Đ/c Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) tại Đảng bộ cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tháng 10-2017.
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng lần này gợi lên trong tôi rất nhiều suy nghĩ, kỷ niệm của suốt 30 năm gắn bó với nghề…
Ngày đầu của tháng 10 năm xưa ấy, 24 tuổi đời, sau khi tốt nghiệp đại học và qua một thời gian ngắn làm việc tại một trường đại học, tôi bước chân vào nghề tổ chức xây dựng Đảng với biết bao lạ lẫm, ngỡ ngàng; bản thân chưa từng nghe tới cái tên cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Vậy mà thoắt đã 30 năm trong nghề, gần 30 tuổi đảng và gần 55 tuổi đời! Giờ đây nghĩ lại, tôi càng nhận ra rằng, chính những ý nghĩa trong câu nói bất hủ của nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”… và tấm gương người cha đáng kính đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tiếp cho tôi nghị lực, đem lại cho tôi niềm đam mê và sự sẵn sàng hiến dâng cho nghề từ cái thuở ban đầu ấy.
Nhớ lại ngày ấy, cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy toàn những người lớn tuổi đã tham gia cách mạng từ trước năm 1975 hoặc ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công việc hoàn toàn mới mẻ, chúng tôi bắt đầu học vỡ lòng từ những con số thống kê về tổ chức đảng, đảng viên, đến những khái niệm về chi bộ, đảng bộ, cấp ủy viên, BCH, BTV, bí thư, phó bí thư… rồi tổ chức bộ máy, quy hoạch… Khi đã có chút “thâm niên” thì nghiền ngẫm Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và các văn bản khác của Đảng… Tất cả những kiến thức về xây dựng Đảng chúng tôi phải tự học, tự tìm đọc, phải quan sát, mò mẫm, tháo gỡ. Cái gì không biết chúng tôi hỏi các cô chú, các anh chị đi trước. Thuở đó không có nhiều sách báo và mạng in-tơ-nét như bây giờ. Có lẽ cẩm nang duy nhất của Ngành trong những năm tháng đó là cuốn tạp chí Xây dựng Đảng. Tạp chí đã cung cấp thông tin, giới thiệu, phổ biến những tri thức, kinh nghiệm, thực tiễn và văn kiện, tư liệu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, về hệ thống chính trị của nước ta… Và nhờ “đắm mình” trong từng trang tạp chí Xây dựng Đảng mà tôi trở thành bạn đọc và cộng tác viên thân thiết của Tạp chí những năm qua.
Tự học trong tài liệu, học hỏi đồng chí, đồng nghiệp; suy ngẫm về những văn bản, cập nhật những thông tin mà tạp chí Xây dựng Đảng cung cấp, đồng thời chúng tôi đi đến các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên, quần chúng để nắm, hiểu rõ và làm cho tốt công việc của mình. Những chuyến đi cơ sở là thử thách lớn đối với bản thân tôi khi mới bước chân vào nghề. Sau đó tôi lần lượt được tiếp cận các nhiệm vụ tổng hợp, văn phòng, xây dựng cơ sở đảng, tổ chức - cán bộ, chính sách, đào tạo, bảo vệ chính trị nội bộ… Nhờ vậy, tôi dần lớn lên, học hỏi được nhiều điều từ thực tiễn. Từ đó có cơ sở phản biện, đề xuất những vấn đề về công tác tổ chức xây dựng Đảng với lãnh đạo phòng, lãnh đạo Ban. Tôi càng thêm hiểu lời của Gớt: Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.
Sau này, tôi may mắn được dự các khóa bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề, giao ban khu vực và hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng; được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn theo Đề án 165 của Trung ương… Qua đó, tôi được cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kinh nghiệm về nghề.
30 năm gắn bó trong nghề là ngần ấy thời gian vui buồn với công việc và nếm đủ ngọt bùi đắng cay của cuộc sống. 30 năm làm một nghề, không dịch chuyển (cũng có thời gian tôi luân chuyển về công tác tại Thành ủy Quy Nhơn nhưng phần nhiều cũng gắn bó với công tác tổ chức). Tôi nghĩ công tác tổ chức suy cho cùng là “nghệ thuật sắp đặt”; phải biết tham mưu, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp, bố trí, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Và cũng khó mà so sánh nghề nào khó khăn, phức tạp hơn nghề nào. Cũng như bao nghề khác, để làm thật tốt nghề tổ chức xây dựng Đảng người làm nghề phải yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết, phải “cháy” hết mình để cống hiến vì nghề. Phải biết “dấn thân” vào nghề, luôn luôn làm mới bản thân mình, tránh sáo mòn, trì trệ, không thỏa mãn với việc làm được hôm nay, mà phải trăn trở với những gì chưa làm xong và việc ngày mai đang chờ phía trước; phải biết phân tích, xử lý tình huống thực tiễn một cách chuyên nghiệp, thấu lý đạt tình. Bởi lẽ, trong muôn hình vạn trạng của nghề tổ chức xây dựng Đảng không bao giờ có “khuôn mẫu” sẵn. Dù Trung ương cũng như địa phương có “dày công” xây dựng và ban hành nhiều văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng cũng vẫn chưa thể nào đáp ứng, thỏa mãn được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn vô cùng đa dạng, sinh động. Thực tế cho thấy, có một số chủ trương không khả thi, thậm chí lạc hậu mà vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Nên, nghề tổ chức xây dựng Đảng rất cần, cần lắm những người giàu đức, toàn tài.
Thiết nghĩ, nghề tổ chức xây dựng Đảng cũng không tránh khỏi rủi ro và nguy hiểm, sự cám dỗ về vật chất cũng như những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn răn dạy trong các tác phẩm: Đường cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân…
Tôi vẫn nhớ, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khi trao đổi với cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng luôn mong muốn xây dựng “thương hiệu”, bản sắc, hình ảnh của người cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông”. Người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng cần biết kết hợp giữa “xây” và “chống”. Trong đó lấy “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách; coi trọng cả “đức trị” và “pháp trị” nhưng đề cao “pháp trị”; thực hiện phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Trên đường trường 90 năm vẻ vang của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, chúng tôi đã đi được 30 năm. Hòa trong dòng chảy ấy là niềm tự hào về những tháng năm được cống hiến, trưởng thành và mong ước sẽ tiếp tục được làm nghề, tiếp tục đồng hành cùng với các đồng nghiệp thân quý trên chặng đường phát triển của công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Lê Minh Tuấn,
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định