Một bước tiến trên chặng đường 5 năm

Xin đồng chí cho biết những nét nổi bật trong công tác tổ chức xây dựng đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên? Những cách làm mới của mỗi địa phương trong khu vực?

Năm 2013 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt bão lũ liên tiếp gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Trước tình hình đó, cấp ủy và ban tổ chức cấp ủy các cấp trong khu vực đã tích cực, chủ động, vượt qua khó khăn, tập trung lãnh đạo, điều hành, kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp quan trọng, những cách làm hay để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên về công tác tổ chức xây dựng đảng. Có thể kể đến những nét nổi bật sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với tiếp tục và đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban thường vụ các tỉnh, thành ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, đơn vị trực thuộc; có kế hoạch, phân công trách nhiệm và tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Chỉ đạo xử lý những tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm đã tạo được sự chuyển biến bước đầu về công tác tổ chức, cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên. Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi... là những địa phương kịp thời có các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể, tập trung chỉ đạo thực hiện khá tốt công tác tổ chức, cán bộ. Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định và TP. Đà Nẵng chỉ đạo công tác cơ sở, sinh hoạt đảng, đảng viên bằng nhiều biện pháp thích hợp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Những kết quả bước đầu sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo được niềm tin của nhân dân.

Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo, chủ động tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.  Ban Tổ chức các tỉnh, thành uỷ  kịp thời quán triệt các kết luận, hướng dẫn của Trung ương, tham mưu cho ban thường vụ các tỉnh, thành ủy ban hành kế hoạch, hướng dẫn và triển khai thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch BCH, ban thường vụ tỉnh, thành ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, sát với tình hình đội ngũ cán bộ của địa phương. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đề xuất đưa vào danh sách dự nguồn được chú ý và thực hiện chặt chẽ, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ là người dân tộc đã được các địa phương coi trọng. Cơ cấu 3 độ tuỏi trong quy hoạch các chức danh, phương châm " động" và " mở" được nhận thức và thực hiện tốt hơn so với trước đây. Kết quả quy hoạch cán bộ của các địa phương cho thấy: số lượng, chất lượng cán bộ được quy hoạch cao hơn nhiệm kỳ trước, đảm bảo hệ số dư, tỉ lệ nữ, trẻ theo quy định.Thừa Thiên -Huế, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum... thực hiện khá tốt công tác này, tạo cơ sở để chủ động và tích cực thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ.

Toàn khu vực đã quy hoạch 1.240 đồng chí vào BCH đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, đạt hệ số 1,7 lần so với số lượng uỷ viên BCH đương nhiệm. Trong đó, tỉ lệ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 25,4%, nữ 20,4%, dân tộc thiểu số 10,6%, trình độ đại học trở lên đạt 99%. Quy hoạch ban thường vụ tỉnh, thành ủy 331 đồng chí, đạt hệ số 1,7 lần, trong đó, tỉ lệ trẻ 11,5%, nữ 17,2%, dân tộc thiểu số 14,8%, trình độ đại học trở lên đạt 99,4%. Quy hoạch chức danh bí thư tỉnh, thành ủy 39 đồng chí, trong đó, trẻ chiếm 7,7%, nữ 2,6%, dân tộc thiểu số 12,8%, trình độ đại học trở lên đạt 100%. Quy hoạch chức danh chủ tịch UBND tỉnh, thành phố 40 đồng chí, trong đó trẻ chiếm 7,5%, nữ 2,5%, dân tộc thiểu số 5%, trình độ đại học trở lên đạt 100%. Đối với cấp huyện, quy hoạch cán bộ nữ, trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số có tỉ lệ cao. Chẳng hạn, quy hoạch BCH có tỉ lệ nữ 22%%, cán bộ trẻ 22,8%, dân tộc thiểu số 15,1%; quy hoạch ban thường vụ có tỉ lệ nữ 19,3%, dân tộc thiểu số 15,5%; quy hoạch chức danh bí thư có tỉ lệ nữ 7,6%, dân tộc thiểu số 15,1%; quy hoạch chức danh chủ tịch UBND có tỉ lệ nữ 5,9%, dân tộc thiểu số 14,1%. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch có tỉ lệ cao. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trang khép kín, tỉ lệ về cơ cấu, thành phần chưa đạt. Một số trường hợp có liên quan đến vấn đề về lịch sử chính trị chưa được rà soát, thẩm định, kết luận trước khi giới thiệu vào danh sách quy hoạch. Một số nơi trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, quy hoạch ban thường vụ cấp uỷ một số địa phương tỷ lệ cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu, sự liên thông trong quy hoạch cán bộ các cấp có mặt còn hạn chế...

Vụ Địa phương II đã tăng cường trách nhiệm, bám sát quá trình thực hiện của các tỉnh, thành để tham gia ý kiến, hướng dẫn việc thực hiện,  chủ động thẩm định, tham mưu đề xuất lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương có quyết định phê duyệt quy hoạch kịp thời. Quyết định phê duyệt BCH, ban thường vụ tỉnh, thành uỷ và các chức danh diện Trung ương quản lý là cơ sở quan trọng để thực hiện các khâu tiếp theo của công tác cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã kịp thời có kế hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng  để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, chủ động tạo nguồn nhân sự và tích cực chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới.

Triển khai lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18-02-2013 của Bộ Chính trị. Ngay sau khi Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các quy định, nghị quyết, hướng dẫn về lấy phiếu tín nhiệm, ban thường vụ các tỉnh, thành uỷ đã xây dựng các quy định, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện. Đến nay, 13/13 tỉnh, thành phố đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh, thành phố bầu; 4/13 tỉnh ủy (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên) lấy phiếu tín nhiệm đối với ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy và 4/13 tỉnh (Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum) đã lấy phiếu tín nhiệm ở các  sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, cơ sở. Đối với cán bộ chủ chốt diện Trung ương quản lý, hầu hết đều có tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm trên 80%; nhiều đồng chí không có phiếu tín nhiệm thấp, kể cả lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị tỉnh ủy và trong kỳ họp HĐND.

Lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc, đối tượng, quy trình, đảm bảo dân chủ, minh bạch, công khai. Kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh thực chất, khách quan mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm và năng lực thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 về công tác tổ chức xây dựng đảng. Hầu hết, các tỉnh, thành ủy trong khu vực đã tiến hành hội nghị sơ kết và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ đánh giá những mặt làm được và chưa được, đề ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội các cấp đã đề ra. Quảng Trị, Bình Định, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam… đã có sự chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc từ cơ sở, đánh giá sát với tình hình thực tế của địa phương.

Trong năm qua, các địa phương cũng thực hiện kịp thời, đồng bộ và đạt kết quả khá tốt các nhiệm nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể: Thành lập và đưa ban nội chính tỉnh, thành ủy đi vào hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo phân cấp và thẩm quyền quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách cán bộ theo đúng qui định, kịp thời đáp ứng yêu cầu kiện toàn toàn đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tốt. Các địa phương chú trọng  xây dựng, ban hành các đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.

Nét mới là các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hoà tích cực thực hiện các giải pháp tạo nguồn cán bộ, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi đào tạo rồi bố trí công tác ở cấp xã. TP. Đà Nẵng tuyển chọn, cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, tiếp nhận và phân công nhiệm vụ để rèn luyện, thử thách, chủ động tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới. Quảng Nam, Đăk Nông ban hành và đánh giá cán bộ theo Quy định về tiêu chuẩn chức danh. Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa X) “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Quảng Nam với cách làm mới đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, các buổi hội thảo, điều tra xã hội học, lấy ý kiến góp ý từ các đảng viên trong các loại hình chi bộ… để có cái nhìn tổng quát, sát với thực tế nhất. Từ đó đề ra các giải pháp thiết thực khắc phục những hạn chế. Đà Nẵng, Bình Định thực hiện khá tốt việc xây dựng các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các loại hình doanh nghiệp.

Năm 2014, những nội dung nào trong công tác tổ chức xây dựng đảng cần chú trọng, thưa đồng chí?

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức xây dựng đảng, năm 2014 cần tiếp tục  thực hiện đồng bộ các chủ trương, qui định, hướng dẫn của Trung ương, trong đó trọng tâm là các giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đứcHồ Chí Minh. Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của BCH Trung ương (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở". Tích cực và chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho việc tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhất là chuẩn bị công tác nhân sự đại hội một cách chặt chẽ, đúng nguyên tắc và có chất lượng. Đồng thời chú trọng thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, “xóa” thôn, buôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Luôn chú trọng, quan tâm việc xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Nhất là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng các cấp nhằm đáp  ứng và hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao phó.

Theo đồng chí, đóng góp tích cực của những người làm công tác tổ chức cán bộ được thể hiện như thế nào trong kết quả đạt được và thực hiện nhiệm vụ sắp tới?

Theo tôi, đó là tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện của ban tổ chức cấp ủy các cấp. Cụ thể, tập thể và từng cá nhân làm công tác tổ chức xây dựng đảng đã luôn cố gắng, nghiên cứu kỹ các văn bản mới, đầu tư suy nghĩ, chủ động và nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, đóng góp tích cực hoàn thành khối lượng lớn công việc với yêu cầu cao về chất lượng và thời gian. Theo dõi, nắm rõ tình hình thực tế, hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ tổ chức xây dựng đảng đồng bộ, kịp thời, có chất lượng. Thường xuyên bám sát địa bàn, báo cáo phản ánh và tham mưu, đề xuất đúng, thể hiện được chính kiến, bản lĩnh, trách nhiệm, sự công tâm, khách quan của mình, nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ. Kịp thời hướng dẫn, cung cấp kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác để nghiên cứu, vận dụng.  

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Địa phương II đã tăng cường trách nhiệm, bám sát quá trình thực hiện của địa phương để tham gia ý kiến, hướng dẫn việc thực hiện, chủ động thẩm định, tham mưu đề xuất lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương. Khi triển khai hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên ở khu vực, Vụ Địa phương II  tích cực bám sát địa bàn để đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, góp ý và cùng với địa phương triển khai thực hiện; trao đổi, giới thiệu về những kinh nghiệm, cách làm hay của những địa phương khác để có sự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, kính chúc bạn đọc, cộng tác viên của Tạp chí, các đồng chí  Ban Biên tập cùng toàn thể phóng viên, biên tập viên, công chức Tạp chí Xây dựng Đảng lời chúc sức khỏe, an khang thịnh vượng, chúc Tạp chí ngày càng lớn mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn Đồng chí, chúc Đồng chí sức khỏe, tiếp tục đạt nhiều thành tích  mới, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thủy Anh (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất