1. Mỗi đảng viên cần thấm nhuần sứ mạng cao cả trước lịch sử và tiền đồ của Tổ quốc
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được ban hành với lời lẽ đanh thép, báo hiệu một quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng loại bỏ tiêu cực, tham nhũng, làm sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở. Điều này đã đem lại phấn khởi, niềm tin vào ý chí cách mạng kiên cường của Đảng, quyết một lòng chiến đấu vì tương lai huy hoàng của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Ai ai cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc “Đổi mới” của Đảng, quyết tâm đặt quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân lên trên hết. Ai ai cũng chờ đợi một bình minh rạng ngời để toàn dân đoàn kết, hợp tác đưa đất nước vươn lên những đỉnh cao mới, không phụ lòng các thế hệ cha ông từ hàng ngàn năm đã dày công vun đắp, lao khổ, hy sinh cho chúng ta có được cơ hội phát huy độc lập, dân chủ, tự do.
Trải hàng ngàn năm lịch sử, từ ngày cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ rồi đến các vua Hùng dựng nước, chưa lúc nào dân tộc ta có được cơ hội như ngày nay, độc lập, tự cường, sánh vai cùng với toàn thế giới xây dựng cho dân tộc ta một thời đại mới. Tiền đồ vô cùng vẻ vang, nhưng ta đã làm được gì?
Trong một thế giới phẳng, sức mạnh không phải chỉ đo bằng vũ lực mà bằng cả tiềm năng kinh tế, thì lệ thuộc không phải chỉ là bị thôn tính lãnh thổ, bị thống trị bởi ngoại bang, mà còn là làm tôi mọi, lao động gia công phục vụ cho các thế lực tài chính quốc tế. Mạnh được yếu thua vẫn là lẽ sinh tồn của vạn vật, nhưng trong thời đại cạnh tranh kinh tế hiện đại, sẽ không có lối thoát cho lệ thuộc một khi ta đã lọt vào vòng khống chế của các thế lực kinh tế, tài chính toàn cầu. Ta sẽ bị bủa vây bởi các Hiệp định Thương mại tự do mà ta đã và sẽ ký kết. Khi ta không phát huy được nội lực để sản xuất hàng hóa bán ra trên thị trường thế giới, đồng thời lại phải tiêu thụ những hàng hóa tiêu dùng từ khắp mọi nơi ập vào mà nền kinh tế của ta không ngăn cản được và cũng không có khả năng cạnh tranh thì lệ thuộc tất không tránh khỏi. Năm 2013, trong tổng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên 68%. Trong khi đó, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 32%, nhưng một phần không nhỏ lại là nguyên liệu tạm nhập tái xuất. Điều đó cho thấy lệ thuộc có còn là nguy cơ?
Trước tình hình như vậy, ta đã chuẩn bị và giáo dục đảng viên ra sao? Từ lãnh đạo cấp cao đến cơ sở, chúng ta đã nhận thức được nguy cơ mất nước trong thời đại mới như thế nào? Chúng ta mở cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng cần phải nghiêm khắc đánh giá phong trào này đã đem lại kết quả ra sao? Đạo đức cách mạng là yếu tố căn bản mà mỗi đảng viên phải thấm nhuần và tuân thủ trong mọi hành động. Không phủ nhận tác động tích cực của cuộc vận động, nhưng thực tế cho thấy, cuộc vận động nặng bề rộng hơn chiều sâu, tổ chức học tập có tính hình thức nhiều hơn quyết tâm, quyết chí làm theo. Chẳng thế, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Chiến dịch chống tham nhũng cũng chưa đem lại kết quả như mục tiêu đề ra. Nhiều lãnh đạo đã nêu lên nguy cơ của các “bầy sâu” đang đục khoét nền móng của tòa nhà Đảng, nhưng ta đã làm gì? Tuy đã có những chuyển biến nhưng những biện pháp như xử lý vi phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ; huỷ bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế... có phải là những bài thuốc ho, thuốc cảm trong khi ta đang đối mặt với một thứ bệnh ung thư trầm trọng đang hút hết sinh lực và ý chí chiến đấu của từng đảng viên?
Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước công tâm đã lên tiếng cảnh báo tình trạng “sâu dân mọt nước”. Chẳng hiếm để thấy nhiều nơi hễ có quyền là có lợi. Không ít trường hợp cần một chữ ký là phải có tiền, cần một con dấu là phải có tiền. Muốn được vào biên chế là phải có tiền như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội cảnh báo. Vì thế, vào được rồi thì phải “thu hồi vốn” bằng các hành động tiêu cực, tham nhũng. Nhũng nhiễu nhân dân là hiện tượng dễ thấy ở nhiều nơi. Sự cách biệt giàu - nghèo giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân đã quá rõ ràng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu rõ tình trạng nguy kịch “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Ngày nay, ta cần mở rộng tầm nhìn. Không phải chỉ vì sự tồn vong của chế độ, mà còn vì sự tồn vong của đất nước. Ngày nay, mỗi đảng viên phải thấu rõ trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, dân tộc. Nguy cơ mất nước nằm tại nơi đâu? Vũ khí tối tân có đảm bảo được độc lập kinh tế hay không? Hệ thống an ninh bao trùm từng thôn xóm, từng tổ dân phố có khả năng ngăn chặn làn sóng hàng hóa từ nước ngoài thâm nhập đến từng gia đình Việt Nam và đẩy doanh nghiệp Việt Nam đến chỗ phá sản hoặc là bị nước ngoài thâu tóm hay không? Nhiệm vụ của mỗi đảng viên trong công cuộc bảo vệ đất nước là gì?
Vì hoàn cảnh lịch sử, đa phần đảng viên không được đào tạo trong cơ chế thị trường, không có kinh nghiệm quản lí nhà nước pháp quyền, quản lí doanh nghiệp, chưa có cơ hội chiến đấu trên thương trường quốc tế. Được giao trọng trách quản lý nhà nước trong thời kỳ hội nhập mà không thông hiểu, nắm vững “luật chơi” của đối phương thì quả là vô cùng nguy hiểm. Thời đại mới, trách nhiệm mới. Chúng ta không nên hài lòng với những biện pháp, chiến lược, chính sách lỗi thời. Chúng ta cần thấy rõ thực tế mới trong một thế giới mới, một trật tự quyền lực mới để phân định nguy cơ mới, từ đó xây dựng một chiến lược phù hợp và đào tạo cán bộ, đảng viên làm nòng cốt bảo vệ đất nước, phát huy nền độc lập, tự cường.
Chúng ta cần một tầm nhìn mới để cho mỗi đảng viên nhận thức được trách nhiệm thiêng liêng của mình, vươn lên khỏi các lực cản của tiêu cực, tham nhũng, để trở thành một đảng viên liêm, chính được nhân dân thương yêu quý trọng. Mỗi đảng viên cần phải nhận thức được vai trò cũng như hệ quả của từng hành động của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nạn tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ làm suy yếu sức đấu tranh của tổ chức đảng, nhà nước trong nội bộ, mà còn làm cho tiêu hao năng lực chiến đấu, cạnh tranh với “ngoại xâm” kinh tế. Mỗi một đồng tham nhũng, mỗi một đồng rò rỉ, mất mát trong các công trình công cộng là một chi phí cấu thành giá sản xuất hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Theo ước tính của nhiều viện nghiên cứu, chi phí “quan hệ” đã lên đến 5-10% giá thành sản phẩm. Ngoài ra còn có hệ quả của nhũng nhiễu, tiêu cực, khó khăn giả tạo làm cho hoạt động kinh tế trì trệ, mà chi phí còn chưa tính hết được. Trong một thế giới hướng đến thương mại tự do, với nhiều Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp ký kết, sẽ không còn hàng rào thuế quan bảo hộ, Việt Nam sẽ cạnh tranh ra sao với thế giới bên ngoài không có “chi phí tham nhũng”? Hàng của chúng ta làm ra bán không được, hàng của nước ngoài ùa vào chúng ta không thể cạnh tranh nổi. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ sống bằng cách nào? Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Nguy cơ lệ thuộc kinh tế làm sao tránh khỏi?
Trong những năm 30 của thế kỷ trước, tôi nhìn thấy khắp các xóm làng xứ Quảng cũng như nhiều nơi trên mọi miền đất nước, biết bao nhiêu là đầu lâu không xác nằm lăn lóc bên lề đường, bờ mương, cái thì mắt nhắm, cái thì mắt mở, nhưng đều toát lên một ý chí kiên cường. Đấy là những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị “chính phủ bảo hộ” chém đầu để thị uy với người bản xứ. Đảng viên đã dám xả thân đấu tranh vì độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc. Ngày hôm nay ta có được độc lập và Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền. Đảng viên không còn bị sát hại vì ý chí phục vụ cho nhân dân, cho đất nước, sao lại quên đi trách nhiệm thiêng liêng của một đảng viên đối với cha ông, đất nước?
Đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải làm sống dậy truyền thống hào hùng của Đảng, để cho mỗi đảng viên thấm nhuần sứ mạng cao cả của mình trước lịch sử và tiền đồ của Tổ quốc.
Dân tộc ta đã hy sinh tất cả vì tự do, độc lập. Ngày hôm nay không thể để cho nạn tham nhũng biến chúng ta thành những con sâu độc đưa đất nước đến suy vong. Bằng mọi cách, bằng mọi giá, mỗi đảng viên phải đẩy lùi tham nhũng để cứu nước. Nhưng trong hoàn cảnh mới, thời đại mới, cần phải có thêm những động lực mới. Đảng phải có những chính sách phù hợp để bảo đảm cuộc sống thanh liêm cho mỗi đảng viên, không thể chỉ kêu gọi là đủ. Không phải là không có tiền lệ. Các nước khác trên thế giới đã giải quyết nạn tham nhũng ra sao? Gần ta nhất là Xin-ga-po đã làm gì để vươn lên thành một trong những quốc gia thông thoáng, trong sạch và phát triển hàng đầu thế giới. Một đặc tính chung là nơi nào nạn tham nhũng được đẩy lùi thì đất nước phồn vinh. Đây là một vấn đề mà Đảng cần phải nghiêm túc nghiên cứu.
2. Thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài là tạo một nguồn lực quan trọng xây dựng và bảo vệ đất nước
Đảng luôn có chủ trương mở rộng quản lý nhà nước, kêu gọi sự tham gia của “mọi thành phần trong Đảng và ngoài Đảng, trong nước và ngoài nước”. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định cần “hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước”. Nhưng cho đến nay việc xây dựng và thực hiện những chính sách cụ thể để thu hút, sử dụng chất xám của cộng đồng Việt kiều khắp nơi trên thế giới và các thành phần ngoài Đảng đến đâu?
Trên Bia ký năm Nhâm Tuất (1442) tại Quốc Tử Giám, Nhân Trung cũng đã từng cảm khái: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.
Nhân tài của đất nước không chỉ giới hạn nơi đội ngũ đảng viên mà còn ở khắp nơi, trong mọi thành phần dân tộc. Đảng cần thêm những yếu tố nào để có thể thu hút, sử dụng nhân tài, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc?
Hiến pháp Việt Nam và đạo lý của dân tộc luôn nhắc nhở chúng ta là, tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng và được quyền tham gia vào mọi hoạt động xây dựng, bảo vệ đất nước. Nhưng trong thực tế nguyên tắc này được tôn trọng đến đâu? Chúng ta kêu gọi đoàn kết, nhưng cần tự hỏi chúng ta thực hiện đến đâu? Lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường nói: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là thành phần không tách rời của cộng đồng dân tộc” là “máu Việt Nam, là thịt Việt Nam”... Tức là anh em một nhà, đồng chung một trách nhiệm và quyền lợi đối với đất nước, dân tộc. Nhưng thực tế ra sao? Trong suốt 30 năm qua, tổng số kiều hối do Việt kiều gửi về nước lên đến trên 100 tỷ USD, gấp đôi tổng số viện trợ và cho vay của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam. Số kiều hối này đã góp phần ra sao trong thời kỳ sơ khai đầu tư dựng nghiệp, tạo nền móng cho nền kinh tế dân doanh? Điều này rất cần sự tổng kết, đánh giá thỏa đáng để ghi nhận và khích lệ kiều bào chung tay đóng góp thêm.
Nhìn dưới một góc độ khác, để có được 12 tỷ USD sau thuế để gửi kiều hối về (chưa kể số tiền mà các gia đình còn phải tiêu dùng) như năm nay, thì bà con phải có doanh thu bao nhiêu? Giả dụ tỷ suất lợi nhuận sau thuế là 10% thì doanh nghiệp Việt kiều phải có doanh thu 120 tỷ USD, tương đương với Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của cả nước. Giả dụ hiệu suất đầu tư (ICOR) là 5, thì tổng số vốn đầu tư phải lên đến 600 tỷ USD, bằng bao nhiêu lần tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay trong nước? Đó mới chỉ là khía cạnh năng lực tài chính của khối người Việt ở nước ngoài. Ngày nay với một lực lượng trên 4 triệu người trải khắp trên 100 quốc gia, với non 400.000 người có trình độ đại học, hàng trăm nghìn nhà khoa học, doanh nhân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn nhân lực đầy tiềm năng để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việc hình thành và phát triển cộng đồng Việt kiều là một điều kiện đặc biệt, tạo cho đất nước Việt Nam một tài sản vô cùng to lớn. Nhưng trong lịch sử thế giới, chỉ có hai dân tộc trên trái đất biết khai thác có hiệu quả người của dân tộc mình sống ở nước ngoài, đấy là Trung Quốc và I-xra-en. Hãy nhìn xem hai quốc gia này đã ứng xử với kiều bào của họ như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước? Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng đóng góp của cộng đồng người Hoa hải ngoại. Riêng về I-xra-en, tổng số dân của đất nước này trên toàn thế giới được ước lượng khoảng 15 đến 16 triệu người. Ở trong nước chỉ khoảng 6 triệu người, ở nước ngoài khoảng 9 đến 10 triệu, trong đó khoảng 7 triệu định cư tại Mỹ. Tất cả người Do Thái, bất cứ định cư tại đâu đều là công dân I-xra-en, đồng quyền lợi và trách nhiệm như nhau đối với đất nước I-xra-en, không có sự phân biệt đối xử. Người Do Thái bất kỳ sinh sống nơi đâu, khi trở về nước, họ không cần phải có hộ chiếu hay thị thực nhập cảnh. Họ được sinh sống, hoạt động, kinh doanh, tham gia vào quản lý nhà nước như tất cả những người Do Thái khác. Kết quả là mọi người Do Thái đều hướng về đất nước mình và luôn tâm niệm làm tất cả những gì có thể cho cộng đồng dân tộc. Kết quả là, tuy chỉ có non 7 triệu người định cư bên Mỹ mà cộng đồng Do Thái có mặt ở gần hết các cơ quan đầu não của Mỹ, từ các định chế tài chính lớn, đến các viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng, kết quả bầu cử địa phương cũng như Liên bang. Lực lượng này luôn hướng về đất nước I-xra-en. Ta có thể ngạc nhiên vì sao tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, cũng như tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Mỹ không khi nào bỏ phiếu chống I-xra-en mặc dù đại đa số các quốc gia khác chống I-xra-en.
Với hơn 90 triệu dân trong nước và 4 triệu người ở nước ngoài, Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc nếu chúng ta thực hiện được Đại đoàn kết dân tộc.