Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội

Lý luận

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và bản sửa đổi bổ sung 2001 đều dành hẳn một điều trong chương chế độ chính trị, để nói về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này (2013) được công bố rộng rãi và lấy ý kiến đóng góp của toàn dân không những đã tiếp tục khẳng định mà còn bổ sung, phát triển Điều 4, Chương I về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Toàn văn điều 4 ghi rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”.

Tinh thần và lời văn của điều nói trên cho thấy: Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được khẳng định và hiến định trong Hiến pháp, trong chương đầu tiên nói về chế độ chính trị ở Việt Nam. Cùng với Lời nói đầu, điều quy định nêu trên đã thể hiện rõ tính chất của chính thể Việt Nam là chính thể xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng, mục tiêu của cách mạng Việt Nam, đang tiếp tục được thực hiện trong sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội chính là thực hiện trọng trách lịch sử đó trước nhân dân và dân tộc.

Điều 4 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, làm rõ bản chất, tính chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

Khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng, ý thức hệ của xã hội. Làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng đối với nhân dân, vai trò và trách nhiệm của nhân dân đối với hoạt động của Đảng. Sự hiến định vai trò của Đảng không chỉ ở địa vị pháp lý mà còn là trách nhiệm pháp lý của Đảng đối với nhân dân, với Nhà nước và xã hội (chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân, lấy khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật làm giới hạn hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên). Những chế định đó đảm bảo cho Đảng tồn tại và hoạt động của Đảng là hợp hiến, hợp pháp.

Đây thực sự là một bước tiến trong tư duy chính trị-pháp lý của Đảng ở thời kỳ đổi mới cũng đồng thời là một bước tiến trong xây dựng luật pháp, trong lập hiến của Nhà nước pháp quyền, làm sáng tỏ mối quan hệ chi phối, chế ước lẫn nhau giữa chính trị và pháp luật, thể hiện ở vai trò, chức năng và nhiệm vụ, ở thẩm quyền và trách nhiệm giữa các chủ thể: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Mục đích cao nhất của việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp cũng như các vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về cơ cấu tổ chức quyền lực Nhà nước… là xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là thực hiện dân chủ, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhân dân là những người chủ và làm chủ xã hội. Đó là địa vị chủ thể của dân với tư cách là chủ thể gốc của mọi quyền lực. Quyền lực mà Đảng và Nhà nước thực thi theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, xét đến cùng chỉ là thực hiện quyền lực nhân dân, do dân ủy thác trao cho mà thôi. Hơn nữa, việc thực thi quyền lực đó nhằm mục đích cao nhất và duy nhất là phục vụ dân, là vì dân chứ không vì mình. Các thiết chế quyền lực (Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội) cũng như đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước và những người hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể của hệ thống chính trị đều phải thực hiện mục đích vì dân.

Hoạt động và hành vi thực hiện quyền đều phải được kiểm soát, giám sát lẫn nhau trong hệ thống, đều do luật quy định và luật điều tiết. Đòi hỏi, yêu cầu này là cần thiết, tất yếu, vừa tự giác-xét về mặt tự ý thức về trách nhiệm và đạo đức, vừa là bắt buộc, xét về mặt nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý. Chính nhận rõ điều ấy mà Hồ Chí Minh vừa nhấn mạnh phải thực hiện dân chủ chứ không biến dân chủ thành “quan chủ” phải là đầy tớ, công bộc trung thành, tận tụy của dân chứ không được lên mặt “quan cách mạng”.

Người cũng đòi hỏi luật pháp phải nghiêm minh, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền,” phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai. “Quốc lệnh” là một văn kiện chính trị-pháp lý, kết hợp chặt chẽ đức trị với pháp trị, thưởng phải hậu để ghi công và tôn vinh xứng đáng người có công tận trung với nước, tận hiếu với dân và phạt phải đúng, phải nghiêm, phải nặng, đủ sức mạnh trừng trị những kẻ hại dân và răn đe, cảnh báo mọi người không được mắc vào lỗi lầm sai trái, bất minh, bất chính.

Nói tóm lại, quyền lực nhân dân là tối cao, quyền lực Nhà nước là của dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, là thống nhất, không phân chia, chỉ có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước không chỉ là lãnh đạo hoạt động thể chế hóa quan điểm, đường lối chính trị của Đảng thành ra luật pháp và chính sách Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống mà còn lãnh đạo, bao hàm cả kiểm tra, giám sát hoạt động cũng như hành vi của tổ chức và cá nhân (các đảng viên làm việc trong các tổ chức công quyền), đảm bảo cho dân chủ và pháp luật được thực hiện, được tôn trọng, được bảo vệ.

Nhất quán với mục đích vì dân, vì xây dựng và phát triển dân chủ, vì thực hiện đầy đủ quyền con người (nhân quyền), quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (dân quyền) để có dân chủ thực chất, quyền làm chủ thực chất của nhân dân-đó là sứ mệnh lãnh đạo của Đảng đối với xã hội mà trực tiếp là lãnh đạo Nhà nước trên tư cách một Đảng cầm quyền.

Chính từ bản chất ấy của dân chủ mà lãnh đạo của Đảng phải là lãnh đạo dân chủ, không độc đoán, chuyên quyền, quản lý của Nhà nước cũng bắt buộc phải là quản lý dân chủ, không lợi dụng, lạm dụng quyền lực, không lộng quyền, lạm quyền, phải trọng dân và trọng pháp. Các tổ chức đảng và các đảng viên thông qua hoạt động của mình mà thể hiện và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.

Quyền lực Nhà nước thống nhất ở chủ thể là nhân dân cho nên chính nhân dân là chủ sở hữu Nhà nước của mình và vì thế “dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân” (Hồ Chí Minh). Dân chủ ví như một tài sản chính trị đặc biệt của dân, do dân xây dựng, thực hiện và bảo vệ. Là chủ sở hữu tài sản ấy, dân có quyền sở hữu và quyền sử dụng dân chủ - đó là quyền và lợi ích, quyền và nghĩa vụ của dân, thể hiện ý chí, lợi ích, nguyện vọng của dân. Nó là một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất, không ai có quyền phân chia ra, không ai được chiếm đoạt quyền đó của dân. Nó chỉ thuộc về một chủ thể là nhân dân. Các chủ thể được dân ủy quyền thay mặt dân mà thực hiện quyền lực nhân dân để vì dân. Phục vụ dân là nghĩa vụ đạo đức, là trách nhiệm chính trị đồng thời là trách nhiệm pháp lý.

Phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm ấy có hiệu quả hơn. Thước đo hiệu quả ấy là dân có được thụ hưởng thực chất quyền và lợi của họ hay không, dân có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, quyền làm chủ, tự quyết, phúc quyết, quản lý và giám sát hay không. Để ngăn chặn những biến dạng “phản dân chủ,” “phản quyền” (quyền bị vi phạm) và cả “hư quyền” (hư ảo, hình thức) thì cùng với phân công, phối hợp phải hết sức chú trọng, tăng cường sức mạnh kiểm soát quyền lực bởi nhân dân, từ nhân dân, do nhân dân, cả trực tiếp và đại diện. Đó là những phương thức của dân chủ và cũng là logic cấu tạo nên Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Phân công là theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, gắn liền với phối hợp theo các quan hệ, theo tính chất hợp tác, cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm phục vụ dân. Phân cấp, phân quyền là sự bổ trợ của tập quyền Trung ương với tản quyền xuống địa phương và các lĩnh vực quản lý, để giảm thiểu quan liêu, tăng cường dân chủ trong việc thực thi quyền lực Nhà nước của dân chứ không phải làm phân tán, biệt lập, suy yếu quyền lực nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước đòi hỏi Đảng phải am hiểu lý luận và thực tiễn quản lý của Nhà nước pháp quyền, không buông lỏng lãnh đạo nhưng cũng không làm thay, bao biện, càng không can thiệp trái luật vào hoạt động độc lập của Nhà nước, nhất là của Tư pháp (Tòa án và Viện Kiểm sát).

Mặt khác, thước đo hiệu quả lãnh đạo Nhà nước của Đảng phải nhìn vào sức mạnh, hiệu quả của Nhà nước, đó là một Nhà nước mạnh, thực lực, thực quyền. Phải cơ chế hóa, luật hóa quan hệ giữa Đảng với Nhà nước để phân biệt, phân định sự khác biệt giữa Đảng với Nhà nước, nhằm khắc phục những sự lẫn lộn, chồng chéo, trùng lắp, cản trở lẫn nhau giữa những thực thể chính trị này. Nó cũng làm tăng cường sự thống nhất, Đảng mạnh đồng thời có Nhà nước mạnh, mặt khác Nhà nước mạnh để Đảng mạnh. Có sự đồng thuận này mới làm tăng sức mạnh của dân chủ và sự thụ hưởng lợi ích của dân.

Bản chất xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội chủ nghĩa của chính thể ở Việt Nam đòi hỏi Đảng và Nhà nước trong mô hình tổ chức, trong phương thức hoạt động, trong đặc trưng thiết chế và quyền lực, nhất là nhân lực... là khác biệt của thống nhất, khác biệt để thống nhất, thống nhất ở mục đích vì dân, không được để xảy ra những mâu thuẫn, xung đột, phân liệt, bè phái làm phương hại tới chính thể dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Mọi xu hướng và biểu hiện “Đảng hóa Nhà nước” và “Nhà nước hóa Đảng” dẫn tới “hình thức hóa Nhà nước” (thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp, hành chính mệnh lệnh, song trùng...) hoặc “hình thức hóa Đảng” với những biểu hiện vượt quyền, lộng quyền, lạm quyền có nguy cơ xảy ra trong những diễn biến phức tạp của lợi ích nhóm với cơ chế thị trường và kinh tế thị trường... làm suy yếu cả Đảng lẫn Nhà nước đều gây tổn hại tới xã hội, tới nền dân chủ, quyền và lợi ích của nhân dân. Chỉ có luật hóa và pháp chế hóa các hoạt động tham chính trong thể chế dân chủ-pháp quyền mới khắc phục được những biểu hiện không lành mạnh đó.

Tóm lại, từ những điều trình bày trên đây, có thể rút ra những nhận xét, kết luận về sự cần thiết, tất yếu của việc khẳng định và hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội.

Thứ nhất, tính chất chính thể xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đòi hỏi phải khẳng định và hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Đó là sự thống nhất giữa xu thế khách quan của sự phát triển nước ta với nguyện vọng, khát vọng của nhân dân, của toàn xã hội, muốn có độc lập tự do hạnh phúc thì phải lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Do đó phải thừa nhận địa vị pháp lý của Đảng trong Hiến pháp.

Thứ hai, bản chất dân chủ của quyền lực nhân dân, địa vị vai trò người chủ và làm chủ của dân chỉ có thể được thực hiện, được bảo vệ khi nhân dân làm chủ chế độ và Nhà nước của mình, do Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo và cầm quyền để nhân dân làm chủ bằng Nhà nước và các thiết chế xã hội ngoài Nhà nước. Đảng lãnh đạo, cầm quyền là chính đáng, hợp hiến, hợp pháp.

Thứ ba, địa vị pháp lý gắn liền với trách nhiệm pháp lý - chính trị của Đảng, trước nhân dân, dân tộc và xã hội. Đảng lãnh đạo dân nhưng dân giám sát, kiểm tra Đảng. Đảng chịu trách nhiệm trước dân và dân có nghĩa vụ thực hiện quyền xây dựng Đảng của mình. Mọi sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đều là không phù hợp với thực tế khách quan, không nhận thức đúng quan hệ giữa Đảng với dân, không thấy được mục đích lãnh đạo của Đảng là để vì dân và dân chủ, cũng không thấy trách nhiệm của Đảng với dân và dân với Đảng. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, lầm tưởng rằng nhờ đó dân chủ sẽ phát triển, nhân dân sẽ tự do là một ảo tưởng chính trị, nếu không vì hạn chế, sai lầm nhận thức chủ quan thì cũng là một thiên kiến, ở bên ngoài thiện chí xây dựng chính thể, không vì dân và dân chủ mà làm phương hại tới dân chủ và đi ngược lại ý nguyện, ý chí, lợi quyền của dân. Lý luận khoa học về dân chủ, về Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội cũng như thực tiễn lịch sử của cách mạng nước ta, của dân tộc Việt Nam, tự nó sẽ bác bỏ những ý đồ, mưu toan phủ nhận đó.

Lịch sử

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay đã có lịch sử hoạt động, đấu tranh cách mạng oanh liệt hơn 83 năm và đã liên tục cầm quyền gần 70 năm, từ sau thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng chính thức ở vào địa vị cầm quyền.

Vai trò của Đảng, những công lao to lớn của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong lòng dân, trong dân tộc và trong phong trào cách mạng thế giới là không có gì phủ nhận được.

Thực tiễn lịch sử từ khi Đảng ra đời, từ khi Đảng thực hiện trọng trách của mình lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đuổi đế quốc thực dân và phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân và lập nên chế độ dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, cho đến nay, Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã xác nhận vị trí, vai trò, ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong xã hội Việt Nam.

- Sự ra đời của Đảng năm 1930 là bước ngoặt vĩ đại đối với lịch sử dân tộc; với ý thức hệ tiêu biểu của thời đại, với Cương lĩnh và đường lối cách mạng đúng đắn do Đảng vạch ra dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng về tư tưởng lý luận và đường lối chính trị cứu nước từ giữa thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ XX. Đảng đã vạch ra con đường cách mạng để giải phóng dân tộc, đưa dân tộc từ nô lệ tới độc lập tự do.

- Cách mạng tháng Tám, 1945 do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành được thắng lợi, đã đánh đổ đế quốc thực dân phong kiến, giành lại độc lập chủ quyền, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Đây là một trong những cuộc cách mạng điển hình của thế kỷ XX, Đảng lãnh đạo cả dân tộc làm nên kỳ tích đó khi Đảng mới có 15 tuổi với lực lượng chưa đầy 5.000 đảng viên.
Lịch sử và truyền thống cách mạng của Đảng đã gắn liền với lịch sử và truyền thống dân tộc, làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam bởi khai sinh ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Độc lập tự do, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- Đảng lãnh đạo xây dựng chế độ mới ngay khi nước Cộng hòa non trẻ mới ra đời, thù trong giặc ngoài, tình thế hiểm nguy, ngàn cân treo trên sợi tóc, vượt qua mọi thác ghềnh để bảo vệ thành quả cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc trong suốt chín năm trường kỳ chống Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc với Điện Biên Phủ trên không đã đi vào lịch sử như một huyền thoại ở thế kỷ XX, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đánh thắng hai đế quốc to, cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới.

Những chặng đường và những mốc son chói lọi đó là bằng chứng lịch sử về sức mạnh, sức sống của dân tộc Việt Nam, gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt đầy bản lĩnh của Đảng, của Hồ Chí Minh. Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại đã làm cho Việt Nam đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

Và từ sau ngày đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đến nay, vượt qua bao khó khăn thử thách, có lúc sóng gió hiểm nghèo, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khủng hoảng, tiến hành đổi mới thành công, tạo nên Thế và Lực của Việt Nam như hiện nay.

Có được những thành tựu và chiến công như thế, là nhờ có công sức đóng góp hy sinh của toàn dân và toàn Đảng, thậm chí cả máu xương của biết bao anh hùng chiến sỹ, lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau, sự hy sinh cả sức người sức của của đồng bào trọn lòng tin theo Đảng. Không một lực lượng nào, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng được vai trò lãnh đạo, dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam trên con đường giải phóng để phát triển và hiện đại hóa như vậy. Cũng không có một lực lượng nào tỏ rõ đức hy sinh phấn đấu trung thành với dân tộc và nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng tồn tại và hoạt động chỉ vì độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân. Không một lực lượng tổ chức nào tỏ rõ sức chiến đấu, năng lực trí tuệ và bản lĩnh chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam để theo đuổi đến cùng lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nêu cao chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do,” làm tất cả chỉ vì hạnh phúc, quyền sống, quyền tự do và làm chủ của nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh.

