Đi tiếp những mùa Xuân

Ai về thăm quê hương tôi nơi biên cương... là đây

Có đường đi trên mây lên tới cổng trời

Đây Hà Giang đây Hà Giang quê chúng tôi...

Khắp vùng cao giờ đây đang đổi mới.

Vâng... Đó là tiếng hát ngợi ca sự đổi thay của 22 dân tộc anh em trên vùng quê biên giới Hà Giang, mảnh đất địa đầu phía Bắc Tổ quốc.

Năm 2009, phát huy truyền thống đoàn kết, với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, với những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã giành được những thành tựu tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao đạt 13,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,64%, giảm 7% so với năm 2008; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục có tiến bộ rõ nét trên nhiều mặt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Nhờ đó đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2005-2010. Thành tựu đổi mới cũng chính là hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo lấy xây dựng, củng cố, chỉnh đốn các TCCSĐ, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên là vấn đề then chốt của công tác xây dựng đảng. Thực hiện chủ trương đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cùng Huyện uỷ Đồng Văn chỉ đạo Đảng bộ xã Sủng Là làm điểm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và các tổ chức trong hệ thống chính trị” để từ đó tổng kết làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Kết quả và thực tiễn từ Sủng Là đã giúp các cấp uỷ kinh nghiệm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng cao. Các cấp uỷ đã tập trung rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chính trị và nâng cao nhận thức cho đảng viên. Việc xây dựng và bổ sung quy chế làm việc của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể được gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và cách thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp với thực tiễn ở cơ sở vùng cao. Đổi mới, chỉnh đốn đảng gắn với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên đã đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể. Hà Giang đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng lãnh đạo của các chi bộ thôn, bản. Các cấp uỷ vừa quan tâm kiện toàn tổ chức, giữ vững chế độ sinh hoạt, vừa hướng dẫn nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ đã ban hành cuốn “Sổ tay bí thư chi bộ” hướng dẫn cách thức làm việc của bí thư chi bộ, ban chi uỷ; cách tổ chức và nội dung sinh hoạt chi bộ, đại hội chi bộ; các mẫu làm báo cáo, ghi biên bản, nghị quyết của chi bộ... Đây thực sự là cẩm nang để bí thư các chi bộ thôn, bản sử dụng trong công tác.

Một số huyện uỷ còn tổ chức thi bí thư chi bộ, đảng bộ giỏi. Qua hội thi đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ bí thư chi, đảng bộ cơ sở. Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra và phân công lãnh đạo, chuyên viên các phòng nghiệp vụ bám sát cơ sở kiểm tra, giám sát chế độ sinh hoạt đảng đối với cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở, dự sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, qua đó uốn nắn, hướng dẫn việc lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, của bí thư chi bộ, đồng thời giới thiệu những kinh nghiệm, những cách làm hay của cơ sở... Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của cấp uỷ, tổ chức đảng, của chi bộ trực thuộc đảng uỷ được nâng lên rõ rệt; việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả hơn, tác động mạnh mẽ hơn đến chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác phát triển đảng viên, kiện toàn cấp uỷ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực sự có những chuyển biến tích cực. Năm 2009, Đảng bộ Hà Giang đã kết nạp được 3.158 đảng viên, đưa tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 46.466 đồng chí (chiếm 6,5% dân số) sinh hoạt trong 871 TCCSĐ. Các cấp uỷ cũng đã kiện toàn bổ sung 292 cấp uỷ viên các cấp.

Trong năm, tỉnh đã đưa 951 cán bộ cơ sở đi học văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước (có 334 đồng chí đang học đại học nông, lâm nghiệp và kinh tế, 126 đồng chí học trung cấp luật, địa chính). Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã gắn với bố trí, sử dụng. Tỉnh tiếp tục thực hiện luân chuyển 47 cán bộ chủ chốt là bí thư, chủ tịch UBND, xã đội trưởng, trưởng công an xã, thị trấn lên huyện và luân chuyển 23 cán bộ huyện về đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo xã, luân chuyển ngang 18 đồng chí bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND giữa các xã nhằm từng bước thực hiện bố trí chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND không phải là người địa phương; thực hiện việc bố trí cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn theo hướng đa địa phương, đa dân tộc, bảo đảm có 30% là người địa phương khác. Việc đó vừa tạo điều kiện cho cán bộ tại chỗ đi học nâng cao trình độ, vừa khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ... Để tạo nguồn cán bộ trẻ, tỉnh tiếp tục tuyển hợp đồng 131 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng các ngành kinh tế, luật về công tác tại các xã trong tỉnh.

Tuy nhiên, không phải như vậy công tác xây dựng, củng cố cơ sở đảng của Hà Giang không còn những khó khăn, trở ngại. Đội ngũ cấp uỷ cơ sở, bí thư chi bộ thôn và đội ngũ đảng viên ở những xã đặc biệt khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa trình độ nhận thức, văn hoá, chuyên môn, chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đã hạn chế vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, vai trò đầu tầu, gương mẫu của người đảng viên trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương nghị quyết của Đảng ngay từ cơ sở.

Từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ Hà Giang có thể khẳng định về bài học thành công năm 2009 chính là: ở một tỉnh vùng cao biên giới, phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với tăng cường an ninh-quốc phòng; phải đồng thời với nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, phải đặc biệt chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn TCCSĐ, bắt đầu từ các chi bộ thôn, bản gắn liền nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới, chỉnh đốn TCCSĐ phải gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách cụ thể, thiết thực.

Một mùa xuân nữa lại về với Hà Giang mến yêu. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc anh em trong tỉnh từ đồng bào Mông, Dao, Kinh đến đồng bào Tày, Nùng, Hoa lại cùng nhau chào đón mùa xuân mới-Xuân Canh Dần-2010 với một sức sống mới, sự bứt phá mới, vượt lên những thách thức, những khó khăn, hạn chế, tiếp tục đạt những thành công mới, mở đường đi tiếp những mùa xuân.

Nguyễn Hữu Tài

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất