoạt động, là cơ sở để đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh của tổ chức. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và tinh thần quốc tế vô sản.

Về tập trung dân chủ, dù C.Mác và Ph.Ăng-ghen chưa gọi tên nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo năm 1847 đã thể hiện rất rõ nội dung của nguyên tắc này trong những nội dung sau:

Việc hình thành tổ chức theo chế độ bầu cử dân chủ. Theo đó, cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn đều do bầu cử dân chủ lập ra: “Các ủy viên BCH khu bộ và BCH Trung ương được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”(11). Các cuộc bầu cử tiến hành vào tháng Chín.

Về chế độ hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, xác định rõ quyền ngang nhau giữa các đảng viên với tư cách là thành viên của tổ chức mà mình tham gia: “Tất cả các hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng, họ là anh em và trong mọi trường hợp, đều có nghĩa vụ giúp nhau như anh em”(12). Dân chủ được thể hiện thường xuyên trong sinh hoạt đảng của đảng viên như quyền được tự do thảo luận, tranh luận trong khuôn khổ tổ chức của Liên đoàn. Tuy vậy, việc thực thi dân chủ gắn liền với việc giữ vững kỷ cương của Đảng. Đó là quy định mọi đảng viên đều phải chấp hành nghị quyết của Liên đoàn.

Về chế độ hội họp, Điều lệ quy định các chi bộ và các BCH khu bộ cũng như BCH Trung ương họp ít nhất hai tuần một lần; các BCH khu bộ phải lãnh đạo các cuộc thảo luận tiến hành ở các chi bộ cho phù hợp với mục đích của Liên đoàn. Nếu BCH Trung ương thấy rằng việc thảo luận một số vấn đề nào đó là mối quan tâm chung và trực tiếp, thì có thể đưa những vấn đề ấy ra cho toàn Liên đoàn thảo luận.

Về chế độ báo cáo, Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản quy định: Các khu bộ “ít nhất là cứ hai tháng một, mỗi khu bộ phải báo cáo tình hình công tác của địa phương mình với tổng khu bộ; ít nhất ba tháng một lần, mỗi tổng khu bộ phải báo cáo tình hình công tác của địa phương mình với BCH Trung ương”(13).“Các tổng khu bộ phải báo cáo công tác với cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội, còn giữa các kỳ đại hội thì báo cáo với BCH Trung ương... BCH Trung ương là cơ quan chấp hành quyền lực của toàn Liên đoàn và với tư cách đó, phải báo cáo công tác với Đại hội”(14).

Về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, C.Mác và Ph.Ăng-ghen luận giải trên nhiều nội dung quan trọng. Hai ông cho rằng, tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và phát triển bình thường của Đảng Cộng sản và nhấn mạnh: “Tôi thấy rằng việc Đảng phê bình hoạt động đã qua của mình là việc tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó, Đảng học cách hoạt động tốt hơn”(15).

Về nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, C.Mác và Ph.Ăng-ghen coi đây là sức mạnh vô địch của Đảng: “Lịch sử của quốc tế cũng đã là cuộc đấu tranh không ngừng của Tổng hội đồng chống lại những bè phái và các thử nghiệm tài tử từng tìm cách củng cố ở trong nội bộ Quốc tế bất chấp phong trào đích thực của giai cấp công nhân. Cuộc đấu tranh này đó diễn ra tại các đại hội và ở mức độ còn lớn hơn, thông qua những cuộc thương thảo không công bố của Tổng hội đồng với các chi hội riêng lẻ”(16).

Về nguyên tắc đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân, C.Mác và Ph.Ăng-ghen luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Do đó, trong cách mạng XHCN, sức mạnh của đảng cộng sản là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, các đảng cộng sản phải biết dựa vào sức mạnh của quần chúng, phải biết tập hợp, lãnh đạo quần chúng. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen (năm 1843), C.Mác viết: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân...; không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(17).

Về nguyên tắc quốc tế của đảng cộng sản, C.Mác chỉ rõ: “Vì sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức và mặt khác, vì hiệu quả do Hội đồng Trung ương quốc tế đem lại phụ thuộc phần lớn vào việc là nó sẽ liên hệ với vài trung tâm có tính chất toàn quốc của các đoàn thể công nhân, hay với nhiều đoàn thể nhỏ và phân tán ở các địa phương, cho nên các hội viên của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế sẽ phải đem hết mọi cố gắng của mình ra để thống nhất các đoàn thể công nhân còn rời rạc của nước họ thành những tổ chức có tính chất toàn quốc do các cơ quan Trung ương của cả nước đại biểu”(18). Vì vậy, ngay trang đầu tiên của “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản” đã nêu cao khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.


Thứ tư, về con người của tổ chức.

Xuất phát từ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, do yêu cầu lãnh đạo, tổ chức phong trào của đảng cộng sản mà việc xây dựng tổ chức đảng phải chọn được những người tiên phong. Vì thế, đảng tiên phong cả về lý luận và thực tiễn, tiên phong trong hành động và tiên phong về lý luận: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(19).

Để bảo đảm tính tiên phong của Đảng thì khâu kết nạp người vào Đảng phải được đặc biệt chú trọng. Cho nên, muốn trở thành hội viên của Liên đoàn những người cộng sản phải có: “a. Lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích ấy; b. Nghị lực cách mạng và nhiệt tình trong công tác tuyên truyền; c. Thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; d. Không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc mình tham gia một tổ chức nào đó; e. Phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn; f. Giữ bí mật mọi công việc của Liên đoàn; g. Được một chi bộ nhất trí kết nạp. Ai không còn đủ những điều kiện ấy sẽ bị khai trừ”(20).

C.Mác và Ph.Ăng-ghen yêu cầu Đảng phải nắm công tác cán bộ như một tất yếu khách quan. Trong cuốn Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính phê phán, hai ông viết: “Xưa nay, tư tưởng không thể đưa người ta vượt ra ngoài trật tự thế giới cũ được; trong bất cứ tình huống nào, tư tưởng cũng chỉ có thể đưa người ta vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng của trật tự thế giới cũ được thôi. Thật vậy, tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện được tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”(21).

Những luận thuyết cơ bản về xây dựng tổ chức đảng của C.Mác được tổng kết từ thực tiễn khắc nghiệt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước sự tấn công liên tục của kẻ thù. Sau này, khi Ăng-ghen mất, các lãnh tụ của Quốc tế II đã phản bội và sự xuất hiện đúng lúc của V.I.Lê-nin đã tiếp tục đấu tranh bảo vệ tư tưởng C.Mác, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng thành học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, góp phần xây dựng đảng vững mạnh, lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.

--------------------

(1), (2), (4), (5), (6), (7), (8), (11), (12), (13), (14), (15), (20), (19) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, H.2004, t.4, tr.628; tr.615; tr.732-736, tr.614-615. (3) Sđd, t.17, tr. 551-552. (9) Sđd, t.18, tr.47. (10) Sđd, t.7, tr.343. (16) Sđd, t.33, tr.449-450. (17) Sđd, t.1, tr.347. (18) Sđd, t.16, tr.27. (21) Sđd, t.2, tr.181.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất