V.I. Lênin với vấn đề cải cách bộ máy nhà nước

Một trong những vấn đề lý luận quan trọng nhất mà bất kỳ một Đảng Cộng sản nào khi đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền, cũng đều vấp phải và không phải đảng nào cũng dễ dàng vượt qua là vấn đề Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước như thế nào? V.I.Lênin đã nói “… không có sự tận tụy nào, không có uy tín nào của Đảng có thể thay thế được điều cơ bản trong trường hợp này, đó là: Sự hiểu biết công việc, hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta và hiểu biết bộ máy đó phải được cải tổ như thế nào”(1).

 

Đây là một vấn đề quá lớn, đòi hỏi phải có nhiều công sức tập trung nghiên cứu. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu một số chỉ dẫn của Lênin xung quanh vấn đề cải tổ bộ máy nhà nước.

 

 1. Một năm trước khi qua đời, ngày 2-3-1923, Lênin đã đặt ra “vấn đề văn hoá” của bộ máy nhà nước khi mà, bộ máy ấy vừa yếu kém, vừa cồng kềnh, quan liêu, vừa đầy rẫy nạn ăn hối lộ, nạn ăn cắp của công. Phải “cải tiến bộ máy nhà nước” bởi vì “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”.

 

Phương pháp tiếp cận vấn đề cải tiến bộ máy nhà nước mà Lênin nêu ra là phải “giác ngộ”, là bình tĩnh và khiêm tốn suy nghĩ, thực sự cầu thị và dũng cảm xem xét lại tất cả những chủ trương của mình trên tinh thần thực tiễn và có văn hoá. Người viết: “Phải kịp thời tỉnh ngộ. Phải thấm sâu thái độ bất tín nhiệm bổ ích đối với lối cứ khinh suất muốn lao bừa lên đối với mọi lời huênh hoang v.v… Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của các chủ trương đó. Điều tai hại nhất ở đây là hấp tấp. Điều tai hại nhất là tưởng rằng chúng ta biết được một tý như thế là đủ rồi, hoặc tưởng rằng chúng ta đã có được một số yếu tố khá lớn để xây dựng được một bộ máy thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa…”.

 

Để cải tiến bộ máy nhà nước thì cần phải hiểu đúng thực chất của vấn đề.

“Về mặt này, không thể giải quyết được bằng một hành động liều lĩnh, hay một cuộc xung phong, bằng sự táo bạo hay bằng nghị lực, hoặc nói chung, bằng bất cứ một trong những đức tính tốt đẹp nhất nào của con người”. Muốn cho bộ máy nhà nước có thể đạt được trình độ mong muốn thì phải tôn trọng quy tắc “chỉ hành động khi đã suy nghĩ chín chắn” thận trọng và “am hiểu cặn kẽ”, phải đi những bước vững chắc “thà ít mà tốt” còn hơn là hấp tấp vội vàng.

 

Lênin đã chỉ rõ Đảng phải thành thật mà nhận biết rằng kiến thức của đảng viên, cán bộ, công chức và của nhân dân về xây dựng Nhà nước còn rất thấp. “Những yếu tố kiến thức, học thức, giáo dục” so với “tất cả các nước khác thì chúng ta còn ít ỏi đến nực cười”. Người nhắc nhở để cải tiến bộ máy nhà nước thì Đảng phải tự đặt cho mình nhiệm vụ “một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”.

 

Để thực hiện quy tắc “Thà ít mà tốt” thì trước hết Đảng phải chấn chỉnh Bộ dân uỷ thanh tra công nông (tựa như Tổng thanh tra Nhà nước của ta hiện nay-TĐH chú thích), phải làm sao cho nó thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ khả năng làm công tác thanh tra. Đồng thời phải củng cố Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Phải chuẩn bị cặn kẽ và cần có những biện pháp dứt khoát, triệt để bởi vì “những biện pháp nửa chừng sẽ rất tai hại”.

 

 2. Đảng và Nhà nước cùng có một mục tiêu chung là dẫn dắt nhân dân mưu cầu hạnh phúc, nói theo cách nói của chúng ta ngày nay là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; cùng có một tư cách là “đầy tớ trung thành của nhân dân” và cùng có một đối tượng lãnh đạo và quản lý là nhân dân - dân tộc - quốc gia. Tất nhiên, Đảng không phải là Nhà nước. Đảng là tổ chức chính trị, là “hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động” (Hồ Chí Minh), một tổ chức tham mưu sáng suốt, một đội tiên phong dũng cảm của giai cấp và dân tộc. Còn nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là tổ chức duy nhất nắm trong tay cả ba nhánh quyền lực vốn là của nhân dân là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

Trong một đất nước có chế độ một đảng, Đảng Cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo xã hội và là đảng cầm quyền, việc phân biệt sự khác nhau giữa Đảng và Nhà nước là có tính nguyên tắc. Mặt khác, do đặc điểm nói trên nên vấn đề kết hợp công tác giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước cũng lại là một nguyên tắc. Song, việc kết hợp ấy, trên thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô-viết?”. Lênin đã nêu ra một câu hỏi lớn, một bài toán chính trị không tìm thấy lời giải ở bất kỳ kiểu nhà nước nào trước kia. Muốn trả lời câu hỏi đó thì không có cách nào khác là phải tìm về thực tiễn, lấy thực tiễn để khẳng định chân lý. Người viết: “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong một bộ dân uỷ như Bộ dân uỷ ngoại giao, việc kết hợp như thế thật vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới được thành lập? Phải chăng là Bộ Chính trị đã không thảo luận, trên quan điểm của Đảng, nhiều vấn đề, lớn và nhỏ, về những “nước cờ” mà chúng ta dùng để chống lại những “nước cờ” của các nước ngoài, nhằm đề phòng, chẳng hạn - nói cho có lễ độ - một mưu kế nào đó của họ? Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?” và Người cho rằng những gì đã được thực tiễn kiểm chứng là đúng trong chính sách ngoại giao đều có thể ứng dụng (về sự kết hợp giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước) vào toàn thể bộ máy nhà nước. Người còn nhấn mạnh rằng với những cơ quan như Bộ dân uỷ thanh tra công nông và cơ quan kiểm tra của Đảng, có những nội dung quan trọng “đòi hỏi một sự linh hoạt vô cùng trong những hình thức hoạt động của nó nữa - tại sao đối với cơ quan ấy lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của Chính quyền?”. Lênin tin tưởng sâu sắc vào tính hữu ích của sự hợp nhất đó, Người cho rằng sự hợp nhất ấy là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả. Người viết: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi hoài nghi đối với điểm đó đều phát ra từ những xó xỉnh bụi bặm nhất của bộ máy nhà nước chúng ta và những hoài nghi ấy chỉ đáng có một điều là, đem ra mà chế giễu”.

 

 3. Trong việc cải cách bộ máy nhà nước, Lênin cho rằng, Đảng chưa chú trọng kết hợp hai loại hoạt động; giữa học lý thuyết với việc tác nghiệp cụ thể: giữa lý luận với việc thi hành công vụ trong việc chấp hành các thể chế nhà nước, các thủ tục hành chính, các quy chế hoạt động. Người thẳng thắn chỉ ra rằng trong vấn đề nhà nước, chúng ta “vẫn bị tiêm nhiễm rất nhiều thiên kiến tai hại và lố lăng nhất”, vẫn còn rất nhiều kẻ cơ hội để mưu lợi ích riêng, những kẻ lợi dụng việc coi thường những quy định hành chính “với hy vọng là có nhiều dịp buông câu trong đám nước đục do những thiên kiến đó khuấy lên. Và họ đã câu được trong đám nước đục ấy đến mức chỉ có những kẻ thực sự đui mù trong chúng ta mới không thấy được là họ đã câu như vậy trên một quy mô rộng lớn tới chừng nào”. Người cho rằng trong toàn bộ lĩnh vực những quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị chúng ta đều tỏ ra là cách mạng “ghê gớm”. Nhưng về mặt cấp bậc, về mặt tôn trọng những hình thức và những thể lệ và thủ tục hành chính thì “tính cách mạng” của chúng ta lại hay nhường chỗ cho tinh thần thủ cựu, hủ bại nhất. Người đã chỉ ra nghịch lý đó là “trong đời sống xã hội, bước nhảy vọt phi thường nhất lại thường đi kèm theo một sự rụt rè ghê gớm trước những thay đổi nhỏ nhất”. Tình hình trên cũng không phải là khó hiểu bởi vì những bước táo bạo nhất, những vấn đề to lớn của cuộc cách mạng XHCN “vẫn nằm trong cái lĩnh vực từ rất lâu đã là lĩnh vực thuần tuý lý luận” đã được “nuôi cấy chủ yếu - hoặc thậm chí hoàn toàn bằng lý luận”. Sự giáo dục xa rời đời sống thực tiễn, thiếu kết hợp lý luận với thực tiễn, thông qua những kết quả thực hiện của đời sống thực tiễn để rút ra kết luận đã làm cho giáo dục lý luận mang “một tính chất phiến diện lạ thường”. Người đã nghiêm khắc chỉ ra rằng ở nước Nga khi bước vào thời kỳ thực hiện chính sách kính tế mới (NEP), lý luận đã mang tính bảo thủ rụt rè trước những vấn đề “nhỏ nhặt”, chi tiết nhưng rất thiết thực, rất cần cho đời sống thực tiễn. Người viết: “ở nước ta, sự táo bạo trong công trình lý luận chung đã song song tồn tại với tính rụt rè lạ lùng trước một cuộc cải cách hành chính nhỏ nhặt nhất”.

 

Cải cách bộ máy nhà nước, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, thực hành một nền công vụ có hiệu năng bởi một đội ngũ công chức tinh thông nghề nghiệp, biết làm việc trên tinh thần phục vụ nhân dân đi liền với chống tệ quan liêu, ăn hối lộ và tham nhũng… là những vấn đề đã được Lênin nhấn mạnh nhiều lần. Người tuyên bố: “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột bực, chỉ giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết chúng ta mới có thể đứng vững được”.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm tăng cường bản chất cách mạng của nhà nước, làm cho Nhà nước ta thực sự là trụ cột của hệ thống chính trị, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là nghiêm túc thực hiện những điều mà các nghị quyết của Đảng đã đề ra: chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; cải cách nền hành chính nhà nước, kiên quyết chặn đứng tệ quan liêu, tham nhũng, tranh giành quyền lực, địa vị... Chỉ có như vậy mới củng cố được khối đại đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì tự do hạnh phúc của toàn dân, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước.

______

 

(1) Tất cả các đoạn trong ngoặc kép của bài này đều trích trong Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, M.1978, tập 45, từ các trang: 509, 442, 443, 444, 445, 452, 453, 459.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất