Đất nước khải hoàn ca!

                              Xe tăng của Quân ta tiến vào Dinh Độc lập ngày 30-4-1975.

Tháng Tư năm ấy
Nghĩ về những ngày tháng Tư lịch sử, đại diện cho thế hệ hôm nay, chúng tôi, thế hệ may mắn được sinh ra, học tập, công tác khi đất nước đã yên tiếng súng, thời khắc mưa bom lửa đạn chỉ còn lại trong những thước phim, qua lời kể của cha anh một thời đi chiến đấu, qua những trang nhật ký của những người đã ngã xuống… Chỉ chứng kiến vậy thôi nhưng chúng tôi cũng phần nào hiểu được sự ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh của lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống đổi lấy độc lập cho hôm nay. Đặc biệt, trong những thời khắc lịch sử này, mỗi khi nghe bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sỹ Hoàng Hà: Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay. Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng/ Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông! Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn”…, chúng tôi càng thấm thía, thấu hiểu hơn về giá trị của khúc khải hoàn ca vang quyện với âm điệu “phấp phới, phần phật” của lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc lập trong ngày 30-4-1975.

Bản nhạc đó không chỉ đánh dấu kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài suốt 21 năm, mà còn chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta 117 năm. Đó cũng là bản nhạc chiến thắng “nhiều chương” được viết ra từ truyền thống yêu nước, khí phách quật cường của lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh bảo vệ nền độc lập, đã hun đúc nên bản lĩnh Việt Nam với ý chí:
“Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, “... dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Tiết tấu đa chiều, đa sắc màu trong bản nhạc chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tinh thần quật khởi của cả dân tộc Việt Nam khi tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại với ý chí thép, chấp nhận hy sinh tất cả để đổi lấy hòa bình, non sông thu về một mối, hoàn thành khúc khải hoàn ca
To lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất”, đưa đất nước hình chữ S nối liền một dải. Để rồi, mỗi năm, cứ đến tháng Tư, người Việt Nam không ai quên được thời khắc lịch sử - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như không thể nào quên Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Một chiến dịch mà ở đó, đã quy tụ được sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta với sức tiến công “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Lần giở lại những trang sử vàng của dân tộc trong tháng Tư ấy, để chúng tôi một lần nữa hiểu sâu sắc hơn từng bước chân “thần tốc”, mở màn là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (từ ngày 4 đến 24-3-1975) bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Ma Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên, bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề và choáng váng đó, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Pleiku ngày 24-3, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng, rồi Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29-3-1975) và đích cuối cùng là Sài Gòn (diễn ra từ ngày 26 đến 30-4-1975). Hòa vào khúc nhạc của cả dân tộc đang sống trong những ngày tháng hào hùng, sôi động chưa từng có trong lịch sử, chiến công nối tiếp chiến công, sức mạnh giải phóng như biển sóng dâng trào, không gì ngăn cản nổi, để chúng ta càng thấm thía hơn và tự hào hơn về những tháng năm toàn dân tộc đoàn kết một lòng, dốc sức đánh giặc vì độc lập dân tộc, thống nhất non sông.

Cuộc chiến hôm nay
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh hai miền Nam - Bắc của đất nước bị chia cắt, mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc, để tiếp thêm tinh thần, độc lực, quyết tâm và niềm tin tiếp tục chiến đấu với “giặc” Corona, ghi thêm một mốc son vào những ngày tháng Tư lịch sử này! Nếu 45 năm trước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 5 cánh quân thần tốc của quân và dân ta tiến vào Sài Gòn, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, nước nhà được thống nhất… thì những ngày tháng Tư này, hàng nghìn người Việt Nam, đặc biệt là những chiến sỹ “áo Trắng”, “áo Xanh” nơi tuyến đầu chống dịch đã và đang “thần tốc” đẩy lùi dịch bệnh! 


Các chiến sỹ Trung đoàn 123 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn) mang cơm cho người dân đang cách ly tại đơn vị. 

Cuộc chiến đấu chống “giặc COVID” của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay là cuộc chiến đấu đặc biệt không tiếng súng, còn kẻ thù không phải là thực thể hữu hình. Mỗi cán bộ, chiến sỹ toàn quân mang trong tim mình sứ mệnh thiêng liêng - sứ mệnh của người lính, anh bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng chiến đấu trong thời bình. Ngay từ khi dịch xuất hiện, Quân đội ta đã xác định rõ nhiệm vụ, sứ mệnh của mình là lực lượng chủ chốt chống dịch COVID-19, với tinh thần quyết tâm chiến đấu cao “Chống dịch như chống giặc”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt được Đảng, Chính phủ, Nhà nước giao phó. Trên trận tuyến mới này, những nhọc nhằn, vất vả trên khuôn mặt của đội ngũ y, bác sỹ và cán bộ, chiến sỹ túc trực trong các bệnh viện, các khu cách ly đã có sức lay động to lớn đến mỗi người dân, gợi nhớ hình ảnh của những người lính quả cảm trên trận tuyến đánh quân thù, đang thần tốc hướng về Sài Gòn năm nào.

Trong từng bộ đồ bảo hộ nóng nực, sau những ca túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh là trọng trách thiêng liêng, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và mỗi người bệnh được ra viện không chỉ là chiến thắng của một trận đánh mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của người chiến sỹ nơi tuyến đầu chống “giặc”. Điều đó chứng tỏ, tinh thần kiên trung, đoàn kết, tấm lòng “nồng nàn yêu nước” trong mỗi người Việt Nam vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng trong những thời khắc lịch sử khác nhau, song tựu trung lại đều hướng đến tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Tinh thần đó sẽ tạo nên sức mạnh để đưa Việt Nam vượt qua mọi thử thách, gian nan trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình nhưng đầy nguy hiểm, có sức tàn phá khủng khiếp.

Trong những ngày cả nước thực hiện “giãn cách xã hội”, có lẽ cũng là thời gian để chúng ta lắng lại, suy ngẫm về lòng yêu nước của thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ trên trận tuyến chống dịch và tin tưởng vào “khúc khải hoàn ca” phía trước. Chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 là niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam với một khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là cơ sở, nền tảng vững chắc, niềm tin để cả dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng chiến thắng đại dịch.

Việt Nam - dân tộc anh hùng lớn lên từ bom đạn chiến tranh, từ đau thương tàn khốc của hậu chiến trong thế kỷ 20. Thời bom đạn, những người lính, anh bộ đội Cụ Hồ đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ trên thế giới, ngày hôm nay đã và đang tiếp tục “thần tốc” đánh bay dịch bệnh COVID. Những sự hy sinh thầm lặng đó, mỗi người Việt Nam thêm vững tin vào chiến thắng đại dịch như một điểm hẹn lịch sử - khúc khải hoàn ca vào những ngày tháng Tư lịch sử của năm 2020!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất