LTS: Năm 2015 là năm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Đảng và đất nước. Nhân dịp năm mới, đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng về một số vấn đề trọng tâm của công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2015.
Năm 2014 đã khép lại, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2015?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Có thể nói năm 2014 Ban Tổ chức Trung ương và ban tổ chức cấp ủy các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành một khối lượng công tác lớn trên tất cả các lĩnh vực: tổ chức, cán bộ, xây dựng TCCSĐ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ với chất lượng được nâng lên. Trong đó có một số nhiệm vụ lớn, quan trọng và nổi bật như: Nghiên cứu, xây dựng trên 20 đề án để tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; tham mưu và trình Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị (BCT), Ban Bí thư (BBT) ban hành nhiều quy chế, quy định, quyết định, chỉ thị, hướng dẫn về công tác tổ chức xây dựng đảng và chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo chức danh và các lớp dự nguồn cán bộ từ Trung ương đến cấp huyện; tham mưu để BCT, BBT phân công, điều động, bố trí, sắp xếp và luân chuyển với số lượng lớn cán bộ diện Trung ương quản lý, chuẩn bị một bước về nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Năm 2015 là năm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Đảng và đất nước. Vì vậy, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, có một nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật và xuyên suốt của toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng là: Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ từng cấp, làm cơ sở cho sự thành công của đại hội đảng bộ cấp trên và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào đầu năm 2016.
Thưa đồng chí, Chỉ thị của BCT về đại hội đảng bộ các cấp lần này có nội dung gì mới và cần phải chú ý trong chỉ đạo thực hiện?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của BCT về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có rất nhiều điểm mới và đã được đề cập khá cụ thể. Tôi chỉ xin nhấn mạnh và lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng phải tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của Đảng; đề cao trách nhiệm và phát huy cao độ trí tuệ của cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, xây dựng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu, khuyết điểm và nguyên nhân; đồng thời, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của đảng bộ trong nhiệm kỳ tới sát hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chỉ rõ ưu, khuyết điểm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm đó.
Thứ ba, công tác nhân sự cấp ủy phải quán triệt các nguyên tắc của Đảng và thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, khoa học để lựa chọn những đảng viên ưu tú nhất tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới; gắn việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy với nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV của tỉnh, thành phố.
Thứ tư, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo không khí sôi nổi, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Về tiêu chuẩn, cơ cấu và độ tuổi của cấp ủy viên khoá tới có điểm gì mới và khác so với nhiệm kỳ trước, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Chỉ thị của BCT và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thể hiện dân chủ, công bằng, hợp lý, sát thực tiễn và có sự thống nhất về công tác cán bộ trong cả hệ thống chính trị.
Về tiêu chuẩn cấp ủy viên, có mấy điểm cần chú ý sau: (1) Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khoá tới, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để bảo đảm tính kế thừa, phát triển của đội ngũ cấp ủy viên. (2) Các cấp ủy viên phải là người tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao. (3) Kiên quyết không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định của Trung ương về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm. (4) Trong các tiêu chuẩn của cấp ủy viên, cần đặc biệt coi trọng về lập trường tư tưởng chính trị, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao; có tư duy đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời và xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thái độ nghiêm túc trong việc khắc phục, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Về cơ cấu của cấp ủy, có một số điểm mới cần chú ý là: Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, các cấp ủy cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy viên. Các cấp ủy cần có ba độ tuổi, phấn đấu có ba độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi (dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh và dưới 35 đối với cấp ủy huyện) không dưới 10% tổng số cấp ủy viên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân tộc của từng địa phương và phải bằng hoặc cao hơn khoá hiện nay. Nếu ở đầu nhiệm kỳ, nơi nào chưa chuẩn bị được theo cơ cấu nêu trên thì phải bầu số lượng cấp ủy ít hơn, số còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị và bổ sung trong nhiệm kỳ mới.
Về số lượng và độ tuổi tái cử cấp ủy, có một số điểm mới cần chú ý sau:
Một là, ngoài 4 đảng bộ lớn được quy định cụ thể số lượng cấp ủy viên là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An, các đảng bộ tỉnh, thành phố còn lại được quy định khung từ 43 đến 55 cấp ủy viên và căn cứ vào số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc để quy định số lượng cấp ủy viên cho phù hợp đối với từng tỉnh, thành phố. Cụ thể: Những tỉnh, thành phố có từ 17 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên được bầu từ 43 đến 55; có từ 13 đến 16 đơn vị được bầu từ 43 đến 53; có từ 10 đến 12 đơn vị được bầu từ 43 đến 51; có từ 9 đơn vị trở xuống bầu từ 43 đến 49. Số lượng cấp ủy viên cơ sở không quá 15 (nhiệm kỳ trước quy định cấp cơ sở không quá 21 cấp ủy viên).
Hai là, các đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên (nhiệm kỳ trước quy định: cấp ủy viên phải còn 48 tháng, ủy viên ban thường vụ còn 36 tháng, bí thư cấp ủy còn 30 tháng). Những đồng chí dự kiến tham gia cấp ủy và tham gia lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016-2021 thì ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 36 tháng trở lên (đối với cấp tỉnh) và từ 39 tháng trở lên (đối với cấp huyện) tính theo thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ của cấp đó.
Ba là, các cấp ủy cần đổi mới không dưới 1/3 so với số lượng cấp ủy viên đầu nhiệm kỳ 2010-2015; trường hợp số cấp ủy viên đủ tuổi tái cử cao hơn thì việc lựa chọn cấp ủy viên tái cử phải căn cứ vào trình độ, năng lực, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, nhu cầu bố trí cấp ủy viên và sự tín nhiệm đối với cán bộ đó thông qua phiếu tín nhiệm của cấp ủy lấy từ cao đến thấp.
Bốn là, các đồng chí chỉ huy trưởng, chính ủy, chính trị viên trong Đảng bộ Quân đội; các đồng chí cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trong Đảng bộ Công an Nhân dân tái cử cấp ủy khoá mới phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên; trường hợp còn tuổi công tác từ dưới 30 tháng đến 1 năm (12 tháng) thì phải là các đồng chí có năng lực, uy tín cao, sức khoẻ tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ đó đồng ý. Các đồng chí chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị) là bí thư đảng ủy hoặc tổng giám đốc và phó bí thư chuyên trách công tác đảng các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, không đủ tuổi tham gia cấp ủy theo quy định trên, nếu còn đủ tuổi công tác từ 1 năm đến dưói 30 tháng và có đủ phẩm chất, năng lực, sức khoẻ, có tín nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ đó đồng ý thì có thể tiếp tục tái cử cấp ủy để làm bí thư, phó bí thư đảng ủy cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Năm là, sau đại hội các đồng chí không tham gia cấp ủy sẽ thôi giữ các chức vụ lãnh đạo chính quyền mà chức danh đó cần cơ cấu cấp ủy viên. Đối với cán bộ ở cấp tỉnh và huyện, những đồng chí còn từ hai năm công tác trở lên mới đủ tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất, năng lực, sức khoẻ tốt và có nguyện vọng tiếp tục công tác thì xem xét, bố trí nhiệm vụ phù hợp. Những đồng chí còn dưới hai năm công tác, nếu không bố trí được thì nghỉ công tác, giữ nguyên một số chế độ chờ đủ tuổi nghỉ hưu; những trường hợp có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi sẽ giải quyết theo quy định của Chính phủ.
Thưa đồng chí, Chỉ thị của BCT yêu cầu kết hợp chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Vừa qua, Trung ương đã luân chuyển một số cán bộ về địa phương, vậy những cán bộ này được xem xét, cơ cấu ra sao trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Vừa qua, Trung ương đã luân chuyển một số cán bộ về địa phương và được chỉ định tham gia BCH, ban thường vụ hoặc phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Vì vậy, đối với những địa phương có cán bộ luân chuyển về và tham gia cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư thì không tính vào số lượng cấp ủy viên, số lượng ban thường vụ và số lượng phó bí thư được bầu theo quy định chung, tức là những nơi này được tăng thêm số lượng cấp ủy viên so với quy định trong Chỉ thị của BCT; việc giới thiệu các đồng chí này tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình theo hướng dẫn của Trung ương và cũng phải được đại hội tín nhiệm bầu.
Trong các kỳ đại hội trước, Trung ương đã yêu cầu phải trẻ hoá cán bộ, vậy trong hướng dẫn lần này quy định tỷ lệ cấp ủy viên trẻ như thế nào? Theo đồng chí, cần phải làm gì để đạt được tỷ lệ đó?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Trong nhiều kỳ đại hội vừa qua, chúng ta đã đặt ra yêu cầu phải trẻ hoá cán bộ nhưng kết quả vẫn không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đơn cử như nhiệm kỳ đại hội trước, Trung ương quy định cấp ủy tỉnh phải đạt 10% dưới 40 tuổi, nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố đều không đạt. Tỷ lệ chung của các tỉnh, thành phố chỉ đạt khoảng 6%. Vì vậy, Chỉ thị của BCT và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương lần này quy định: các cấp ủy phải có 3 độ tuổi và bảo đảm tỷ lệ cấp ủy viên trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh và dưới 35 tuổi đối với cấp ủy huyện) không dưới 10%; nơi nào chưa chuẩn bị được theo quy định này thì cấp trên có thể đưa người đủ tiêu chuẩn từ nơi khác đến, hoặc phải bầu số lượng cấp ủy ít hơn, số còn thiếu sẽ tiếp tục chuẩn bị và bổ sung trong nhiệm kỳ tới.
Tôi cho rằng, để có cán bộ trẻ, các cấp ủy phải có nhận thức đúng đắn vấn đề này và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt hơn nữa; phải chủ động từ tạo nguồn đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và giao việc để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Như vậy, các cấp ủy đảng phải rất chủ động và chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ, nếu đến khi chuẩn bị đại hội mới lo thì không thể có được.
Vừa qua, BCH Trung ương đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đồng chí, việc bầu cử theo Quy chế mới có điểm gì phải lưu ý?
Đồng chí Trần Lưu Hải: Ngày 9-6-2014 vừa qua, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Như vậy, trong dịp đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, chúng ta sẽ thực hiện theo Quy chế bầu cử này. Có thể nói, Quy chế bầu cử trong Đảng mới được Trung ương ban hành là một bước phát triển về nhận thức cũng như việc cụ thể hoá để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bầu cử của Đảng; vừa bảo đảm dân chủ, tăng cường kỷ cương, vừa khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn bầu cử ở các cấp. Vì vậy, tôi tin rằng việc bầu cử ở đại hội đảng bộ các cấp lần này sẽ được tiến hành thuận lợi và đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, có mấy điểm mới cần chú ý khi thực hiện là:
Điều 13 của Quy chế quy định: Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách mà cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu mình không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy; ở các hội nghị BCH, các ủy viên thường vụ không được đề cử người ngoài danh sách mà ban thường vụ đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu mình không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ.
Điều 16 của Quy chế quy định: Danh sách nhân sự cấp ủy khoá tới do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và ban thường vụ phải có số dư từ 10 đến 15%. Trường hợp danh sách bầu cử gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội (hội nghị) quyết định và có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử. Trường hợp danh sách bầu cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và những người ứng cử. Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
Trong trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách có nhiều người có số phiếu ngang nhau thì đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định lựa chọn theo cơ cấu, tuổi đảng, hoặc có thể để số dư hơn 30% so với số lượng cần bầu. Nếu bầu một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định. Danh sách bầu cử lần sau cũng phải có số dư và lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao đến thấp của những người chưa trúng cử.
Cảm ơn đồng chí. Chúc đồng chí năm mới dồi dào sức khoẻ, tiếp tục có những đóng góp mới cho Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Lê Thủy (thực hiện)