Đảng ta là đạo đức

Đạo đức, theo ý nghĩa thông dụng là tập hợp những quan điểm, tư tưởng, tình cảm thể hiện ra ở hành vi của một giai cấp, tầng lớp, của một người, một tổ chức xã hội hay nghề nghiệp nhất định (đảng chính trị, cơ quan nhà nước, hội, đoàn...) đối với thế giới tự nhiên, xã hội, con người.

Có thể hiểu Đạo là quy luật xảy ra xung quanh ta, không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân; nó là những nhân tố khách quan quy định các mối quan hệ của con người với gia đình (cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cháu...); với học đường (thày trò, bè bạn...); với xã hội (công dân với nhà nước, đảng viên với Đảng, với đồng chí, đồng bào, đồng loại, với quốc gia, quốc tế) và con người với giới tự nhiên (môi trường, môi sinh, tài nguyên...).

Đức là sự hiểu đạo, là sự nắm vững và vận dụng quy luật, là cái chủ quan của con người khi ứng xử với thế giới khách quan. Đức thể hiện trình độ nhận thức, trước tiên là ở lời nói, ở thái độ, nhưng cuối cùng là ở hành động. Trình độ cao thì Đức dầy (đạo cao, đức trọng). Đức đi liền với hạnh (hành). Đức hạnh chính là năng lực, là hành động của con người, của tổ chức trước thế giới khách quan.

Mỗi một hình thái kinh tế-xã hội hình thành trên đó những kiểu đạo đức đặc thù của nó và cùng trong một xã hội, mỗi giai cấp, tầng lớp... xuất phát từ lợi ích của nó lại có một quan niệm khác nhau về đạo đức. Những giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại, tiêu biểu cho xu hướng phát triển tiến lên của nhân loại thường có nhận thức và hành vi đạo đức tiến bộ, có sức cảm hoá và chi phối chung đối với đạo đức xã hội đương thời. Đó chính là một thứ đạo đức mới, đạo đức của một giai cấp đại diện cho sức phát triển tiên tiến và đang có sứ mệnh dẫn đầu cuộc cải biến cách mạng và kiến tạo xã hội mới-xã hội không có người bóc lột người.

Đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức của giai cấp công nhân kết hợp nhuần nhuyễn với tinh hoa đạo đức truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, nó là sự thể hiện bản chất, tư cách, sứ mệnh cao cả và bổn phận của Đảng đối với nhân dân, Tổ quốc. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng ta là một đảng chân chính cách mạng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(1). Người còn nói: Đảng cũng ở trong xã hội mà ra và Đảng là do mỗi một đảng viên, do nhiều đảng viên kết lại mà thành. Vì vậy, mỗi một đảng viên trước hết phải là một công dân có đạo đức (đạo đức làm người, đạo đức công dân) đồng thời phải thấm nhuần đạo đức cách mạng bởi theo logic của sự phát triển thì người ta ai cũng vậy, trước tiên là phải biết làm việc, có biết làm việc thì mới biết làm người và có biết làm một người chân chính thì mới biết làm một đảng viên, cán bộ tốt, tức là biết làm một chiến sĩ cách mạng, một đảng viên của một Đảng chân chính cách mạng.

Về đạo đức công dân, Hồ Chí Minh nói ngắn gọn: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”(2). Khái niệm bổn phận có quan hệ chặt chẽ với khái niệm thân phận. Con người biết rõ được thân phận (cái tôi) của mình nhờ có sự phát triển về sinh lý, tâm lý và quan hệ xã hội. Cái tôi chỉ xuất hiện trong quan hệ với người khác, với cộng đồng (gia đình, dòng tộc, dân tộc, quốc gia...). Khi người ta tự ý thức được mình là ai, là thế nào và phải làm gì trong quan hệ ấy tức là lúc nó ý thức được bổn phận của mình. Ở đây Hồ Chí Minh muốn mỗi người Việt Nam, sau khi đã có chính quyền thì phải hiểu rằng thân phận của mình đã thay đổi từ là người nô lệ, mất nước trở thành người làm chủ đất nước nên phải có thái độ đúng trong quan hệ với Nhà nước của chính mình tức là ý thức về cái tôi - công dân, của một nước Việt Nam mới, một nước dân chủ cộng hoà. Mỗi công dân đều được hưởng quyền lợi của mình thì đồng thời cũng phải có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Đó là đạo đức công dân. Khái niệm bổn phận ở đây là để nhấn mạnh đến khía cạnh nghĩa vụ như là sự tất yếu của “cái tôi”, của đạo đức làm người, đạo đức công dân - một tất yếu của người làm chủ nước nhà.

Đạo đức công dân, theo Hồ Chí Minh, bao gồm:

    - Tuân theo pháp luật Nhà nước.

    - Tuân theo kỷ luật lao động.

    - Giữ gìn trật tự chung.

    - Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số lượng để xây dựng lợi ích chung.

    - Hăng hái tham gia công việc chung.

    - Bảo vệ tài sản công cộng.

    - Bảo vệ Tổ quốc (3).

Mỗi đảng viên trước hết phải là người có đạo đức công dân, gương mẫu làm tròn bổn phận công dân, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức cách mạng.

Đạo dức cách mạng là hệ thống các mối quan hệ cơ bản và nội dung của các mối quan hệ đó mà người đảng viên phải nhận thức và rèn luyện để ứng xử với bản thân, với tổ chức, với nhà nước, với nhân dân và với đồng chí, đồng bào. Tất cả mọi cán bộ, đảng viên dù làm công tác đảng hay công tác chính quyền, dù ở bất cứ cương vị nào đều do yêu cầu của cách mạng mà tổ chức phân công. Theo Hồ Chí Minh, dù là chủ tịch nước, uỷ viên các cấp bộ Đảng hay bộ trưởng cho đến nhân viên lái xe, quét rác... tất cả đều phải rèn luyện đạo đức cách mạng, đều phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

Hồ Chí Minh không bàn về đạo đức một cách hàn lâm như các nhà đạo đức học. Những phạm trù đạo đức cách mạng mà Người sử dụng đều chứa đựng một nội dung cách mạng và khoa học trên cơ sở những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu, phát triển những giá trị đạo đức cao đẹp của nhân loại. Với ý thức thực hiện một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức, tự mình nêu gương và đòi hỏi những ai đứng trong hàng ngũ cách mạng đều phải lấy đạo đức làm gốc, Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống quan điểm đạo đức mới mà Người gọi là đạo đức cách mạng. Có thể khẳng định rằng, toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển một ngành đạo đức mới - đạo đức cách mạng Việt Nam - mà Người vừa là tác giả sáng tạo lý thuyết, vừa là nhà thực hành mẫu mực. Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, đồng thời Người là biểu tượng cao đẹp nhất về đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về phạm trù “đạo đức”, Hồ Chí Minh đã rất chú trọng xác định nội hàm phổ biến của nó thể hiện ở cách dùng các từ có nghĩa tương đồng với nhau để diễn đạt sao cho dung dị, dễ hiểu, gắn liền với từng đối tượng cụ thể. Lúc đầu Người dùng khái niệm tư cách”. Năm 1925, khi viết cuốn “Đường kách mệnh” (xuất bản năm1927), cuốn sách mở lòng cho các cán bộ lớp đầu tiên của Đảng, Người dành hẳn một chương viết về “Tư cách một người cách mệnh”. Đến năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người dùng cả hai khái niệm "Tư cách"‘"Đạo đức” với nội dung cơ bản giống nhau. Có khi Người lại nói “đạo đức cách mạng” là những” tính tốt bao gồm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư hoặc nhân, nghĩa, trí dũng, liêm... Khi khuyên dạy các đối tượng như du kích, bộ đội, công an... Người thường dùng khái niệm tư cách như “tư cách đội viên du kích”, “tư cách người công an cách mạng”. Lại có khi Người dùng khái niệm nhân cáchcũng với ý nghĩa như “tư cách” hoặc “đạo đức”. Ví dụ “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá thì phải luôn luôn thực hành bốn chữ…: cần kiệm, liêm chính”(4). Đến tháng 12-1958, Người cho in một chuyên luận trên Tạp chí Học tập (bút danh: Trần Lực) với tựa đề: “Đạo đức cách mạng”. Có thể nói, ở tác phẩm này, Hồ Chí Minh đã nêu ra một cách đầy đủ, hoàn chỉnh, chính xác nhất về quan điểm đạo đức cách mạng.

 Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và biểu hiện của đạo đức cách mạng

- “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”(5).

 - “Có đạo đức cách mạng thì gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá. Đó cũng là những biểu hiện của đạo đức cách mạng”(6).

Về hệ thống các phạm trù đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh không chú trọng lập ngôn, hầu như Người dùng lại tất cả những khái niệm, phạm trù đã có trong học thuyết Đức trị của Nho giáo như: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhân, nghĩa, tín, trí, dũng... Nhưng cái đặc sắc của Hồ Chí Minh là ở chỗ không những Người biết tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa văn hoá, đạo đức Nho giáo mà Người còn loại bỏ những nội dung hẹp hòi, lỗi thời và đưa vào những phạm trù nói trên các nội dung hoàn toàn mới, phù hợp với thời đại mới. Có thể thấy rõ Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về đạo đức, Người đã biến đổi, phát triển, thay thế tư tưởng đạo đức Nho giáo truyền thống thành đạo đức cách mạng.

Trong hệ thống các phạm trù đạo đức cách mạng thì phạm trù xuất phát Trung thành. Xưa là trung với vua, trung thành nhiều khi mù quáng. Một thứ ngu trung mang nặng ý thức hệ phong kiến, coi sơn hà, xã tắc là của vua nên trung quân được coi là ái quốc. Với Hồ Chí Minh thì lòng trung thành tuyệt đối là trung với  nước, với Tổ quốc và nhân dân. Lòng trung thành với Đảng cũng chính bởi Đảng đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết, trung thành với Đảng là bởi vì Đảng trung thành với nhân dân. Trung thành đi kèm với xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, lấy nhân dân làm mục tiêu quyết định, chi phối mọi hành động. Lòng trung thành được thử thách rõ ràng nhất khi Tổ quốc bị xâm lăng thì dám hy sinh chiến đấu đánh đuổi bọn cướp nước và bọn tay sai bán nước để giành và giữ vững chủ quyền quốc gia. Lòng trung thành còn phải thể hiện ở tinh thần lao động sáng tạo xây dựng đất nước giàu mạnh và còn ở sự dũng cảm đấu tranh chống lại mọi bất công, tàn bạo, các biểu hiện quan liêu, tham nhũng trong bộ máy chính quyền.

Theo Hồ Chí Minh, lòng trung thành - với nội hàm như trên - phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và chi phối toàn bộ hệ thống quan điểm đạo đức cách mạng. Ví dụ, khi nói về phạm trù “liêm” Người đã phân tích như sau:

“Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan, không đục khoét dân gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp…

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hoà, chữ liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải liêm... Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”(7).

Theo Hồ Chí Minh những biểu hiện dưới đây đều là bất liêm:

“Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư.

Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian, bán lậu, chợ đen, chợ đỏ, tích trữ đầu cơ.

Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu, bóp họng đồng bào.

Người cày ruộng, không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng.

Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào.

Người cờ bạc chỉ mong xoay của người làm của mình.

Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).

Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm là tham vật uý lao (tham vật chất, sợ lao động, ngại khó - TĐH chú thích).

Gặp giặc mà rút ra, không giám đánh là tham sinh uý tử (tham sống sợ chết; hèn, TĐH chú thích)(8).

Hồ Chí Minh đã kết luận như sau: “Do bất liêm mà đi đến tội trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp... Cụ Khổng Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Để thực hiện chữ liêm cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên.

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vị tư”.

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”(9).

Khi phân tích về chữ liêm, Hồ Chí Minh bao giờ cũng lưu ý đến ba điều cốt yếu sau đây: Một là, vai trò của nhân dân và trình độ của nhân dân trong việc làm cho bộ máy lãnh đạo, quản lý thật liêm khiết. “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan dù không liêm cũng phải hoá ra liêm. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm"(10). Hai là, vai trò của luật pháp. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì"(11). Ba là, liêm luôn đi cùng với xỉ (xấu hổ). Xấu hổ là một đặc điểm thuộc bản tính người. Người biết xấu hổ thì là người có lòng tự trọng cao, là người có sức mạnh nội tâm để giữ cho bản thân tránh tham lam, tội lỗi: “Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, có tội với dân"(12). Muốn có đạo đức cách mạng thì, như Hồ Chí Minh đã căn dặn, mọi người từ cán bộ đảng viên cấp cao xuống đến cơ sở đều phải kiên quyết chống kẻ thù bên trong là chủ nghĩa cá nhân, đồng thời phải nghiêm khắc với bản thân mà suốt đời tu dưỡng rèn luyện để xứng đáng với tư cách là đảng viên của một đảng chân chính cách mạng.

                                                           

Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng được nhân dân tin yêu, quý trọng không chỉ vì những thành tựu vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Đảng đã mang lai cho dân tộc, mà còn vì Đảng, tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh, đã là một biểu tượng cao đẹp nhất của một kiểu đạo đức mới-đạo đức vì dân, trung với nước, hiếu với dân. Chúng ta, có thể mượn câu nói bất hủ sau đây của Nguyễn Ái Quốc khi Người nói về Lênin để hiểu rõ về một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm nên uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân ta: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thày, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”(13). Đảng Cộng sản Việt Nam được suy tôn là Đảng của nhân dân các dân tộc Việt Nam vì, trước hết, Đảng ta là đạo đức.

 

(1, 7, 8, 9, 10, 11, 12) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2020, T 5, Tr 249, 240, 241.

(2, 3, 4) sđd, tập 7, tr.452, 347.

(5, 6) sđd, tập 9, tr.284.

(13) sđd, tập 1, tr.295.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất