Huy động sức mạnh tổng hợp quốc gia xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
Một góc Trường Sa Lớn

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khoá X), Đảng ta đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Nội dung Nghị quyết Trung ương 4 cũng nêu: biển Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, mật độ dân cư trên biển, đảo và quần đảo thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) các vùng ven biển, trên biển và trên các đảo còn chưa hoàn thiện, khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia còn nhiều hạn chế. Do đó, cần phải đầu tư một cách thích đáng về mọi mặt, bảo đảm cho phát triển kinh tế và tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; kết hợp chặt chẽ các yếu tố: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, tạo sự liên kết giữa biển, đảo bờ để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Để thực hiện được mục tiêu đặt ra cần có một chiến lược tổng thể với các giải pháp mang tính hệ thống như: Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo; đầu tư nguồn lực trên cơ sở khảo sát, quy hoạch KT-XH tổng thể và quy hoạch cụ thể cho từng khu vực; tăng cường QP-AN, giữ vững chủ quyền biển, đảo; phối hợp đồng bộ các hoạt động phát triển KT-XH với QP-AN, xây dựng thế trận phòng thủ biển, đảo vững chắc. Nội dung cụ thể bao gồm:


1.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo.

Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo phải đa dạng và phong phú trong các chương trình thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, phải được lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại chính trị, kinh tế, quân sự.

Mục tiêu của công tác tuyên truyền là làm cho cộng đồng quốc tế hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời và chủ quyền biển Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước quốc tế về Luật biển 1982 và là nước thứ 64 phê chuẩn công ước này. Công ước quốc tế về Luật biển 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa phù hợp với các tuyên bố ngày 12-5-1977 và ngày 12-11-1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các vùng biển Việt Nam); tuyên truyền về các điều khoản và nghĩa vụ cần phải chấp hành được quy định trong luật pháp Việt Nam khi hoạt động hoặc tham gia giao thông trong phạm vi lãnh hải, các vùng nội thuỷ, vùng đảo, quần đảo và khu vực đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam; về các quan điểm chủ đạo và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong thực thi quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, quần đảo và các khu vực đặc quyền kinh tế biển.  

Công tác tuyên truyền phải được tiến hành sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, phải gắn giữa lịch sử với hiện tại để mọi người dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia, từ đó đoàn kết, quyết tâm làm chủ, bảo vệ biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 

2. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển đảo.

Biển của chúng ta chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế, để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng ấy thành động lực và nguồn lực cho công cuộc hiện đại hoá phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh tại các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản; du lịch biển, đảo. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn ra biển xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, năng lực sản xuất để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở KT-XH và QP-AN trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho nhân dân đang sinh sống, sản xuất ổn định trên các đảo và quần đảo.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, khi tiến hành quy hoạch phát triển KT-XH biển, đảo, dưới sự điều hành của Chính phủ, các ngành chức năng và địa phương cần phải phối hợp tiến hành các nghiên cứu, khảo sát tổng thể, xác định rõ tiếm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực, đánh giá đầy đủ các yếu tố tự nhiên và KT-XH. Việc quy hoạch cần phải tính đến tính kế thừa phát triển, tính liên kết giữa các vùng và các khu vực, phải gắn bờ, biển, đảo và quần đảo trong một không gian sinh tồn về kinh tế và quốc phòng. Với một bờ biển dài, chúng ta có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế ven biển như: kho vận, cầu cảng, du lịch sinh thái và xây dựng các cụm kinh tế ven biển. Nhưng nếu không khảo sát đầy đủ, không đánh giá một cách khoa học bằng một hệ thống các tiêu chí thì kết quả đầu tư nguồn lực sẽ thấp, thậm chí không hiệu quả và phá vỡ tính cân bằng trong phát triển từng khu vực.


3. X
ây dựng thế trận QP-AN trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì lợi ích quốc gia trên biển trong giai đoạn hiện nay cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Theo đó, việc quy hoạch phát triển KT-XH các khu vực ven biển, trên biển và các đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể khu vực phòng thủ địa phương. Việc thiết kế, xây dựng hạ tầng cơ sở KT-XH trên biển đảo phải mang tính lưỡng dụng cao, không chỉ bền vững trước tác động của môi trường biển mà còn phải bền vững khi chuyển sang phục vụ mục đích QP-AN. Quy hoạch phát triển hạ tầng KT-XH phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động trên biển tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc. Các trang bị kỹ thuật phục vụ cho mục đích KT-XH phải tích hợp được với hệ thống trang bị kỹ thuật QP-AN trong thành phần các cụm lực lượng trên biển, thực hiện kiểm soát, giám sát, báo động, chi viện, hỗ trợ nhau trong đấu tranh phòng chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia. Các sở hậu cần, kỹ thuật KT-XH ven bờ, trên biển và trên các đảo phải sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên xây dựng các đảo tiền tiêu xa bờ có công sự kiên cố, trang bị hoả lực mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày.

Chúng ta cần phải xây dựng một lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam. Tại các địa phương ven biển, các huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì lợi ích quốc gia trên biển trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết cần phải huy động sức mạnh tổng hợp quốc gia, phải kết hợp hiệu quả giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Song song với  tăng cường  tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cần phải chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, nâng cao sức mạnh của lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh quốc phòng, tăng cường đối ngoại mở rộng hợp tác quốc tế. Không chỉ ưu tiên đầu tư về nguồn lực, Đảng và Nhà nước cần tổ chức cơ quan chỉ đạo, điều hành thống nhất các hoạt động KT-XH và QP-AN, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên biển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất