Đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Hội thảo khoa học “Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, ngày 8-9-2021.


Vai trò của giáo dục lý luận chính trị

Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng. Đảng ta chỉ rõ “công tác tư tưởng lý luận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng làm cho hệ tư tưởng của Đảng của giai cấp công nhân, lý tưởng XHCN, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”(1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc học tập lý luận, Người khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(2). Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”“giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(3) nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng. Với những cán bộ, đảng viên ngại, lười học lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng, trong khi đó thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ(4). Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của lý luận chính trị đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận chính trị và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn đường. Lối làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính mà nguyên nhân là do “kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”(5) đã khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít sai lầm, khuyết điểm. Vì thế, Người nhấn mạnh, Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận... Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn. Phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn.

Thực tiễn công tác giáo dục LLCT những năm qua cho thấy, “Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”(6). Trong đó, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT liên tục được đổi mới, cập nhật, có sự thống nhất hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. Phương pháp giáo dục, bồi dưỡng cũng được thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá thái độ, kết quả học tập, rèn luyện. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT từng bước được cải thiện, góp phần đáng kể khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, dạy và học hình thức.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục LLCT nói riêng. Đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”(7). Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập LLCT, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý LLCT; xác định động cơ, mục đích học tập LLCT không đúng đắn, học không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học để hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập LLCT, mượn nhiều lý do để trốn tránh hoặc xin thôi không tham gia học tập LLCT. Có người vừa học vừa giải quyết các công việc khác hoặc đến điểm danh rồi nghỉ giữa chừng; thái độ học tập thiếu nghiêm túc, gượng ép, học đối phó, thậm chí vi phạm quy chế học tập như nhờ học hộ, thi hộ hoặc bỏ học, bỏ thi…

Việc ngại, lười học tập LLCT là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” cho chính mình và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định, nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và LLCT, lười học LLCT chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, lợi dụng những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế trị trường; một số yếu kém trong quản lý, điều hành của Nhà nước; tình trạng ô nhiễm môi trường và các vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trên các nguyên lý cơ bản như: Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; hạ thấp và đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Xuyên tạc, phá hoại Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách được thể hiện trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII). 

Các thế lực thù địch cũng khoét sâu vào những “điểm nóng” về an ninh, về trật tự, an toàn xã hội để kích động chống phá ta, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng, những vùng sâu, vùng xa, vùng cao nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang có những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí để gây áp lực, bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta...

Một số giải pháp

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng công tác giáo dục LLCT, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò của việc học tập LLCT, trọng tâm là quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học LLCT.

Hai là, thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập LLCT gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập LLCT là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc.

Ba là, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy LLCT, trong đó tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên, đồng thời kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị. Ngoài việc bám sát nội dung kiến thức trong khung chương trình giáo trình, sách giáo khoa theo quy định, đội ngũ giảng viên cần tích cực, chủ động, kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và các vấn đề do thực tiễn đang đặt ra của địa phương, đơn vị. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục LLCT theo hướng lấy người học làm trung tâm với phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất”. Chú trọng xây dựng các chuyên đề về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đưa vào chương trình giảng dạy LLCT ở các trường chính trị. Các giảng viên cũng cần tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận, tương tác giữa người dạy và người học trong mỗi tiết học. Trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, chương trình, nội dung, cần sử dụng các hình thức, phương pháp phù hợp giữa truyền thống với hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại vào trong giảng dạy, học tập.

Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập LLCT làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên. Sau mỗi đợt học tập, cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng.

Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ LLCT, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khắc phục bệnh “lười” học tập LLCT, chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình mới.
----------------

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khoá X, Nxb CTQG, H.2007, tr.8.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.5, tr.273-274.

(3) Sđd, t.8, tr.279.

(4) (5) Sđd, t.5, tr.274, 273.

(6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021, t.II, tr.170, 172.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất