Ngày 3-5, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (TƯ) thông báo: Đồng chí Nguyễn Đình Hương (sinh năm 1930), nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 16h10', ngày 3-5-2020 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sinh thời, đồng chí Nguyễn Đình Hương đã có nhiều bài viết có giá trị đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng đăng lại bài viết "Lương tâm và trách nhiệm" (bài viết đã được đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng số 4-2007) của cố đồng chí Nguyễn Đình Hương.
77 mùa xuân của Đảng cũng là 77 năm hàng vạn cán bộ, đảng viên của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã trung thành, tận tụy thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng từ thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, lãnh đạo toàn dân giành độc lập dân tộc và tiến hành kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Suốt những chặng đường lịch sử ấy, biết bao kỷ niệm, dấu ấn còn in đậm trong trái tim của những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng, trong đó có tôi luôn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, gắn lương tâm, trách nhiệm với Nghề. Năm 1956, tôi được điều động về làm chuyên viên ở Vụ Cán bộ của Ban Tổ chức TƯ. Sau đó làm Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng, Phó ban tại Ban Tổ chức TƯ và Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ. Tất cả những công việc tôi làm đều gắn với công tác cán bộ nên nhiều niềm vui, nỗi buồn đọng lại sâu sắc. Điều mà tôi ghi nhớ nhất là làm công tác nhân sự qua 7 nhiệm kỳ đại hội Đảng. Bởi cái hay, cái dở của công tác tổ chức đều bộc lộ qua quá trình chuẩn bị nhân sự.
Bác Hồ khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công tác cán bộ rộng, nhiều khâu quan trọng, có mối quan hệ, gắn bó chặt chẽ với nhau từ xác định tiêu chuẩn, đến đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, chính sách đãi ngộ và bảo vệ cán bộ... Khâu nào cũng có vị trí quan trọng và khi thực hiện đều có khó khăn riêng. Bởi vậy, người làm công tác cán bộ phải có con mắt tinh tường, khách quan, có trách nhiệm với hiện tại, tương lai và luôn đặt lương tâm, trí tuệ của mình vào lựa chọn đúng người, đúng việc.
Vào thời điểm chuẩn bị tiến tới Đại hội IV của Đảng, Vụ Cán bộ Ban Tổ chức TƯ được giao nhiệm vụ tham mưu để hướng dẫn cho cấp ủy tỉnh và giúp Ban tham mưu cho Ban Bí thư về việc chuẩn bị nhân sự. Lúc đó, với chủ trương lựa chọn những đồng chí đang làm bí thư huyện ủy, những người là anh hùng trong chiến tranh tham gia cấp ủy tỉnh nên có một số đồng chí được lựa chọn. Trong số đó có những cán bộ đã tích cực rèn luyện, phấn đấu và liên tục trưởng thành, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TƯ Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thị Kim Hồng,... Bên cạnh đó, do nặng về lý lịch, thành phần giai cấp, chưa coi trọng những mặt khác nên có cán bộ sau này không phát huy được mà còn đánh mất mình. bị kỷ luật Đảng. Đại hội X của Đảng vừa qua, Đảng ta đã mạnh dạn lựa chọn, đưa vào Ban Chấp hành TƯ những cán bộ trẻ như Võ Văn Thưởng - Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hầu A Lềnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai)... Tuy nhiên, để những cán bộ trẻ thực sự làm được việc, tạo được uy tín và thành công trong nhiệm vụ được giao nên lựa chọn những đồng chí đã được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, không nên vì cơ cấu trẻ mà bỏ quên yếu tố này...
Lựa chọn đúng cán bộ đã khó, luân chuyển cán bộ không dễ. Chủ trương này đã được thực hiện từ Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng. Thời điểm đó, với tư tưởng “rừng nào cọp đó” nên thực hiện luân chuyển rất khó khăn, đa phần cán bộ được luân chuyển nhưng gốc gác quê hương vẫn tại địa phương. Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam... đã tiếp nhận cán bộ luân chuyển từ Trung ương về. Các đồng chí diện luân chuyển đều giữ cương vị chủ chốt với thời gian ít nhất 5 năm. Những cán bộ được luân chuyển sau này đều trưởng thành hơn về nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý... Hiện nay, theo nghị quyết của Đảng, vấn đề này được làm bài bản hơn, đến nơi, đến chốn hơn nhưng thời gian luân chuyển còn ngắn, có cán bộ chỉ đi một vài năm, có cán bộ chỉ tham gia làm cấp phó rồi rút về tỉnh, Trung ương. Theo tôi, thời gian luân chuyển nên là một nhiệm kỳ để cán bộ đủ thời gian thử thách, rèn luyện và trưởng thành, sẽ vững vàng hơn ở cương vị mới.
Trong công tác tổ chức - cán bộ của Đảng, điều rất khó nhưng rất quan trọng là phải hiểu rõ, nắm vững và thực hiện cho đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hiện đúng thì vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, xây dựng, củng cố được khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh to lớn cùng nhau thực hiện mục tiêu đã định. Thực hiện không đúng thì kết quả ngược lại.
Cái khó là, trong thực hiện, nhiều khi giữa đúng và không đúng nguyên tắc chỉ cách nhau gang tấc, đôi khi mảnh như một sợi chỉ! Vậy nên, để thực hiện cho đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, người làm tổ chức phải có tâm trong, trí sáng, phải đặt lợi ích của Dân, của Nước, của Đảng lên trên hết, trước hết, phải khoa học, sâu sát thực tiễn và có bản lĩnh vững vàng. Tôi nghiệm thấy có lẽ cái khó về thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ là việc đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá trước và sau đại hội. Bởi vì vào những thời điểm “nhạy cảm” đó, mỗi cán bộ đều có tâm trạng vui, buồn đan xen. Đánh giá đúng thì thực hiện các khâu khác mới đúng. Mà việc đánh giá thì phụ thuộc vào biết bao yếu tố khách quan, chủ quan.
Cán bộ phải được quyết định theo đa số. Đa số thường sáng suốt và công tâm hơn. Song trong thực tiễn không phải lúc nào đa số cũng đúng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, tâm lý e dè, nể nang, nhất là những người đương chức. Một kỷ niệm khó quên là trường hợp một cán bộ sau khi hết hạn tù của Mỹ ngụy, lấy phiếu tín nhiệm của địa phương đạt 100% và chỉ sau một nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành TƯ đã được bầu vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị và được đánh giá là cán bộ rất có triển vọng. Vậy mà đến gần Đại hội Đảng VIII mới phát hiện có vấn đề và chỉ trong vòng 6 tháng điều tra thì chắc chắn có sai phạm và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Chúng ta cũng đã nhìn thấy những bài học đau đớn về đánh giá sai cán bộ, như trường hợp Trần Mai Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Bùi Quốc Huy nguyên Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh (khi lấy phiếu tín nhiệm đạt trên 60%), Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải... dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đại hội nào cũng có thư phản ánh, tố cáo cán bộ, đảng viên. Tôi còn nhớ khi chuẩn bị nhân sự Đại hội V, có một cán bộ bị bắt về tội thả tờ rơi nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khai là thủ trưởng nơi mình đang công tác xúi giục. Đồng chí Lê Đức Thọ vào tận nhà giam, yêu cầu cả hai người cùng đối chất. Đồng chí thủ trưởng được minh oan và tiếp tục tái cử vào cấp ủy mới. Những đại hội sau cũng xảy ra một vài sự việc nhưng do không còn thời gian thẩm tra, để trôi và cho dư luận phán xét nên đọng lại tâm trạng không vui trong cán bộ, đảng viên... Những hạn chế đó khiến những người làm tổ chức chúng ta phải tự suy ngẫm, nhận trách nhiệm của bản thân mình. Một lần nữa, thực tế cho thấy, những người tham gia đánh giá, trước hết là người làm công tác cán bộ phải tinh tường, trong sáng, vô tư, kiên trì, dũng cảm; không thể vì lợi riêng, tình riêng, không ban ơn, không thành kiến, thù oán, không sợ thiệt mình. Tâm trong phải đi liền với trí sáng. Nói đến công tác cán bộ là nói đến công tác với con người. Mà người ta thì có người tốt nhiều, người tốt ít, người hay, người dở. Cũng giống như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Người làm công tác tổ chức phải biết quý trọng cán bộ, tìm cho ra ở mỗi người mặt tốt, mặt mạnh để khai thác, sử dụng, mặt yếu để góp ý sửa chữa, xây dựng. Để lựa chọn được những cán bộ phù hợp thì công tác quy hoạch cán bộ rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch để chuẩn bị nhân sự cho mỗi nhiệm kỳ kết quả chưa như mong muốn, nhất là quy hoạch cán bộ cho các chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước càng lúng túng. Vẫn còn một số cán bộ có suy nghĩ cứ vào cấp ủy là làm gì cũng được. Có nghĩa là có thể tham gia lãnh đạo, quản lý những ngành, lĩnh vực... mình chưa hề biết! Thời đại ngày nay, mọi lĩnh vực, mỗi công việc đều đòi hỏi chuyên môn cao, có như vậy hoạt động mới hiệu quả, chất lượng mới cao. Bởi vậy, người tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ cũng phải có những hiểu biết sâu mới hoàn thành được nhiệm vụ như Bác Hồ dạy: Dụng nhân như dụng mộc. Gỗ thẳng làm vào việc thẳng. Gỗ cong làm vào việc cong.
Từ kỷ niệm vui buồn của nhiều năm gắn với công tác tổ chức - cán bộ, tôi nghiệm thấy điều Bác nói thực là sâu sắc. Người làm tổ chức phải đi sâu tìm hiểu con người, tìm hiểu cán bộ. Thực hiện mọi công việc được giao phải xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của mình thì mới xây dựng nên đội ngũ cán bộ tốt, mạnh cho Đảng. Từ bài học kinh nghiệm của thời gian qua, chắc chắn công tác tổ chức - cán bộ nói riêng, tổ chức xây dựng Đảng nói chung trong những năm tới sẽ đem lại những thành quả ngày càng cao hơn.
Nguyễn Đình Hương
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