Hoàn thiện quy định góp phần nâng cao chất lượng tổ chức, hiệu quả công tác của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy
Đảng ta kiên trì, không ngừng hoàn thiện bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

Từ lý thuyết

Để thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, Đảng ta phải có hệ thống tổ chức bộ máy hoạt động tốt. Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của các cấp ủy đảng là một loại hình tổ chức trong hệ thống tổ chức của Đảng. Cùng với các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc hợp thành bộ phận chủ yếu trong tổ chức bộ máy của Đảng. Đây là những tổ chức được thành lập để giúp cấp ủy nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Trong suốt quá trình hoạt động, Đảng ta kiên trì, không ngừng hoàn thiện bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy (gọi chung là cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy). Theo đó, hoàn thiện thể chế là khâu quan trọng nhất để nâng cao chất lượng tổ chức, hiệu quả công tác của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy.

Đến cơ sở pháp lý

Ngày 27-12-2013, Ban Bí thư (khóa XI) đã ban hành Quy định số 220-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy (gọi tắt là Quy định 220). Lần đầu tiên, Trung ương ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này. Việc ban hành quy định của Trung ương có giá trị pháp lý, nhằm bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, khắc phục tình trạng thực hiện khác nhau giữa các địa phương và ngay trong một địa phương.

Theo Quy định 220, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy gồm: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận. Các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy có chức năng tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện mà trực tiếp, thường xuyên là BTV và thường trực huyện uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động; công tác tổ chức xây dựng Đảng; kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; công tác chính trị, tư tưởng, tuyên giáo; công tác dân vận của cấp ủy. Đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng tham mưu; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra và giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc tương ứng cấp trên. 

Để thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện có 5 nhóm nhiệm vụ chính: 1) Nghiên cứu, đề xuất. 2) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. 3) Thẩm định, thẩm tra. 4) Phối hợp. 5) Thực hiện một số nhiệm vụ do BTV, thường trực huyện ủy giao. Quy định 220 đã bao quát tương đối đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, tạo thuận lợi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy cấp huyện. 

…Và thực tiễn

Sau gần 10 năm thi hành Quy định 220, các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ngày càng chủ động, kịp thời, có chiều sâu. Việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ được chú trọng, tăng cường. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các cơ quan có liên quan ngày càng chặt chẽ. Việc thực hiện nhiệm vụ được giao có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Qua đó, đã giúp cấp ủy, BTV, thường trực cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận, chương trình, kế hoạch của cấp ủy các cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cấp huyện vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn trật tự xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. 

Tính đến hết tháng 6-2021, các địa phương cơ bản bố trí biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách, cơ cấu cán bộ, công chức của các cơ quan tham mưu, giúp việc đúng theo Quy định 220. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Biên chế được giao cho các cơ quan, cơ cấu cán bộ, công chức, người lao động thực hiện đúng theo quy định. Trong đó: Số lượng công chức nghiên cứu, tham mưu chiếm hơn 80%; công chức hành chính, tác nghiệp dưới 20%. Tại thời điểm 30-6-2021, biên chế trung bình của các cơ quan là: Văn phòng huyện ủy 9,7 người/cơ quan; ban tổ chức huyện ủy 5,6 người/ban; cơ quan ủy ban kiểm tra huyện ủy 4,9 người/cơ quan; ban tuyên giáo huyện ủy 4,2 người/ban; ban dân vận huyện ủy 3,9 người/ban.

Gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, Nghị quyết 18-NQ/TW, tính đến ngày 30-6-2021, số lượng biên chế giao cho các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy giảm hơn 12% so với năm 2015. Số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách của từng cơ quan tham mưu, giúp việc cơ bản thực hiện đúng theo Quy định 220. Theo đó, văn phòng không quá 2 phó chánh văn phòng. Riêng văn phòng các quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy không quá 3 phó chánh văn phòng. Ban tổ chức không quá 3 phó trưởng ban (có 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm là trưởng phòng nội vụ huyện). Cơ quan ủy ban kiểm tra không quá 2 phó chủ nhiệm chuyên trách. Ban tuyên giáo không quá 2 phó trưởng ban. Ban dân vận không quá 2 phó trưởng ban. Số liệu báo cáo tại thời điểm 30-6-2021, văn phòng huyện ủy trung bình 1,7 người/cơ quan. Ban Tổ chức huyện ủy trung bình 1,5 người/ban. Cơ quan ủy ban kiểm tra huyện ủy trung bình 1,6 người/cơ quan. Ban Tuyên giáo huyện ủy trung bình 1,4 người/ban. Ban Dân vận huyện ủy trung bình 1,4 người/ban.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế sau: Quy định tổ chức bộ máy của các cơ quan cứng nhắc về số lượng nên cấp ủy, BTV cấp ủy cấp huyện khó khăn trong việc quyết định biên chế và số lãnh đạo cấp phó cụ thể của từng cơ quan tham mưu, giúp việc để phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Một số nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ nhưng chưa được quy định như công tác đối ngoại; tư pháp, nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Công tác phối hợp của các cơ quan tham mưu, giúp việc với các phòng, ban chuyên môn thuộc hội HĐND, UBND và một số cơ quan liên quan có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời. Nguyên nhân là do: Quy định 220 ban hành đã 8 năm, một số chủ trương mới của Trung ương liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp huyện (Quy định số 202-QĐ/TW ngày 2-8-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, BTV, thường trực cấp ủy cấp huyện; Quy định số 208-QĐ/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện…) chưa được cập nhật.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Quy định 220 trên những nguyên tắc sau: Tuân thủ Điều lệ Đảng, Quy định thi hành Điều lệ Đảng; bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, Quy định 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy, các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy địa phương, của cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy từ Trung ương đến địa phương; kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp của Quy định 220; cập nhật một số nội dung liên quan trong các văn bản Trung ương ban hành từ Đại hội XII đến nay. Chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng khóa XIII. Đối với cơ quan tham mưu, giúp việc thực hiện mô hình tổ chức mới hoặc mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị khi tổng kết Kết luận 74-KL/TW.

Trên cơ sở nguyên tắc, xuất phát từ thực tiễn, đề nghị Trung ương nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

1. Bổ sung cụm từ “quyền hạn” trong tên gọi và thêm 1 điều về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy. Theo đó, tên gọi mới là: “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy”. Đồng thời, bổ sung nội dung mới thành một Điều về một số trách nhiệm và quyền hạn chung của các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy: “Các cơ quan tham mưu, giúp việc chịu trách nhiệm trước cấp ủy về thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; được yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc huyện ủy báo cáo, cung cấp thông tin; được cử cán bộ dự các hội nghị có liên quan đến chuyên môn của cơ quan mình…” nhằm quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy để tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đồng bộ với Quy định 04-QĐ/TW của Ban Bí thư.

2. Bổ sung nội dung về nguyên tắc tổ chức (Khoản 1, Điều 2): “…một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” để phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW.

3. Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc (Khoản 3, Điều 2) liên quan đến biên chế theo hướng: “BTV cấp ủy cấp huyện được xem xét, quyết định biên chế của từng cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy trên cơ sở tổng biên chế được BTV cấp ủy cấp tỉnh giao và yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đã được phê duyệt và bảo đảm cân đối giữa các cơ quan”. 

4. Đưa nội dung về lãnh đạo cấp phó chuyên trách thành một khoản mới trong nguyên tắc (Điều 2) nhằm tạo thuận lợi, linh hoạt cho địa phương trong việc quyết định số lượng cụ thể cho từng cơ quan tham mưu phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Đồng thời, vẫn bảo đảm việc quản lý chặt chẽ của Trung ương về tổng số lãnh đạo cấp phó chuyên trách của các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy trên cả nước. Cụ thể: “Tổng số lãnh đạo cấp phó chuyên trách của các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy không quá 10 người; các quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy không quá 11 người”. Theo đó, vẫn giữ tổng số cấp phó trong Quy định 220 (gồm: Văn phòng không quá 2 phó, riêng văn phòng quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy không quá 3 phó; ban tổ chức không quá 3 phó, trong đó có 1 phó kiêm nhiệm trưởng phòng nội vụ; ủy ban kiểm tra không quá 2 phó; ban tuyên giáo không quá 2 phó; ban dân vận không quá 2 phó). Tuy nhiên, bổ sung nội dung: “Số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách cụ thể của mỗi cơ quan do BTV cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định” nhằm tạo thuận lợi để BTV cấp ủy cấp huyện được chủ động trong việc quyết định số lượng lãnh đạo cấp phó cụ thể của từng cơ quan. 

5. Sửa đổi, bổ sung, điều chuyển và sắp xếp lại nội dung về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu lao động (Điều 8, chương II) chuyển lên một Điều của chương I. Trong đó, nội dung về cơ cấu lao động diễn đạt như sau: “Bố trí cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý, bảo đảm biên chế công chức làm công tác nghiên cứu, tham mưu chiếm đa số trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và vị trí việc làm; giảm tối đa người phục vụ trong từng cơ quan” vì quy định này áp dụng chung cho các cơ quan tham mưu, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với Quy định 04-QĐ/TW và khắc phục khó khăn trong thực hiện sắp xếp cơ cấu lao động theo tỷ lệ phần trăm như Quy định 220.

6. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban dân vận huyện ủy. Cụ thể, bổ sung các nhiệm vụ: “Sắp xếp chương trình công tác của BTV huyện ủy, bí thư và các phó bí thư huyện ủy”; “Thực hiện công tác đối ngoại của huyện ủy”; “Chủ trì, phối hợp tham mưu, giúp huyện ủy, BTV lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” để cụ thể hóa Quy định 202-QĐ/TW của Ban Bí thư; phù hợp với chức năng của văn phòng huyện ủy. 

Bổ sung nội dung: “Chuẩn bị các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; các báo cáo, đề án để ủy ban kiểm tra huyện ủy xem xét, quyết định theo thẩm quyền” để phù hợp với chức năng, thực tiễn công tác của cơ quan ủy ban kiểm tra; đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra cấp trên.

Bổ sung nhiệm vụ: “Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện công tác dân vận chính quyền” cho phù hợp với thực tiễn công tác dân vận của ban dân vận.

7. Sửa đổi, biên tập lại nội dung về tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan tham mưu (tại các Điều liên quan) nhằm tạo điều kiện để BTV huyện ủy chủ động giao biên chế, số lượng cấp phó cho các cơ quan tham mưu phù hợp với thực tiễn công tác tại địa phương, bảo đảm biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định khung biên chế của Quy định 220, nhất là nơi có đông đảng viên, số lượng tổ chức đảng trực thuộc lớn, đồng thời, đồng bộ với Quy định 04-QĐ/TW của Ban Bí thư. Cụ thể: Về lãnh đạo: Gồm cấp trưởng và lãnh đạo cấp phó chuyên trách, kiêm nhiệm (đối với văn phòng huyện ủy: chánh văn phòng, phó chánh văn phòng. Đối với ban tổ chức huyện ủy: Trưởng ban, phó trưởng ban chuyên trách và 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm là trưởng phòng nội vụ huyện. Đối với cơ quan ủy ban kiểm tra huyện ủy: Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm). Số lượng phó chủ nhiệm do BTV huyện ủy xem xét, quyết định theo Quy định của BCH Trung ương (khóa XIII) về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đối với ban tuyên giáo huyện ủy: Trưởng ban, phó trưởng ban. Trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị. Đối với ban dân vận: Trưởng ban, phó trưởng ban. Số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách do BTV huyện ủy xem xét, quyết định.

Biên chế của từng cơ quan tham mưu, giúp việc do BTV huyện ủy xem xét, quyết định trên cơ sở tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao; yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, người lao động phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Trên đây là những nội dung nghiên cứu, tham mưu để đề xuất, báo cáo Ban Bí thư ban hành Quy định mới thay thế Quy định số 220-QĐ/TW, ngày 27-12-2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất