Trong quá trình chuẩn bị, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng có rất nhiều việc cần thực hiện đồng bộ. Trong công tác xây dựng đảng, cũng như thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, vấn đề nào cũng cần thiết, nội dung nào cũng quan trọng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là tiền đề, điều kiện để giải quyết tốt nhiệm vụ kia và ngược lại. Tuy nhiên, trong thực tế, ở nhiều nơi, khi tiến hành đại hội đảng, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã bỏ qua, làm lướt, thậm chí làm một cách hình thức nhiều nhiệm vụ rất quan trọng, mấu chốt liên quan đến chất lượng đại hội, chất lượng cấp ủy được bầu ra. Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của các ứng viên cấp ủy đại hội đảng bộ các cấp, nếu không được quán triệt, thực hiện tốt sẽ rơi vào tình trạng nêu trên.
Vấn đề kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên nói chung và của những ứng viên cấp ủy đảng nói riêng, không phải là vấn đề mới, ngược lại đã được nhắc nhở, quán triệt, thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công tác này ở nhiều nơi vẫn còn hình thức. Chính vì vậy, ngày 3-1-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, trong đó đã nhận định “trong thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế”. Trong năm 2014, ở một số nơi đã phát hiện không ít cán bộ, đảng viên khi còn đương chức, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ, đã không trung thực, còn giấu giếm tài sản, nhà, đất, chỉ đến khi về hưu mới bị phát hiện, xử lý. Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần làm trong sạch tổ chức, cấp ủy đảng cho nên trong dịp đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng thì đây là một công tác cần thiết và quan trọng cần phải thực hiện cho tốt.
Thực hiện phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” trong công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với công tác xây dựng đảng, trước hết cần làm đối với những đảng viên tái cử cấp ủy đồng thời với những ứng viên lần đầu tham gia cấp ủy. Việc lãnh đạo kê khai, kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện kê khai (theo Luật phòng, chống tham nhũng) như thế nào đã được Bộ Chính trị nên rõ trong Chỉ thị 33-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Qua thực tế, ở đây xin chỉ nêu một số vấn đề vướng mắc, nổi cộm chưa được giải quyết triệt để trong thực tiễn.
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hạn chế, để phòng, chống tham nhũng thắng lợi, góp phần làm trong sạch các ứng viên trước khi đại hội bầu cấp ủy là công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề vướng bấy lâu nay là có bản kê khai rồi nhưng lại chưa được thẩm định, chưa được công khai rộng rãi, chẳng khác gì “bảo bối vẫn cất trong rương”.
Việc kiểm soát thu nhập cá nhân dường như bất khả thi do chúng ta chấp nhận quá nhiều phương tiện thanh toán. Cán bộ, công chức có nhiều nguồn thu, việc chế độ thanh toán bằng tiền mặt rất phổ biến, các khoản mua bán lớn không thông qua tài khoản ngân hàng thì ngay các cơ quan nhà nước cũng không thể kiểm soát được cán bộ, đảng viên nói chi đến người dân. Nhà nước bị thất thu thuế, trong khi ở nhiều quốc gia, trốn thuế bị coi là tội nặng, không khác gì trốn nghĩa vụ quân sự.
Chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Rất hiếm quần chúng nào dám tố cáo người đứng đầu, cấp trên của mình tham nhũng, cho dù biết mười mươi. Không ít người mất công ăn, việc làm, chức vụ, bị khai trừ Đảng... vì chống tham nhũng. Có những người bán hết cả nhà cửa, thu gom hết của cải, thậm chí phải đi vay nợ để theo đuổi các vụ kiện cán bộ tham nhũng. Những kẻ tham nhũng lại thường là những người có chức, có quyền, có thể lực và rất nham hiểm. Người dân khó có thể chống lại thế lực này. Tuy Đảng, Nhà nước ta đã có những quy định, ban hành pháp luật có nội dung liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, nhưng từ pháp luật đến thực tế cuộc sống vẫn còn khoảng cách khá xa. Cùng với Luật Tố cáo mới được bổ sung, sửa đổi, ngày 26-12-2013, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 13/2013/BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 “Về bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự” trong đó có những vụ tham nhũng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong tham nhũng lại muôn hình vạn trạng và có những đặc thù riêng của nó mà không phải ngay từ đầu đã xác định rõ đúng, sai như một số loại tội phạm khác. Do đó không thể có những biện pháp bảo vệ thỏa đáng, phù hợp. Xin có một vài kiến nghị nhỏ trong việc tháo gỡ “rào cản” để nhân dân có điều kiện thuận lợi tham gia một cách tích cực trong việc phát hiện, tố cáo những cán bộ, đảng viên tham nhũng, nhất là những ứng viên cấp ủy trong việc kê khai, tài sản, thu nhập.
Thứ nhất, cần công khai thu nhập, tài sản cả ở nơi công tác lẫn nơi cư trú để các tổ chức, đơn vị, cá nhân và quần chúng nhân dân được biết mà giám sát, kiểm tra. Hiện nay công tác này chưa được thực hiện thống nhất, chưa được làm nghiêm túc, quyết liệt.
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cần gương mẫu trong việc kê khai tài sản, thu nhập cũng như tích cực phát hiện những dấu hiệu vi phạm của đảng viên, của tổ chức cấp dưới để nhanh chóng xác minh, làm rõ cũng như cần giải trình, trả lời sau khi làm rõ những vấn đề được kiến nghị trước khi đại hội của cấp mình diễn ra.
Thứ ba, phát huy quyền làm chủ của người dân ở khu dân cư, nơi có ứng viên cấp ủy cư trú, phát động quần chúng, nhân dân góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những dấu hiệu thiếu minh bạch về tài sản, thu nhập của cá nhân ứng viên cấp ủy cũng như gia đình, thân nhân của đảng viên đó.
Thứ tư, có cơ chế bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, cũng như an toàn về tính mạng, tài sản, danh dự người tố cáo và người thân của họ.
Vũ Lân