Đổi mới nội dung đào tào, bồi dưỡng chính ủy, chính trị viên ở Trường Sĩ quan Chính trị
Nâng cao kiến thức quân sự cho học viên tại Trường Sĩ quan Chính trị

Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, ngày 20 tháng 7 năm 2005, Bộ Chính trị (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết 51-NQ/TW "Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Nghị quyết là cơ sở để xác định vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chính ủy, chính trị viên và mối quan hệ giữa chỉ huy và lãnh đạo; xác định yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong, chế độ công tác của chính ủy, chính trị viên nói chung và xây dựng chức trách, nhiệm vụ, các yêu cầu cụ thể của từng chức danh chính ủy, chính trị viên ở mỗi cấp, ở các loại hình đơn vị, trên từng lĩnh vực hoạt động trong toàn quân nói riêng.

Trường Sĩ quan Chính trị là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cho toàn quân; trong đó đào tạo đội ngũ chính ủy, chính trị viên cho Quân đội là nhiệm vụ chính trị trung tâm. Trong những năm qua,Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính tri luôn quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, gắn với đổi mới nội dung giáo dục và đào tạo, thực hiện mục tiêu: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy, chính trị viên “vừa hồng, vừa chuyên”, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, chủ trì công tác đảng, công tác chính trị trong thực tiễn. Thực tiễn những năm qua đã cho thấy, đội ngũ chính ủy, chính trị viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã thể hiện tốt trình độ, năng lực trong công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở. Điều đó cũng khẳng định kết quả trong đổi mới nội dung giáo dục và đào tạo của Nhà trường theo hướng “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”. Tuy nhiên, trên thực tế cũng cho thấy, nội dung giáo dục và đào tạo của Nhà trường còn nhiều bất cập và chưa thực sự đổi mới: nội dung giáo trình vẫn nặng về thế giới quan, phương pháp luận mà chưa đi vào việc vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; chú trọng lý luận chính trị nhưng chưa tập trung nâng cao kiến thức, trình độ quân sự… Vì vậy, không ít cán bộ chính trị ra trường lúng túng khi gặp những vấn đề cụ thể của thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị, trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, trong tổ chức đời sống tinh thần ở đơn vị cơ sở; không ít cán bộ chính trị được đánh giá "kỹ năng nói tốt hơn thực hành", "nói khá hơn làm". Đây là mâu thuẫn giữa giáo dục, đào tạo với thực tiễn và chưa hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị. Để tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục đào tạo, gắn bồi dưỡng lý luận với thực tiễn; để các chính ủy, chính trị viên sau khi ra trường “nói tốt và làm tốt”, những vấn đề đặt ra trong đổi mới nội dung giáo dục, đào tạo cần được giải quyết đó là:

1. Nắm vững Chủ nghĩa Mác -Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách vận dụng, giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách đúng đắn và sáng tạo

Đây là yêu cầu hết sức quan trọng bảo đảm cho các chính ủy, chính trị viên không bị lúng túng trong hoạt động thực tiễn. Trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị của Nhà trường hiện mới tập trung cho việc trang bị các luận điểm, tư tưởng cơ bản, trong khi việc chỉ ra các hướng vận dụng khác nhau còn rất hạn chế, chung chung. Nội dung cần đổi mới trong giảng dạy các nội dung về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đó là làm cho người học nắm vững lý luận và biết vận dụng vào thực tiễn, không cứng nhắc, máy móc, giáo điều. Để giải quyết vấn đề này, trước hết đòi hỏi các giảng viên, giáo viên phải có trình độ chuyên sâu, có vốn thực tiễn phong phú và trách nhiệm chính trị cao.

2. Chuyên sâu các nội dung nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị và gắn với thực tiễn

Hoạt động thực tiễn của chính ủy, chính trị viên đa dạng và phong phú, nhưng để giải quyết các phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sau. Do đó, việc đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường ngoài những vấn đề chung như hiện nay cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể, phương hướng giải quyết có hiệu quả; quyền hạn, trách nhiệm và những vấn đề liên quan tới sự phối hợp giữa chỉ huy và lãnh đạo. Việc chuyên sâu nội dung giảng dạy tạo nền tảng để chính ủy, chính trị viên nắm vững được những vấn đề cụ thể ở từng lĩnh vực trong công tác đảng, công tác chính trị, đồng thời tạo dựng những kỹ năng ban đầu trong công tác. Khi được đào tạo chuyên sâu, người chính ủy, chính trị viên sẽ có được kỹ năng lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng vấn đề phát sinh, xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong công tác đảng, công tác chính trị; biết cánh xử lý các vấn đề của thực tiễn sinh động ở đơn vị cơ sở.

3. Tập trung bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, bảo đảm cho chính ủy, chính trị viên thực sự là "kiểu mẫu về mọi mặt"

Đây là yêu cầu rất cao đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng chính ủy, chính trị viên. Trong những năm vừa qua, vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đã thường xuyên được chú trọng, nội dung đan xen vào các môn học và thông qua các hoạt động của Nhà trường. Tuy nhiên, thực tiễn những năm vừa qua cũng đã có không ít cán bộ chính trị vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống làm suy giảm uy tín, thanh danh người cán bộ chính trị, ảnh hưởng không nhỏ tới cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, tới chất lượng xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, cần xác lập nội dung bồi dưỡng rèn luyện về đạo đức, lối sống cho học viên đào tạo, bồi dưỡng chính ủy, chính trị viên một cách đầy đủ, hệ thống với yêu cầu cao hơn. Các nội dung về đạo đức, lối sống đã được không ít môn học đề cập: triết học; công tác đảng, công tác chính trị; tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ nghĩa xã hội khoa học… nhưng về cơ bản là những vấn đề chung. Đã đến lúc cần có nội dung đạo đức, lối sống của chính ủy, chính trị viên được lý giải có hệ thống từ quan niệm, nội dung, yêu cầu và biện pháp tu dưỡng phấn đấu; các cấp ủy, đơn vị cụ thể hoá thành tiêu chuẩn cụ thể trong bồi dưỡng, rèn luyện học viên. Ở các nhà trường, đơn vị đã có cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; những nơi chưa xây dựng cần nghiên cứu, ban hành. Và điều quan trọng nhất là tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện, đánh giá đạo đức, lối sống của học viên hiện nay một cách khách quan, khoa học, đúng thực chất.

4. Tăng kiến thức khoa học, kỹ thuật quân sự, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy, quản lý

Đó là yêu cầu rất quan trọng giúp chính ủy, chính trị viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Thực tiễn đã khẳng định, chính ủy, chính trị viên muốn làm công tác đảng, công tác chính trị, định hướng tư tưởng, hành động tốt phải trên cơ sở có kiến thức khoa học quân sự, trình độ tổ chức chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: Chính trị của các chú biểu hiện ra trong lúc đánh giặc, nếu chính ủy, chính trị viên lúng túng trong các thao tác kỹ thuật, chiến thuật; rụt rè trong quản lý, điều hành đơn vị… tính thuyết phục của công tác tư tưởng, công tác tổ chức, lòng tin của cán bộ, chiến sĩ, tính định hướng tư tưởng, nhận thức thấp, kém hiệu quả. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị những năm qua đã thường xuyên quan tâm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật quân sự, chiến thuật, nhưng chưa đủ độ sâu, độ vững bảo đảm cho học viên khi ra trường đứng vững ở vị trí chủ trì về chính trị trong đơn vị. Cần khắc phục tình trạng hời hợt trong học tập, rèn luyện; nắm chung chung thì được, nhưng đi vào tổ chức những hoạt động quân sự cụ thể lại lúng túng. Thực tiễn đã khẳng định, lúng túng về quân sự thì không thể làm tốt công tác đảng, công tác chính trị; không thể tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đơn thuần; không thể có uy tín giữ vững vai trò chủ trì về chính trị trong đơn vị.

5. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học

Những năm vừa qua, Nhà trường đã thường xuyên chú trọng bồi dưỡng kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị và phương pháp làm việc khoa học cho học viên, bước đầu đạt kết quả khá tốt. Tuy nhiên do thời gian, chương trình, nội dung bồi  dưỡng kỹ  năng  công  tác  đảng, công tác chính trị và phương pháp làm việc khoa học chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở một số đầu việc thực hành; số lần được thực hành, thực tập ít; công cụ, phương tiện huấn luyện thiếu thốn, chủ yếu là huấn luyện lý thuyết… nên kỹ năng tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, phương pháp làm việc của người học còn lúng túng, chưa nhuần nhuyễn, thậm chí là kém. Vì vậy, để nâng cao chất lượng người học cần phải tăng các nội dung thực hành, thực tập, đi vào những hoạt động cụ thể. Đối với cấp phân đội tập trung vào viết diễn văn, viết tin, viết báo cáo, kỹ năng diễn thuyết, thuyết trình; xử lý các tình huống trong giao tiếp với các đối tượng cụ thể; tổ chức các hoạt động của các tổ chức, các lực lượng, trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau một cách khoa học. Đối với cấp chiến thuật, chiến dịch cần tăng các nội dung nghiệp vụ và phương pháp, cách thức chỉ đạo các ngành nghiệp vụ hoạt động; phương pháp, cách thức kiểm tra, thu thập, xử lý thông tin và rút ra những kết luận đúng đắn. Vừa tăng cường các nội dung, đồng thời phải vừa tổ chức tốt các hoạt động thực hành, thực tập và phát huy vai trò các hoạt động thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị để bồi  dưỡng, rèn luyện giúp người học khi ra trường thực sự vững vàng trên cương vị được giao chủ trì về chính trị trong đơn vị.

Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục hoàn thiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam" nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Bộ Chính trị đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày tái thành lập Nhà trường, đây là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề đối với Trường Sĩ quan Chính trị nơi đào tạo ra những chính ủy, chính trị viên là: những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; có tính đảng và tính nguyên tắc cao; thực sự tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ, chi bộ, và đơn vị; có đủ điều kiện và tín nhiệm làm bí thư cấp ủy. Vì vậy, đổi mới nội dung đào tào, bồi dưỡng chính ủy, chính trị viên là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình hoàn thiện nhân cách chính ủy, chính trị viên và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.


--------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006.

2. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011.

3. Tổng cục Chính trị, Tài liệu học tập, quán triệt Nghị quyết 51 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá IX, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.                              

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất