Nhiều nhà khoa học đã có những định nghĩa khác nhau về văn minh. Chúng tôi xin dẫn ra dưới đây một số định nghĩa đã được ghi trong Từ điển để chúng ta tham khảo giúp cho việc tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh khi nói: Đảng là văn minh.
Từ điển Chính trị do Nxb Tiến bộ (M) và Nxb Sự thật (H) đồng ấn hành năm 1988 ghi: Văn minh có 3 cách hiểu như sau:
- Đồng nghĩa với văn hoá;
- Trình độ, giai đoạn phát triển của nền văn hoá vật chất và tinh thần (văn minh cổ đại, văn minh hiện đại).
- Giai đoạn phát triển xã hội sau thời đại dã man.
Từ điển Từ và ngữ Hán Việt của GS. Nguyễn Lân do Nxb Văn học, H. ấn hành năm 2007 cũng ghi 3 cách hiểu:
- Trình độ phát triển khá cao của nền văn hoá về tinh thần và vật chất trong xã hội loài người: “Văn hoá súc tích, tiên tiến tới một mức nào đó mới thành văn minh” (Trường Chinh).
- Cuộc sống cao đẹp đã xa thời dã man, mông muội: Trên đất nước ta đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo tàn (Hồ Chí Minh).
- Có trình độ văn hoá cao: Chúng ta sẽ xây lên một cuộc đời hoàn toàn mới, một xã hội phồn vinh, văn minh, hiện đại (Lê Duẩn).
Từ “văn minh”(civilization) xuất hiện đầu tiên ở Pháp vào thế kỷ 18 nói lên niềm tin và khát vọng của con người vào tiến bộ xã hội. Sau đó dùng để chỉ những loại hình xã hội khác nhau kể từ khi con ngưởi ra khỏi thời tiền sử, đặc biệt để chỉ những nền văn minh cổ đại (Hy Lạp, Lưỡng Hà, Trung Hoa...). Từ văn minh cũng được đế quốc, thực dân dùng làm vũ khí chính trị che dấu mục đích xâm lược các thuộc địa dưới chiêu bài đi “khai hoá văn minh” cho các nước thuộc địa. Văn minh là một khái niệm động, nhiều nhà nghiên cứu đã ví văn minh như một cơ thể sống. Về đại thể, người ta cho rằng loài người đã trải qua ba giại đoạn văn minh chủ yếu: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng giai đoạn văn minh nào cũng bao hàm ba yếu tố: tự nhiên, kỹ thuật, con người nhưng mỗi giai đoạn văn minh lấy một trong ba yếu tố làm gốc, làm trục chính.
Sự bàn luận vẫn đang còn tiếp tục. Theo chúng tôi, trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, khi Người nói Đảng ta là văn minh thì không nên quá sa đà vào việc tranh luận có tính chất ngữ nghĩa mà cách tốt nhất là nên tôn trọng sự tồn tại các định nghĩa của khái niệm văn minh, nhưng quan trọng là xác đỉnh rõ nội hàm của nó và dụng ý của tác giả trong những văn cảnh khác nhau.
Chúng tôi nghĩ rằng câu nói của Hồ Chí Minh “Đảng ta là văn minh” có thể bao gồm một số nội dung sau đây:
- Đảng ta là văn minh bởi vì ở thời điểm khó khăn, đen tối, bế tắc nhất của xã hội Việt Nam (đầu thế kỷ 20), Đảng đã ra đời với tư cách là tổ chức chính trị tiền tiến có tính vượt trội (văn minh) so với mọi tổ chức chính trị đã xuất hiện trong cùng thời kỳ đó. Nó là con đẻ của sự vận động lịch sử và sự xuất hiện của bản thân nó chính là để đáp ứng yêu cầu khách quan, tất yếu của lịch sử dân tộc, gánh vác sứ mệnh dẫn dắt nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh tự giải phóng cho mình khỏi cuộc đời nô lệ, khỏi mọi ách áp bức, bất công và tàn bạo, giành lấy chủ quyền. Đảng tự nguyện nhận làm bộ tham mưu tối cao và đội tiền phong dũng cảm trong cuộc đấu tranh ấy của nhân dân.
- Đảng ta là văn minh bởi vì nó là một tổ chức chính trị chân chính, trung thực, trung thành, quang minh chính đại, chung thuỷ, trước sau như một đều nhất quán một tinh thần yêu chuộng hoà bình, tôn trọng công lý và chính nghĩa, vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình và có quan hệ chân thành, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với các dân tộc và tất cả các quốc gia trên thế giới. Đảng văn minh là bởi Đảng kiên quyết cự tuyệt thói cơ hội, mị dân, giáo điều, bảo thủ, dối trá, lừa gạt, thất tín, tiền hậu bất nhất, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo...
- Đảng ta là văn minh là bởi vì Đảng là một tổ chức cách mạng, kiên trì cải tạo xã hội cũ, phá bỏ mọi cái lạc hậu; kiên trì chống lại cuộc sống mất nhân tính; nó nhân danh chính nghĩa và vì chính nghĩa mà chống phi nghĩa, tức là đấu tranh chống mọi biểu hiện của cái ác. Vì vậy, bản thân Đảng là một lực lượng tiên tiến, là bộ phận tinh hoa của xã hội, là một tập thể đại diện cho văn minh và nhân danh văn minh để chống dã man, tàn bạo.
- Đảng ta là văn minh là bởi vì bản chất của Đảng, mục tiêu lý tưởng của Đảng không phải chỉ nhằm đập tan, phá bỏ cái cũ xấu xa, lạc hậu mà chủ yếu là kiến tạo và dựng xây một xã hội mới tốt đẹp, nhân đạo hoàn bị tiến tới một nền văn minh mới - văn minh cộng sản chủ nghĩa - với ba yếu tố đảm bảo:
Tự nhiên được bảo vệ và tái tạo hoà hợp với con người, tự nhiên nhờ có con người mà nhân đôi mình lên và cùng với con người là chủ thể của cái đẹp;
Một xã hội mà nền khoa học và công nghệ phát triển cao (nền kinh tế tri thức), sản phẩm được làm ra bởi trí tuệ con người hướng tới mức của cải ngày càng thoả mãn cho mọi nhu cầu của toàn xã hội;
Nhân dân hoàn toàn làm chủ xã hội; con người được tự do phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực và nhân cách, con ngưòi thực sự được làm chủ vận mệnh của mình trong một xã hội “người yêu người sống để yêu nhau”.
Như vậy là toàn bộ hoạt động của Đảng thực chất là đều hướng vào làm cho “văn hoá súc tích, tiên tiến tới mức đã trở thành văn minh”.
- Đảng ta là văn minh là bởi vì Đảng bao gồm những phần tử ưu tú của xã hội kết thành một tổ chức có năng lực trí tuệ cao, có trình độ văn hoá tiêu biểu của thế giới đương đại, có trình độ lý luận tiên phong đủ sức làm một đảng tiên phong dẫn đường cho quần chúng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, tức là trong những bước ngoặt của phong trào cách mạng Đảng phải đủ sức đưa ra những kiến giải đúng đắn, hợp tình, hợp lý về những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi phải giải quyết. Nói cách khác, Đảng là văn minh có nghĩa là Đảng như người thuyền trưởng và các thủy thủ thông tuệ, đủ trí khôn và lòng dũng cảm chèo lái con thuyền cách mạng qua mọi thác ghềnh để hoà vào dòng chảy chung của nhân loại, đưa dân tộc phát triển bền vững, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu. Một đảng như thế tức là bản thân nó phải là một tập thể bao gồm hầu hết những đảng viên hồng thắm, chuyên sâu, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tài đức vẹn toàn, gương mẫu cho quần chúng, dẫn dắt quần chúng, “lo trước thiên hạ, vui sau mọi người”.
Đảng văn minh chính vì Đảng không ngừng phấn đấu để luôn xứng đáng là người dẫn đường cho quần chúng đồng thời “là người con hiếu thảo của nhân dân”.
- Đảng ta là văn minh là bởi vì trong tổ chức và hoạt động, Đảng phải không ngừng rèn luyện cho mình cách ứng xử văn minh.
Trước khi qua đời Hồ Chí Minh đã dự báo về thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam và Người đã để lại một bản Di chúc với những căn dặn sâu sắc, toàn diện có giá trị như là linh hồn và đề cương thu gọn của bản Cương lĩnh xây dựng đất nước sau ngày thống nhất. Hai vấn đề quan trọng bậc nhất của một Đảng cầm quyền được viết rõ trong Di chúc của Hồ Chí Minh đều thuộc về cách ứng xử văn minh của Đảng: “Trước hết nói về Đảng” và “Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Biểu hiện quan trọng nhất của văn minh là cách con người ứng xử với nhau như thế nào. Dưới đây xin điểm lại mấy nét cơ bản trong cách ứng xử của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh:
* Ứng xử nội bộ
“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triến sự đoàn kết và thống nhất của Đảng...”(1). Đó là nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất trong nội bộ Đảng, làm nên bộ mặt văn minh tinh thần của Đảng và là mấu chốt của công tác xây dựng đảng.
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(2). Đây là cách ứng xử văn minh giữa những người đồng chí, những người chiến sỹ cùng có lý tưởng cao đẹp, cùng nguyện chiến đấu hy sinh suốt đời vì một nghĩa lớn là độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho đồng bào, do đó phải sống với nhau sao cho có tình, có nghĩa bởi như Hồ Chí Minh đã từng nói nếu đọc bao nhiêu sách Mác-Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa thì không thể coi là người đảng viên của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin được. Có tình đồng chí thương yêu là phải giúp nhau cùng tiến bộ, là phê bình chân thành, là đòi hỏi đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm. Thành kiến, trù dập, tranh giành địa vị, bổng lộc, tư túng, bè cánh, yêu nên tốt, ghét nên xấu... là những hành vi không văn minh, là trái với tư cách của một Đảng chân chính cách mạng. Tất cả những gì trái với đạo đức cách mạng đều trái với văn minh, đối lập với văn minh và là sự phá hoại văn minh. Vì vậy có thể nói Đảng ta là văn minh là bởi vì Đảng ta có đạo đức cách mạng. Những ai vô đạo thì cũng là kẻ vô văn, là kẻ thù của cách mạng như Hồ Chí Minh từng chỉ rõ.
*Ứng xử với xã hội:
Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đây là giai đoạn khác về cơ bản trong phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo Nhà nước, Nhà nước thể chế hoá các chủ trương đường lối của Đảng bằng hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Do vậy trình độ văn minh của Đảng ở giai đoạn này thể hiện ở việc lãnh đạo xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không bao biện làm thay Nhà nước, không đứng trên Nhà nước mà Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Một vấn đề lớn nhất của lãnh đạo là quan tâm đến con người, là thu hút nhân tâm, là an sinh xã hội, là chăm lo cho mọi lớp người, đến từng đồng bào một. Thái độ và chính sách đối với con người là thước đo trình độ văn minh của Đảng cầm quyền. Điều này chúng ta đã thấy rất rõ trong suốt quá trình trực tiếp lãnh đạo cơ quan cao nhất của Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước của Hồ Chí Minh. Chúng ta còn được Hồ Chí Minh dặn lại rất tỷ mỉ trong phần viết về con người của bản Di chúc. Không được phép quên bất cứ ai từ anh chị em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đến những chiến sĩ trẻ tuổi, các cháu thiếu niên và nhi đồng, chị em phụ nữ và đồng bào nông dân miền xuôi cũng như miền ngược… Văn minh và nhân đạo hơn nữa là “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(3).
- Đảng ta là văn minh và sẽ mãi mãi "Đảng là đạo đức, là văn minh” bởi vì Đảng luôn ý thức được rằng: Điều kiện để đảm bảo cho tính tất yếu lịch sử của vai trò cầm quyền và lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Đảng lãnh đạo là tất yếu
Thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng là tất yếu.
Cả hai đều tất yếu như nhau!
Để thể hiện quyết tâm phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho Đảng ta ngày càng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân”(4).
(1,2,3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr.510.
(4) Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ X, NXBCTQG, H 2006, tr.279).
PGS. Trần Đình Huỳnh