Mỗi độ tháng 10 về...

Đ/c Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng tặng ấn phẩm của Tạp chí cho đồng chí Nguyễn Văn Vỵ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La, tháng 8-2016.

“Đắm mình” trong thực tiễn sinh động


Tôi vốn dĩ không phải là dân tổ chức “gốc”. Năm 1983, khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, tôi về công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu trong 10 năm, rồi Hội Nông dân tỉnh trong 7 năm, trong đó 5 năm là Ủy viên BTV, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội, 2 năm là Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh. 17 năm đó, tôi đơn thuần làm công tác chuyên môn đã được đào tạo. Bước ngoặt đưa tôi đến với Ngành Tổ chức xây dựng Đảng là vào năm 2000 khi được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Khi ấy, tôi được cấp trên thông báo là sang “học việc” trước khi luân chuyển về cơ sở. Trong thời gian 6 tháng, tôi đã được tiếp cận, làm quen với những kiến thức về công tác tổ chức xây dựng Đảng, một lĩnh vực “mới toanh” với mình. Từ bỡ ngỡ buổi ban đầu tôi đã dần nắm bắt được những kiến thức cơ bản về Ngành và với sự nhiệt huyết của mình, tôi tràn đầy khí thế khi nhận nhiệm vụ làm Bí thư Huyện ủy Bắc Yên.

Bắc Yên là huyện vùng sâu, vùng xa vô vàn khó khăn của tỉnh Sơn La với trên 60% đồng bào người Mông. Khi ấy có khoảng 5 hay 6 xã, thị trấn là có đường giao thông, muốn vào các xã còn lại phải băng qua sông rồi đi bộ, mà xã xa nhất cách thị trấn đến 50km. Tỉnh ủy giao cho tôi làm sao giữ vững ổn định chính trị cho huyện, bởi thời điểm đó đạo Tin lành đang được lưu truyền rộng rãi trong đồng bào dân tộc Mông. Bắc Yên là huyện duy nhất không có đạo Tin lành, nhưng tôi cùng tập thể cấp ủy và lãnh đạo huyện vẫn không dám lơ là, chủ quan. Chúng tôi đã quyết liệt tổ chức cai nghiện, phá bỏ tập tục trồng cây thuốc phiện trên địa bàn, vận động bà con chuyển sang trồng rừng, trong đó đặc biệt chú trọng nhân giống cây sơn tra (táo mèo) vì có thu nhập cao hơn các loại cây khác và hợp thổ nhưỡng của vùng.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, mặc dù là “lính mới” nhưng tôi đã cùng các đồng chí lãnh đạo huyện gặt hái được một số thành công, mà việc đầu tiên là trong 3 năm xóa bỏ được tình trạng bản “trắng” đảng viên. Đây là địa bàn chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống nên chúng tôi xác định việc tìm nguồn bồi dưỡng, đào tạo cán bộ người dân tộc là rất quan trọng. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có những đặc thù riêng, phải đưa họ đi đào tạo từ bậc học phổ thông, rồi đến chuyên môn, nghiệp vụ ở cấp xã lên cấp huyện. Còn nhớ, tôi đã “phát hiện” ra đồng chí Hờ Lào Cang (người dân tộc Mông), lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Hang Chú, có năng lực, triển vọng và mời về làm ở Ban Tổ chức Huyện ủy. Sau đó, chúng tôi cử đồng chí ấy đi học đại học, bây giờ đồng chí là Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bắc Yên. Trong quá trình công tác và sinh hoạt cùng nhau, đồng chí Cang đã dạy tôi tiếng Mông và đó là cơ hội tốt để tôi có thể đến gần với đồng bào, hiểu và chia sẻ được với họ, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Có thể nói đây là thời kỳ tôi được “đắm mình” trong thực tiễn sinh động bởi chỉ có gần dân, sát cơ sở tôi mới có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức xây dựng Đảng sau này.

Kiểm tra và tổ chức luôn tương hỗ cho nhau

Tháng 3-2004, tôi được điều về làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và giữ cương vị này hơn 11 năm. Kiểm tra và tổ chức là 2 ngành gắn bó với nhau trong công tác xây dựng Đảng. Kiểm tra giúp tổ chức và cấp ủy các cấp nhận xét, đánh giá cán bộ, thông qua kiểm tra, giám sát, xem người nào tốt, người nào có khả năng, đặc biệt là phát hiện ra cán bộ thoái hóa, biến chất, không đủ năng lực, trình độ để không đưa vào bầu cấp ủy. Đánh giá, chọn lọc cán bộ mà không mang tính khoa học và lịch sử thì rất dễ sai lệch.

Tôi còn nhớ, khi ấy ở huyện Phù Yên có nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc đồng chí Bí thư Huyện ủy lập đề án quy hoạch hóa đô thị. Để làm rõ vấn đề này, tôi đã được Tỉnh ủy giao làm Trưởng đoàn để kiểm tra toàn diện Đảng bộ huyện Phù Yên. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi thấy quá trình triển khai đề án có một số chỗ chưa hợp lý, nhưng đồng chí vẫn quyết tâm làm vì sự phát triển chung của huyện, vì lợi ích của nhân dân chứ không vì một lý do cá nhân nào. Lúc đó hệ thống các văn bản quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước về vấn đề này chưa đầy đủ nên dễ gây ra hiểu nhầm cho những cán bộ dám đi đầu, đổi mới như đồng chí. Đó là một ví dụ cho thấy nếu dùng quy định cứng nhắc, không kiểm tra, đánh giá kỹ thì sẽ rất dễ mất cán bộ và đồng chí ấy hiện nay đã trưởng thành, là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Người làm tổ chức phải biết tổ chức công việc của mình

Khi chuẩn bị bước vào thời gian “nước rút” tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 thì đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy ốm nặng, phải nghỉ điều trị dài ngày. BTV Tỉnh ủy đã phân công tôi làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khi đại hội chỉ còn một tháng nữa là diễn ra. Thời gian gấp rút, công việc nhiều trong khi tôi còn được phân công làm Tổ trưởng Tổ thư ký Tiểu ban Văn kiện, vậy là loay hoay cả văn kiện lẫn tổ chức. Cuối cùng đại hội từ cơ sở đến cấp tỉnh thành công tốt đẹp, các đồng chí được giới thiệu vào cấp ủy đều trúng cử. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thành công của các đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở của Sơn La cho thấy công tác chuẩn bị cần kỹ càng, chi tiết, chặt chẽ, lường trước các tình huống xảy ra; tuyệt đối không có “quân xanh”, “quân đỏ”, số người trúng cấp ủy và không trúng cử có số phiếu chênh lệch không nhiều, vì thế người trúng cử có quyền tự hào, thấy vinh dự. Còn nhớ dịp Tết năm 2016, khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII kết thúc, chúng tôi lại phải dồn toàn lực để chuẩn bị phương án nhân sự cho bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới. Mùng 2 Tết, anh em đã kéo nhau lên cơ quan làm việc, gọi điện cho các đồng chí Bí thư huyện ủy câu đầu tiên là chúc Tết, câu sau là mời các đồng chí lên trụ sở Tỉnh ủy cùng bàn việc.

Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là tại Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ nhất - năm 2016, Sơn La có 3 tác phẩm vào vòng Chung khảo, trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải C. Bởi thế, Sơn La là 1 trong 10 đơn vị nhận giải tập thể xuất sắc. Tôi là người đại diện cho tỉnh bước lên sân khấu nhận giải. Lúc ấy tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào.

Làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở tỉnh miền núi như Sơn La có nhiều cái khó. Trong khi các tỉnh đồng bằng hầu hết chỉ có một dân tộc, Sơn La thì nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Chúng tôi xác định: Để ổn định và phát triển lâu dài thì cơ cấu cấp ủy phải bảo đảm sao cho có nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số, bởi mỗi đồng chí là tiếng nói đại diện của một dân tộc. Người Kinh có thể ăn nói giỏi hơn, trình độ cao hơn nhưng kiến thức về văn hóa, phong tục, nắm địa bàn thì không thể thông thạo bằng cán bộ người dân tộc thiểu số được, vì thế chúng tôi luôn cân nhắc, sắp xếp, bố trí cán bộ một cách hài hòa, hợp lý. Nhìn lại thực tế, Sơn La là tỉnh có cơ cấu cán bộ là nữ, trẻ, là người dân tộc thiểu số khá hài hòa. Hiện nay, 15 đồng chí trong BTV thì có 4 đồng chí nữ, 8 đồng chí là người dân tộc thiểu số và đa phần là cán bộ trẻ, thế hệ 7X cũng khá nhiều. Vì thế, chúng tôi luôn tự hào và cảm thấy an lòng khi về hưu đã có những lớp cán bộ sẵn sàng thay thế ở các vị trí, chuyển giao công việc một cách nhịp nhàng, êm đẹp.

4 năm làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi thấy có lẽ chưa nhiệm kỳ nào Trung ương đổi mới và quyết liệt làm như nhiệm kỳ 2015-2020. Sơn La tự hào khi ban hành và đưa vào hoạt động có hiệu quả Quy định 319 về nêu gương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Sơn La nhanh chóng quyết liệt tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của từng cơ quan, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, mỗi tháng họp một lần. Cùng với đó là thành lập các tổ đề án (khoảng hơn 30 đề án) giao cho các đồng chí trong BTV chịu trách nhiệm ở một số lĩnh vực cụ thể. Thành công nữa của Sơn La trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 là đã giảm biên chế, tổ chức và đầu mối, theo kế hoạch đến năm 2021 hoàn thành thì thời điểm năm 2019 khi tôi về hưu đã cơ bản xong. Sơn La hiện chưa phải sắp xếp cấp xã, huyện mà chủ yếu sắp xếp các bản.

Khỏe để làm việc, khỏe để cống hiến. Vì thế, về tỉnh làm công tác kiểm tra và tổ chức phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp được thời gian để chơi thể thao. Tôi còn nhớ thời kỳ đồng chí Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Tỉnh ủy có trao đổi với anh em trong BTV: “Lúc nào thấy bận rộn quá thì nghỉ, xem lại cách tổ chức công việc của mình có hợp lý không?!”.

Cán bộ tổ chức phải giỏi hơn nữa

Trong nhiệm kỳ 2020-2025 và xa hơn, công tác tổ chức xây dựng Đảng bên cạnh những mặt thuận lợi cũng đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức: Hệ thống văn bản của Trung ương ngày càng hoàn thiện hơn, đội ngũ cán bộ có trình độ cao hơn… nhưng yêu cầu của thời kỳ mới cao hơn, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải phát triển cao hơn một bậc. Bởi thế, yêu cầu cán bộ làm công tác xây dựng Đảng phải giỏi nhiều phương diện hơn nữa. Cái khó đặt ra cho cấp ủy nói chung và các ban xây dựng đảng nói riêng là xã hội phát triển, tư duy và hoạt động của con người ngày một đa dạng, phức tạp hơn. Cán bộ thoái hóa, biến chất với biểu hiện tinh vi hơn, vì thế người làm công tác tổ chức không tinh tường, không giỏi hơn thì rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm khi lựa chọn cán bộ vào cấp ủy làm tổn hại cho tổ chức. Chúng ta phải chuyển sang giai đoạn tổ chức chủ động tìm cán bộ, chủ động đào tạo cán bộ, chứ tổ chức không thể ngồi yên để cán bộ đến tìm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh là cán bộ làm công tác tổ chức phải thật tỉnh táo, tinh tường, “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong” là vì vậy.

Nhìn lại quãng thời gian công tác từ năm 1983 đến năm 2019, tôi không có gì để tiếc nuối. Có chăng còn băn khoăn là Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho đi học mà mình làm chưa được bao nhiêu. Hiện nay, tôi vẫn được chi bộ của tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu (nơi tôi đang sinh hoạt) phân công nhiệm vụ tham mưu dự thảo các quy chế, quy định, kế hoạch. Tôi vừa tham gia bảo vệ Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy Sơn La đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh hiện nay” (dang dở khi còn làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Đề tài do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì thực hiện từ tháng 7-2019, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, khi ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy, nay là Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm Đề tài. Qua hơn 1 năm triển khai, đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về phương thức lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xác định khái niệm, nội dung, phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp tỉnh hiện nay; đánh giá thực trạng và đề xuất phương hướng, giải pháp trong thời gian tới. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc. Đó cũng là một kỷ niệm với Ngành Tổ chức xây dựng Đảng mà tôi không thể nào quên.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất