Nghĩ tiếp về lời Bác Hồ: Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/Đảng ta là đạo đức, là văn minh.  Khái niệm văn minh mà Bác dùng theo tôi hiểu tương ứng với khái niệm trí tuệ, năng lực nhận thức quy luật và hành động cách mạng đúng đắn mà hiện nay chúng ta đang dùng. Để là đội quân tiên phong chỉ có đạo đức thôi chưa đủ, tuy đạo đức là yêu cầu tiên quyết nhưng còn phải có năng lực, trí tuệ, phải biết phân tích chính xác tình hình, đề ra đường lối, chủ trương sát đúng, tổ chức được phong trào thực tiễn, đưa cách mạng tiến lên. Yêu cầu này là chung cho toàn Đảng, cho mọi tổ chức đảng, đến từng đảng viên.

Nhìn lại suốt chặng đường 80 năm qua, tuy cũng có lúc mắc phải sai lầm, khuyết điểm, nhưng về cơ bản, Đảng ta là "đạo đức và văn minh”, đủ tư cách lãnh đạo giai cấp và dân tộc, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, trong điều kiện hoà bình, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, dễ xuất hiện xu hướng không đúng trong việc xem xét mối quan hệ đức-tài trong xây dựng Đảng; dễ đề cao kiến thức năng lực, coi nhẹ đạo đức cách mạng. Thực tiễn xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới chứng minh rằng, đạo đức vẫn là cái gốc; đương nhiên, đạo đức không tách rời mà gắn liền với năng lực và hiệu quả thực tế trong công việc, và suy cho cùng, năng lực và hiệu quả công việc cũng chính là đạo đức. Đạo lý Việt Nam vẫn luôn tin cậy và coi trọng những người lãnh đạo có đạo đức. Tham ô, lãng phí, quan liêu đang là thách thức hàng đầu đối với chế độ ta. Ở đó có vấn đề năng lực quản lý, nhưng chủ yếu và trước hết là vấn đề đạo đức của những đảng viên cầm quyền. Chừng nào chúng ta không đẩy lùi những tệ nạn này thì uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước ta sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Có thể nói rằng "diễn biến hoà bình”, trong đó tự diễn biến bắt nguồn từ sự vô đạo đức, sự thối nát, mọt ruỗng của những kẻ thoái hoá trong bộ máy công quyền đã làm giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Điều này thật nguy hiểm.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức của Đảng đã giải quyết một cách đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa lợi ích của Đảng, của dân với lợi ích cá nhân. Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần và chế độ sở hữu dưới nhiều hình thức, thì những chuẩn mực giá trị cụ thể của đạo đức cách mạng, về lối sống... chắc chắn không thể giữ nguyên như thời chiến tranh hay như thời cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng đất nước hôm nay càng cần đạo đức cách mạng hơn bao giờ hết, với những tiêu chuẩn chặt chẽ và việc thực hiện là cả một cuộc đấu tranh gian khổ đối với mỗi tổ chức đảng cũng như đối với mỗi đảng viên. Không củng cố và tăng cường được nền đạo đức đó thì Đảng ta sẽ khó có thể giữ được vai trò tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Vì thế Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta phát động có ý nghĩa hết sức lớn lao trong giai đoạn này.

Từ yêu cầu phát triển xã hội, công tác xây dựng đảng càng phải nêu cao khẩu hiệu tri thức hoá Đảng và Đảng Cộng sản phải là Đảng của trí tuệ. Tất cả đảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt thì mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Lẽ đương nhiên, xã hội đi lên, mặt bằng dân trí của xã hội nâng cao thì mặt bằng học vấn của đội tiên phong cũng phải tăng lên. Nhưng không được phiến diện, cực đoan; không rơi vào chủ nghĩa hình thức và nhất là coi thường những tiêu chuẩn cơ bản của một Đảng trí tuệ. Tình trạng chạy bằng cấp, làm bằng giả hoặc bằng tuy thật mà kiến thức không tương ứng đã làm mất uy tín của Đảng. Đào tạo cán bộ lãnh đạo đảng khác với đào tạo lãnh đạo các ngành khác. Rất có thể một cấp uỷ có rất nhiều người có bằng đại học, hoặc hơn thế nữa, nhưng lại chưa chắc đã có trí tuệ lãnh đạo cao. Tri thức đó phải được sử dụng trong thực tiễn lãnh đạo.

Với bất cứ một tổ chức đảng nào, dù là ở Trung ương hay cơ sở, lãnh đạo tốt  phải ra quyết định đúng, phải tổ chức thực hiện tốt, trong đó nhất thiết phải biết kiểm tra công việc, biết uốn nắn, xử lý những thiếu sót, sai lầm. Để có quyết định đúng thì phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững điều kiện thực tiễn, có sự vận dụng sát, đúng, linh hoạt. Đảng phải thu thập được nhiều thông tin, đảng viên và nhất là người lãnh đạo phải am hiểu kiến thức về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, phải biết tổ chức tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, nhất là giới trí thức để cân nhắc lựa chọn phương án thích hợp. Cần hiểu rằng, việc ra quyết định của cấp lãnh đạo ngày nay chịu nhiều sức ép hơn trước. Sự phân hoá về kinh tế, sự phân tầng về xã hội tạo ra sự phức tạp trong đánh giá tình hình và nhu cầu xã hội. Tất cả những điều đó đòi hỏi Đảng phải nâng cao trí tuệ; dừng lại là tụt hậu.

Đảng phải thể hiện trí tuệ không chỉ trong lý luận mà phải thể hiện trong hành động, tính khoa học và nghệ thuật tổ chức công việc, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện những mục tiêu trước mắt và lâu dài của cách mạng. Khi có quyết định đúng rồi, còn phải biết tổ chức công tác thực tiễn, đưa quyết định vào cuộc sống. Công việc đó cũng thuộc phạm trù trí tuệ của Đảng. So với thời kỳ chưa có chính quyền, thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc thì công tác tổ chức thực tiễn của Đảng ta ngày nay phức tạp hơn về nhiều mặt, đòi hỏi Đảng càng phải có đạo đức và trí tuệ hơn.

Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện trong đại của đất nước, năm diễn ra đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Mỗi chúng ta đều có quyền tự hào "Đảng ta thật là vĩ đại” như Bác Hồ đã tổng kết. Nhưng để làm tròn nhiệm vụ của một Đảng đạo đức, Đảng văn minh, thì mỗi đảng viên chúng ta cần phải học tập thật nhiều: Học không bao giờ cùng; học mãi, tiến bộ mãi; càng tiến bộ càng thấy phải học thêm, như điều Bác hằng mong muốn.

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất