Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói:
“....Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no”.
Trong hai bài trước chúng tôi đã trình bày một số nhận thức của mình về: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Ở bài này chúng tôi xin trình bày mấy suy nghĩ về “Đảng ta... là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no”.
Nói Đảng là đạo đức là muốn nói rõ tư cách, bản chất chân chính cách mạng, lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói Đảng là văn minh là muốn nói trình độ cao về văn hoá, năng lực trí tuệ, tính tiền phong về lý luận, sự trong sạch về tổ chức và khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam đấu tranh chống lại bạo tàn, chống lại cuộc sống mất nhân tính. Từ trước Đảng đã như thế, ngày nay Đảng lại càng phải rèn luyện để tiếp tục được như thế. Nói Đảng là đạo đức và văn minh nghĩa là Đảng phải thể hiện ra hành động, ở những bước tiến trên thực tiễn để hiện thực hoá cương lĩnh chính trị mà Đảng đã đề ra. Còn nói: “Đảng...: là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no” là chỉ rõ mục tiêu lý tưởng và nhiệm vụ mà Đảng phải hy sinh, chiến đấu để thực hiện.
Tư tưởng thống nhất, độc lập, hoà bình của Hồ Chí Minh là nhất quán. Trước hết phải thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong nội bộ Đảng. Để chuẩn bị cho sự nghiệp lớn của Đảng và dân tộc, Hồ Chí Minh đã mở lớp huấn luyện, giảng dạy về lý luận và phương pháp cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên vào những năm 20 của thế kỷ trước. Những bài giảng đó có tên chung là Đường cách mệnh. Theo Người, trước hết Đảng phải có lý luận tiền phong để làm tròn nhiệm vụ của Đảng tiên phong. Đảng phải có chủ nghĩa. Trong Đảng ai cũng phải hiểu và tin theo chủ nghĩa ấy. Một vấn đề cơ bản nhất là Đảng phải thống nhất trên cơ sở cùng nhận thức được chân lý, cùng tin theo một học thuyết cách mạng và khoa học. Nhận thức lý luận là tự giác. Chân lý khoa học là khách quan. Không thể có sự áp đặt chân lý. Không thể chỉ có “nhiệt tình xông lên” mà lại thiếu hiểu biết, thiếu lý luận soi đường ví như người đi đêm không có ánh đuốc chiếu sáng. Nhưng làm cách mạng tất nhiên là phải có trái tim, có nhiệt tình sôi nổi được dẫn dắt bởi một lý trí sáng suốt. Thống nhất về lý tưởng, cùng tin theo một chủ nghĩa khoa học là điều căn cốt nhất của Đảng chân chính cách mạng. Thống nhất giữa lý trí sáng suốt và tình cảm sôi nổi là bản lĩnh cần có của mỗi đảng viên. Hồ Chí Minh từng nói những người cộng sản Việt Nam phải có 3 chữ “đồng” là: “đồng chí” (cùng chí hướng), “đồng tâm” (một lòng, hiệp lực, chung lòng cứu nước) và “đồng tình” (cùng giống nhau ở tình cảm yêu nước, yêu đồng bào và ghét bất công tàn bạo). Theo Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn kết với thực tiễn, soi sáng cho thực tiễn và từ thực tiễn mà kiểm chứng nhận thức lý luận của mình. Dưới ánh sáng của chân lý khoa học và phép biện chứng duy vật mà nhận định về tình hình đất nước trong bối cảnh quốc tế ở từng giai đoạn cụ thể. Đây là vấn đề rất khó, thường có sự nhận thức khác nhau, có đúng, có sai, tuỳ nhãn quan chính trị, sự hiểu biết, năng lực trí tuệ và trải nghiệm của mỗi người. Do vậy dễ phát sinh mâu thuẫn, dễ có những nhận định, đánh giá tình hình đi tới việc đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ, các quyết sách khác nhau. Đây là khâu không dễ dàng để có ngay sự thống nhất cao trong toàn Đảng. Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ dẫn quan trọng thông qua cách ứng xử của bản thân Người trong mối quan hệ với các đồng chí khác khi giải quyết các công việc của Đảng. Đó là dân chủ thảo luận, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, thật thà trên tinh thần đồng chí, là sự lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng ý kiến của nhau và chờ đợi nhau. Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời về tôn trọng ý kiến tập thể nhưng biết bảo lưu những ý kiến mà mình cho là đúng đắn, biết giúp đỡ đồng chí nâng cao trình độ lý luận và thâm nhập thực tế, lấy thực tiễn để kiểm tra chân lý, từ đó mà cảm hoá, thuyết phục nhau đi tới sự nhất trí cao trong Đảng về đường lối chiến lược cũng như sách lược cách mạng. Các văn bản vắn tắt do Hồ Chí Minh soạn thảo đã được Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930) nhất trí thông qua chính là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta (theo tôi nên gọi các văn bản đó là Cương lĩnh tháng 2 để phân biệt với các Cương lĩnh sau này). Trên thực tế, tinh thần chung của Cương lĩnh đó đã phải trải qua thử thách khắc nghiệt của cuộc đấu tranh anh dũng và hy sinh của nhiều đồng chí, đồng bào cho mãi đến năm 1941 tại Hội nghị TƯ lần thứ 8 do tình hình trong nước và thế giới biến đổi to lớn, thuận lợi nên mới tạo ra được sự nhất trí cao trong toàn Đảng và được toàn dân hưởng ứng đưa tới bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước nhà. Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp theo là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm suốt 30 năm đưa tới kết thúc hoàn toàn thắng lợi đã chứng minh hùng hồn sự thống nhất trong toàn Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Sự thống nhất ấy cũng chứng tỏ đường lối của Đảng ta luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ và chỉ có độc lập, tự chủ chúng ta mới có sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức để đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi. Bài học về sự thống nhất, độc lập, tự chủ về đường lối, về chủ trương chiến lược là bài học có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Thống nhất, độc lập, tự chủ của Đảng là nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc làm cho nước nhà độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Và chỉ có mục tiêu ấy mới làm cho Đảng cùng dân tộc thống nhất ý chí và hành động. Chất keo kết dính tất cả mọi người Việt Nam trong Đảng cũng như ngoài Đảng, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu lý tưởng, là khát vọng của Đảng và cùa nhân dân ta. Đó là cơ sở để đoàn kết thống nhất trong Đảng, là cái tạo nên sức mạnh của ý chí độc lập tự chủ, tự quyết định về dường lối để “dù ai nói ngả, nói nghiêng”, dù ai “nói ngon, nói ngọt” hay trước mọi áp lực khách quan Đảng ta vẫn vững vàng chủ động chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà trước những bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Và chính sự thống nhất, độc lập trong Đảng mới đưa cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ vì đọc lập, thống nhất đất nước đến toàn thắng. Chính vì vậy Đảng ta là biểu tượng chân chính của ngọn cờ thống nhất, độc lập của nhân dân ta trong suốt 80 năm qua. Thời thế đã đổi thay nhưng tư tưởng về thống nhất, độc lập, tự chủ vẫn còn nguyên giá trị, nó vẫn đang có ý nghĩa soi sáng cho các quyết sách chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Thống nhất trong Đảng về ý chí, chủ trương và hành động; độc lập, tự chủ trong quyết sách chiến lược; linh hoạt nhưng giữ vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là bản lĩnh của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại… Ngày nay Đảng đang tiếp tục truyền thống của 80 năm đã qua để giữ vững quan điểm độc lập tự chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, vùng biển, rừng cao, suối sâu, đất đai, tài nguyên, khoáng sản của cha ông ta muôn đời trước đã đổ biết bao máu xương công sức để lại cho chúng ta ngày nay. Giữ vững chủ quyền quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng đời đời của các thế hệ con dân nước Việt, là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một Đảng chân chính cách mạng, một đảng luôn tự hào là đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, hoà bình và ấm no là nguyện vọng chính đáng và là khát vọng muôn đời của nhân dân ta. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đã dẫn dắt dân tộc từng bước biến mơ ước hoà bình, ấm no ngàn đời của nhân dân ta thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nối kinh nghiệm của tổ tiên ta, Người đã nêu gương sáng về sự cứng rắn trong nguyên tắc, mềm dẻo trong sách lược, về tính cương nhu trong ứng xử để giữ vững hoà bình trong độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Độc lập-tự do-hạnh phúc, tiêu ngữ ấy do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng từ buổi đầu dựng nền dân chủ cộng hoà tới nay vẫn đang dẫn dắt dân tộc ta hướng tới tương lai, trong đó hiện hữu một nước Việt Nam tự chủ, toàn vẹn cõi bờ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh bước tiến lên cùng nhân loại.
Trần Đình Huỳnh