Giai cấp công nhân Việt Nam thực hiện sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới

Cuộc cách mạng công nghiệp ở Tây Âu diễn ra thế kỷ XVII đã làm xuất hiện hai giai cấp mới trên vũ đài lịch sử: giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, hai giai cấp này ngày càng mẫu thuẫn gay gắt với nhau về quyền lợi kinh tế, chính trị… Tháng 11-1884, tại Chi-ca-gô, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ đã thông qua Nghị quyết nêu rõ: “Bắt đầu từ ngày 1-5-1886, ngày làm việc của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ” và kêu gọi tất cả các tổ chức công nhân, viên chức chuẩn bị đấu tranh để đạt mục đích đó. Tháng 12-1885, Hội nghị Liên đoàn Lao động Mỹ quyết định rõ thêm: “không ai được yêu sách tăng lương mà không yêu sách giảm giờ làm việc phải buộc chủ ký nhận thì lập tức tuyên bố bãi công”. Vì vậy, các tổ chức công nhân càng ráo riết hoạt động, nhằm giành cho được mục tiêu “ngày làm việc 8 giờ”. Ngày 1-5-1886 lần đầu tiên ở nước Mỹ nổ ra cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động với khẩu hiệu: “Từ hôm nay trở đi, không một người công nhân nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày! Tám giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”. Ngày hôm đó, có 5.000  cuộc bãi công đã nổ ra trên khắp nước Mỹ và đã giành được thắng lợi, với 125.000 công nhân làm việc 8 giờ/ngày.

Trước làn sóng đấu tranh sôi động của giai cấp công nhân, bọn tư bản Mỹ đã phản ứng hết sức quyết liệt, bằng các thủ đoạn dã man, chúng đã giết chết và làm bị thương hàng trăm người, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt và đưa ra xét xử. Sự hy sinh anh dũng và tấm gương đoàn kết đấu tranh của các chiến sĩ công nhân trong cuộc biểu tình ở Chi-ca-gô ngày 1-5-1886 đã gây xúc động lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào công nhân ở khắp châu Âu và thế giới. Ngày 1-5-1886 đánh dấu sự thắng lợi khởi đầu và có ý nghĩa to lớn của giai cấp công nhân trong quá trình đấu tranh giành quyền lợi của mình.

Ngày 14-5-1889, tại Đại hội quốc tế thứ II, tổ chức tại Pa-ri (Pháp) dưới sự chỉ đạo của Ăng-ghen, Đại hội đã thông qua Nghị quyết lấy ngày đấu tranh giành thắng lợi của công nhân Chi-ca-gô năm 1886 làm ngày đoàn kết quốc tế và biểu dương lực lượng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới, đồng thời chọn ngày 1-5 làm ngày đấu tranh của giai cấp công nhân toàn thế giới. Vì vậy, ngày 1-5, hàng năm đã trở thành ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động, ngày hội của nhân dân bị bóc lột.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động, ở Việt Nam, ngày 1-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố ngày 1-5 là một trong những ngày Quốc tế lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội với 20 vạn nhân dân lao động dự buổi mít tinh. Từ đó đến nay, gia cấp công nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên vũ chính trị, cùng dân tộc Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi “trí thức hóa giai cấp công nhân là đòi hỏi khách quan. Phải đầu tư chiều sâu tạo ra đội ngũ công nhân vững cả lý thuyết lẫn tay nghề, nắm vững công nghệ hiện đại”. Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đã đề ra nhiệm vụ “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”, đồng thời, xây dựng tiền đề cho việc trí thức hóa đội ngũ công nhân: Nghiên cứu và thiết lập tại khu công nghệ cao Hoà Lạc và khu công nghiệp phần mềm Quang Trung thành phố Hồ Chí Minh cổng nối trực tiếp với hệ thống Internet quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) chỉ rõ: Thế kỷ XXI sẽ có những biến đổi, khoa học và công nghệ có bước tiến nhảy vọt, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật. Về kinh tế “từng bước phát triển kinh tế tri thức”… về xã hội phải thực hiện “trí thức hóa công nhân”, vì vậy, đội ngũ công nhân Việt Nam phải“Phát triển về số lượng, chất lượng và tổ chức nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và tay nghề, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất”[1]. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam[2]. Quan điểm này không chỉ tiếp tục kiên trì khẳng định Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” mà còn thể hiện của tư duy mới, sách lược mới trong xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện mới.

Vì vậy, gần 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; đóng góp trực tiếp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Về mặt sản xuất, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù về số lượng giai cấp công nhân ở nước ta chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số dân cư (chiếm tỷ lệ 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội) nhưng nắm giữ những cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại nhất của xã hội, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế. Giai cấp công nhân là lực lượng lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Hằng năm giai cấp công nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước.

Tuy vậy, giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2009, trình độ chuyên môn của công nhân Việt Nam tại các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế còn khá khiêm tốn, cụ thể: 57,08% lao động phổ thông, 26,97% là lao động có trình độ chuyên môn từ sơ cấp học nghề trở lên, 6,26% công nhân có trình độ trung cấp và 10,09% tỷ lệ công nhân có trình độ đại học, cao đẳng[3]. Còn số liệu thống kê từ cuộc điều tra khảo sát về “tiền lương thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp” do Viện Công nhân Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiến hành năm 2010 cho thấy trình độ chất lượng công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể theo điều tra, công nhân có 10,5% trình độ tiểu học; 43,7% trình độ, trung học cơ sở 45,5% có trình độ tiểu học phổ thông, đặc biệt vẫn còn 0,28% người lao động không biết chữ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, lao động của ta chủ yếu là lao động giản đơn chưa qua đào tạo nghề. Có tới 75% lao động chưa qua học nghề tại các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp, trong số này có khoảng 94% người được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp trước khi bắt đầu công việc của mình. Chỉ có 9,5% công nhân lao động kỹ thuật, 3,7% công nhân có trình độ trung cấp, 3% cao đẳng và 5,6% có trình độ đại học. Nếu tính chung số công nhân được đào tạo nghề (cả ở các cơ sở và doanh nghiệp) thì tỷ lệ công nhân lao động bậc cao là rất ít. Số công nhân bậc 4 chiếm 8,4% và bậc 6-7 chỉ chiếm 3,2%[4]. Đặc biệt, nước ta vẫn còn thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Để “rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức”, đẩy nhanh tốc độ công nhân hóa lực lượng lao động, trí thức hóa công nhân, nước ta phải đổi mới và phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm có giá trị sản phẩm gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức, phải đổi mới nền giáo dục theo hướng hiện đại, phát triển khoa học và công nghệ hiện đại và phải có cơ chế và chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế tri thức. Trước hết, cần quán triệt một số quan điểm cơ bản: Thực hiện trí thức hóa đội ngũ công nhân phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ngành, mà nòng cất là giáo dục - đào tạo, các lực lượng, trong đó đội ngũ trí thức có vị trí quan trọng đặc biệt. Chủ thể quan trọng hàng đầu và là đối tượng trực tiếp của quá trình trí thức hóa công nhân chính là sự tích cực học tập, tự hoàn thiện và vươn tới của bản thân người công nhân, đồng thời giai cấp công nhân phải nắm vững tình hình thực tế, đề ra mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể, sát hợp. Đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới. Do đó, công nhân hóa lực lượng lao động, trí thức hóa đội ngũ công nhân phải được coi là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp CNH, HĐH và sự phát triển của kinh tế tri thức. Nó phải được kết hợp chặt chẽ, “Thống nhất định hướng giữa phát triển khoa học và công nghệ với chấn hưng giáo dục - đào tạo”.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 1-5 và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam được tôi luyện trong chặng đường lịch sử, trong tư thế người làm chủ đất nước độc lập, tư do và dân chủ, giai cấp công nhân Việt Nam đang sát cánh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng ra sức phấn đấu, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, phấn đấu đưa nước ta từ một nước nông nghiệp cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. 


Phạm Thị Nhung

Trường sĩ quan Lục quân 2

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H.2006, trang 118.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. CTQG, H.2011, trang 240-241.

[3] Đặng Ngọc Tùng: Báo cáo tổng hợp đề tài: “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” (chương trình KX.04.06/10), H, tr.147.

[4] Xem thêm tác giả Lục Bình: “Tìm lời giải nâng cao chất lượng giai cấp công nhan” (http://daidoanket.vn, ngày 20/5/2011).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất