Thấm thoát đã 25 năm kể từ ngày được tái lập, hình ảnh đoàn cán bộ tỉnh Hà Nam Ninh về nhận nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình vẫn còn in đậm trong tâm trí cán bộ, đảng viên và nhân dân. 25 năm qua, vượt qua bao khó khăn, thử thách, với sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất, Ninh Bình đã vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật, từng bước xây dựng và hình thành một Ninh Bình tươi đẹp và phát triển; đã định vị rõ vị trí địa lý, địa chính trị của đất và người Ninh Bình trên bản đồ Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Ninh Bình đã quần tụ trên dải đất phía nam đồng bằng sông Hồng, đoàn kết, đấu tranh chống thiên tai, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ngày đêm cần mẫn quai đê lấn biển, mở rộng không gian sinh tồn, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Với hình sông, thế núi hiểm trở, có vị trí chiến lược quan trọng, Ninh Bình luôn là địa bàn được lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa, các triều đại Nhà nước Việt Nam chọn làm căn cứ địa, xây thành, đắp luỹ, lập phòng tuyến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đặc biệt, vào nửa cuối thế kỷ thứ X, sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất 12 sứ quân, trên mảnh đất này, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi Hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt - Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam vào năm 968 - mở đầu thời kỳ phát triển rực rỡ và liên tục của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hoa Lư trở thành nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý liên tục trong gần nửa thế kỷ. Sau nhiều biến đổi của lịch sử, năm 1831, tỉnh Ninh Bình được thành lập, bao gồm toàn bộ vùng kinh đô Hoa Lư xưa và các vùng lân cận.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Ninh Bình ngày càng được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Ninh Bình là một trong những địa phương sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ninh Bình tích cực đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, cùng nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Ninh Bình luôn là tâm điểm trong các cuộc hành quân đánh chiếm và ném bom phá hoại của kẻ thù. Mặc dù phải chịu đựng những tổn thất, hy sinh chưa từng có, nhưng Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương, nhân dân Ninh Bình thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước đã sáng tạo nên một không gian văn hoá độc đáo. Những công trình kiến trúc, điêu khắc, những áng thơ văn, làn điệu chèo, hát xẩm, hát văn đặc sắc, luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Nhiều bậc hiền tài, danh nhân nổi tiếng như Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật, Vũ Duy Thanh và nhiều vị khoa bảng, nhà văn hoá, nhà khoa học, các vị tướng lĩnh đương đại được quê hương nuôi dưỡng, phát triển thành tài năng sáng tạo, giữ những vị trí quan trọng của quốc gia, làm rạng danh quê hương, đất nước. Truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang cùng những giá trị văn hoá đặc sắc được kết tinh trên mảnh đất Ninh Bình, đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới, phát triển quê hương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hôm nay.
Những ngày đầu tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đứng trước bao bộn bề khó khăn, thách thức. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa không đồng bộ, cơ sở vật chất nghèo nàn. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn rất thấp.
Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, 1/4 thế kỷ đã qua, một quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của vùng đất từng là Đế đô, nhưng mỗi người dân Ninh Bình đều cảm thấy rất đỗi tự hào. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển; đến nay, kinh tế của Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, đạt 17,6%/năm; tổng giá trị GRDP năm 2016 gấp 52,2 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 43%; dịch vụ 42,3%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn 14,7%. Hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, kết hợp giữa vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu du lịch, dịch vụ. Số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt 7.264 tỷ đồng, gấp 182 lần so với năm 1992, trong đó số thu từ thuế, phí đạt 4.039 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 40 triệu đồng, tăng 47,7 lần so với năm đầu tái lập.
Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa bão, lũ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.
Công nghiệp có bước phát triển tích cực; chú trọng phát triển đảm bảo theo quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt trên 41,7 nghìn tỷ đồng, tăng 196 lần so với năm 1992. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD, danh mục các mặt hàng xuất khẩu ngày càng mở rộng.
Du lịch đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Các di tích lịch sử, danh thắng như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm... đã tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Đặc biệt, năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á, mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Số lượng khách du lịch, khách lưu trú, doanh thu du lịch liên tục tăng trưởng khá; năm 2016, đạt 6,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1.725 tỷ đồng. Ninh Bình là tỉnh được chọn là điểm đến thân thiện, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, là điểm tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển khá toàn diện. Đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hoá theo hướng liên kết, chuỗi giá trị và các vùng sản xuất tập trung. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha canh tác năm 2016 đạt 105 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay đã có 60 xã (chiếm 50,4% tổng số xã) và huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Ninh Bình.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá – xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được những tiến bộ quan trọng. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp ngày càng tăng, vững chắc, đến nay đạt 83,4%. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và tốt nghiệp THPT Quốc gia, Ninh Bình luôn nằm ở tốp các tỉnh có điểm trung bình các môn thi dẫn đầu trong toàn quốc.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Hệ thống bệnh viện, trang thiết bị y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện được củng cố, nâng cấp. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi đã trở thành bệnh viện vệ tinh của tuyến Trung ương. Chất lượng khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ, ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị; các chỉ số sức khoẻ người dân, chỉ tiêu về số bác sỹ, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu chung cả nước.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và đạt nhiều thành tích. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng.
Công tác xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 5,77%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,5%. Thành quả phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Thực hiện tốt các chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công và chính sách hậu phương quân đội.
Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Ninh Bình là tỉnh có nhiều điểm sáng về an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo được Trung ương đánh giá cao, việc thực hiện các phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”, phong trào tự quản ở cơ sở đã đạt kết quả tốt.
Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp được tăng cường; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2016 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19 trong cả nước.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Đảng bộ tỉnh hiện có 13 đảng bộ trực thuộc, 730 tổ chức cơ sở đảng và trên 6,7 vạn đảng viên, tăng gấp 1,5 lần so với ngày đầu mới tái lập. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, bình quân hàng năm số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt trên 75%.
Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các cấp ủy triển khai có hiệu quả, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo niềm tin, từ sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực, đã có sức lan tỏa, góp phần chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác cán bộ của tỉnh được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 22 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 75%; có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 15,6%.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình, quy định; góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận tập trung hướng mạnh về cơ sở, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố ngày càng vững chắc. Vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những kết quả đạt được đã tạo ra động lực mới, niềm tin và khí thế mới để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Ninh Bình phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi trong những năm tới; khẳng định ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo, là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tự tin trên con đường hội nhập và phát triển.
Với những thành tích đã đạt được, Ninh Bình được Đảng, Nhà nước ghi nhận và khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Có 78 tập thể, 23 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động; 425 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; hàng nghìn tập thể và cá nhân đã được khen thưởng Huân, Huy chương các loại.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh 25 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình vô cùng tự hào, phấn khởi trước những thành quả to lớn cùng với sự vươn lên và sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực của tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, Ninh Bình cũng nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn, có giá trị công nghệ cao, có thu ngân sách lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn…
“Đất Ninh Bình sơn thanh thuỷ tú, Người Ninh Bình nghĩa nặng, tình sâu.”. Với tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần quả cảm, nhân văn, là nền tảng và động lực quan trọng tạo nên những chiến công rực rỡ trong mỗi chặng đường phát triển của tỉnh Ninh Bình. Hai mươi lăm năm qua, tái lập là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi thử thách, khó khăn; khẳng định thành tựu đổi mới của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình.
Tự hào về vùng đất Ninh Bình thân yêu, bình yên, tươi đẹp, đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường tiếp tục đổi mới và hội nhập. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn sau 25 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, thách thức; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc; tập trung trí tuệ, nguồn lực giải quyết đồng bộ các vấn đề: nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ không gian văn hoá đặc sắc của vùng đất cố đô xưa; không ngừng chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; mở rộng công tác đối ngoại; củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững chắc.
Lịch sử là một dòng chảy vô tận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, 25 năm là một quãng thời gian trong hành trình phát triển hàng nghìn năm của vùng đất Cố đô văn hiến, anh hùng. Nhưng những thành quả mà chúng ta đạt được trong những năm qua là cơ sở, là nền tảng để bứt phá, vươn lên tiếp cận và hoà mình vào dòng chảy chung của đất nước, của nhân loại.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Ninh Bình nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít gian nan, thách thức, các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Thị Thanh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình