Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với con đường đi lên CNXH
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần gặp gỡ báo chí khi đã nghỉ công tác.

Đồng chí Lê Khả Phiêu - một người lãnh đạo giản dị, hết lòng vì nhân dân, một đảng viên với hơn 70 năm tuổi đảng - dù trên cương vị là người lính hay người đứng đầu Đảng, luôn sắt son hiến trọn sức lực, trí tuệ, tình cảm của mình theo con đường giải phóng dân tộc tiến lên CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã đưa ra nhiều luận điểm cụ thể hóa con đường đi lên CNXH ở Việt Nam xuất phát từ tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH

Đồng chí Lê Khả Phiêu là một cán bộ được rèn luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng từ cơ sở. Năm 14 tuổi, đồng chí tham gia đội thiếu nhi ở quê nhà và hoạt động trong phong trào khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương. 18 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), làm Trưởng Ban thông tin tuyên truyền xã. Ngày 1-5-1950, đồng chí được điều động vào Quân đội. Từ đó, đồng chí cống hiến sức mình trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, liên tục tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Căm-pu-chia. Suốt cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã chứng kiến những năm tháng đau thương, mất mát của dân tộc, đồng chí càng thấu hiểu, để có được độc lập dân tộc là biết bao thế hệ những người con ưu tú mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống. Vì thế, việc bảo vệ độc lập dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng, sống còn của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Có độc lập nhưng nhân dân phải có cuộc sống, ấm no, hạnh phúc. Điều đó gắn liền với xây dựng CNXH. Đây là hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ mật thiết, biện chứng. Đồng chí khẳng định: Chúng ta hiểu rằng: không con đường đột phá nào không gian nan, phải có những anh hùng, có tên và không tên, thầm lặng, bền bỉ, kiên trì, nhiệt huyết, can trường và xông pha sáng tạo. Việc giành được độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng CNXH là luận điểm bất biến trong tư duy lý luận và thực tiễn của đồng chí. Trong mọi thời điểm cách mạng, dù khó khăn phức tạp đến đâu, đồng chí luôn kiên định, tự hào về con đường, mục tiêu chiến lược cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam lựa chọn. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã có lần đặt câu hỏi: CNXH có tồn tại được không? Đồng chí đã thẳng thắn trả lời: Không những tồn tại mà CNXH sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi .

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, được coi là giai đoạn bản lề với nhiều thách thức và nhiều quyết sách quan trọng quyết định thành công của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế được đưa ra. Đồng chí luôn khẳng định, công cuộc đổi mới của Việt Nam phải bắt đầu từ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đây là luận điểm vô cùng có ý nghĩa để khẳng định công cuộc đổi mới của Việt Nam luôn kiên định lý tưởng cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn ngay từ khi Đảng ra đời là độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc.

Với bề dày kinh nghiệm thực tiễn và tư duy sắc sảo, đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định với quốc gia có nền chính trị khác, khi đặt quan hệ ngoại giao nên phân biệt rạch ròi giữa đối tác trên lĩnh vực kinh tế với chính trị. Các quốc gia nên tôn trọng nền chính trị khác nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau từ đó mới có thể hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Hay nói cách khác, các quốc gia trên thế giới khi đặt quan hệ đối ngoại Việt Nam phải tôn trọng mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Trong bài phát biểu tại buổi tiếp Tổng thống Hoa Kỳ G.Clin-tơn (18-11-2000), đồng chí khẳng định: “Theo tôi, buôn bán là buôn bán, chính trị là chính trị. Đừng gộp buôn bán với chính trị. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi. Việc các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng không ngăn cản sự hợp tác để cùng phát triển, nếu biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi”.

CNXH muốn xây dựng thành công phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo

Đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: Độc lập dân tộc và CNXH là sinh mệnh, mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này phải do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Theo đồng chí, trong mọi hoàn cảnh khó khăn của đất nước nhờ có Đảng tổ chức, lãnh đạo đoàn kết toàn dân, đưa ra chiến lược cách mạng thì con đường đi lên CNXH có gian nan, trông gai đến mấy cũng thành công: “…trong cơn hiểm nghèo vừa qua, dân tộc chúng ta đã nhìn thẳng vào nguy cơ, Đảng ta đã cầm chắc tay lái, kiên định và tin tưởng sắt đá vào con đường XHCN mà Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn, cả nước một lòng, tìm tòi từ trong thực tiễn và kinh nghiệm của Nhân dân, tiến hành từng bước sự nghiệp đổi mới để tiếp tục xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” .

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm lịch sử cách mạng và luôn nắm chắc, vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí luôn coi trọng xây dựng Đảng với những biện pháp cụ thể. Đảng phải luôn có sự chuyển mình vượt bậc, phải xây dựng và chỉnh đốn theo những yêu cầu mới ngày càng cao do thực tiễn đề ra. Xây dựng Đảng thành công là điều kiện bàn lề quyết định việc xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Theo đồng chí: 

1. Việc xây dựng Đảng phải giữ được bản chất giai cấp công nhân. Đây là nền tảng của đường lối nhất quán độc lập dân tộc và CNXH. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng đòi hỏi Đảng phải là bộ tham mưu, đội tiên phong chiến đấu, là người lãnh đạo và công bộc trung thành hết lòng vì giai cấp, vì Nhân dân và vì toàn dân tộc.

2. Đảng phải khắc phục một cách nghiêm túc những khuyết điểm trong việc dạy và học Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: không được hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách máy móc, xơ cứng, không có hệ thống, sơ lược, chắp vá; chỉ hiểu câu chữ không nắm được sự tinh túy và nguyên lý có tính phổ quát… Đồng chí khẳng định, cần lấy việc học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm một tiêu chuẩn rèn luyện đảng viên và bồi dưỡng cán bộ: kết hợp nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc học tập, soạn thảo các nghị quyết của Đảng; rà soát chương trình học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường học; coi trọng đào tạo một thế hệ giáo viên truyền giảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh có đạo đức và tài năng; tổng kết tình hình thực tiễn để kiểm tra, từng bước hoàn thiện đường lối, chính sách…

3. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nhất là tập trung xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng chí khẳng định, sức mạnh của Đảng, của mỗi cán bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề hạn chế, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân. Đảng là đạo đức, là văn minh. Tự phê bình và phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thực hiện dân chủ là một truyền thống tốt đẹp của Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng muốn thành công phải huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Để xây dựng CNXH thành công, Đảng phải luôn quan tâm đến hạnh phúc, nguyện vọng và đời sống của nhân dân và phải tập hợp đông đảo được quần chúng nhân dân.

Phát huy truyền thống yêu nước trong xây dựng CNXH

Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn nhấn mạnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn xây dựng CNXH, phải có con người XHCN và có tư tưởng XHCN. Đồng chí cho rằng, không có con người XHCN thì không có CNXH. Nội dung này tuy hai nhưng thực chất là một, có mối quan hệ thống nhất với nhau. Theo đồng chí, quá trình xây dựng CNXH phải có những người anh hùng, dù họ có tên tuổi hay không, thầm lặng, bền bỉ, kiên định, nhiệt huyết, can trường và xông pha sáng tạo. Đã có những người như vậy, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc và nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Vì thế, trong hòa bình mỗi người dân phải biết hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng XHCN. Trong bối cảnh hiện nay, phải phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân để xây dựng CNXH.      

Theo đồng chí, để xây dựng CNXH, CNH, HĐH đất nước, vượt qua thử thách, quét sạch mọi cản trở, bảo đảm Tổ quốc trường tồn, chế độ vững mạnh thì phải phát động cao trào thi đua yêu nước mới, cao trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trên cơ sở phát huy được cao trào thi đua yêu nước còn có tác dụng làm cho lòng nhân ái, sự cao thượng, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, nhất định sẽ có nhiều tấm gương anh hùng nở rộ như hoa mùa xuân, đem lại hiệu quả to lớn trong lao động sản xuất - kinh doanh, văn hóa - xã hội đưa đất nước ta giàu mạnh tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư dù bận rộn rất nhiều công việc nhưng đồng chí luôn quan tâm, theo dõi sát sao đến đời sống tất cả các tầng lớp nhân dân lao động. Đồng chí luôn động viên, ghi nhận và khen thưởng kịp thời những tấm gương tích cực, điển hình có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước: Tấm gương đồng chí Trần Thị Đường, Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Dệt Phong phú đã khơi dậy tinh thần yêu nước của công nhân làm cho doanh thu của Công ty tăng nhiều lần; Đồng chí Khổng Minh Quý, cán bộ thương binh nặng nhưng tự nguyện xin về sinh sống với gia đình để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi; Đồng chí Lê Khắc Vừng và công nhân mỏ Than Cọc Sáu đã vật lộn với khó khăn để đem lại của cải cho đất nước; Giáo sư Nguyễn Tài Thu vượt lên trở thành người đứng đầu thế giới về châm cứu; Cô giáo Trần Thị Nở, Trường Mầm non Khe Sanh dù bị rắn cắn vào tay nhưng vẫn tìm cách cứu cháu nhỏ; Chị Nguyễn Thị Thanh, tổ trưởng quét rác ở Công ty Môi trường đô thị TP. Hải Phòng cả đời âm thầm, lặng lẽ cầm chổi quét dọn đường phố…

“Dân là gốc” - bài học quyết định xây dựng thành công XHCN

“Dân là gốc” là bài học được đồng chí tiếp thu từ tinh thần yêu Dân, trọng Dân, khoan sức Dân, vì Dân của những bậc tiên hiền, chí sĩ cách mạng đi trước. Đồng chí thường nhắc đến tinh thần “Khoan thư sức Dân để làm kế sâu rễ bền gốc…” của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; “Đêm ngày lòng dạ nỗi lo Dân”, “Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an Dân, chỉ muốn hòa hiếu, tắt muôn đời chiến tranh” của Nguyễn Trãi. Và rồi khi đến với lý tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì tư duy, hành động của đồng chí luôn một lòng, một dạ vì nước, vì Dân. Cho đến bây giờ, đồng chí, đồng đội và những người dân luôn nhắc về suy nghĩ, hành động vì Dân của đồng chí: Sau Tết Mậu Thân rút ra từ thành Huế, cơ sở bị vỡ, hậu cứ không còn, có ít củ sắn nấu canh cũng không có muối. Lúc này đồng chí Lê Khả Phiêu đang bị sốt rét, đơn vị chỉ còn 1kg gạo định dành nấu cháo cho đồng chí, song đồng chí bắt phải nấu cho anh em thương, bệnh binh cùng ăn. Và cảm động hơn nữa là hình ảnh vị Tổng Bí thư vẫn xắn quần đi vào vùng lũ miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (1999-2000) để tận mắt thị sát và thăm hỏi kịp thời đồng bào gặp nạn. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, Nhân dân đã đùm bọc chia sẻ giúp đỡ, đồng chí sống tình nghĩa với người dân, sâu sát, bình dị như bản chất của đồng chí, đó là lẽ sống không có gì dàn dựng. Đặc biệt, người dân Thái Bình không quên năm tháng nổ ra sự kiện biểu tình năm 1997, đồng chí đã lội ruộng lắng nghe ý kiến của người dân, từ đó góp phần đưa ra ý kiến có giá trị để kịp thời giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, hợp lòng Dân. Cuối năm 1999, khi các tỉnh miền Trung phải hứng chịu hai trận lụt lớn, đồng chí Lê Khả Phiêu không ngại xắn quần, lội bộ đi kiểm tra chống lũ, cùng với đoàn công tác mang nhu yếu phẩm, động viên kịp thời đến cho đồng bào, đồng chí miền Trung. Vì thế, khi đánh giá về công lao của đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đồng chí Lê Khả Phiêu là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau.

Với đồng chí Lê Khả Phiêu, “Dân là gốc” là bài có ý nghĩa to lớn nhất, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong con đường đi lên CNXH. Mỗi cán bộ phải biết lắng nghe Nhân dân, phải vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, của dân tộc mà cống hiến, phục vụ. Từ đó, đồng chí luôn chú trọng, quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong Đảng. Theo đồng chí, tham nhũng, thoái hóa biến chất trong cán bộ, đảng viên chính là tác nhân, là sâu mọt đục khoét nghiêm trọng mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, là những “con mối đang làm ruỗng thân đê” mà bấy lâu nay biết bao thế hệ cán bộ cách mạng dày công xây dựng, vun đắp. Việc đóng góp tâm huyết và trí tuệ của đồng chí ở Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là minh chứng tiêu biểu về sự đau đáu, trách nhiệm trước sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Nhân dân.

Đoàn kết quốc tế là động lực để xây dựng CNXH

Trở thành Tổng Bí thư của Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào những năm bản lề của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và thế giới, đồng chí cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục kế thừa, phát huy, mở rộng tinh thần đoàn kết quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Trong các bài diễn văn, các bài phát biểu ở những dịp lễ trọng đại của đất nước, đặc biệt tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” (năm 2000), đồng chí khẳng định về sức mạnh của đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam trước các nhà chính trị gia, các nhà ngoại giao và các học giả uy tín đến từ khắp nơi trên thế giới: Sức mạnh đoàn kết quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhận thức sâu sắc điều đó, hiện nay và trong tương lai, dù trong bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng kiên quyết củng cố và phát huy sức mạnh ấy.

Thực tiễn cho thấy, quan điểm đoàn kết quốc tế của đồng chí Lê Khả Phiêu chính là sự vận dụng sáng tạo quan điểm về đại đoàn kết quốc tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình cụ thể của cách mạng. Vì thế, trong đoàn kết quốc tế, đồng chí luôn phân biệt rõ bạn - thù. Với bạn phải luôn khắc ghi, trân trọng những tình cảm, hành động tốt đẹp đã giúp đỡ cho cách mạng và nhân dân ta. Với thù phải gác lại quá khứ hướng tới tương lai tươi đẹp, hòa bình, độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng và có lợi. Ngoài ra, theo đồng chí để đoàn kết quốc tế được phát huy phải dựa trên tinh thần quốc tế trong sáng; trách nhiệm của mỗi quốc gia giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Cả cuộc đời của đồng chí Lê Khả Phiêu là sự kiên định, nhiệt huyết và trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng với con đường đi lên CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn. Những luận điểm về xây dựng CNXH được đúc rút từ quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy tự hào mà đồng chí đã trải qua. Những luận điểm này có giá trị lý luận và thực tiễn được Đảng và các thế hệ cách mạng tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn để góp phần làm sáng tỏ và thực hiện thắng lợi CNXH ở Việt Nam.

Phản hồi (1)

L.M.H 14/08/2020

Bài viết hay, sâu sắc cho tui hiểu biết thêm nhiều về sự cống hiến của đồng chí Lê Khả Phiêu. Người dành cả tuổi thanh xuân cho dân tộc. Sự ra đi của đồng chí là sự mất mát to lớn của đất nước. Người ra đi nhưng để lại muôn vàn niềm thương tiếc trong Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Xin vĩnh biệt cụ,

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất