Đồng chí Nguyễn Văn Linh - tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thời kỳ đổi mới, là tấm gương mẫu mực của người cộng sản về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, toả sáng phong cách của người cán bộ suốt đời trung thành và cống hiến cho Đảng, đất nước, nhân dân. Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí xứng đáng là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng của Người vào cuộc sống.  

Năm 1929, khi đang hoạt động trong tổ chức Học sinh đoàn tại Hải Phòng do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, anh thanh niên Nguyễn Văn Linh được tiếp xúc với tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, anh hăng hái hoạt động cách mạng, vững tin hơn với lý tưởng mà mình đã chọn. Đó là ảnh hưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với Nguyễn Văn Linh trên bước đường hoạt động cách mạng.  

Sau này, chủ yếu hoạt động ở miền Nam nên đồng chí Nguyễn Văn Linh không có may mắn được sống và làm việc thường xuyên bên Bác Hồ. Nhưng những lần được gặp Bác, cũng như tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào miền Nam đã là nguồn sức mạnh động viên to lớn, tiếp thêm cho Đồng chí nghị lực lớn lao trong hoạt động. Đồng chí đã lặng lẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, trở thành người cộng sản mẫu mực.  

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí luôn đề cao đạo đức cách mạng, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng chí thường trích dẫn những quan điểm của Bác Hồ để giáo dục cán bộ, đảng viên: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm ổn việc gì?”(1).

Đồng chí chân thành, khiêm tốn, điềm tĩnh đón nhận những trọng trách hết sức nặng nề. Và trọng trách cuối cùng mà đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao là đứng đầu Đảng ta vào thời điểm đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Với tuyên ngôn đổi mới của Đại hội VI “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật ”, Đồng chí đã đảm nhiệm vai trò người cầm lái con thuyền của Đảng vững vàng vượt qua sóng gió, mở cánh cửa đổi mới, đón ánh nắng và không khí trong lành, mang lại nguồn sinh lực mới cho Đảng và đất nước.  

Đồng chí cảm thấy đau lòng, như chính mình có lỗi khi không ít cán bộ, đảng viên tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tại Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh (vòng 2) họp từ ngày 22 đến ngày 26-10-1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh đến một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết là tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, cán bộ lợi dụng chức quyền hà hiếp, áp bức dân… Nhớ lời Bác dặn: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng... Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Đồng chí bổ sung thêm: “Phải học lại từng chữ, gắn với ý thức tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng, lấy dân làm gốc”(2).  

Tấm gương cao đẹp, đạo đức trong sáng của Đồng chí còn được thể hiện tại Đại hội VII năm 1991. Tuy được nhiều người đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù sức khoẻ và trí tuệ vẫn minh mẫn, Đồng chí xin phép rút nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho nhân dân trên cương vị Cố vấn. Điều này chứng tỏ Đồng chí không ham danh lợi, bởi một trong những bệnh của chủ nghĩa cá nhân là bệnh hám danh, trái với đạo đức cách mạng.  

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu, chúng ta càng thêm tin tưởng, tự hào và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; tự hào và nhớ ơn các đồng chí lãnh đạo tiền bối, những người học trò ưu tú đã noi gương Người, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh.
 -------------- 
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG, H. 2002, tập 5, tr.252-253  
(2). Báo Nhân Dân, số ra ngày 19-11-1986

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất