Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mấy điều suy nghĩ

Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là căn cứ xây dựng toàn bộ hệ thống pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức chính trị, dân sự và công dân. Trong một nhà nước dân chủ, mọi tổ chức và cá nhân phải hoạt động phù hợp với hiến pháp.

Điều lệ của chính đảng nói chung quy định những điều cơ bản về tính chất, mục tiêu, nguyên tắc, tổ chức và đảng viên của đảng đó. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, không cho phép tổ chức đảng, đảng viên ở bất cứ cương vị và cấp bậc nào làm trái điều lệ. Qua quy định này, các chính đảng mặc nhiên thừa nhận điều lệ mang tính chất một “luật cơ bản” trong nội bộ của đảng. Điều lệ của chính đảng chịu sự điều chỉnh của hiến pháp và pháp luật. Một chính đảng hoạt động hợp pháp thì đương nhiên điều lệ của nó phải phù hợp với hiến pháp và luật pháp.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam có vị trí đặc thù là chính đảng duy nhất, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều 4 Hiến pháp nước ta ghi rõ như vậy.

Hiến pháp và Điều lệ Đảng cùng khẳng định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ Đảng phải phù hợp với tinh thần và lời văn của Hiến pháp và pháp luật. Dù là chính đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tính chất “nội bộ” vẫn quán xuyến toàn bộ Điều lệ Đảng. Điều lệ không thể thay thế Hiến pháp và pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ giữa Đảng và các tổ chức nhà nước, chính trị, kinh tế, xã hội.

Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành có đề cập nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Đảng với Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác. Phần lớn các vấn đề này không chỉ được nêu ra trong Điều lệ Đảng mà còn đồng thời được đề cập trong Hiến pháp, pháp luật hoặc điều lệ của các tổ chức đoàn thể tùy theo mối quan hệ cụ thể. Như vậy, về nguyên tắc, có thể nói, các mối quan hệ được xây dựng trên trên cơ sở đồng thuận của các bên có liên quan, không phải do Điều lệ Đảng “đơn phương” quy định. Đây là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính chính danh đầy đủ của những điều được nêu trong Điều lệ Đảng về mối quan hệ của Đảng với các tổ chức khác.

Việc Hiến pháp và Điều lệ Đảng cùng khẳng định nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật đã hàm nghĩa khách quan rằng nguyên tắc này không chỉ do Đảng tự giác đề xướng, mà còn có tính chất bắt buộc đối với chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền  thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật. Vi phạm nguyên tắc này là vi phạm cả kỷ luật đảng và luật pháp(1).

Tính chất nội bộ của Điều lệ Đảng đảm bảo cho Đảng có thể đưa ra những quy định nội bộ đối với đảng viên trong các quan hệ chính trị-xã hội.

Đảng không thể ra các quy định “giảm bớt” nghĩa vụ công dân của đảng viên, ưu tiên có tính chất phân biệt đối xử cho đảng viên so với các công dân khác trong toàn bộ trách nhiệm và quan hệ với tư cách công dân hoặc thành viên của tổ chức xã hội mà họ tham gia. Nhưng Đảng có thể ra những quy định riêng mà khách quan mang tính chất hạn chế một số điểm trong việc đảng viên thực hiện quyền công dân của họ. Một số quy định hiện hành về việc đảng viên ứng cử hoặc nhận đề cử vào các cơ quan nhà nước, đoàn thể; về việc đảng viên làm chủ doanh nghiệp tư nhân… đều ít nhiều có tính hạn chế như vậy. Có thể còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết và tính tối ưu của các quy định đó. Nhưng cần khẳng định rằng Đảng hoàn toàn có quyền làm như vậy. Việc làm đó là hợp hiến, hợp pháp, cũng không vi phạm quyền của đảng viên. Khi vào Đảng, người đảng viên đã nhận thức đầy đủ và tự nguyện chấp hành Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng, cũng có nghĩa là tự giác chấp nhận những hạn chế đó.

Đối với đảng viên được cử tri bầu làm người đại biểu của nhân dân tham gia cơ quan quyền lực nhà nước, vấn đề không còn hoàn toàn đơn giản như vậy mà có ít nhiều khác biệt. Cử tri đã bầu ra những cá nhân đại diện cho họ, chứ không phải bầu ra những đại diện theo chính đảng. Vì vậy vẫn phải tìm những phương thức thích hợp sao cho họ làm tròn trách nhiệm đại biểu của nhân dân mà vẫn thực hiện được trách nhiệm trước tổ chức đảng.

Nhìn chung, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với phần mở đầu và 48 Điều chi tiết đã tập trung đề cập trước hết về những vấn đề thuộc nội bộ của Đảng. Bên cạnh đó cũng còn những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện. Có thể nêu ra một số điểm cụ thể làm ví dụ.

Điều 4 của Hiến pháp khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều lệ Đảng viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”. Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương. Hơn nữa, phạm vi “Nhà nước và xã hội” mà Đảng lãnh đạo rộng hơn nhiều phạm vi “quyền lực” mà Đảng “cầm”. Sự khác nhau này giữa hai văn kiện quan trọng hàng đầu đó cần được khắc phục.

Có một số nội dung đã được nêu trong Điều lệ Đảng: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang… nhưng chưa được khẳng định hoặc khẳng định chưa đầy đủ, chưa cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật. Những vấn đề rất hệ trọng này chỉ có thể có đầy đủ tính chính danh và hiệu lực nếu được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật. Đó là điều cần phải tính tới khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta trong thời gian tới.

Để làm được như vậy, cần đi sâu tổng kết thực tiễn thời gian qua, bổ sung nhận thức mới, sửa đổi những nhận thức và việc làm không còn phù hợp, tiến tới nhận thức thống nhất, rõ ràng, minh bạch về những vấn đề đó. Từ đó bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và pháp luật, kết hợp giữa sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng.

Trong đổi mới chính trị nước ta, có nhiều việc phải làm mà trọng tâm là cụ thể hóa và thực thi trong đời sống chính trị của đất nước những quan điểm cơ bản và đúng đắn đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong nhiều văn kiện cơ bản. Thực tế cho thấy đây là một cuộc đấu tranh rất khó khăn trong tư duy ở phạm vi toàn xã hội, trước hết là trong Đảng. Nhưng dẫu sao, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sắp tới cũng có ý nghĩa rất quan trọng, là một dịp kiểm điểm nhận thức và nhìn nhận thực tiễn, huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tạo nên bước tiến mới về nhận thức và hành động.

___

(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi), Điều 4 ghi: “… Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội XI của Đảng ghi: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Phản hồi (5)

Vũ Manh Tiến 11/07/2011

Tôi mong "một số nội dung đã được nêu trong Điều lệ Đảng: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang…" sẽ được Tạp chí và tác giả đề xuất, nêu cụ thể như thế nào trong Hiến pháp.

Nguyễn Văn Minh Triết 07/07/2011

Nếu "Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương" thì xin tác giả hãy nói rõ 2 khái niệm này. Tôi mong được đọc một bài về vấn đề này trên Tạp chí.

Mai Chinh 06/07/2011

Tôi đọc bài của đ/c Bùi Đức Lại và thấy bài rất mạnh dạn nói về những vấn dề cần thống nhất nhận thức và chỉnh sửa trong việc bổ sung sửa đổi Hiến pháp sắp tới. Các bài khác tôi mới đọc giới thiệu thấy nội dung phong phú và hay...

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất