74
năm ra đời, phát triển (1917-1991), Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết
(Liên Xô) đã để lại cho nhân loại biết bao nguồn cảm hứng, hy vọng và nuối
tiếc.
Cuộc
cách mạng qua đi nhưng nhân loại không quên. “Cách tốt nhất để kỷ niệm cuộc
Cách mạng vĩ đại là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ chưa hoàn thành của
cách mạng. Cách kỷ niệm này là thoả đáng và cần thiết, nhất là khi còn có những
vấn đề cơ bản mà cách mạng chưa giải quyết xong và để giải quyết những vấn đề đó,
thì phải thấm nhuần được một cái gì mới”(1).
Không
thể phủ nhận một sự thật lịch sử là nhờ có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm
1917, nhân loại cần lao đang trong tình trạng tăm tối, đói khổ và thất học bừng
tỉnh mà ngộ ra rằng chỉ có một con đường tự giải phóng khỏi cuộc đời cơ cực của
chế độ bất công, tàn bạo, mất nhân tính để đi tới độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cuộc cách mạng ấy dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã thắng lợi, giành chính
quyền về tay những người cần lao. Các dân tộc bị mất quyền độc lập, bị bóc lột
tàn bạo bởi chủ nghĩa thực dân, đau khổ và bế tắc bỗng tìm thấy ở cuộc Cách
mạng cảm hứng, noi gương và trỗi dậy. Một sức mạnh công-nông liên kết dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga đã đi tới một hành động lịch sử: Làm cuộc
Cách mạng Tháng Mười năm 1917 dũng cảm đập tan chế độ áp bức, bóc lột của giai
cấp phong kiến, tư bản, thiết lập nhà nước Xô-viết, giành chính quyền về tay
công nông. Nhưng đáng tiếc, đồng thời với thắng lợi nó cũng đã mắc một số sai
lầm ngay trong hành động cách mạng. Lẽ ra chỉ “quét sạch đống rác quân chủ… phá
tan tành, đập vụn nát cái lâu đài cũ nghìn năm là chế độ đẳng cấp…”(2) thì
người ta lại phá cho tan tành tất cả, những phong tục tập quán, thói quen, kỷ
cương, di sản văn hoá, kinh nghiệm quản lý… mà bao đời nhân dân lao động đã
dựng xây, kiến tạo. Tất cả đều bị cho là của phong kiến, tư sản, quý tộc thối
tha, cần làm lại tất cả! Những người cộng sản nhiệt tình, hăng hái và thành tâm
tin rằng: Đây là trận cuối cùng, nên “đã quyết định chuyển ngay sang việc sản
xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa”(3). Như vậy, liền ngay sau khi giành được
chính quyền thì “trên mặt trận kinh tế, vì định chuyển lên chủ nghĩa cộng sản,
nên mùa xuân 1921 chúng ta đã vấp phải một thất bại nặng nề hơn bất cứ một thất
bại nào của ta khi đánh nhau với Côn-trắc, Đê-ni-kin hay Pin-xút-xki, một thất
bại nghiêm trọng hơn nhiều, lớn hơn nhiều và nguy hiểm hơn nhiều”(4).
Ngày
nay, suy ngẫm về bài học từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, có thể cho ta thấy
một sự vĩ đại. Đó là sự nhạy bén về nhận thức, biết nhanh chóng nhận ra sai
lầm, dũng cảm và quyết tâm khắc phục. Chính đó là bài học sâu sắc cho tất cả
những nước đi theo con đường của Liên Xô tránh khỏi những sai lầm, vấp váp
tương tự. Đảng Cộng sản Nga đã làm nên một cuộc cách mạng chính trị long trời
lở đất tới mức cả thế giới phải sửng sốt, kinh ngạc. Cuộc cách mạng xã hội có ý
nghĩa vạch thời đại chưa kịp chiêm ngưỡng hào quang của chiến công đã dũng cảm
nhận ra rằng: “… đứng về mặt đường lối và chính sách của chúng ta mà xét, cần
phải có cái mà người ta không thể gọi một cách nào khác hơn là một sự thất bại
rất nặng nề và một sự rút lui rất nghiêm trọng”(5). Chỉ hơn ba năm sau, kể từ
khi cuộc cách mạng giành được chính quyền, đầu xuân 1921, Đảng Cộng sản (b) Nga
đã thay thế biện pháp cách mạng “không đập tan cái cơ cấu kinh tế và xã hội cũ,
thương nghiệp, tiểu nông, công nghiệp nhỏ, chủ nghĩa tư bản; mà chấn hưng
thương nghiệp, công nghiệp nhỏ, chủ nghĩa tư bản, bằng cách cố gắng nắm vững
những cái đó một cách thận trọng và từng bước, hoặc bằng cách nhà nước điều
tiết những cái đó nhưng chỉ trong chừng mực làm cho chúng sẽ được phục hồi
lại”(6). Bài học sâu sắc rút ra ở đây là: Đảng cách mạng chân chính không bao
giờ được cho rằng mọi quyết định của mình đều đúng, không bao giờ sai lầm. Nếu
đã mắc sai lầm thì phải công khai thừa nhận, quyết tìm ra căn nguyên để khắc
phục. “Đối với một người cách mạng chân chính thì mối nguy hiểm lớn nhất, thậm
chí có thể là nguy hiểm duy nhất là phóng đại tinh thần cách mạng, là quên mất
những giới hạn và những điều kiện của một sự vận dụng có kết quả và thoả đáng
những phương pháp cách mạng”(7).
Đó
là bài học đổi mới tư duy lý luận, gạt bỏ giáo điều, hủ lậu và cả sự ngu xuẩn
về mặt lý luận mà một thời, khi “nhiệt tình xông lên” đã hành động mù quáng mà
vẫn thành tâm tưởng rằng như thế mới là đúng, là cách mạng. Chính V.I.Lênin đã
chỉ ra rằng lúc nào cũng khẳng định rằng chỉ có cách mạng là “vĩ đại, thắng
lợi” và dùng phương pháp cách mạng cứng nhắc, giáo điều là sai lầm. Người viết:
“Kinh nghiệm của cuộc cách mạng của ta cũng xác nhận rằng lời khẳng định ấy là
sai. Về mặt lý luận: trong thời kỳ cách mạng cũng như bất cứ lúc nào, người ta
đều mắc những điều ngu xuẩn - Ph.Ăngghen đã nói như thế và đã nói đúng. Cần cố
gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn và sửa chữa hết sức nhanh chóng
những điều ngu xuẩn đã mắc phải, bằng cách nhận định hết sức tỉnh táo xem những
vấn đề nào và vào lúc nào thì có thể hay không có thể giải quyết bằng phương
pháp cách mạng”(8). Chính trên tinh thần ấy mà V.I.Lênin đã thẳng thắn chỉ ra
sai lầm của một câu trong bài Quốc tế ca làm cho không ít người cộng sản trên
thế giới hiểu lầm dẫn đến sự nôn nóng chủ quan, duy ý chí: “Khi chúng ta hát:
“Đấu tranh này là trận cuối cùng”, thì đáng tiếc rằng câu hát ấy có điểm chưa
được đúng, đáng tiếc rằng đây chưa phải là trận chiến đấu cuối cùng của chúng
ta”(9). Thật là kỳ diệu - những tư tưởng lớn đã gặp nhau. Năm 1958, trong một
bài viết về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đã viết rằng: “Chúng ta cần
phải biết rằng: thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên
đường đi muôn dặm…”(10). Rất đáng tiếc những chỉ dẫn thông minh của hai lãnh tụ
cách mạng đã không được chú ý nên chúng ta đã mắc sai lầm nghiêm trọng như Đại
hội lần thứ VI của Đảng ta đã chỉ rõ.
Đó
là, ngay sau chiến thắng, Đảng phải khắc phục bằng được bệnh “kiêu ngạo cộng
sản chủ nghĩa”, phải tự chỉnh đốn lại hàng ngũ, tiến hành loại trừ ra khỏi bộ
máy của Đảng và Nhà nước những phần tử cơ hội “thích ứng với trào lưu thịnh
hành trong công nhân, họ thay màu đổi sắc để ẩn nấp được dễ dàng hơn, như con
thỏ rừng, về mùa đông thay lông thành màu trắng”(11); những kẻ tham ô, ăn hối
lộ, những kẻ gian giảo, bọn bị “quan liêu hoá”, xa rời quần chúng mưu vào Đảng
nhằm làm quan để kiếm chác và cả những kẻ nhu nhược, kiêu ngạo, không có đủ khả
năng và thiếu tinh thần trách nhiệm để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Cần
phải chấn chỉnh lại bộ máy của Đảng từ cấp trung ương trở xuống mà không bị
ngáng trở vì bất cứ lý do gì.
Đó
là, phải xây dựng một nhà nước dân chủ và quản lý đất nước bằng pháp luật. Dựa
hẳn vào nhân dân một cách chân thành để thanh Đảng và chấn chỉnh bộ máy Nhà
nước: “Chúng ta đừng để bị chi phối bởi cái chủ nghĩa xã hội tình cảm, hay cái
tâm trạng gia trưởng kiểu Nga cổ, kiểu nửa lãnh chúa, nửa nông dân…”(12).
Đó
là tính dự báo về nguyên nhân làm tiêu vong sự nghiệp của những người cộng sản
bởi bộ máy nhà nước đã bị quan liêu hoá và nạn tham nhũng, hối lộ, làm ly tán
lòng người, mất dần những người có tài năng, quần chúng chán ngán về những câu
rỗng tuếch của “những người thiêng liêng nhưng dốt đặc cán mai”(13).
Chính
sách kinh tế mới, chủ trương thanh đảng và chấn chỉnh bộ máy nhà nước và những
chỉ dẫn khác của V.I.Lênin về một cuộc canh tân vĩ đại nhằm làm cho CNXH phát
triển hợp quy luật, có sinh khí, thực sự có sức hấp dẫn đối với quảng đại quần
chúng chỉ mới được khởi xướng và thi hành trong vài năm thì V.I.Lênin qua đời.
Liên
Xô đã tiến hành xây dựng CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô, đứng
đầu là Xta-lin. Hơn 10 năm sau, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra.
Với tinh thần hy sinh vì Tổ quốc hiếm thấy và lòng dũng cảm vô song của nhân
dân, Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bảo vệ chủ quyền và
góp phần cứu nhân loại khỏi hiểm hoạ phát xít. Kết thúc chiến tranh, Liên Xô
tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế-văn hoá, đạt được những thành tựu vĩ
đại, đưa Liên Xô trở thành siêu cường thứ 2 trên thế giới. Nhưng cùng với những
thành tựu đạt được thì đồng thời bệnh hoạn trong Đảng và bộ máy nhà nước cùng
những dự báo về nguy cơ của sự tiêu vong mà trước đó V.I Lênin đã chỉ ra, không
những không được chú ý khắc phục, ngăn ngừa mà còn phát triển trầm trọng hơn.
Những di huấn của V.I.Lênin về công tác xây dựng đảng, đặc biệt là việc chọn
lựa nhân sự cấp cao, gửi Đại hội XV của Đảng Cộng sản (b) toàn Liên Xô đã không
được công bố. Mãi đến năm 1956, sau khi Xta-lin mất, Đảng Cộng sản Liên xô mới
cho thông báo tại Đại hội XX của Đảng và được công bố trên Tạp chí “Người cộng
sản” số 9-1956.
Trong
Thư gửi Đại hội XV, V.I.Lênin đã đề cập một số vấn đề quan trọng:
Về
cơ sở giai cấp của Đảng, V.I.Lênin dặn: “Đảng ta dựa vào hai giai cấp, vì vậy
Đảng sẽ có thể không vững chắc và không thể tránh khỏi sụp đổ nếu không thể có
được sự thoả thuận giữa hai giai cấp ấy. Trong trường hợp đó thì việc… thảo
luận về sự vững chắc của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) của chúng ta đều là
vô ích… không có biện pháp nào có khả năng ngăn ngừa được sự chia rẽ”(14). Đó
là vấn đề V.I.Lênin coi là rất cơ bản, có thể là nguy cơ của tương lai.
Về
nhân sự cấp cao của Đảng, theo V.I.Lênin thì trước mắt là chống sự chia rẽ
trong các uỷ viên BCHTƯ mà nhân tố cơ bản là Xta-lin và Tơ-rốt-ki: “Theo tôi,
quan hệ giữa hai đồng chí ấy đã gây ra quá nửa nguy cơ chia rẽ… Đồng chí
Xta-lin sau khi trở thành Tổng Bí thư đã tập trung trong tay mình quyền hành
rộng lớn và tôi không chắc rằng đồng chí ấy lúc nào cũng biết sử dụng quyền hạn
ấy một cách thận trọng đúng mực.
…Nét
nổi bật của đồng chí Tơ-rốt-ki… không phải chỉ là những khả năng xuất sắc. Xét
về mặt cá nhân, có lẽ đồng chí ấy là người có năng lực nhất trong BCHTƯ hiện
nay, nhưng lại là người tự tin quá đáng và say mê quá mức mặt thuần tuý hành
chính của công việc.
Cá
tính ấy của hai lãnh tụ xuất sắc của BCHTƯ hiện nay có khả năng vô tình dẫn đến
sự chia rẽ, và nếu Đảng ta không có biện pháp ngăn chặn điều đó thì sự chia rẽ
có thể xảy ra lúc nào không biết”(15).
Ít
lâu sau, ngày 4-1-1923, V.I.Lênin lại gửi một bức thư bổ sung, nói rõ hơn về
trường hợp Xta-lin: “Xta-lin quá thô bạo, nhược điểm đó tuy hoàn toàn có thể
dung thứ được trong môi trường của chúng ta, trong quan hệ giữa những người
cộng sản, nhưng lại trở thành một nhược điểm không thể dung thứ được trong
cương vị Tổng Bí thư. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí nghĩ cách chuyển Xta-lin
khỏi cương vị đó và cử một người khác vào cương vị đó, một người mà về mọi
phương diện khác trội hơn đồng chí Xta-lin ở một điểm duy nhất, cụ thể là khoan
dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp hơn và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính
tình ít thất thường hơn…đó không phải là một điều nhỏ nhặt hoặc đó là một điều
nhỏ nhặt có thể có ý nghĩa quyết định”(16).
Nguyên
tắc tập trung dân chủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô bị vi phạm nghiêm trọng, tình
trạng quan liêu, bao cấp, tập trung chuyên chế ngày càng phổ biến. Tình trạng
tự diễn biến hoà bình trong thời gian dài làm cho Đảng ngày càng suy yếu, không
còn sức chiến đấu đến mức chỉ cần một mình Tổng Bí thư tuyên bố giải tán Đảng
Cộng sản Liên Xô là cả một đảng gồm hơn 20 triệu đảng viên bị đặt ra ngoài vòng
pháp luật. Liên Xô tan rã kéo theo sự sụp đổ cả hệ thống XHCN.
Nước
Nga, kế thừa các quyền lợi hợp pháp của Liên Xô, nhưng những thành tựu văn
hoá-đạo đức… gây dựng được sau 70 năm dưới chính quyền Xô-viết bị tàn phá nặng
nề. Một nhà văn nổi tiếng của nước Nga - Đ.Gran-nin đã viết trên Báo Văn học số
25 ngày 22 - 27-6-2011, đại ý rằng nếu như có thể đong đếm được số lượng hạnh
phúc trong nước, số lượng những người may mắn thì sẽ làm chúng ta giật mình bởi
số lượng những vùng miền, những tầng lớp, những con người riêng biệt được hạnh
phúc quả là rất ít ỏi.
Cách
mạng Tháng Mười và Liên bang Xô-viết đã cho chúng ta rất nhiều. Khi thắng lợi,
lúc thành công, Liên Xô đã cho chúng ta nguồn cảm hứng, thời cơ, vận hội, sự
giúp đỡ chí tình. Khi đổ vỡ, Liên Xô đã cho ta những bài học để tránh không
bước vào vết chân lầm lạc mà các bạn đã đi qua.
Tháng
Mười mùa thu vàng tươi, ấm áp. Những người Việt Nam hôm nay nhớ về Cách mạng Tháng
Mười Nga ân tình với một nỗi niềm Xô-viết nghĩ suy và hành động để hiện thực
hoá tư tưởng của V.I.Lênin vĩ đại: Chủ nghĩa cộng sản là bánh mì và hoa hồng
cho tất cả mọi người!
Tử
Nê
--------------
(1) V.I.Lênin toàn tập, tập 44, tr.274.
(2) Sđd, tr.181. (3) Sđd, tr.197. (4) Sđd, tr.198-199. (5) Sđd, tr.199. (6)
Sđd, tr.275. (7) Sđd, tr.276. (8) Sđd, tr.277. (9) Sđd, tr.205. (10) Hồ Chí
Minh toàn tập, NXBCTQG-ST, H.1996, tập 9, tr.287. (11) V.I.Lênin toàn tập, tập 44, tr.153. (12) Sđd,
tr.282. (13) Sđd, tập 54, tr.114. (14) Sđd, tập 45, tr.394. (15) Sđd, tr.395.
(16) Sđd, tr. 396-397.