Một
mùa xuân nữa lại đang đến. Xuân đất trời hòa với xuân lòng người. Thêm một năm
Ban Tổ chức Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2009 là năm có
nhiều đề án về tổ chức, cán bộ do Ban chủ trì, đề xuất, nghiên cứu, ban hành,
thực hiện. Nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn mới ban hành đòi hỏi chuyên viên
địa phương vừa nghiên cứu tham gia khảo sát, tham mưu, đề xuất khi xây dựng,
vừa nắm bắt khi triển khai thực hiện. Bằng những nỗ lực phấn đấu, phát huy tính
chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao, 7 nhiệm vụ trọng tâm được lãnh
đạo Ban giao năm 2009 và các nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất trong năm đã
được Vụ Địa phương 3 triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu
cầu về lãnh đạo, chỉ đạo của Ban. Vụ đã phối hợp với các vụ, đơn vị trong Ban
làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực
hiện các chủ trương, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ cơ sở, đảng viên,
bảo vệ chính trị nội bộ; giúp Ban nắm tình hình và đề xuất nhận xét, đánh giá,
bố trí đội ngũ cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang công tác ở các
tỉnh, thành ủy phía Nam. Đôn đốc các tỉnh, thành ủy làm tốt công tác rà soát,
bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 3, chuẩn bị một bước nhân sự cấp ủy và các
chức danh chủ chốt cho đại hội đảng bộ các cấp. Công tác xây dựng nội bộ được
chú trọng và có bước đổi mới, nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí được tăng cường.
Vụ
3 đã theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành ủy trong khu vực triển khai và thực hiện
công tác quy hoạch cán bộ theo Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ
Chính trị. Công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 theo Nghị quyết số 42 ở
các tỉnh, thành ủy phía Nam đã hoàn thành giai đoạn A2. Số lượng uỷ viên ban
chấp hành, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt đều đạt hệ số cần thiết (ban
chấp hành từ 1,8 lần, ban thường vụ từ 1,4 lần trở lên; các chức danh chủ chốt
có từ 2 người trở lên dự nguồn). Đến nay, nhiều tỉnh, thành ủy đã triển khai
hoặc xây dựng đề án rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn A3 theo Hướng
dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008 của Ban Tổ chức Trung ương và theo tinh thần
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp.
Cơ cấu về độ tuổi, trẻ, nữ, dân tộc, bảo đảm tính kế thừa trong quy hoạch có
tiến bộ hơn so với trước. Chuyên viên Vụ tích cực đeo bám địa bàn đôn đốc và
hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện tốt quy hoạch cán bộ giai đoạn A3, đồng
thời tham mưu cho lãnh đạo Ban thẩm định và đề xuất xác nhận quy hoạch cán bộ
diện Trung ương quản lý.
Vụ
đã giúp lãnh đạo Ban theo dõi, đề xuất nhận xét, đánh giá đội ngũ cán bộ diện
Trung ương quản lý và cán bộ Trung ương luân chuyển đang công tác ở các tỉnh,
thành khu vực phía Nam. Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang công
tác ở các tỉnh, thành ủy phía Nam hiện có 84 đồng chí, gồm 22 bí thư tỉnh,
thành ủy là ủy viên Trung ương khóa X (trong đó có 15 đồng chí kiêm chủ tịch
HĐND tỉnh); 22 đồng chí phó bí thư-chủ tịch UBND; 5 đồng chí chủ tịch HĐND
chuyên trách; 22 đồng chí phó bí thư thường trực; 5 đồng chí phó bí thư phụ
trách xây dựng cơ sở đảng, 8 đồng chí là ủy viên Trung ương dự khuyết. Theo Quy
định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương tập thể
lãnh đạo Vụ và chuyên viên theo dõi địa phương đã hoàn thành việc đề xuất nhận
xét, đánh giá cán bộ năm 2008, đang tiến hành đề xuất, nhận xét, đánh giá cán
bộ lãnh đạo, quản lý năm 2009 gắn với kiểm điểm cuối nhiệm kỳ. Trong năm
2008-2009, số cán bộ do Trung ương luân chuyển về các tỉnh, thành ủy khu vực
phía Nam là 14 đồng chí; trong đó có 4 đồng chí thứ trưởng và tương đương; 7
đồng chí vụ trưởng và tương đương; 3 đồng chí cấp phó vụ trưởng. Cán bộ Trung
ương luân chuyển về các địa phương được bố trí giữ chức vụ tương xứng với năng
lực (1 đồng chí giữ chức phó bí thư-chủ tịch UBND tỉnh; 2 đồng chí giữ chức phó
bí thư phụ trách xây dựng cơ sở đảng và 11 đồng chí giữ chức tỉnh ủy viên,
trong đó có 2 đồng chí là uỷ viên ban thường vụ-phó chủ tịch UBND tỉnh, thành
phố). Vụ tích cực góp phần với Ban tổ chức Hội nghị cán bộ luân chuyển toàn
quốc tại Lâm Đồng.
Vụ
theo dõi sát việc thí điểm thực hiện những chủ trương mới của Trung ương ở các
tỉnh, thành phố trong khu vực. Việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy
đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND được Vụ theo
dõi và báo cáo kịp thời tiến độ triển khai thực hiện để lãnh đạo Ban chỉ đạo
sát tình hình, xử lý đúng những vấn đề nảy sinh. Đến nay, các tỉnh, thành ủy
khu vực phía Nam đã triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương
của Bộ Chính trị và cơ bản hoàn thành trong năm 2009. Ngoài 3 đơn vị làm thí
điểm của Trung ương (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang) mỗi tỉnh,
thành ủy khu vực phía Nam chọn và chỉ đạo thí điểm từ 3 đến 5 đảng bộ, chi bộ
cơ sở xã, thị trấn; một số tỉnh như Bến Tre, Long An, Đồng Nai chọn từ 8 đến 10
đơn vị để chỉ đạo thực hiện thí điểm. Đa số đảng bộ được chọn thực hiện thí
điểm là đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Cá biệt, Đảng bộ xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền
Giang) là đơn vị cơ sở yếu kém vươn lên. Cán bộ được chọn bố trí vào chức danh
bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đều đạt yêu cầu về tiêu chuẩn. Thực hiện thí
điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là cách làm
mới, thời gian thực hiện còn ngắn, chưa thể đánh giá một cách đầy đủ và chính
xác về mô hình này. Bước đầu có thể ghi nhận các ưu điểm như: Cán bộ đảm nhiệm
khá tốt nhiệm vụ của hai chức danh (bí thư-chủ tịch), giữ được nguyên tắc tập
trung dân chủ, nội bộ đoàn kết, bộ máy “vận hành” tốt, điều hành các mặt công
tác tại địa phương nhanh, nhạy, kịp thời hơn, phương pháp làm việc có cải tiến,
công sở một số nơi thực hiện thí điểm có đầu tư trang thiết bị, nền nếp và sạch
đẹp hơn. Trách nhiệm người đứng đầu (bí thư đồng thời là chủ tịch UBND) cơ bản
thuận lợi do trực tiếp tiếp thu chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền
cấp trên nên kịp thời vận dụng đề ra những giải pháp cụ thể và pháp lý hóa về
mặt nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong công việc quyết đoán, xử lý
nhanh, nhạy, hiệu quả hơn (quyền hạn được tập trung hơn, do yêu cầu nên đòi hỏi
có tầm bao quát hơn nên việc xử lý tình huống quyết đoán hơn; không có việc có
thể đùn đẩy trách nhiệm nên trách nhiệm người đứng đầu rõ hơn). Tuy nhiên, bên
cạnh những mặt đạt được, bước đầu cũng còn bộc lộ một số khó khăn, những hạn
chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm như sau: Một số nơi
đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND vẫn còn lúng túng, bị động trong
giải quyết công việc, do yêu cầu phát triển nên áp lực công việc nhiều, phải
tập trung nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội, ít đầu tư
cho công tác chính trị, tư tưởng và công tác tổ chức xây dựng đảng của đảng bộ.
Do chưa có hướng dẫn quy chế mẫu và thực tiễn không nhiều nên việc xây dựng quy
chế hoạt động một vài nơi còn lúng túng, thiếu căn cứ vào điều kiện cụ thể của
địa phương, chưa xác định rạch ròi giữa cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu
của tổ chức này và mối quan hệ lãnh đạo, điều hành đối với các tổ chức trong hệ
thống chính trị. Một số nơi chưa chú trọng việc kiện toàn đồng bộ hệ thống
chính trị cấp xã, phường, thị trấn với thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức
danh bí thư-chủ tịch (nhất là chức trách của các đồng chí là phó cấp ủy đảng,
phó tổ chức nhà nước phải được xác định và điều chỉnh hợp lý, kịp thời) nhằm
giảm áp lực công việc đối với đồng chí bí thư-chủ tịch để ít phải thường xuyên
làm ngoài giờ, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống. Một số tỉnh, việc tổ chức thực
hiện đạt tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch đề ra. Có một vài tỉnh có kế hoạch
nhưng chưa tổ chức thí điểm.
Đối
với việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban
thường vụ, bí thư, phó bí thư, Vụ đã theo dõi, nắm sát số đơn vị chọn thực hiện
thí điểm ở các tỉnh, thành ủy trong khu vực. Đến nay, các tỉnh, thành ủy phần
đông đã xây dựng và hoàn thành kế hoạch chỉ đạo; hướng dẫn thực hiện thí điểm,
đồng thời xác định đơn vị chọn điểm để chỉ đạo thực hiện. Số đảng bộ cơ sở chọn
và chỉ đạo thực hiện thí điểm của mỗi tỉnh, thành ủy đạt tỷ lệ từ 5 đến 7% đại
diện cho các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Ngoài ra, mỗi tỉnh, thành ủy cũng đã
chọn 2 đến 3 đảng bộ cấp trên cơ sở để chỉ đạo thí điểm đại hội đảng bộ trực
tiếp bầu bí thư.
Nắm
chắc tình hình các tỉnh, thành ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày
4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm của Vụ. Sau Hội nghị
triển khai Chỉ thị số 37 tại Nha Trang do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, các
tỉnh, thành ủy đã tổ chức thực hiện, lập các tiểu ban và chuẩn bị dự thảo đề
cương các nội dung theo hướng dẫn của Trung ương. Đến nay, các tỉnh, thành ủy
đã ban hành chỉ thị, kế hoạch về đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở
nhiệm kỳ 2010-2015. Ban tổ chức các tỉnh, thành ủy hướng dẫn công tác nhân sự
đại hội và giúp cấp ủy tỉnh, thành rà soát, bổ sung, xác nhận quy hoạch cấp ủy
trực thuộc theo tinh thần Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW.
Có
được những kết quả trên là do ban chấp hành đảng bộ các tỉnh, thành phố tích
cực, thống nhất ý chí và hành động; sự tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu
quả của ban tổ chức các tỉnh, thành ủy. Đồng thời các ban xây dựng đảng của
Trung ương, nhất là Ban Tổ chức Trung ương, trực tiếp là các vụ địa phương phía
Nam theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc sát sao, kịp thời.
Năm
Canh Dần-2010, năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XI của
Đảng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc thực hiện nhiệm vụ Ban giao. Với chức
năng theo dõi công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác cán bộ ở các tỉnh, thành
phố phía Nam, Vụ Địa phương 3 tiếp tục bám chắc chương trình, kế hoạch công tác
và sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công
tác của Vụ; tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, giữ
vững kỷ luật, kỷ cương; cán bộ, công chức trong Vụ, khắc phục mọi khó khăn, nỗ
lực phấn đấu, tận tụy, tích cực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trần
Trung Trực
Vụ
trưởng Vụ Địa phương III