Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Điều 4 Hiến pháp 2013 tái khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đó là một quy định, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao và rất khó vì chỉ riêng về mặt nhận thức lý luận cũng đang còn phải tiếp tục nỗ lực để nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Đối với C.Mác và Chủ nghĩa Mác (bao gồm C.Mác và Ph.Ăng-ghen), việc nghiên cứu lại càng khó khăn hơn. Nhân kỷ niệm ngày sinh của C.Mác, xin góp thêm ý kiến về nghiên cứu di sản tư tưởng của Người.
1. Thời gian và lịch sử
Các Mác sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 tại Trier, Đức, qua đời ngày 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân Đôn, Anh. Như vậy, ông đã mất trên một thế kỷ (131 năm). Tác phẩm triết học đầu tiên của Mác là “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu” viết vào cuối năm 1843 đầu 1844. Năm 1848 ông cùng Ph.Ăng-ghen viết tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - tác phẩm được coi là Cương lĩnh đầu tiên của các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Tuyên ngôn đã có tuổi thọ 166 năm. Tuyên ngôn là một tác phẩm có giá trị mang tính lịch sử, vì vậy trong Lời tựa (viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, nghĩa là sau hơn 25 năm) hai ông đã cho rằng trong đó có nhiều nhận định đã cũ. Nhưng, hai ông cho rằng: Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại. Để khắc phục, trong các lần xuất bản sau hai ông đã bổ sung bằng các Lời tựa. Nhưng những sự bổ sung ấy cũng dừng lại sau Lời tựa viết cho bản tiếng ý xuất bản năm 1893. Đó là sự bổ sung cuối cùng vì sau đó cả hai ông đều qua đời. Từ đó tới nay đã trên một thế kỷ (121 năm). Việc nhận thức, vận dụng, phát triển tư tưởng của Tuyên ngôn đến mức nào, đúng, sai là trách nhiệm của các lãnh tụ và các đảng cộng sản trên thế giới.
2. Vấn đề văn bản
Hầu hết những người nghiên cứu và chân thành theo Chủ nghĩa Mác đều hiểu rằng toàn bộ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác không chỉ có trong Tuyên ngôn, mặc dầu đó là bản cương lĩnh đầu tiên, kết tinh những tinh hoa lý luận của Chủ nghĩa Mác đến thời điểm đó. Di sản của C.Mác và Ph.Ăng-ghen quá phong phú, đồ sộ, cho tới nay nhân loại vẫn chưa mấy ai đã được đọc toàn bộ tác phẩm của hai ông. Đơn giản chỉ vì từ năm 1927 đến 1935, Liên Xô mới xuất bản được 12 tập (mỗi tập 1.000 trang), bao gồm 7 tập của C.Mác, 1 tập riêng của Ph.Ăng-ghen và 4 tập thư trao đổi giữa hai ông. Từ năm 1956 đến 1968, Viện Mác-Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin CHDC Đức phối hợp xuất bản được 39 tập và 2 tập phụ lục. Năm 1975, Viện Mác-Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin CHDC Đức định phối hợp xuất bản toàn tập Mác-Ăngghen khoảng 100 tập, nhưng mới đến tập 50 thì Liên Xô tan rã, việc xuất bản phải dừng lại. Bộ sách C.Mác và Ph.Ăng-ghen được gọi là toàn tập mới nhất do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia của ta ấn hành, theo Lời giới thiệu của Nhà xuất bản thì cũng chỉ “... dựa vào bản tiếng Nga bộ toàn tập C.Mác và Ph.Ăng-ghen do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Liên Xô xuất bản tại Mát-xcơ-va năm 1957”. Như vậy, ở Việt Nam dù đã rất nỗ lực nhưng cho tới nay chúng ta cũng chỉ mới tiếp thụ được một phần tư tưởng của Chủ nghĩa Mác từ nguồn các ấn phẩm của Liên Xô trước đây. Mong đến một thời điểm nào đó, toàn bộ tác phẩm của các ông sẽ được xuất bản đầy đủ, khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ có dịp nghiên cứu với tinh thần khoa học, độc lập, tự chủ dưới ánh sáng của khoa học đương đại để hiểu đúng đắn tư tưởng lớn, vô giá của hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học - một chủ nghĩa mà V.I.Lê-nin đã thâu tóm một cách tài tình tinh hoa của nó bằng một công thức là: Chủ nghĩa cộng sản = chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo nhất.
3. Những người kế tục mẫu mực
Với những đặc điểm, khó khăn khách quan không thể khắc phục được về tư liệu và độ dài của thời gian cùng với những biến cố của lịch sử và những vấn đề của thời đại ta đang sống thì việc nghiên cứu Chủ nghĩa Mác muốn có hiệu quả, các thế hệ sau Mác cần phải đổi mới tư duy, có quan điểm thực tiễn, lịch sử và phương pháp khoa học. Theo hiểu biết của tôi, cho tới nay chưa ai vượt được hai người cộng sản chân chính và dũng cảm vận dụng, phát triển mẫu mực nhất, thành công nhất Chủ nghĩa Mác là V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh. Sở dĩ như vậy chính vì hai ông đã trung thành với quan điểm thực tiễn, lịch sử mà chính những quan điểm đó lại khởi nguyên từ C.Mác.
Từ quan điểm thực tiễn, V.I.Lê-nin có chỉ dẫn quan trọng về phương pháp nghiên cứu khoa học đã trở thành kinh điển: “Trong vấn đề thuộc về khoa học xã hội, phương pháp chắc chắn nhất và cần thiết nhất để thực sự có thói quen xem xét vấn đề một cách đúng đắn và để không lạc hướng trong rất nhiều chi tiết, hoặc trong nhiều ý kiến trái ngược nhau - điều kiện quan trọng nhất của một sự nghiên cứu khoa học là không nên quên mối liên hệ lịch sử căn bản; là xem xét vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào”(1).
Khi nhận ra sai lầm về đường lối xây dựng chủ nghĩa cộng sản ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười 1917, V.I.Lê-nin đã xuất phát từ thực tiễn, nhìn thẳng vào thực trạng của đất nước mà dũng cảm đề xuất với Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bắt đầu là chính sách kinh tế mới (NEP), đồng thời là thanh Đảng, cải cách bộ máy Nhà nước. Nhưng muốn vậy thì phải từ bỏ chủ nghĩa giáo điều, đổi mới tư duy, phải biết vượt qua những giáo lý trong các quyển sách đã cũ vì “... không có lấy một quyển nào nói đến chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới chế độ cộng sản cả. Ngay đến Mác cũng không viết một lời nào về vấn đề đó, và Người đã mất đi mà không để một lời nào rõ rệt, một chỉ dẫn nào chắc chắn về vấn đề ấy cả. Vì thế ngày nay, chúng ta phải tự mình tìm ra lối thoát”(2). Như mọi người đều biết, tư tưởng và hành động dũng cảm của V.I.Lê-nin trong thời kỳ NEP đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, đã cống hiến một phát kiến mới cho khoa học lý luận cách mạng, tới nay vẫn đang lại có ý nghĩa thời sự với chúng ta.
Sau V.I.Lê-nin là Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi các lãnh tụ, nhà lý luận của phong trào cộng sản quốc tế nhấn mạnh đến quan điểm của Mác về chủ nghĩa quốc tế vô sản, coi mọi phong trào dân tộc đều phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trên toàn thế giới, kịch liệt phê phán chủ nghĩa dân tộc thì Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã tiếp cận vấn đề dân tộc theo quan điểm thực tiễn và phương pháp biện chứng. Người đã viết trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ (nguyên bản bằng tiếng Pháp, lưu tại Mát-xcơ-va năm 1924) như sau: Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở phương Đông nhưng “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.
Mác xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại... Xem xét lại Chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông... Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”(3). Quan điểm của Hồ Chí Minh khó mà được chấp nhận đối với các nhà lý luận chính thống khi ấy trong Quốc tế Cộng sản và ngay cả những người Việt Nam đương thời từng là học trò và đồng chí của Người cũng không đồng tình. Mặc dầu bị phê phán, bị quy chụp là theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trái với chủ nghĩa quốc tế vô sản nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn kiên trì khẳng định đó là “một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”. Người đã lý giải vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc một cách độc lập, dựa trên sự nghiên cứu sâu sắc lịch sử và cơ sở xã hội ở Việt Nam. Chính vì vậy, Người đã giải quyết thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam và qua thực tế đã góp phần bổ sung cho Chủ nghĩa Mác cơ sở xã hội học ở phương Đông, làm cho Chủ nghĩa Mác luôn là một học thuyết có sức sống bởi sự sáng tạo và phát triển.
4. C.Mác và vấn đề hôm nay của chúng ta
Mặc dầu thời gian đã lùi xa và nhiều văn bản của C.Mác vẫn còn phải tiếp tục tìm kiếm, nhưng những di sản tư tưởng của Người mà chúng ta đang có không ít những viên kim cương lung linh sắc màu và sáng ngời chân lý soi rọi cho bước đường nhân loại đi tiếp tới tương lai - một tương lai xứng đáng là mơ ước của ngàn đời. Trong đó có một tượng đài mà chính C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã tâm huyết ghi trong Tuyên ngôn, tựa như khắc trên lá cờ đỏ của lý tưởng cách mạng một mơ ước cháy bỏng, một ngọn lửa bất tử của niềm tin, rằng loài người sẽ xuất hiện một hình thức quan hệ mới, một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Tự do cho mọi kiếp người nô lệ, tự do cho sự sáng tạo của mọi con người, làm cho mọi nhân tố tốt đẹp trong mỗi con người được tự do phát triển. Tự do được sinh ra bắt đầu từ độc lập, tự chủ, vì thế Hồ Chí Minh mới khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Tự do gắn liền với hạnh phúc của nhân dân. Tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục đích đi tới của Đảng và Nhà nước ta cũng như mọi quốc gia có chủ quyền. Cũng chính vì thế mà Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Nếu nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì. Tự do đi liền với dân chủ, với quyền làm chủ. Dân chủ là chìa khóa vạn năng để giành lấy tự do, hạnh phúc. Dân chủ đối lập với quan chủ, quan liêu, độc đoán chuyên quyền, với chủ nghĩa cá nhân, với những mưu đồ cá nhân chiếm đoạt của nhân dân mưu “vinh thân, phì gia”. Chính vì thế Hồ Chí Minh gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm.
Tự do của nhân dân trong một nhà nước dân chủ và pháp quyền được xác định cụ thể của luật pháp: “Luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do có một sự tồn tại vô ngã, có tính chất lý luận, không phụ thuộc vào sự tùy tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh tự do của nhân dân”(4). Bản Hiến pháp 2013 của nước ta đã cố gắng theo tinh thần ấy. Theo chỉ dẫn của C.Mác thì tự do được đảm bảo bằng luật pháp và để tự do trở thành hiện thực thì pháp luật phải phê phán và trừng trị những bất công và tàn bạo đang vi phạm quyền tự do của con người.
Kỷ niệm ngày sinh của C.Mác năm nay, thiết nghĩ chúng ta cần nhớ lời ông dạy rằng: “Song nếu việc cấu tạo tương lai và tuyên bố dứt khoát những quyết định in sẵn cho tất cả mọi thời kỳ sắp đến không phải là việc của chúng ta, thì chúng ta càng biết rõ mình cần phải làm gì trong hiện tại - tôi nói đến sự phê phán thẳng tay toàn bộ cái hiện tồn, thẳng tay theo hai nghĩa: sự phê phán này không sợ những kết luận của mình và không lùi bước trước sự đụng độ...”(5). Cái “hiện tồn” của xã hội ta cần phê phán thì Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã chỉ rõ. Vấn đề còn lại là ở dũng khí của những người cộng sản để không lùi bước trước sự “đụng độ”. Hành động dũng cảm của những người cộng sản chân chính không bao giờ đơn độc bởi song hành với họ là nhân dân Việt Nam - một dân tộc có truyền thống dũng cảm, trọng chính nghĩa, ghét gian tà.
PGS. Trần Đình Huỳnh
-----
(1), (2) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Sự thật, tập 39, tr.78; tập 45, tr.101. (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 1, tr.465-467. (4), (5) Mác - Ăngghen toàn tập, NXB Sự thật, H.1978, tập 1, tr.85 và tr.497.