Sự ra đời và chiến tích của Đoàn 962
Cùng với việc khảo sát tuyến đường biển Bắc - Nam, tổ chức phương tiện chuyên chở vũ khí vào Nam sao cho an toàn, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền đã kịp thời chỉ đạo tổ chức các bến bãi để tiếp nhận vũ khí ngay từ những chuyến tàu đầu tiên. Mở các bến cảng bí mật giữa rừng ngập mặn ven biển phải đi kèm với việc thành lập đơn vị chuyên trách lo trên bờ, ngày 19-9-1962, Đoàn 962 được thành lập. Cũng do ngày thành lập ấy mà trung đoàn “hải quân đánh bộ” lấy phiên hiệu “Đoàn 962”, sau này là Trung đoàn 962, đơn vị đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đoàn 962 được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn bến bãi, tiếp nhận, cất giấu, bảo quản vũ khí, vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng, đảm bảo an toàn cho những con tàu không số ra vào bến bãi. Ngay từ đầu, cả đơn vị được quán triệt rất kỹ về nhiệm vụ, nguyên tắc, các quy định, phạm vi, cách thức hoạt động theo phương châm của Bác Hồ đề ra: “Bí mật, bất ngờ, táo bạo, dũng cảm”. Có 4 cụm bến cảng được mở theo phương thức dã chiến. Đó là các cụm bến: Vàm Lũng, Bồ Đề, Vàm Hố (Cà Mau), Long Vĩnh và Trường Long Hòa (Trà Vinh), Thạnh Phong, Cồn Rừng (Bến Tre) và Rạch Chanh thuộc xã Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bến Vàm Lũng (Cà Mau) có địa hình thuận lợi, độ an toàn cao, giữa rừng đước, rừng mắm bạt ngàn là nơi đón nhiều chuyến tàu và tiếp nhận nhiều “hàng” nhất. Đây cũng là nơi đón chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí từ Bắc vào Nam, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1”, do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, xuất phát từ bến K5 (Hải Phòng) ngày 11-10-1962, chở 30 tấn vũ khí cặp bến Vàm Lũng ngày 19-10-1962.
Gian nan từ ngày đầu mở bến. Đây là công việc rất mới lạ, chưa ai có chút kinh nghiệm. Từ nghiên cứu, khảo sát địa hình đến tổ chức phân công lực lượng đều phải bảo đảm hoàn toàn bí mật, chu đáo, hợp lý và tính trước được những tình huống cũng như hiệu quả. Những người lính ban đầu lặn lội giữa vùng rừng ngập kênh sình lầy hầu như lúc nào áo quần cũng ướt đẫm, mồ hôi trộn lẫn nước phèn, nước mặn, bùn đất. Bùn đất dính đầy mình. Ngủ trong rừng, trên bờ kênh. Nhiều khi để nguyên bùn dính mà ngủ. Muốn mở bến phải khảo sát độ sâu ven bờ biển, tàu bao nhiêu tấn thì vào được bờ? Thủy triều lên, xuống thế nào? Cánh rừng nào chứa được vũ khí thuận lợi và an toàn? Nếu bị địch phát hiện thì xử trí ra sao? Nơi cất giấu vũ khí có tiện đường thủy vận chuyển hay không? Tình hình địch, ta và đặc điểm dân cư trong vùng thế nào?... Nghĩa là hàng loạt câu hỏi rất thiết yếu được đặt ra khi mở bến.
Nhìn vào tấm ảnh mới chụp ở một cánh rừng đước tại Vàm Lũng, nơi năm xưa là kho chứa vũ khí, Đại tá Khưu Ngọc Bảy tâm sự: Xác định được nơi mở bến rồi thì phải tính ngay tới việc phân công lực lượng. Ở đây có các lực lượng như: Bảo vệ bến và tàu ra, vào cảng, bảo vệ kho tàng, bến bãi, đường vận chuyển, bốc vác “hàng hóa”, đội cơ động, đội dân vận, lực lượng chuyên trách đưa vào kho, lực lượng và phương tiện chuyên trách chuyển vũ khí đến các mặt trận. Phân công lực lượng cũng phải rất hợp lý và khoa học, nếu không thì hiệu quả bảo vệ, tác chiến, vận chuyển sẽ rất thấp. Vì vậy, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn 962 phải liên tục hội ý, hội báo, liên tục điều hành, chỉ huy kiểm tra đôn đốc chặt chẽ.
Khi mới thành lập Đoàn 962, đồng chí Nguyễn Văn Phối, Khu ủy viên Khu 8, được Bộ Tư lệnh Miền chỉ định làm Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy. Năm 1967, đồng chí Nguyễn Văn Phối hy sinh ở Bến Tre trong một chuyến đi kiểm tra cơ sở. Đoàn 962 và Bộ Tư lênh Quân khu 9 đang đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Văn Phối.
Tính ra, từ tháng 10-1962 đến đầu năm 1967, cả 4 cụm bến ở Nam bộ từ Cà Mau đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn 962 đã tiếp nhận 124 chuyến tàu, với 6.613 tấn vũ khí. Cụm bến Vàm Lũng (Cà Mau) tiếp nhận nhiều nhất, gồm 76 chuyến tàu với 4.294 tấn vũ khí, sau đó là cụm bến Thanh Phong (Bến Tre) với 28 chuyến tàu và 1.386 tấn vũ khí.
Nhờ lòng dân giúp đỡ, chở che
Theo tâm sự của Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nhân dân ven biển, những nơi có bến bãi đón tàu, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí đã giúp Đoàn 962 rất nhiều. Ngay từ khi mới mở bến, bộ đội được bà con nêu những đặc điểm địa hình để khảo sát, nơi biển nông sâu, quy luật thủy triều, ngày giờ cập bến thuận tiện, rồi luồng lạch ven biển và trong rừng, rồi nơi nào làm kho an toàn và tiện lợi. Trong mọi tình huống, người dân các địa phương vẫn cùng Đoàn 962 bảo vệ an toàn bến bãi, kho vũ khí, bảo vệ an toàn các chuyến tàu không số vào bến và xuất bến. Đại tá Bảy kể lại: Cuối năm 1962, phát hiện được vũ khí giấu trong rừng đước, địch đã mở chiến dịch “Sóng tình thương”, quy mô cấp trung đoàn, đánh vào các khu rừng đước mà chúng nghi ngờ. Địch bao vây, càn quét dữ dội trong nhiều đợt, dài ngày, bà con xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) thiếu lương thực, nước uống trầm trọng. Thiếu gạo, bà con phải lấy trái mắm nấu ăn thay cơm, cất nước mặn để có nước uống mà bám trụ, bảo vệ vùng căn cứ. Từ sông Gành Hào đến Khai Long phải di dời hơn 1.000 hộ dân để làm bến bãi dã chiến. Được tuyên truyền, vận động, bà con đã tự giác cùng giúp nhau di dời nơi cư trú, ra các vùng chung quanh, vừa làm vành đai bảo vệ vòng ngoài, vừa bảo đảm an toàn cho bến bãi, phòng khi địch càn quét cũng đảm bảo an toàn cho nhân dân. Có những người dân ở Tân Ân, Rạch Gốc bị địch bắt tra khảo, đánh đập dã man, nhưng dù biết những khu rừng đước có kho giấu vũ khí vẫn không khai báo với địch. Có những người dân phát hiện ra thám báo, biệt kích trà trộn trong dân để dò la bến bãi, bà con đã báo với đơn vị chốt giữ của Đoàn 962, chủ động đối phó và bắt giữ.
Chúng tôi đã về vùng cửa biển Bồ Đề, Rạch Gốc, Vàm Lũng, nơi năm xưa là “Bến cảng giữa lòng dân”. Bây giờ, không còn nhận ra đâu là nơi tiếp nhận vũ khí, con kênh, con rạch nào đã vận chuyển vũ khí, bến bãi, kho tàng năm xưa nay đã phủ xanh ngút mắt rừng đước, rừng mắm. Đồng chí Nguyễn Trung Chính, Trưởng Hội Nông dân ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân hồ hởi nói: Bến bãi và kho vũ khí có rừng đước chở che, còn thế trận lòng dân đã bảo vệ, giữ gìn an toàn cho các khu rừng làm kho tàng, làm bến bãi tiếp nhận và vận chuyển vũ khí. Mỗi khi có “hàng” là bà con cùng bộ đội dùng xuồng ba lá, xuồng chèo tay, cả ghe máy cũng tắt máy để chèo tay và đẩy, đưa vũ khí từ tàu không số ngoài bãi biển đến nơi an toàn.
Tôi hỏi: Rừng ngập mặn và kênh rạch chằng chịt như thế này, khi địch cho máy bay bắn phá thì biết đối phó thế nào để bảo vệ an toàn vũ khí và tính mạng?
Đồng chí Chính trả lời: Tàu vào bến ban đêm, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí đều vào ban đêm, làm sao địch phát hiện được. Hơn nữa, người dân sống lâu năm ở đây quen thuộc luồng lạch, đi cách nào bí mật, an toàn bà con đều biết, dẫn đường cho các đơn vị vận chuyển thuận lợi, nhanh và không bị địch phát hiện. Khi cần vận chuyển qua những nơi địch kiểm soát gắt gao, bà con đã tạo ra hai đáy bí mật giấu vũ khí, hoặc ngụy trang giấu vũ khí trong hàng hóa, vận chuyển đến các căn cứ ở miền Đông, miền Tây Nam bộ, địch dễ gì phát hiện ra.
Các chiến sĩ Đoàn 962 đóng tại bến Vàm Lũng không thể quên được những tấm lòng như má Năm và các chị em trong Hội Phụ nữ giải phóng Tân Ân. Bộ đội ở trong nhà dân được chăm sóc, chở che bảo đảm an toàn. Những ngày bị thiếu nước ngọt, thiếu gạo, chị em đã không quản ngại, vào rừng bắt cua, hái trái mắm, đi theo các ghe xuồng đến các bến có nước ngọt để đem về nuôi bộ đội.
Trong một lần dẫn đoàn cựu chiến binh và một số nhà văn, nhà báo đi thăm lại Vàm Lũng, nơi bến cảng của những chuyến tàu không số năm xưa, Đại tá Khưu Ngọc Bảy nói với tôi: Không riêng ở Vàm Lũng, Tân Ân, Rạch Gốc, Năm Căn, mà cả 4 khu cụm bến ven biển miền Tây Nam bộ đều nhờ lòng dân mà trụ vững, nhờ lòng dân mà được an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ thế trận lòng dân mà các cụm bến của Đoàn 962 vùng ven biển Nam bộ đã trụ vững trước sự đánh phá, truy bức và bao vây, ruồng bố của địch. Trong danh hiệu hai lần anh hùng của Đoàn 962 có phần đóng góp rất lớn của nhân dân. Thế trận lòng dân vững chắc đã góp phần làm nên chiến tích kỳ diệu và huy hoàng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Bùi Văn Bồng