Lịch sử và nhân dân đã thừa nhận sự thật ấy. Thực tiễn cũng cho thấy, nhân dân tin cậy và ký thác cho Đảng cả cuộc sống, tương lai, triển vọng của mình. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng là rộng lớn, sâu sắc và bền chặt trong lòng dân, trong ký ức của lịch sử đã thành truyền thống, trong hiện tại và tương lai với quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân làm nên sức mạnh bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và bảo vệ dân. Nhân dân gần gũi, gắn bó với Đảng, thừa nhận và tin cậy Đảng, coi Đảng là Đảng của mình.

Cách mạng không chỉ có thuận lợi và thành công mà cũng có không ít khó khăn, thất bại. Đảng như một cơ thể sống, cũng có khi vấp phải khuyết điểm sai lầm. Mặc dù vậy, nhân dân vẫn thừa nhận Đảng, vẫn tin và theo Đảng, bởi Đảng có đủ dũng khí và bản lĩnh sửa chữa sai lầm, vượt qua yếu kém, tự phê phán, tự đổi mới để tự phát triển. Và, Đảng dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước, xây dựng các đoàn thể, xây dựng và phát triển dân chủ. Nhân dân đoàn kết một lòng, nhân dân giúp Đảng trong xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, dẫn dắt cả dân tộc đi tới, thực hiện lý tưởng và mục tiêu đã vạch ra.

Qua mọi thời kỳ lịch sử, Đảng vững mạnh trưởng thành là nhờ có dân, dân có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, dân tộc có tương lai triển vọng, vượt qua tình trạng lạc hậu kém phát triển, từng bước chấn hưng và hiện đại hóa là nhờ có Đảng. Đảng tin dân và vì dân nên dân theo Đảng, tin Đảng, thừa nhận Đảng là lực lượng tiên phong, dẫn dắt, lãnh đạo cả dân tộc đi tới tương lai.

Đảng làm cho dân giác ngộ và Đảng lãnh đạo để nhân dân thực sự trở thành chủ thể, làm chủ xã hội. Bởi thực tế lịch sử đó, Đảng thực hiện vai trò lãnh đào Nhà nước và xã hội như thực hiện một trọng trách lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó, ủy thác.

Đảng đã lãnh đạo và cầm quyền với tất cả sự xứng đáng và chính đáng, được thừa nhận, được ủng hộ, được giúp đỡ, được bảo vệ, được tin tưởng bởi tuyệt đại đa số nhân dân. Phẩm chất xứng đáng và có tất cả tính chính đáng để lãnh đạo, cầm quyền - đó là ưu thế nổi bật của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đó, có thể nói, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được đảm bảo về địa vị pháp lý, được quy định bởi trách nhiệm pháp lý, được tạo dựng, phát triển và bảo vệ bởi sức mạnh đoàn kết, dân chủ, đồng thuận của toàn dân, cho nên Đảng xứng đáng và chính đáng đảm nhận trọng trách lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của Đảng là hợp hiến, hợp pháp.

Hiện tại

Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng, nhất là trải nghiệm thực tiễn lãnh đạo và cầm quyền, Đảng đã có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đúc rút được những bài học quý giá.
Trước tình hình mới và yêu cầu mới hiện nay, Đảng đã xác định, phải làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, phải ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng như bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng được coi là then chốt, là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất trong nhiệm kỳ khóa XI.

Gần đây, Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Trong những vấn đề cấp bách đặt ra đối với Đảng hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao là vấn đề cấp bách nhất, xuyên suốt, bao trùm. Sự suy thoái đó làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của đảng viên, của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Nếu không đẩy lùi sự suy thoái đó thì sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ sẽ bị thách thức.

Trong thời điểm Đảng đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, đang diễn ra cuộc chỉnh đốn tự phê bình và phê bình ở tất cả các cấp, các tổ chức Đảng thì toàn Đảng toàn dân hiện nay lại đang đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó nổi lên vấn đề về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đa số ý kiến đều tán thành việc hiến định vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng ở điều 4 bản Hiến pháp sửa đổi. Song cũng có không ít người đề nghị xóa bỏ điều 4, áp dụng mô hình đa Đảng, đa nguyên chính trị.

Đã thảo luận thì ý kiến, quan điểm khác nhau, trái nhau cũng là chuyện bình thường. Chân lý chỉ sáng tỏ qua thực tiễn, qua thảo luận tranh luận, đối thoại trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe nhau, “văn hóa là biết lắng nghe” (Likhachov).

Song không nên quên một thực tế là, những khi Đảng gặp khó khăn và suy yếu thì đó là lúc xuất hiện những luồng dư luận, ý kiến hoặc hoài nghi, hoặc công kích, phê phán Đảng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thực tế đó cho thấy, việc Đảng ra sức xây dựng chỉnh đốn đội ngũ của mình, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh là hết sức quan trọng và trở nên cấp bách. Nếu Đảng mạnh và có uy tín rộng lớn trong dân, trong xã hội, nội bộ Đảng đoàn kết thống nhất, lãnh đạo cấp cao của Đảng vững vàng, sáng suốt về phương hướng và bản lĩnh, quan hệ giữa Đảng với dân gắn bó mật thiết thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ giữ vững được. Điều quan trọng, cốt tử nhất là ý Đảng thuận với lòng dân. Có sự ủng hộ, giúp đỡ của dân, của toàn dân tộc thì không khó khăn nào không thể vượt qua.

Từ thực tế như vậy, cần nhất lúc này là an dân, làm yên lòng dân bằng cách quan tâm tới đời sống của dân, làm cho dân phấn khởi yên ổn làm ăn, đảm bảo những điều kiện cho dân có sự an toàn, bình ổn để phát triển. Được sự ủng hộ của dân với một đa số tuyệt đối thì sự tồn tại, phát triển và thực thi chương trình hành động của Đảng, Nhà nước với xã hội sẽ thuận lợi.

Nếu để xảy ra sự phân tâm và phân liệt trong tư tưởng, tổ chức và hành động của Đảng thì Đảng không thể đứng vững, không thể có sức sống. Nếu lại mất phương hướng và mắc sai lầm về nguyên tắc thì Đảng sẽ bị thách thức cả sinh mệnh lẫn sự tồn vong.

Hơn 20 năm về trước, chính biến ở Liên Xô, Đông Âu, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa tan vỡ, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tan rã, thể chế và quyền lực thay đổi, làm đảo lộn trật tự xã hội, gây nên sự điêu đứng trong tình cảnh sống của dân. Tất cả bắt đầu trực tiếp, khởi phát từ sai lầm chính trị nguy hiểm là từ bỏ điều 6 trong Hiến pháp Xô Viết, chấp nhận đa nguyên ý thức hệ, đa đảng phái, kể cả Đảng đối lập. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Liên Xô còn từ bỏ cả nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho Đảng nhanh chóng mất sức chiến đấu, mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền, Đảng nhanh chóng trở thành một tổ chức mà hành động ngược lại, không vì dân, chỉ vì mình (vì lợi ích nhóm ở thượng tầng). Thực tế biến dạng phũ phàng đó bộc lộ ra, đáng để cho chúng ta rút kinh nghiệm, tự mình cảnh báo chính mình về những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.

Ghi vào điều 4 trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã khó, chứng thực trong thực tiễn về Đảng phát huy vai trò như thế nào, trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội còn khó khăn gấp bội. Khó mấy cũng phải làm cho bằng được, làm cho dân tin vào phẩm chất xứng đáng và tư cách lãnh đạo, cầm quyền chính đáng của Đảng theo Hiến pháp và pháp luật, theo thể chế dân chủ-pháp quyền.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất