Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Cuộc cách mạng “Đem sức ta giải phóng cho ta”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khơi dậy và nhân lên tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng thực hiện đồng thời 3 chức năng mang tính thời đại của cuộc cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, đó là: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp - giải phóng xã hội và giải phóng con người, trong đó, giải phóng dân tộc đóng vai trò làm cơ sở, điều kiện tiên quyết cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến Việt Nam và cũng là thắng lợi của cuộc cách mạng điển hình “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Tận mắt chứng kiến nỗi đau mất nước, cuối thế kỷ XIX đầu XX, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức rất rõ về hình thức của cuộc khởi nghĩa vũ trang, giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến Việt Nam. Kế thừa di sản quân sự của dân tộc, tiếp thu lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Nguyễn Ái Quốc viết: “Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị từ trong quần chúng”. Vì vậy, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, cùng với việc đề ra mục tiêu, phương hướng của cách mạng Việt Nam “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ phương pháp cách mạng: Sử dụng sức mạnh tổng hợp của quần chúng để lật đổ ách thống trị của “Triều lẫn Tây”, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trên cơ sở xác định mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ cách mạng, đối tượng cách mạng, phương pháp cách mạng… Nguyễn Ái Quốc đồng thời đưa ra luận điểm: Cách mạng thuộc địa có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Đây là một luận điểm khác về chất so với quan điểm của Quốc tế Cộng sản III: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc”, đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, coi cách mạng thuộc địa là “hậu bị quân” của cách mạng ở chính quốc và cách mạng giải phóng thuộc địa chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi. Luận điểm “Cách mạng thuộc địa có thể chủ động đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta” phải mất 30 năm sau đó, từ Bến cảng Nhà Rồng đến Pắc Pó, Cao Bằng năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới chứng minh sự đúng đắn, sáng tạo của con đường cứu nước, giải phóng dân tộc “Đem sức ta giải phóng cho ta” bằng thắng lợi “long trời lở đất” của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Năm 1941, Hồ Chí Minh về biên giới Việt - Trung, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi Người đặt chân đầu tiên trên quê hương đất nước mình sau 30 năm xa cách là Pắc Bó, Cao Bằng. Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII vào tháng 5-1941, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất (chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng). Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm quy tụ sức mạnh của cả dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo... Người cũng nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…”.


Hội nghị Trung ương lần thứ VIII cũng là Hội nghị quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển, hoàn chỉnh Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang do toàn dân tộc tiến hành “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Người chủ trương đi vào quần chúng, tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng, phát triển lực lượng chính trị, trên cơ sở đó thành lập lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.


Bên cạnh đó, Người cũng rất chú trọng tạo lực, tạo thế, tạo thời và nắm vững thời cơ. Trong lời kêu gọi đồng bào tháng 5-1941, Người đã phân tích các cuộc khởi nghĩa trước chưa thành công vì: “Một là, vì cơ hội chưa chín, hai là vì nhân dân ta chưa đồng tâm hiệp lực”. Vì vậy, mùa thu năm 1944, Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng vì “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”.


Tháng 7-1945, khi phát xít Đức - Ý bại trận, phát xít Nhật chuẩn bị đầu hàng, cũng là thời gian lãnh tụ Hồ Chí Minh đang ốm nặng, nằm trên giường bệnh ở lán Nà Lừa, Tân Trào, Tuyên Quang. Tại đây, Người đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, lần đầu tiên dân tộc ta không chỉ đoàn kết, tập hợp dưới ngọn cờ Việt Minh mà còn phát huy cao độ tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên cứu nước. Mặt trận Việt Minh trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Vì vậy, ngày 13-8-1945, nhận được tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh không điều kiện, chính quyền bù nhìn Bảo Đại hoang mang, rệu rã, ngay đêm đó, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc tại Tân Trào - tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh. Nghị quyết của Hội nghị chỉ rõ: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và đồng minh”. Cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.

Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn dân hưởng ứng, muôn người Việt Nam như một đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, vùng lên“đem sức ta tự giải phóng cho ta”, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa như một luồng điện cực mạnh tỏa rộng và tỏa nhanh khắp Bắc, Trung, Nam. Cả dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên đi từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong vòng 20 ngày của Tháng Tám lịch sử, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, nhân dân đã giành được chính quyền về tay mình, thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người một cách chủ động, sáng tạo, đồng thời trên phạm vi cả nước. Với thắng lợi này, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mốc son lịch sử quy tụ sức mạnh của lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc ngàn năm hội tụ và tỏa sáng bằng sức mạnh “dời non lấp bể” của một dân tộc đứng lên, cùng một lúc đã làm sụp đổ chế độ áp bức của phong kiến nghìn năm, cắt đứt ách thống trị thực dân trăm năm, đưa mỗi người Việt Nam từ thân phận nô lệ của chế độ bóc lột, thực dân - phong kiến, trở thành công dân tự do của một nước Việt Nam độc lập, dân chủ cộng hòa. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành Nhà nước của dân, do dân và vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi này không chỉ minh chứng cho cuộc cách mạng điển hình “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; thắng lợi của ý chí tự lực tự cường của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại mà còn chứng minh luận điểm cách mạng, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phải chủ động tiến công chủ nghĩa thực dân, không chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc”.


Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH, đưa người dân Việt Nam “Từ thung lũng đau thương, đi đến cánh đồng vui”. Thắng lợi này là cơ sở, tiền đề vững chắc tạo nên sức bật mạnh mẽ, vĩ đại để dân tộc Việt Nam viết tiếp những trang sử mới hào hùng và oanh liệt trong 30 năm đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông liền một dải, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Ngày nay, việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức gay gắt, bài học “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất